Dạy lái xe bằng cabin điện tử: Học phí sẽ tăng

Thứ Bảy, 07/01/2023, 09:18

Theo quy định tại Thông tư 04 của Bộ Giao thông Vận tải (GTVT), bắt đầu từ ngày 1/1/2023, các trung tâm đào tạo lái xe ôtô phải áp dụng cabin điện tử trong đào tạo lái xe. Học viên muốn có giấy phép lái xe sẽ tập lái mô phỏng trên nhiều loại đường, điều kiện thời tiết, tình huống giao thông khác nhau. Phần học trên cabin thay 3 giờ học thực hành trên xe. Dù đã đến thời gian thực hiện, song với giá vài trăm triêu/cabin, nhiều trung tâm đào tạo vẫn đang lưỡng lự.

Số tiền đầu tư rất lớn

Sẽ không có gì đáng nói nếu không có chuyện các cabin điện tử đang được các nhà cung cấp thiết bị chào bán với giá cao ngất ngưởng, lên tới 450 – 500 triệu đồng.

Ông Nguyễn Đức Tuấn, Giám đốc Trung tâm Đào tạo và Sát hạch lái xe Bắc Hà (Bắc Ninh) khẳng định, giá như vậy là quá cao. Cabin điện tử bao gồm phần cứng và phần mềm, trong khi phần cứng dễ định giá và không quá đắt, còn phần mềm gần như không ai biết được giá bao nhiêu. Tuy vậy, phần mềm thiết bị cabin điện tử chỉ như trò chơi game nên không phức tạp. Theo ông Tuấn, Trung tâm sẽ phải đầu tư tới 10 - 15 tỷ đồng cho khoảng 20 - 30 cabin để đào tạo khoảng 1.000 học viên/tháng. Mức giá 500 triệu đồng là quá sức.

Trường hợp bắt buộc phải đầu tư, học viên sẽ phải chịu tăng học phí. Tương tự, lãnh đạo một Trung tâm Dạy nghề lái xe cơ giới đường bộ tại Hà Nội bộc bạch: cơ sở đào tạo có lưu lượng 1.000 học viên phải đầu tư 28 cabin điện tử, với 500 triệu đồng/cabin, trung tâm phải bỏ ra hơn 15 tỷ đồng. Không cơ sở nào chịu được gánh nặng chi phí này. Hiện cũng chưa có đề án nghiên cứu về giá cả, tính năng, tác dụng của cabin điện tử. “Tôi kiến nghị không quy định cứng mỗi học viên phải học 3 giờ. Chỉ nên quy định mỗi cơ sở đào tạo có 1 - 2 thiết bị, như một dụng cụ để học viên được tiếp cận với các tình huống giao thông”, vị này nói.

Dạy lái xe bằng cabin điện tử: Học phí sẽ tăng -0
Từ ngày 1/7, các trung tâm phải tổ chức giảng dạy bằng cabin ảo mô phỏng.

Ngày 6/1, trao đổi với phóng viên, ông Lương Duyên Thống, Trưởng phòng Quản lý vận tải phương tiện và Người lái, Cục Đường bộ Việt Nam cho hay, Cục này không quản lý về giá thiết bị cabin điện tử mà do thị trường quyết định. Trừ các đơn vị tư nhân, các cơ sở đào tạo tổ chức đấu thầu để lựa chọn nhà cung cấp thiết bị. Bộ GTVT chỉ ban hành Quy chuẩn về thiết bị, việc thử nghiệm chứng nhận hợp quy do Bộ Khoa học và Công nghệ thực hiện. Sau khi công bố hợp quy, các nhà cung cấp thiết bị gửi về Cục để công bố trên website.

“Các nhà cung cấp thiết bị tự chịu trách nhiệm về tính hợp quy của sản phẩm và chất lượng hàng hóa do họ sản xuất, kinh doanh. Quá trình sử dụng, các sở GTVT sẽ chịu trách nhiệm kiểm tra chất lượng sản phẩm có đảm bảo theo Quy chuẩn hay không”, ông Thống nói.

