Chuyện về lão ngư hơn 150 lần “cướp cơm” Hà Bá

Thứ Năm, 01/02/2024, 07:57

Vừa gác tay súng, hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, ông Mai Văn Dàn, ở thị trấn biển Cửa Việt, huyện Gio Linh (Quảng Trị) liền cầm lại tay chèo mưu sinh giữa biển khơi. Những ngày tháng đó, ông đã dũng cảm bước qua “lời nguyền” của biển để cứu những người không may gặp rủi ro, cận kề cái chết giữa sóng to biển cả. Sau này, khi không còn đủ sức khỏe để vươn khơi, ông vẫn luôn sẵn sàng xả thân “cướp cơm” Hà Bá, hay bất kể ai đến nhờ ông tìm kiếm người bị mất tích do tai nạn đuối nước.

Cách đây mấy hôm, tôi gặp lại lão ngư ấy đang nhận Giấy khen của Chủ tịch UBND huyện Gio Linh ở Đồn Biên phòng cửa khẩu cảng Cửa Việt. Tôi liếc nhìn những dòng chữ in đậm phía dưới nền Quốc huy, thành tích của ông Dàn lần này là tìm kiếm người mất tích. Biết tôi để ý tới nội dung tấm Giấy khen, ông Dàn cười hiền, nói: “Lui tới cũng chừng đó việc chú ạ! Nếu không cứu người xấu số bị đuối nước thì tìm kiếm thi thể của họ bị mất tích”. Rồi giọng ông bỗng chùng xuống: “Vui là phát hiện, kịp thời cứu được nạn nhân, còn lúc hết hy vọng, tìm ra cũng rất mừng nhưng luôn có điều ám ảnh mình”.

Ông Võ Đắc Hóa, Chủ tịch UBND huyện Gio Linh chia sẻ, vào buổi chiều 10/11/2023, em P.M.H, học sinh lớp 10, trú phường Đông Lễ, TP Đông Hà (Quảng Trị) cùng nhóm bạn đến bãi tắm Cửa Việt để chơi và tắm biển. Trong lúc tắm, em H không may bị sóng cuốn ra xa và bị đuối nước. Trong liền 3 ngày đêm sau đó, ông Dàn cùng với 7 ngư dân khác ở thị trấn Cửa Việt không quản sóng to, gió lớn của mùa biển động, chạy thuyền dọc theo bờ biển để tìm kiếm cho bằng được nạn nhân.

Chuyện về lão ngư hơn 150 lần “cướp cơm” Hà Bá -0
Ông Dàn từng cứu sống hàng chục người bị đuối nước ở bãi tắm Cửa Việt.

Nhắc đến cơ duyên “cướp cơm” Hà Bá, ông Dàn trầm ngâm một lúc rồi nhớ lại, vào cuối tháng 11/1987, ông đang là chiến sĩ Trung đoàn 36, Sư đoàn 308, làm nhiệm vụ bảo vệ Thủ đô Hà Nội thì được điều động tăng cường cho mặt trận Vị Xuyên - Hà Giang và phiên vào Sư đoàn 312. Vừa đặt chân đến Vị Xuyên, ông nhận được tin dữ, bố và chú ruột của mình ở quê trong lúc đánh bắt cá giữa biển không may gặp lốc tố khiến thuyền bị lật. Đáng nói, sau nhiều giờ vật lộn với sóng dữ và kêu cứu để cố sống sót, có một số ngư dân ở gần đó thấy được nhưng vẫn không cứu giúp họ. “Người làm nghề sông nước có một quan niệm cổ hủ, họ cho rằng nếu cứu người bị đuối nước sẽ bị coi là cướp cơm của Hà Bá và sẽ bị Hà Bá bắt phải đền mạng. Do đó, họ cố tình lãng tránh trước sự sống ngàn cân treo sợi tóc của người khác”, ông Dàn buồn bã chia sẻ.

