Phòng ngừa nguy cơ cháy nổ trong dịp Tết

Thứ Sáu, 02/02/2024, 08:40

Vào thời điểm cuối năm, Tết Nguyên đán cận kề, hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh của người dân Hà Nội trở nên nhộn nhịp hơn bao giờ hết, tuy nhiên điều đó cũng dẫn đến tiềm ẩn nguy cơ cháy, nổ cao.

Nhiều nguy cơ tiềm ẩn

Vào khoảng thời gian "năm hết, Tết đến", số lượng các vụ hoả hoạn xảy ra tại Hà Nội tăng nhanh chóng. Chỉ trong khoảng 1 tháng đầu năm 2024, đã có rất nhiều vụ hoả hoạn xảy ra trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội. Những vụ cháy cũng có xu hướng xảy ra vào khoảng thời gian đêm tối, rạng sáng, khoảng thời gian người dân ít cảnh giác nhất nên khó phát hiện cháy ngay tại "thời điểm vàng", tức khoảng 3 đến 5 phút khi ngọn lửa mới khởi phát. Khi hoả hoạn xảy ra, thiệt hại về tài sản là điều khó tránh khỏi, nhưng đau lòng hơn khi có những vụ việc gây ra hệ luỵ liên quan đến tính mạng người dân.

Vào ngày 14/1 vừa qua, tại số 4 Hàng Lược, phường Hàng Mã, Hoàn Kiếm, một vụ cháy xảy ra cướp đi sinh mạng của 4 người, trong đó có 2 người già và 2 trẻ em. Do đám cháy xảy ra vào thời điểm rạng sáng nên không được phát hiện sớm dẫn đến nạn nhân thiệt mạng do ngạt khói.

Những ngày này, mọi hoạt động sinh hoạt, sản xuất kinh doanh, vui chơi giải trí đều gia tăng, không khí đón năm mới tràn ngập khắp các góc phố Hà Nội, tuy nhiên đây cũng là thời điểm trong năm mà người dân càng phải nâng cao cảnh giác, đề phòng nguy cơ cháy nổ. Tuần vừa qua, nhiệt độ Hà Nội giảm sâu, dẫn đến gia tăng nhu cầu sử dụng những thiết bị điện công suất lớn như đèn sưởi, quạt sưởi, bình nóng lạnh,... Những thiết bị này thường được sử dụng liên tục, để qua đêm nên tiêu thụ một lượng lớn điện. Lượng điện sinh hoạt hằng ngày tăng, kết hợp với lượng điện tiêu thụ tại các cơ sở sản xuất tăng ca, tăng thiết bị sản xuất để phục vụ dịp Tết Nguyên đán trong khi hệ thống cơ sở hạ tầng điện không thay đổi dễ dẫn đến quá tải, chập, cháy hệ thống điện. Đặc biệt tại các khu vực phố cổ, nhà dân được xây dựng lâu đời, hay tại các chợ dân sinh, hệ thống đường điện không đảm bảo thì nguy cơ xảy ra sự cố lại càng cao.

Bên cạnh đó, càng gần Tết, nhu cầu đốt vàng mã, thắp hương của người dân nhiều hơn cũng là một nguyên nhân khiến tình hình cháy nổ dịp cuối năm có xu hướng tăng. Tập tục đốt vàng mã, thắp hương thờ cúng tổ tiên đã là một phần không thể thiếu vào mỗi dịp lễ, Tết, là một nét đẹp tâm linh của người dân Việt Nam, nhưng lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây cháy. Các vụ cháy do thắp hương, đốt vàng mã xuất phát từ nhiều nguyên nhân. Có thể kể đến như việc bố trí nơi thắp hương thờ cúng không đảm bảo khoảng cách PCCC, để quá nhiều vàng mã gần vị trí thắp hương, nên dẫn đến bắt cháy, cháy lan sang khu vực lân cận. Hay khi đốt vàng mã không đảm bảo khoảng cách an toàn PCCC với các vật liệu dễ cháy, trong quá trình hóa vàng khi không có người trông coi, tàn lửa có thể cháy lan sang các vật dụng xung quanh dẫn đến hoả hoạn.

1.jpg -0
Buổi diễn tập PCCC cho người dân của Công an quận Tây Hồ.

Đối với các hộ gia đình kết hợp kinh doanh, nhà vừa là nơi để ở, lại cũng chính là kho để trữ hàng hoá. Cận Tết, các tiểu thương lại tích cực nhập hàng để phục vụ nhu cầu mua sắm tăng mạnh của người dân. Tuy nhiên, tích trữ hàng hoá này không chỉ làm tăng nguy cơ xảy ra cháy mà còn gây cản trở việc thoát hiểm của người dân khi có sự cố xảy ra. Những lối thoát hiểm được khuyến cáo khi xảy ra hoả hoạn thường là ban công, tầng thượng nhưng đối với một số hộ dân, đặc biệt tại khu chợ Tết, những cửa hàng bán đồ trang trí thì những lối thoát hiểm đó lại bị bó hẹp bởi những mô hình linh vật trang trí lớn để chào đón năm mới.

Những mô hình này có kích thước từ 2-3m hoặc thậm chí lên đến 10-12m, được làm từ khung sắt, vải dù, bên trong được lắp thêm đèn chiếu sáng giúp không gian quầy hàng trở nên thu hút, bắt mắt hơn. Trên thực tế, nạn nhân của các vụ hoả hoạn thường tử vong do ngạt khí, nên việc đảm bảo lối thoát hiểm thông thoáng cũng là một vấn đề rất quan trọng trong công tác PCCC.

