Thuốc BVTV ở miền ngược: Bán mua vô tội vạ

Thứ Tư, 27/04/2016, 14:40
 Thị trường thuốc bảo vệ thực vật (BVTV) ở các phiên chợ vùng cao đang phát triển tự phát không ai quản lý đáng lo ngại bởi nhu cầu mua bán và cách sử dụng vô tội vạ...

Vừa bán thuốc BVTV vừa bán thức ăn giữa chợ

Có cầu ắt có cung. Hai huyện Bắc Hà và Si Ma Cai (Lào Cai) là hai “thiên đường trôi nổi” của thuốc BVTV ở Tây bắc. Sôi nổi nhất là các phiên chợ vào các ngày cuối tuần. Chúng tôi đến chợ huyện Simacai vào ngày chủ nhật đếm sơ sơ cũng có gần 30 điểm mua bán mặt hàng này (ước tính có cả ngàn lít thuốc được bày bán), mỗi chợ xã như Lùng Phình, Cán Cấu… cũng có ít nhất 10 điểm. Được biết, chợ Lù Dì Sán (Si Ma Cai) là chợ nổi tiếng ở khu vực Tây Bắc khi là địa điểm trung chuyển thuốc BVTV nằm ở vị trí giáp ranh giữa Trung Quốc với huyện Si Ma Cai và Xín Mần (Hà Giang).

Thuốc BVTV bán như rau.

Bên cạnh những mặt hàng thuốc BVTV được sản xuất từ các công ty Việt Nam, tại các chợ này xuất hiện nhiều loại thuốc nhãn mác Trung Quốc đa dạng như dung dịch, bột, đủ kích cỡ và trọng lượng. Ở đây, thuốc BVTV có xuất xứ Trung Quốc giá rẻ hơn gấp nhiều lần hàng sản xuất tại Việt Nam. Cùng dung tích 0,9l, nếu của Việt Nam người mua phải trả 60.000 đồng thì của Trung Quốc chỉ mất có ... 20.000 đồng!. Gần 30 quầy bán thuốc BVTV trong chợ đều là tự phát và tất nhiên không được cấp phép.

Mặt hàng độc này được bày bán khắp chợ như hàng rau, không địa điểm cố định, không quầy, không tủ, xếp la liệt trên những tấm ván kê tạm hoặc tấm bạt trải dưới đất. Trời nắng như rang vẫn vô tư không cần che đậy, mà có che cũng là cho người bán là chủ yếu. Kẻ bán người mua vẫn tấp nập mặc cả, cười nói, ăn uống như bình thường.

Mía, thịt dê và đậu phụ bị kẹp giữa hai bên thuốc BVTV. Người bán thực phẩm tay ngang bán thuốc.

Thuốc độc không có khu kinh doanh riêng mà điểm bán tự phát nằm cạnh hàng quần áo, hàng xén, thậm chí là hàng thực phẩm như bánh kẹo, quầy phở, thịt… Ông Ma Seo Diu- Chủ tịch UBND xã Lùng Phình, huyện Si Ma Cai cho biết: “Vì xã đang trong quá trình xây dựng chợ mới nên tại chợ tạm này không phân được khu bán thuốc trừ cỏ. Hơn nữa, xã không phải cơ quan chuyên trách nên chỉ có thể phối hợp với cơ quan chức năng mỗi khi có chiến dịch, kế hoạch.”

Chủ hàng hầu hết là đồng bào dân tộc thiểu số, và nhiều người không nói được (hoặc nói được rất ít) tiếng phổ thông. Như bà Ly Thị Dở, 64 tuổi người Mông nói rằng bà đã bán thuốc ở chợ Si Ma Cai nhiều năm nhưng vẫn cần phiên dịch là cô cháu gái chừng hơn mười tuổi.

Với chai thuốc nhãn mác chữ Trung Quốc này,  anh Cư A Cử nói mỗi đốt trên thân chai là pha một bình, còn một người bán khác nói chia làm đôi.

Đối tượng tiêu thụ thuốc BVTV chính là đồng bào dân tộc. “Mùa nào thức nấy” là công thức được áp dụng triệt để cho mỗi vụ. Hiện đang mùa làm nương để tra ngô, thuốc diệt cỏ là thứ chính để làm sạch đất trước khi trồng. Mùa lúa sẽ còn đa dạng hơn như thuốc trừ sâu, thuốc trừ bệnh, thuốc trừ cỏ, thuốc trừ chuột, thuốc điều hòa sinh trưởng, dẫn dụ côn trùng, thuốc trừ ốc… Không biết đồng bào vùng cao sẽ xoay sở ra sao giữa “ma trận” thuốc BVTV như thế này?

