Chuyện về những người bước qua bóng tối để làm lại cuộc đời

Thứ Sáu, 01/03/2024, 06:00

Trong thời gian qua, Công an tỉnh Quảng Bình phối hợp với các cấp, các đơn vị, địa phương ở Quảng Bình xây dựng nhiều nhiều mô hình bảo đảm tái hoà nhập cộng đồng đối với người chấp hành xong án phạt tù đang phát huy rất hiệu quả.

Những mô hình đã thắp sáng niềm tin, hỗ trợ giúp đỡ những người chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương xây dựng cuộc sống ổn định, nhiều người vươn lên làm giàu chính đáng trên quê hương mình.

Đi sâu vào tìm hiểu thực tế tại cơ sở, chúng tôi nhận thấy Quyết định số 22/2023/QĐ-TTg ngày 17/8/2023 của Thủ tướng Chính phủ về tín dụng đối với người chấp hành xong án phạt tù, giống như một cái phao đã giúp cho biết bao người lầm lỗi làm lại cuộc đời. Quyết định 22/2023/QĐ-TTg là chính sách hỗ trợ cụ thể tạo điều kiện cho người chấp hành xong án phạt tù được tiếp cận với vốn vay ưu đãi để học nghề, sản xuất kinh doanh, tạo lập cuộc sống, đồng thời, khuyến khích các doanh nghiệp, hợp tác xã, cơ sở sản xuất kinh doanh sử dụng lao động là người chấp hành xong án phạt tù.

hl2 (2).jpg -0
Từ sự hỗ trợ, giúp đỡ của lực lượng Công an và cộng đồng, nhiều người từng lầm lỗi đã hoàn lương vươn lên trong cuộc sống.

Chính sách này cũng nâng cao trách nhiệm của tổ chức chính trị - xã hội, địa phương và các lực lượng cùng vào cuộc quan tâm, hỗ trợ người chấp hành xong án phạt tù hòa nhập cộng đồng. Từ chính sách của Chính phủ, nhiều người chấp hành xong án phạt tù ở Quảng Bình được hỗ trợ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách xã hội để xây dựng cuộc sống, phát triển kinh tế, làm lại cuộc đời.

Lĩnh án chung thân về tội giết người, tưởng như cánh cửa cuộc đời đã đóng sập với Lê Văn Chiến, ở xã Đại Trạch, huyện Bố Trạch, Quảng Bình. Nhưng, ngay sau bản án của toà án, Lê Văn Chiến đã tự mình nuôi một ý chí là trở lại với cuộc đời, làm người có ích, đó cũng là cách để Chiến chuộc lại lỗi lầm. Từ ý chí đến hành động, bước vào cổng trại giam, Chiến đã phấn đấu từng ngày, từng ngày một với suy nghĩ sẽ có ngày được trở về. Và sau 15 năm cải tạo tốt, Chiến đã được trở về địa phương. Lê Văn Chiến tâm sự: “Khi mới về cũng không dám ra đường, sợ người ta ngại mình gặp phải thằng tù, thằng giết người. Còn bạn bè cũ cũng ngại gặp, vì thấy cuộc sống của mình đã thua kém họ quá nhiều nên có một khoảng cách vô hình. May mắn cho tôi lúc đó còn có gia đình, rồi cả sự quan tâm của chính quyền địa phương, động viên tôi vượt qua sự mặc cảm, kỳ thị của bản thân”. Phải có việc làm ổn định, thay đổi bản thân bằng những việc làm thiết thực, Lê Văn Chiến nghĩ vậy, và anh mở cửa hàng làm đồ mỹ nghệ. Những sản phẩm của Chiến đã làm ngỡ ngàng gia đình và nhiều người làng. Chính những ngày trong trại giam, nhờ sự giúp đỡ, hướng thiện của cán bộ, chiến sĩ Công an trại giam đã giúp Chiến học nghề. Với bàn tay khéo léo, tỷ mẩn và sự sáng tạo trong mỗi sản phẩm gỗ mỹ nghệ do Lê Văn Chiến làm ra được nhiều người biết đến. Khách hàng nhiều, anh thuê một số thanh niên trong địa phương đến làm, đào tạo nghề cho họ…Và từ đây Chiến đã thực sự hoà nhập cộng đồng. Tiếp đó, cơ sở sản xuất đồ mỹ nghệ ngày một lớn, Lê Văn Chiến đã gọi một số người chấp hành xong án phạt tù đến làm với anh. Chính anh lại tiếp tục bắc cầu về nẻo thiện cho những người khác hoà nhập cộng đồng.