Năm 1989, sau khi hoàn thành nghĩa vụ với Tổ quốc, trở về quê bắt tay lại với nghề sông nước, ông Dàn luôn dặn lòng mình, hễ bất cứ hoàn cảnh nào, thấy người bị đuối nước là cứu ngay mà không cần phải bận tâm về quan niệm cũ. Ban đầu, nhiều người từ việc tỏ thái độ ngạc nhiên, đến khuyên can, rồi không ít xầm xì, cho rằng ông thích “ngông”. Song, ông luôn bình thản giải thích, khuyên mọi người những việc ở đời nên làm. Trong đó, việc đầu tiên là cứu người. “Sẽ không có Hà Bá, hay bất kỳ thế lực nào của thế giới bên kia chống lại sự thiện lương của con người. Đức Phật từng nói, cứu một mạng người hơn xây 7 tòa tháp”, ông nhấn mạnh.

Đã bao nhiêu lần ông cứu người bị đuối nước?, tôi hỏi, ông bảo con số không chính xác song hơn 30 năm qua không dưới 150 trường hợp kể cả kịp thời cứu được họ và tìm thấy thi thể những người xấu số. Cũng trải qua chừng ấy thời gian, ông đã đúc rút, tích lũy được rất nhiều kinh nghiệm trong ứng cứu người bị đuối nước và tìm kiếm thi thể người mất tích do tai nạn này.

Đến nay, mặc dù ở tuổi 63, ông vẫn xung phong đảm nhận công việc quản lý, giám sát ở bãi tắm Cửa Việt. Ngoài giờ làm việc theo ca, những lúc rảnh rỗi, ông còn tình nguyện đi khuyến cáo, nhắc nhở du khách về những điểm thường có sóng ngầm, nước xoáy nguy hiểm không nên tắm. “Có một số điểm ở bãi tắm này hay xuất hiện những dòng hải lưu gần bờ chảy xiết tạo nên rãnh sâu dưới đáy biển. Khi tắm nếu không may bị cuốn vào dòng hải lưu ấy thì phải bơi xuôi theo và đến lúc thoát ra được khỏi nó thì mới nên bơi vào bờ. Ngược lại, nếu bơi ngược dòng hải lưu nay thì cầm chắc cái chết”, ông Dàn nói.

Ông Dàn chia sẻ kinh nghiệm “xương máu” rằng, khi cứu người bị đuối nước phải tuân thủ nguyên tắc, nếu nạn nhân đang vùng vẫy mạnh thì tuyệt đối không được trực tiếp ôm nạn nhân và không để nạn nhân bám vào người mình. Vì khi đó, nạn nhân đang bị hoảng loạn sẽ ôm và siết chặt có thể khiến cho cả nạn nhân và người cứu nạn cùng bị đuối nước. Phải sử dụng phao tròn hoặc các vật thể nổi khác để bơi ra gần nạn nhân. Nếu nạn nhân còn tỉnh táo thì ra hiệu cho nạn nhân bám vào phao, sau đó vừa bơi, vừa kéo phao đưa nạn nhân vào bờ. Trường hợp nạn nhân đã đuối sức, nên tiếp cận nạn nhân từ phía sau, đưa phao hoặc vật thể nổi ra phía trước mặt nạn nhân rồi dùng 2 tay luồn dưới 2 nách nạn nhân từ sau ra trước và bám vào phao, giữ cho đầu nạn nhân nổi, sau đó bơi ngửa đưa nạn nhân vào bờ.

Trường hợp không có phao hoặc các vật thể nổi, người cứu nạn có thể sử dụng một sợi dây thừng buộc quanh eo mình và để dư một đoạn có độ dài nhất định để cho nạn nhân bám vào, đầu dây còn lại sẽ được cố định vào một điểm chắc chắn trên bờ hoặc do một người trên bờ giữ đầu dây này. Khi bơi gần đến vị trí nạn nhân thì hô to hoặc ra hiệu và quăng đầu dây đã để dư cho người bị nạn cầm, sau đó ra hiệu cho người trên bờ kéo dây vào hoặc người cứu nạn vừa bơi, vừa kéo theo nạn nhân di chuyển dần dần vào bờ.

Thanh Bình
.
.
.