Ông Thống cũng cho biết thêm, hiện chưa có con số thống kê cụ thể về việc đã có bao nhiêu trung tâm dạy lái xe lắp cabin điện tử. Tuy nhiên, theo ông Thống, tiến độ triển khai mua sắm, lắp đặt cabin lái xe có đáp ứng được hay không thì phụ thuộc vào 2 yếu tố đó là năng lực của nhà cung cấp và nhu cầu của cơ sở đào tạo lái xe. Điều đáng chú ý, đơn vị nào chưa lắp không phải đóng cửa song sẽ phải kéo dài thời gian đào tạo lái xe với học viên. Đến nay, có 2 đơn vị cung cấp thiết bị cabin học lái xe đã được Cục Đường bộ Việt Nam tiếp nhận hồ sơ công bố hợp quy. Tất cả cabin tập lái xe sản xuất trong nước hay nhập khẩu cũng đều bắt buộc phải đưa vào thử nghiệm, chứng nhận hợp quy và công bố mới được cung ứng ra thị trường. Theo tính toán của Cục Đường bộ, tổng số lượng cabin lái xe là khoảng 1.000 cabin đáp ứng cho cơ sở đào tạo lái xe và năng lực của 2 nhà sản xuất cabin này qua nắm bắt tình hình đạt được xấp xỉ số lượng của các cơ sở.

Phải học trên cabin điện tử mới được thi lấy bằng

Trước câu hỏi trong trường hợp các trung tâm đào tạo lái xe không triển khai cabin lái xe thì có phải tạm dừng đào tạo và đóng cửa không, ông Lương Duyên Thống khẳng định: Cơ sở đào tạo lái xe không nhất thiết phải đóng cửa vì nội dung đào tạo trên cabin lái xe chỉ là một trong rất nhiều nội dung đào tạo lái xe theo quy định. Nếu chưa đầu tư thì vẫn đào tạo các nội dung khác nhưng thời gian đào tạo của người học sẽ phải lùi một thời gian đến khi được học trên cabin lái xe mới đủ điều kiện thi.

Nói thêm về vấn đề này, vị này nêu: Theo quy định của Bộ GTVT, các cơ sở đào tạo lái xe phải có cabin tập lái để phục vụ cho việc đào tạo nên đầu tư từng bước dựa vào lưu lượng đào tạo hoặc thuê dịch vụ cabin lái xe đó là tùy cơ sở lựa chọn miễn là có thiết bị để đào tạo và học viên phải học đủ 3 giờ. Trước khi ban hành quy chuẩn kỹ thuật, cabin tập lái đã đưa đến 1 số cơ sở đào tạo để thử nghiệm. Hiện tại, các văn bản Thông tư của Bộ yêu cầu thực hiện chứ không còn thí điểm. Nếu học viên được đào tạo trên cabin lái xe thì số giờ thực hành ôtô trên đường sẽ giảm nhất là trong bối cảnh giá nhiên liệu tăng cao. Hiện, các nước trên thế giới cũng đã mở cửa thông thương, khi các sản phẩm được nhập khẩu về nước ta nhiều và đa dạng chủng loại thì giá thành cạnh tranh cabin lái xe có thể sẽ thấp xuống.

Chiều 6/1, trao đổi thêm với phóng viên, lãnh đạo Sở GTVT Hà Nội cho biết, hiện có khoảng 20 đơn vị vị đào tạo tại Hà Nội đã lắp và đăng ký mua cabin lái xe điện tử. Các đơn vị khác cũng đang trong lộ trình đặt hàng. Vị lãnh đạo này cũng cho hay, việc lắp cabin điện tử giúp cho người học có thêm thời gian thực hành, còn lại thời gian học và chương trình cũng không có thay đổi.

Với giá thành 400-500 triệu/cabin lái xe, vừa qua, các cơ sở đào tạo đang gặp khó khăn về tài chính do dịch COVID-19 và lượng học viên cũng sụt giảm nhiều. Tuy nhiên, việc lắp cabin điện tử thì trước sau các đơn vị cũng sẽ phải làm.

Đặng Nhật
.
.
.