Nhiều dịch vụ 'chặt chém' trong ngày Tết tại Hà Nội

Thứ Ba, 24/02/2015, 10:47
Ngày Tết, giá dịch vụ ăn uống, gửi xe ở Hà Nội, nhất là gần các điểm di tích lịch sử văn hóa, danh lam thắng cảnh, nơi vui chơi đều bị đội lên nhiều lần so với ngày thường. Không có lực lượng kiểm tra, giám sát nên người kinh doanh mặc sức thu tiền.

Đáng nói nhất là giá vé gửi ôtô, xe máy ngày Tết đều thu gấp chục lần, thậm chí hơn chục lần so với quy định. Mùng 3 Tết, dòng người đổ về Văn Miếu – Quốc Tử Giám đông đến mức phải chen chân mà đi. Các bãi xe trên vỉa hè đường Tôn Đức Thắng, đường Văn Miếu chật ních, bãi nào cũng thu 20.000đ/xe máy, ôtô: 70.000đ/lượt. Tuy thế cũng chưa thu cao bằng bãi gửi xe trong Hoàng thành Thăng Long, thu tới 30.000đ/lượt xe máy. Mùng 4 Tết, khi tới đây, không chỉ chúng tôi, mà nhiều du khách đã ngỡ ngàng khi giá vé gửi xe thu quá cao...

Ngày Tết, người đi lễ đền, chùa, đi tham quan tại các điểm di tích lịch sử văn hóa rất đông, dẫn đến các bãi gửi xe bị quá tải. Lấy lý do ngày Tết, các bãi gửi xe này đều thu giá “trên trời” và người dân phải bấm bụng chấp nhận. Bãi gửi xe ở Công viên Thủ Lệ vào ngày lễ thường thu 10.000đ/xe máy nhưng ngày Tết tăng lên 15.000đ/xe.

Khách vào đền Quán Thánh, Phủ Tây Hồ đều phải trả từ 15.000-20.000đ/xe máy. Đặc biệt, vào đêm giao thừa, giá vé gửi xe còn bị đội lên tới 25.000đ/xe máy. Nơi rẻ nhất cũng thu 10.000đ/xe. Tại khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm, sáng 23/2, tức mùng 5 Tết, lượng người đổ về đây khá đông để đi bộ thưởng ngoạn. Tại khu vực trước cửa Bưu điện Bờ Hồ, tượng đài Lý Thái Tổ…, gần chục các bãi trông giữ xe chăng dây treo biển “Trông xe”.

Nhiều người ngỡ ngàng khi tới tham quan Hoàng thành Thăng Long phải gửi xe máy 30.000đ/lượt (Ảnh chụp ngày mùng 4 Tết).

Bãi trông xe trước cửa Bưu điện Bờ Hồ đã chật kín xe gửi. Và, giá vé gửi xe tại đây cũng khá “chát”: 20.000đ/lượt. Cách đó không xa, dọc đường Đinh Tiên Hoàng, Tượng đài Lý Thái Tổ, liên tiếp các bãi trông giữ xe có nhân viên ra tận lòng đường để vẫy khách. Giá vé gửi xe tại đây cũng lên 20.000 đồng/lượt, gấp gần chục lần so với giá vé quy định. Cũng giống như các địa điểm vui chơi khác, giá vé gửi xe máy tại cổng Công viên Thống Nhất cũng được các chủ trông giữ nâng lên 10.000đ/lượt.

Không chỉ giá vé gửi xe, mà nhiều dịch vụ ăn uống ở các lễ hội, hàng ăn sáng đều tăng tới chóng mặt. Một bán bún riêu cua, bún ốc ở khu vực phố cổ đội giá lên tới 60.000đ. Trong các ngõ, ngách nhỏ, bún ốc, bún riêu, bún cá ngày Tết đều tăng từ 30-50%...

Mặc dù trước Tết, TP Hà Nội đã chấn chỉnh việc tăng giá trông giữ xe, tuy nhiên năm nào cũng vậy, tại các điểm vui chơi, di tích lịch sử, sự “chặt chém” giá vé gửi xe gấp nhiều lần vẫn diễn ra ngang nhiên. Thử làm một phép tính về sự “đội” giá này thì tại mỗi bãi trông giữ xe thu lời lên tới hàng chục triệu đồng mỗi ngày. Tiền này bỏ túi ai? Các cơ quan chức năng, chính quyền địa phương giám sát, kiểm tra ở đâu trong khi người dân, khách tham quan phải chịu thiệt đơn, thiệt kép?      

Nhật Minh - Đình Phương
.
.
.