Tục cúng 'cô hồn' trong tháng 7 âm lịch đang bị biến tướng

Thứ Hai, 31/08/2015, 10:52
Tục cúng “cô hồn” trong tháng 7 âm lịch giờ không dành riêng cho những hộ buôn bán (chủ yếu là người Hoa) mà nhà nào cũng bày biện mâm lễ để cúng trong những ngày tháng 7 âm lịch nhằm “xua đuổi” ma quỉ, cầu mong các “cô hồn” vất vưởng không quậy phá để họ yên ổn làm ăn.

Từ một lễ hội mang tính chất tâm linh này, ngày nay  tục  cúng “cô hồn” bị biến tướng bởi những hộ kinh doanh cúng quá nhiều lễ vật lớn, trong đó có chuyện rải tiền thật, từ đó gây ra cảnh chen lấn, giành giật, đánh nhau và lập các băng nhóm để “cướp” những đồng tiền do gia chủ rải, gây mất an ninh trật tự…

Nhờ bảo vệ dân phòng (BVDP) canh “cô hồn sống”

Là một tiểu thương buôn bán tại chợ đầu mối Bình Điền nên những ngày tháng 7 âm lịch gia đình chị H. (đường 49, phường 10, quận 6, TP Hồ Chí Minh) cũng bày biện mâm lễ để cúng “cô hồn”. Rút kinh nghiệm những năm trước, mâm lễ của chị H. chủ yếu bày trái cây, đậu phộng, bánh trái chỉ đến khi bắt đầu thắp nhang chị mới đem gà quay ra cúng.

 Để không bị “cô hồn sống” giật trước khi thắp nhang, chị H. phải nhờ một BVDP của phường đứng trước mâm cúng để “cô hồn sống” không manh động. Vậy mà, khi chị H. vừa bày lễ ra đã có thanh niên đi xe gắn máy, mặt bịt kín bằng khẩu trang trờ tới. 

Bước xuống xe, người thanh niên này móc điện thoại gọi lớn: “Tới đi, sắp cúng, lớn lắm!”. Tuy nhiên khi thấy BVDP đứng phía trước và chị H. nói không cúng tiền, hai thanh niên này lập tức lên xe bỏ đi đến điểm khác. Nhiều công ty lớn đã rút kinh nghiệm trong việc cúng cô hồn bằng cách đóng kín cửa, cho bảo vệ ra canh những “cô hồn sống” manh động trèo rào vào công ty. 

Trưa 14 âm lịch, tại một công ty trên đường Cách mạng Tháng Tám, phường Bến Thành, quận 1 phải cho 6 bảo vệ ra canh cổng để không cho nhóm thanh niên hơn 20 người hăm he leo rào vào bên trong. Sau khi làm lễ xong, 6 bảo vệ mới bưng mâm cúng ra ngoài cổng để các “cô hồn sống”  tranh giành.

Tại khu vực chợ vải Soái Kình Lâm (còn gọi là Thương xá Đồng Khánh, quận 5), khu vực chợ Lớn nơi đông người Hoa buôn bán là nơi tấp nập nhất với các mâm lễ cúng thuộc dạng hoành tráng. Cũng vì những nơi này bắt đầu từ 14 âm lịch có hàng chục nhóm thanh niên với các dụng cụ tự chế như vợt, cần xé… và đem luôn cả xe ba gác đến chầu chực để giật “cô hồn”, hốt tiền cúng, lễ vật. Có những hộ kinh doanh cúng lớn đổi từ vài trăm đến vài chục triệu tiền chẵn ra tiền lẻ để rải xuống cho “cô hồn sống” giành giật nên gây ra cảnh hỗn loạn, đánh nhau để giành tiền.

Một cán bộ Công an phường tại khu vực Chợ Lớn cho hay, bất chấp các dòng phương tiện lưu thông trên đường, khi gia chủ rải tiền bay tứ tung, những thanh niên này lao theo mà không quan sát, cốt lấy được tiền. Nhiều gia chủ còn cho tiền mệnh giá 50 đến 100 ngàn đồng vào chai nước ngọt và ném từ trên lầu xuống để “cô hồn sống” tranh giành. Vì mệnh giá tiền cúng lớn nên những thanh niên tranh giành dẫn đến ẩu đả để lấy cho được những chai nước ngọt này.

