Giúp ngư dân vượt khó, yên tâm bám biển

Thứ Bảy, 22/10/2022, 08:30

Dọc các tỉnh miền Trung luôn có những làng chài sôi động, nhiều năm qua ngư dân luôn coi biển cả là “quê hương thứ hai” của mình. Nhiều gia đình cha còn lênh đênh trên biển, con đã chuẩn bị xuống tàu ra khơi buông lưới. Biển cả đã giúp hàng vạn ngư dân thay đổi cuộc sống. Từ con cá, con tôm nhiều ngư dân đã xây dựng được nhà cửa kiên cố, con cái được tới trường…Nhưng gần đây, nhiều làng chài bỗng nhiên đìu hiu, nhiều con tàu nằm gối bãi, về với ngư dân chúng tôi hiểu những khó khăn đang vây quanh họ.

“Đỏ mắt” tìm bạn thuyền, thua lỗ khi ra khơi

Cách đây độ mươi năm, ngư dân dọc dải đất miền Trung thường gắn với nghề giã cào truyền thống, với những chiếc thuyền nhỏ ngư dân chỉ quẩn quanh đánh bắt gần bờ. Những năm gần đây, đời sống khấm khá hơn nên người dân miền Trung đóng tàu và băng thẳng ra đại dương để đánh bắt thuỷ, hải sản. Cuộc chinh phục biển cả của người dân biển đã thực sự thành công. Song phải thẳng thắn thừa nhận, cuộc sống của bà con ngư dân vẫn còn rất nhiều vất vả, có nơi có lúc còn khốn khó. Để đầu tư cho một chuyến ra khơi, các chủ tàu phải “đỏ mắt” chạy tìm mướn nhân công khắp nơi.

Thấy được giá trị bản thân, nên các nhân công đã lừa gạt làm nhiều chủ tàu điêu đứng. Có những nhân công hôm nay ký hợp đồng đi biển cho chủ tàu này, nhận tiền xong nhưng ngày mai trốn đi cho tàu khác.

Chủ tàu Trương Văn Phương tâm sự: "nhân công họ không chịu ký hợp đồng, toàn là người ở các địa phương khác đến nên việc họ lừa mìnhcũng chịu. Có nhân công hợp đồng đi tàu một năm nhưng chỉ đi về một chuyến là bỏ đi luôn sau cuộc nhậu. Chính vì việc nhân công bỏ trốn hàng loạt sau khi đã nhận tiền đặt cọc nên làm nhiều chủ tàu khốn khó".

Giúp ngư dân vượt khó, yên tâm bám biển -0
Ngư dân Quảng Bình trúng mẻ cá nục lớn sau chuyến ra khơi.

Xã Bảo Ninh, TP Đồng Hới, Quảng Bình có 432 tàu thuyền, trong đó có đến 193 chiếc đánh bắt xa bờ. Những năm trước, Bảo Ninh luôn sôi động trên bến dưới thuyền khi tàu cá cập bến. Nhưng gần đây, nhiều con tàu tiền tỷ của ngư dân nằm gối bãi do thiếu lao động đi biển. Có những chủ tàu đã chuẩn bị sẵn sàng cho một chuyến ra khơi ngày hôm sau thì tối hôm trước thuyền viên bất ngờ chối từ đi biển. Qua tìm hiểu các chủ tàu chúng tôi được biết, hiện không riêng gì làng biển Bảo Ninh mà hầu hết các làng chài ven biển miền Trung đều thiếu lao động. Nhiều thanh niên trưởng thành từ làng biển giờ họ tìm công việc khác ở các thành phố đỡ vất vả và có thu nhập cao hơn, ổn định hơn. Nhiều ngư dân trẻ, thạo nghề đi biển tìm cách đi xuất khẩu lao động ở các nước để có thu nhập tốt hơn.

Chiều muộn, chúng tôi có mặt ở xã biển Đức Trạch,huyện Bố Trạch, Quảng Bình, xã có truyền thống đi biển đánh bắt xa bờ hơn 500 năm nay. Khi nhiều làng chài ngư dân còn quẩn quanh đánh bắt bên chân sóng, thì ngư dân Đức Trạch đã đóng thuyền lớn ra vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa, Vịnh Bắc Bộ… để đánh bắt thuỷ, hải sản. Có những năm,  ngư dân Đức Trạch đánh bắt thuỷ, hải sản đưa lại nguồn thu nhập của xã lên hàng trăm tỷ đồng. Lúc cao điểm Đức Trạch có gần 600 phương tiện, với khoảng trên 2.000 lao động tham gia đánh bắt trên biển; trong đó có phần lớn là tàu công suất từ 350-1.000CV với hơn 1.500 lao động tham gia đánh bắt xa bờ ở ngư trường xa. Có những chuyến đi biển đưa về doanh thu cho chủ tàu cá từ 800 đến 1 tỷ đồng…

Nhưng giờ khi tìm hiểu việc ngư dân đi biển, chị Hồ Thị Hoa-Bí thư Đảng uỷ xã Đức Trạch giọng buồn buồn cho biết, đầu năm trở lại nhiều ngư dân đã để tàu gối bãi; phần do xăng dầu tăng giá, phần không tìm được lao động, đi biển lỗ hoặc thu nhập quá thấp nên nhiều bà con đành xoay chuyển kiếm việc làm khác. Chính quyền địa phương cũng luôn động viên ngư dân bám biển, bám ngư trường song thực tế là rất khó.

