Nguyên nhân ốc biển trôi dạt nhiều vào bờ sau bão số 5

Thứ Hai, 28/09/2020, 08:31
Sau gần một tuần tiến hành xét nghiệm các mẫu ốc biển bị dạt vào bờ sau bão số 5 và nước biển ở các bãi biển có ốc trôi vào, cơ quan chức năng tỉnh Quảng Bình khẳng định: Chất lượng nước biển đều ở ngưỡng an toàn, các loại hải sản dạt vào một số bờ biển là yếu tố tự nhiên, do mưa bão.


Theo đó, ngày 27-9, Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình cho biết, chất lượng nước biển tại các bờ biển nơi có hàng chục tấn ốc xoắn trôi dạt vào sau bão số 5 như ở xã Quảng Phúc, thị xã Ba Đồn, xã Thanh Trạch, huyện Bố Trạch và xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới đều ở ngưỡng an toàn.

Theo lý giải của lãnh đạo Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Quảng Bình: Nguyên nhân khiến ốc xoắn dạt vào bờ hàng loạt có thể do tác động của bão số 5 khiến chấn động tầng đáy, từ đó các loại ốc nổi lên, theo sóng dạt vào bờ.

Còn ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản tỉnh Quảng Bình cho biết: hiện tượng ốc xoắn dạt vào bờ biển Quảng Bình là hiếm thấy nhưng không phải bất thường, vì đã được ghi nhận xảy ra nhiều lần trước đó ở các bãi biển khác. Ngay sau khi hiện tượng ốc xoáy trôi dạt nhiều vào các bờ biển, chiều 21-9, tỉnh Quảng Bình đã lập Đoàn kiểm tra liên ngành do Chi cục Thủy sản tỉnh chủ trì đã đi thực tế, ghi nhận tình hình tại một số xã biển.

Tại bờ biển của 3 xã Quảng Đông, Quảng Xuân, huyện Quảng Trạch và Thanh Trạch, huyện Bố Trạch, đoàn đã ghi nhận có lượng ốc dạt vào dày đặc, số lượng rất lớn, ước tính hơn 10 tấn ốc còn sống dạt vào bờ biển. Đoàn liên ngành đã lấy mẫu nước biển, ốc để làm các xét nghiệm, đồng thời khuyến cáo người dân hạn chế tiêu thụ và chế biến loại hải sản trôi dạt này. Cũng theo ông Lê Ngọc Linh, ốc xoắn là loài hải sản thông thường, sống ở vùng đáy cách bờ biển khoảng từ 2-2,5km, được ngư dân khai thác nhiều để tiêu thụ trên thị trường.

Sau bão số 5, ốc biển trôi dạt nhiều vào bờ có thể là do lượng nước ngọt ở các cửa sông đổ ra biển nhiều làm giảm độ mặn, làm ốc suy yếu, không bám chặt được vào đáy biển nên bị sóng đánh dạt nhiều vào bờ. Ông Nguyễn Viết Hùng, Trưởng phòng Quản lý khai thác và Phát triển nguồn lợi thủy sản, Chi cục Thủy sản tỉnh Hà Tĩnh cho biết thêm, hiện tượng ốc, ngao, sò mai hay các loại nhuyễn thể dạt vào bờ sau bão là hiện tượng bình thường, từng xảy ra tại địa phương này.

S.Lam-L.Hồng
.
.
.