Chị Hoàng Thị Nhung, một người dân ở xã Lùng Phình cho biết: “Việc mua bán thuốc BVTV diễn ra từ lâu và ngày càng nhiều người lạ đến bán. Họ hướng dẫn sử dụng cho người mua bằng kinh nghiệm còn người dân mua thuốc bằng lòng tin. Người ta kiểm tra thuốc bằng việc mở nắp chai ra ngửi thử là chuyện bình thường”.

Khó quản lý

Không có các kiến thức cơ bản về bảo quản, sử dụng và bảo hộ, người dân lạm dụng thuốc BVTV rồi xả rác độc hại bừa bãi ra môi trường là thực trạng rất đáng báo động, tuy hậu quả nghiêm trọng về sau chưa biểu hiện ra nhưng đã có biểu hiện ngay tức thời.

Ngày 10-4 mới đây, tại công trường thi công thủy lợi tại xã Cán Hồ, 8 công nhân đã bị ngộ độc thuốc BVTV phải đưa đi cấp cứu sau khi uống nước lã tại thùng chứa nước ngoài trời tại nhà trọ. Nghi ngờ nguyên nhân do người phun thuốc BVTV khi trời gió lớn, bất cẩn gây nhiễm độc trong quá trình pha chế thuốc tại nguồn nước mà công nhân sử dụng.

Tốp công nhân bị ngộ độc sau khi điều trị tích cực tại bệnh viện Simacai đã làm việc trở lại nhưng sức khỏe vẫn chưa hoàn toàn hồi phục. Thùng nước bị nhiễm độc đã thau rửa và vẫn được sử dụng lại.

Anh Bùi Văn Dư, công nhân bị ngộ độc nặng trong vụ việc trên lo lắng: “ Sau khi uống nước khoảng nửa tiếng tôi thấy nửa đầu đau nhức, bụng đau quặn và nôn liên tục. Dù đã được rửa ruột và giải độc ngay nhưng tôi rất lo lắng sau này sức khỏe của mình cũng bị ảnh hưởng”.

Anh còn cho biết thêm chỉ trong vòng một tháng thuê trọ, chủ nhà đã phun thuốc BVTV hai lần xung quanh nhà. Không biết cụ thể là thuốc gì nhưng cỏ đều chết hết, mùi thuốc hôi và rất khó chịu đến nhiều ngày sau.

Một em bé hồn nhiên ngồi chơi và ăn giữa hai hàng thuốc BVTV giữa trời nắng tại chợ Simacai.

Một cán bộ Trung tâm Y tế dự phòng huyện Si Ma Cai cho biết, có nhiều người bị mắc ung thư, chủ yếu là ung thư vòm họng và ung thư thực quản. Mặc dù vậy, đời sống người dân ở đây còn khó khăn nên việc thăm khám, phát hiện và điều trị sớm còn rất hạn chế. Ngoài ra, các vụ ngộ độc thuốc BVTV trên địa bàn vẫn thường xảy ra.

Chưa cần nói đến chuyện thuốc thật- giả, được phép- bị cấm kinh doanh trong số các mặt hàng thuốc BVTV hiện đang được mua bán sôi nổi tại các chợ trên, chỉ riêng việc kiểm tra, giám sát, quản lý thiếu chặt chẽ của các cơ quan chức năng đã tạo lỗ hổng cho những bất cập lớn.

Ông Nguyễn Đình Khánh- Trạm trưởng trạm trồng trọt và bảo vệ thực vật huyện Si Ma Cai cho biết thêm: “Muốn làm quyết liệt thì cần phải có sự vào cuộc của tất cả các cơ quan liên quan. Trạm chỉ có 4 cán bộ mà địa bàn thì rộng, dân thì đông, ngoài ra trạm còn phải thực hiện các nhiệm vụ khác nữa..”

Chất kịch độc Glyphosate là thành phần chính của các loại thuốc đang được đồng bào sử dụng phổ biến tại Si Ma Cai và Bắc Hà (Niphosate 480SL, Kanup 480SL, Grassad 480SL). Hiện nay, nhiều quốc gia như Pháp, Thụy Điển, Hà Lan, Sri Lanka, Brazil, Canada … đã liệt chất này vào hàng cấm. Theo nghiên cứu của WHO, chất Glyphosate là hợp chất gây ung thư cấp độ 2A, nguyên nhân gây các bệnh nguy hiểm như dị tật bẩm sinh ở trẻ em, gây tổn thương thần kinh, Parkinson…

Anh Thư
.
.
.