Chủ tàu cá có công suất 400CV, ông Nguyễn Thao, thôn Mỹ Cảnh, xã Bảo Ninh buồn bã cho biết, không chỉ tàu cá của ông mà nhiều bạn tàu cũng cho tàu nằm bờ, bởi phần giá nhiên liệu tăng, thiếu lao động, sản lượng đánh bắt lại thấp nên bị thua lỗ sau mỗi chuyến ra khơi.

Tìm hiểu chúng tôi được biết, để một chuyến tàu ra khơi, chủ tàu phải đổ hàng chục ngàn lít dầu với chi phí lên hàng trăm triệu đồng. Thiếu vốn, nên nhiều ngư phủ miền Trung mỗi lần đi biển thường phải mua nợ dầu trước trả tiền sau, bán cá trước lấy tiền sau.

Nắm được khó khăn của ngư dân không thể có đủ tiền trả một lần để mua dầu nhà nước nên một số tư nhân bán dầu với giá cao cho ngư dân rồi cho họ trả dần. Một số nơi, chính quyền có giúp đỡ ngư dân về xăng dầu, nhưng cũng chỉ đi được một vài chuyến, vì vậy, để bám biển, ngư dân vẫn phải luôn tìm cách xoay xở. Bên cạnh đó, tại nhiều địa phương ở miền Trung, mặc dù có số tàu cá rất lớn, song các địa phương chưa đầu tư được các công ty thu mua hải sản lớn, có uy tín nên sau mỗi chuyến đánh bắt ngư dân lại phải bán nhỏ, lẻ hoặc bán cho một số tiểu thương để bán qua đường tiểu ngạch sang nước khác. Chính vì vậy, ngư dân vẫn thường xuyên bị ép giá.

Cần có giải pháp tổng thể và hiệu quả

Trong số các tỉnh, thành ven biển miền Trung, Quảng Bình là địa phương có nhiều chương trình, kế hoạch đồng hành cùng ngư dân và mặc dù vậy ngư dân vẫn còn gặp rất nhiều khó khăn khi bám biển. Còn một số địa phương chưa có những hành động kịp thời để hỗ trợ thì ngư dân còn gặp khó khăn gấp nhiều lần.

Mới đây, UBND tỉnh Quảng Bình đã ban hành Kế hoạch số 2520/KH-UBND về việc thực hiện chiến lược phát triển thủy sản đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình; Công văn số 178/UBND-KT về việc tăng cường công tác quản lý tàu cá, đảm bảo an toàn cho người và tàu cá hoạt động thủy sản; Công văn số 2710/UBND-KT về việc triển khai Chỉ thị số 29/CT-TTg ngày 1/11/2021 của Thủ tướng Chính phủ; Kế hoạch số 2430/KH-UBND về đẩy mạnh thực hiện các nhiệm vụ chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không báo cáo và không theo quy định trong quý IV năm 2021 và năm 2022 trên địa bàn tỉnh Quảng Bình...

Theo đó, tỉnh Quảng Bình đã triển khai hỗ trợ cho chủ tàu cá tham gia khai thác hải sản trên các vùng biển xa, mua máy thông tin liên lạc sóng HF tầm xa, bảo hiểm thân tàu, bảo hiểm tai nạn thuyền viên, chi phí nhiên liệu đi và về của chuyến biển. Ngoài các chính sách của Chính phủ, hằng năm, UBND tỉnh Quảng Bình cũng đã có chính sách về phát triển sản xuất nông nghiệp, kinh tế nông thôn để hỗ trợ ngư dân và tàu cá xa bờ. Qua đó, ngư dân mạnh dạn đóng mới, cải hoán, nâng cấp tàu cá với số lượng tàu cá phát triển mạnh. Trung bình hằng năm tỉnh đóng mới, cải hoán từ 200 - 300 tàu cá khai thác xa bờ. Việc quản lý cấp, thu hồi và gia hạn giấy phép khai thác thủy sản đối với ngư dân được thực hiện tốt với 100% tàu cá từ 20 CV trở lên được cấp phép.

Theo ông Lê Ngọc Linh, Chi cục trưởng Chi cục Thủy sản Quảng Bình: “Đi biển cũng là nghề nguy hiểm, vất vả hơn nhiều so với các ngành nghề khác nên nhiều lao động địa phương không mặn mà với nghề. Để giải quyết tình trạng khủng hoảng lao động đi biển, trước hết các bộ, ngành, Trung ương cần chuyển đổi, cơ cấu lại ngành nghề đánh bắt thủy sản, chọn lọc phát triển nghề nào có định hướng, nên phân vùng, phân tuyến khai thác hợp lý; giữ ổn định và giảm dần sản lượng khai thác thủy sản gần bờ, tăng nuôi trồng; khuyến khích đánh bắt xa bờ theo hình thức tổ đội sản xuất, khai thác sản phẩm có giá trị kinh tế cao, thị trường tiêu thụ tốt…”.

Dương Sông Lam
.
.
.