Vụ sập nhà 43 phố Cửa Bắc: Trách nhiệm quản lý ở đâu?

Thứ Bảy, 06/08/2016, 08:51
Nhà số 41 chỉ mới được cấp phép sửa nhưng đã tiến hành phá dỡ và đào móng, Vậy trách nhiệm của UBND phường Trúc Bạch đến đâu trong vụ này? PV liên lạc nhưng Phó Chủ tịch phường kêu bận.


Sự cố sập ngôi nhà 3 tầng số 43 phố Cửa Bắc (phường Trúc Bạch, quận Ba Đình), để lại hậu quả là rất lớn khi có 2 nạn nhân đã tử vong. Công an quận Ba Đình bước đầu đã xác định được nguyên nhân là do nhà kế bên (nhà số 41) thi công dẫn đến vỡ ống nước, sụt lở móng. Trước dấu hiệu phạm pháp hình sự, cơ quan CSĐT Công an quận Ba Đình đã đề xuất khởi tố vụ án "Vi phạm quy định về xây dựng gây hậu quả nghiêm trọng".

Vụ sập nhà số 43 phố Cửa Bắc đã gây hậu quả nghiêm trọng.

Tuy nhiên, từ câu chuyện sập căn nhà số 43 phố Cửa Bắc này và từ những vụ sập nhà gây hậu quả nghiêm trọng trước nữa như sập nhà số 47 Huỳnh Thúc Kháng, rất nhiều câu hỏi được đặt ra về công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị.

Chiều 5- 8, có mặt tại hiện trường vụ sập ngôi nhà 3 tầng số 43 phố Cửa Bắc, đống đổ nát đang được cơ quan chức năng thu dọn. Đặc biệt tại hiện trường, chiếc máy xúc thi công đào móng nhà số 41 kế bên bị nhà số 43 đổ xuống đè bẹp rúm cũng đã được cẩu lên. Theo báo cáo kết quả điều tra ban đầu của Công an quận Ba Đình, nguyên nhân dẫn đến sập nhà được những người liên quan khai nhận do quá trình thi công nhà 41 làm vỡ ống nước, dẫn đến sụt lở móng nhà số 43.

"Mặt khác, nhà 43 xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước không có kết cấu bê tông nên nhà rất yếu", báo cáo kết quả điều tra nêu. Hồ sơ điều tra cho biết, nhà số 41 nằm kế bên ngôi nhà bị sập đã xây dựng gần 40 năm nên xuống cấp trầm trọng.

Ngày 7-7, nhà 41 thuê thợ tháo dỡ để xây lại nhà. Khi tháo xong phần mái nhà thì bị Thanh tra xây dựng Ba Đình đình chỉ vì không có giấy phép. Tuy nhiên sau đó hồ sơ xin phép, sửa chữa nhà đã được UBND quận Ba Đình chấp thuận vào ngày 2-8. Khi có giấy phép, nhà 41 tiến hành thi công đào móng thì xảy ra việc sập nhà số 43.

Tuy vậy, xung quanh việc sập ngôi nhà 43 Cửa Bắc này, trao đổi với PV Báo CAND, ông Nguyễn Quang Huy, Trưởng phòng Quản lý kỹ thuật và giám định chất lượng (Sở Xây dựng Hà Nội) cho biết, tất cả phải chờ kết luận chính thức từ các cơ quan chức năng. Đề cập đến giấy phép xây dựng của ngôi nhà số 41 kế bên, ông Huy cho biết hồ sơ do quận Ba Đình quản lý.

“Theo tôi được biết thì nhà này mới chỉ được quận cho phép sửa chữa. Thực ra nó không phải là giấy phép mà chỉ là giấy chấp thuận cho phép sửa chữa. Giấy phép để xây nhà mới hoàn toàn khác. Nếu mới chỉ được cho phép sửa chữa mái, mà đi phá nhà, rồi đào móng thì hoàn toàn không được. Cái này thì nhà 41 đã sai, vì nhà đã phá ra rồi”, ông Huy cho biết.