Cũng giống như Lê Văn Chiến, khi bước chân vào trại giam với tội danh cố ý gây thương tích, Trương Quang Viễn ở xã Hiền Ninh, Quảng Ninh, Quảng Bình đã dặn lòng phải tự cải tạo thật tốt để ngày trở về gần hơn, làm việc để trả lại những sai lầm khi tuổi trẻ mắc phải. Khi được đặc xá tha tù trở về địa phương, bằng nghị lực và ý thức phục thiện đã giúp cho Trương Quang Viễn sức mạnh để làm lại cuộc đời. Không gì nhanh chóng lấy lại niềm tin của mọi người bằng hành động những việc làm tốt, lời ăn tiếng nói và cách cư xử với người làng, Viễn nghĩ vậy và anh bắt tay vào lao động, sản xuất. Trương Quang Viễn thuê đất làm trang trại, vay vốn phát triển kinh tế. Hằng ngày, nhìn thấy Viễn quần quật lao động từ sáng sớm đến tối mịt mới nghỉ tay, trang trại hoa màu và chăn nuôi của Viễn đưa lại nhiều giá trị kinh tế, không ít người làng đến lân la tìm hiểu, học theo Viễn cách phát triển kinh tế, làm giàu chính đáng trên chính quê hương mình. Viễn tâm sự, từ ngày ra trại đến nay anh luôn nhận được sự quan tâm của cấp ủy, chính quyền địa phương, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn và bà con lối xóm động viên, chia sẻ, tạo điều kiện cho gia đình anh thuê đất, vay vốn phát triển kinh tế. Từ đó bản thân anh luôn muốn khẳng định mình để bù đắp cho gia đình những gì mình đã đánh mất và cũng cho mọi người thấy sự giúp đỡ của họ đối với những người lầm lỡ không phải là sai lầm.

Một trong những cách làm hay mang lại hiệu qủa rõ rệt được các cấp, các ngành, các tổ chức đoàn thể trên địa bàn tỉnh Quảng Bình phối hợp thực hiện đó là công tác phát động phong trào toàn dân tham gia giúp đỡ người chấp hành xong án phạt tù tái hòa nhập cộng đồng, không tái phạm trở lại. Thông qua nhiều hình thức tuyên truyền thực sự tạo hiệu ứng tích cực đối với các tầng lớp nhân dân. Nhiều người dân đã có thái độ đúng đắn, cởi mở hơn đối với những người chấp hành xong án phạt tù, chủ động tham gia vào các hoạt động xã hội bằng việc xây dựng nhiều mô hình điển hình tiên tiến nhằm giúp họ hòa nhập cộng đồng. Điển hình là mô hình “2 giúp 1” ở xã Cam Thủy, huyện Lệ Thủy; mô hình “Tổ hợp tác khai thác thủy sản” ở xã Cảnh Dương, huyện Quảng Trạch; mô hình “Câu lạc bộ phụ nữ vận động con em, người thân không vi phạm pháp luật và tệ nạn xã hội” ở xã Đại Trạch, Bố Trạch; mô hình “5 giúp 1” ở thị trấn Nông trường Lệ Ninh, huyện Lệ Thủy. Hiệu quả của các mô hình mang lại đã giáo dục, giúp đỡ các đối tượng thanh, thiếu niên hư hỏng tiến bộ, có việc làm ổn định. Nhiều đối tượng chấp hành xong án phạt tù trở về địa phương đã được các tổ chức của mô hình thường xuyên đến động viên, phân tích điều hay, lẽ phải. Thấu hiểu được việc làm có ích mà mô hình mang lại cho bản thân mình và xã hội, nhiều đối tượng đã dần xóa đi mặc cảm, tự vươn lên khẳng định chính bản thân mình bằng rất nhiều những việc làm có ích cho gia đình và xã hội.

Dương Sông Lam
.
.
.