Những nữ ngư phủ bước qua 'lời nguyền'

Chủ Nhật, 08/03/2015, 09:01
Bằng sự chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, bằng tình yêu thương của mình đối với chồng, con, nhiều phụ nữ làng biển Đại Lộc (Quảng Trị) đã dũng cảm phá bỏ được định kiến vốn đã trở thành “lời nguyền” không căn cứ …

Cách đây 20 năm, ngư dân làng biển Đại Lộc, xã Gio Việt (nay là khu phố 4, thị trấn Cửa Việt, huyện Gio Linh, Quảng Trị) quan niệm, đi biển mà gặp phụ nữ là điều không may mắn. Rằng, vợ cũng chỉ được phép ngồi bờ tiễn chồng và đón chồng trở về chứ không được phép lên thuyền, thậm chí không được đụng vào con thuyền khi người chồng ra khơi...

Nhưng rồi bằng sự chia sẻ những khó khăn trong cuộc sống, bằng tình yêu thương của mình  đối với chồng, con, nhiều phụ nữ làng biển Đại Lộc đã dũng cảm phá bỏ được cái định kiến vốn đã trở thành “lời nguyền” không căn cứ ấy…

Bà Lụa chuẩn bị ngư lưới cụ để ra khơi cùng chồng.

Một lần trà dư tửu hậu với người bạn quê Đại Lộc, tôi tìm về làng biển Đại Lộc và gặp được lão ngư Lê Chí Thanh. Đã ngoài 60 tuổi, có thâm niên hơn 40 năm đi biển, ông Thanh là người rất am tường phong tục, tập quán của bà con ngư dân ở đây.

Tìm hiểu chuyện cũ, ông trầm ngâm một lúc rồi nói: “Hồi trước, cũng như nhiều làng biển khác, người dân làng biển này kiêng cữ nhiều thứ lắm. Có lẽ, cuộc sống mưu sinh lênh đênh trên biển luôn phải đối mặt với hiểm họa đã khiến ngư dân có quan niệm "có thờ có thiêng, có kiêng có lành" mà ra cả. Nhưng 20 năm nay mọi thứ đã khác xưa lắm rồi! Khu phố 4 bây giờ đã có hơn 20 chị em cùng chồng làm nghề biển. Những căn nhà xây khang trang, những em học sinh, sinh viên học hành đỗ đạt, có nghề nghiệp ổn định… đều nhờ vào công sức, sự hy sinh không nhỏ của các chị em cả đấy!”.

Ông Thanh đưa mắt ngắm nhìn những căn nhà cao tầng, khu phố sầm uất phía trước mặt, nói với tôi mà như nói với chính mình: “Phụ nữ bên cạnh giữ gìn, chăm lo tổ ấm gia đình, họ còn là lực lượng trực tiếp làm ra đồng tiền, của cải khác từ những công việc nặng nhọc không kém gì đàn ông!”... 

Ngư phủ Nguyễn Thị Lụa tâm sự: “Tui quê ở biển, nhưng hồi còn con gái chưa một lần được đụng tới con thuyền. Sau này lấy chồng, thấy nhà chồng neo người, chồng đi biển rất vất vả nên tui đã bàn với chồng cho cùng đi. Lúc đầu chồng tui do dự lắm, nhưng thấy tui quyết tâm quá nên đành chiều theo ý vợ. Mấy chuyến đầu, thuyền ra khơi một lúc là tui bắt đầu say sóng, ói mửa suốt. Nhưng sau đó thì quen dần cho đến lúc mọi công việc đánh bắt cá, tôm, kéo lưới tui đều làm được cả”.

Nghề biển nặng nhọc và luôn phải đối mặt với hiểm nguy. Có một lần ra khơi mới hiểu hết bao vất vả! Mỗi chuyến ra khơi đánh bắt, khi đến nơi, người chồng cầm lái con tàu, còn vợ cùng bạn thuyền buông lưới… Thường cứ thế suốt đêm đến sáng mới nghỉ ngơi.

Đang thoăn thoắt vá lưới, bà Ngô Thị Khoái (hàng xóm bà Lụa) góp chuyện: “Mặc dù là đánh bắt gần bờ nhưng nhiều hôm cũng thót tim vì lốc, tố kéo đến bất ngờ. Có hôm buông lưới xong vợ chồng tui tranh thủ nghỉ ngơi để chờ đến nửa đêm kéo lưới lên. Thấy trời yên, biển lặng, hai vợ chồng tranh thủ lim dim mắt một chút cho đỡ mệt. Chỉ khoảng một tiếng đồng hồ sau, mây kéo đen kịt cả bầu trời, gió thổi làm thuyền chao đảo mạnh. Biết gặp lốc, tố, hai vợ chồng chỉ kịp nói với nhau là vứt lưới để nhanh chóng cho thuyền vào bờ; chứ thuyền nhỏ thì làm sao kham nổi những đợt sóng cao vài mét đổ ập xuống…".

Ông Trần Đình Mãn, Phó Chủ tịch UBND thị trấn Cửa Việt nhìn nhận: “Nhiều năm nay, những chị em phụ nữ ở đây đã thay đổi được nếp nghĩ, cách làm của không ít người dân ở làng biển Đại Lộc. Sự dũng cảm của họ đã cùng chồng, con mưu sinh ổn định cuộc sống gia đình, góp phần vào phát triển kinh tế-xã hội địa phương”.

Phan Thanh Bình
.
.
.