Đây câu hỏi đặt ra là nếu như nhà số 41 chưa có giấy phép xây dựng mà đã tiến hành phá dỡ và đào móng, liệu UBND phường Trúc Bạch có nắm được sự việc này không? Và nếu đúng là như thế thì có rất nhiều câu hỏi đặt ra đối với công tác quản lý trật tự xây dựng đô thị trên địa bàn phường này.

Để tìm câu trả lời, PV đã liên lạc với ông Nguyễn Xuân Minh, Phó Chủ tịch UBND phường Trúc Bạch để gặp và trao đổi, nhưng sau vài cuộc điện thoại vừa nghe đã đột ngột tắt máy, đến cuối giờ chiều ông Minh nghe máy nhưng tiếp tục báo bận. PV sẽ tiếp tục liên lạc để tìm hiểu rõ sự việc.

Xung quanh vụ việc, trao đổi với PV, luật sư Trần Quang Khải, Trưởng văn phòng Luật sư Tâm Phát (Đoàn Luật sư Hà Nội) cho biết, còn phải chờ kết luận cuối cùng của các cơ quan chức năng về nguyên nhân dẫn đến vụ việc. Tuy nhiên, nếu cơ quan chức năng kết luận nguyên nhân dẫn đến vụ việc là do ngôi nhà số 41 tiến hành đào móng xây dựng thì chủ nhà này sẽ phải chịu trách nhiệm.

“Hoạt động xây dựng là một hoạt động đặc biệt, có điều kiện, mà Nhà nước quản lý chặt chẽ bằng Luật Xây dựng, Nghị định, Thông tư và các quyết định của các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Việc người dân xây dựng nhà ở riêng lẻ, không tuân thủ các quy định trên, dẫn đến hậu quả gây thiệt hại tài sản cho các hộ liền kề thì sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường theo các quy định của Bộ luật Dân sự. Trường hợp nghiêm trọng gây chết người, thì tùy từng trường hợp sẽ bị khởi tố và chịu trách nhiệm hình sự”, luật sư Trần Quang Khải cho biết.

Hiện trường hợp cụ thể của ngôi nhà 43 phố Cửa Bắc bị đổ sập gây hậu quả nghiêm trọng, hiện tất cả mới chỉ được biết thông tin qua báo chí phản ánh. Nguyên nhân của vụ sập nhà mới chỉ có kết quả xác định bước đầu của Công an quận Ba Đình, phải chờ các cơ quan chức năng điều tra và có kết luận cuối cùng.

Xét trên cơ sở luật pháp, luật sư Trần Quang Khải cho rằng nếu nguyên nhân là do ngôi nhà số 41 liền cạnh thì chủ sở hữu ngôi nhà này phải có trách nhiệm đền bù những tổn hại về vật chất cho các chủ sở hữu bất động sản liền kề theo điều 267 và điều 268 của Bộ luật Dân sự.

“Trường hợp các bên không thỏa thuận được mức bồi thường thì các bên có thể khởi kiện vụ án đòi bồi thường thiệt hại ra tòa để nhờ tòa án giải quyết”, luật sư Trần Quang Khải phân tích.

“Tuy nhiên còn một vấn đề đặt ra ở đây nữa là sự việc gây hậu quả rất nghiêm trọng. Do đó trường hợp nếu nhà 41 bên cạnh xây dựng không phép, vi phạm các quy định gây hậu quả nghiêm trọng thì có thể truy cứu trách nhiệm hình sự theo điều 229, Bộ luật Hình sự. Điều này đã quy định rất chi tiết, nếu người nào vi phạm quy định về xây dựng gây thiệt hại cho tính mạng hoặc gây thiệt hại nghiêm trọng sức khỏe, tài sản của người khác, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, cải tạo không giam giữ ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến năm năm. Gây hậu quả rất nghiêm trọng thì có thể bị phạt tù từ ba năm đến mười năm. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ tám năm đến hai mươi năm”, luật sư Trần Quang Khải nói.

Phan Hoạt
.
.
.