Biến tướng và trở thành tệ nạn

Có nhiều nhóm “cô hồn sống” đi giật đồ lễ rất bài bản, trong đó chủ yếu là phụ hồ, bốc vác tại các khu vực đường Võ Văn Kiệt, quận 5. Khi gia chủ bày biện lễ vật, các nhóm chia nhau nhắm vào những “vật phẩm” có giá trị như gà quay, heo quay và khi nhào vào, nhóm “cô hồn sống” này “sống chết” để tranh giành. Các nhóm cô hồn sống dùng xe gắn máy quần thảo tại các tuyến đường mà hằng năm người dân cúng lớn sau đó gọi điện thoại cho nhau để cùng nhau giật. 

Hình ảnh biến tướng của giật "cô hồn" trong những ngày tháng 7 âm lịch.

Sáng 30/8 (17-7 âm lịch), một chủ tiệm bánh trên đường 3 tháng 2, quận 11 vừa đặt con heo quay lên mâm và châm lửa cho ba cây nhang thì một nhóm “cô hồn sống” đã nhào vào cướp rồi lên xe gắn máy tăng ga bỏ chạy. Chủ lễ ngơ ngác rồi cũng tặc lưỡi cho qua: “Đúng là lũ… cô hồn”.

Vẫn chưa hết hoảng hốt vì nhóm “cô hồn sống” manh động, một chủ shop quần áo C.E trên đường Lạc Long Quân, quận 11 kể lại. Vừa bày biện mâm cúng ra trước cửa shop và thắp nhang thì bất ngờ một nhóm “cô hồn sống” lao xe lên lề giành giật khiến mâm cúng của chủ shop văng tung tóe. Vì không thấy “tiền cúng” nên nhóm cô hồn này đã lao vào bên trong shop đòi gia chủ rải tiền. Vì quá sợ nên chủ shop phải đóng kín cửa lại, các thanh niên này liền đập phá cửa kính rồi bỏ đi. “Không biết họ giật “cô hồn” hay là cướp nữa” - chủ shop ái ngại.

Chị Hậu (nhà ở quận 5) mếu máo kể lại, thấy nhiều người vào giật tiền trên đường Trần Hưng Đạo B, quận 5 vui quá nên cũng tấp xe vào đám đông để tranh giành. Giành giật, xô đẩy trong đám đông, chị Hậu bị một đối tượng móc chiếc iPhone 5 trong túi quần và lủi ra khỏi đám đông tẩu thoát. 

Anh Thành Văn (nhà ở phường 10, quận 6) thuật lại, không vào giật “cô hồn” nhưng đứng xem nhóm thanh niên trên đường Chu Văn An (quận 6) thì bị xô đẩy khiến chiếc bóp của anh văng ra khỏi túi quần và các đối tượng nhanh tay chụp mất.

Chuyện cúng “cô hồn” vào những ngày tháng 7 mang ý nghĩa tâm linh, từ bi hỉ xả mong xua đuổi tà ma, giúp đỡ nhưng cô hồn vất vưởng đói khát vừa là ngày làm từ thiện của những người buôn bán, đem những gói quà đến tay, những người cơ nhỡ. Tuy nhiên ngày nay việc cúng “cô hồn” đang bị biến tướng nghiêm trọng khi gia chủ cúng lớn lại cúng tiền thật khiến việc cúng cô hồn không còn mang  ý nghĩa tâm linh nữa. 

Những điểm cúng cô hồn bỗng trở thành nơi những đối tượng du côn, côn đồ lợi dụng để giành giật đánh nhau, móc túi và cướp giật tài sản. Để “cướp” được nhiều thì phải có băng nhóm, phải có hung khí nên từ ý nghĩa tâm linh, cúng “cô hồn” bỗng chốc trở thành tệ nạn và gây mất ANTT.

Minh Đức
.
.
.