Đảm bảo an toàn PCCC dịp Tết Nguyên đán

Có thể thấy có nhiều lý do dẫn đến cháy nổ có xu hướng tăng nhanh vào dịp cận Tết nhưng lý do chủ yếu vẫn là do sự sơ suất, bất cẩn của người dân. Trước tình hình hoả hoạn diễn biến phức tạp, Tết Nguyên đán lại cận kề, lực lượng chức năng TP Hà Nội đã tích cực tăng cường công tác kiểm tra PCCC trên địa bàn, song song với đó là tuyên truyền PCCC tới người dân, tổ chức các buổi diễn tập để nâng cao kỹ năng thoát hiểm, kỹ năng dập lửa.

Ngoài nguy cơ xảy ra cháy tại các hộ dân, hộ kinh doanh, thì cơ sở tôn giáo cũng là một địa điểm có khả năng xảy ra sự cố cháy nổ cao. Đến các địa điểm như đình, đền, chùa trong các dịp lễ Tết đã trở thành một nét đẹp trong sinh hoạt văn hoá tâm linh của người Việt Nam. Cũng chính vì thế mà việc thắp hương, nến, hoá vàng số lượng lớn, là điều không thể tránh khỏi. Gần đây tại chùa Phật Quang huyện Thanh Liêm, tỉnh Hà Nam cũng đã xảy ra hoả hoạn, thiệt hại lớn về tài sản, chính vì vậy nên việc kiểm tra, đảm bảo công tác PCCC tại các cơ sở tôn giáo là một việc rất cần thiết vào thời điểm hiện nay.

Nắm bắt tình hình, Công an quận Long Biên, Hà Nội cũng đã thực hiện kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm, đảm bảo an toàn PCCC, tập trung kiểm tra đối với các cơ sở tôn giáo. Trên cơ sở đánh giá nguy cơ cháy, nổ, Công an quận Long Biên đã chủ động hướng dẫn Ban Quản lý các đền, chùa tổ chức thực hiện công tác PCCC, chủ động để ý, bố trí khu vực hương khói, hoá vàng thông thoáng theo đúng quy định, ngăn chặn các nguy cơ có thể xảy ra cháy, hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại về người, tài sản. Đồng thời, đoàn kiểm tra cũng hướng dẫn lực lượng cơ sở sử dụng các phương tiện chữa cháy, khuyến cáo cơ sở cần có phương án, kế hoạch chủ động ứng phó kịp thời khi có sự cố xảy ra. 

Hay tại quận Hà Đông, để lan toả kiến thức, kỹ năng PCCC, thoát hiểm thoát nạn với người dân thì Công an quận đã tổ chức hoạt động trải nghiệm về công tác PCCC và CNCH. Tại chương trình, người dân đã được tham gia trải nghiệm, tìm hiểu các trang thiết bị phương tiện của lực lượng Cảnh sát PCCC và CNCH, thực hành rải vòi chữa cháy, sử dụng bình chữa cháy dập tắt đám cháy, thoát nạn bằng xe thang… Tương tự, Công an quận Tây Hồ cũng tổ chức nhiều buổi thực hành chữa cháy cho người dân trên địa bàn và được người dân hưởng ứng, nhiệt tình tham gia. Với quan niệm mỗi buổi diễn tập đều là dịp để mỗi người dân, cán bộ cơ sở nâng cao kiến thức và ý thức trách nhiệm đối với công tác PCCC, nên lực lượng chức năng luôn có sự chuẩn bị nghiêm túc về người cũng như trang thiết bị để phục vụ buổi thực tập chữa cháy.

Bên cạnh công tác kiểm tra trực tiếp, công tác tuyên truyền về PCCC cũng là một trong những vấn đề được lực lượng chức năng chú trọng. Quận Hoàn Kiếm là một trong những quận có nhiều phương thức tuyên truyền phong phú về vấn đề đảm bảo công tác PCCC trên địa bàn. Song song với việc rà soát, kiểm tra nguy cơ cháy nổ, Công an quận Hoàn Kiếm liên tục đưa ra những bản khuyến cáo để phổ biến kiến thức về PCCC và CNCH được lan tỏa ngày càng sâu rộng đến quần chúng nhân dân trên địa bàn quận. Những nội dung khuyến cáo này sẽ được in ra và đưa tận tay tới người dân, niêm yết tại các cơ quan, doanh nghiệp, hộ kinh doanh trên địa bàn, hoặc được đăng tải qua các trang mạng xã hội, các nhóm Zalo của tổ dân phố đảm bảo mọi người dân đều có thể tiếp cận được.

Để người dân được an toàn đón Tết Nguyên đán Giáp Thìn và các lễ hội đầu năm 2024 một cách trọn vẹn, không xảy ra hoả hoạn, Công an TP Hà Nội đã có nhiều biện pháp, kế hoạch để đảm bảo công tác PCCC trên toàn thành phố. Mặc dù vậy, PCCC là trách nhiệm của toàn dân, chứ không phải của riêng một cá nhân, tổ chức nào. Mỗi người dân cần phải nâng cao cảnh giác, nâng cao ý thức trách nhiệm của bản thân trong công tác PCCC để bảo vệ chính mình, cũng như những người xung quanh khỏi nguy cơ hoả hoạn.

Thanh Trúc
.
.
.