Phương châm “3 cùng” phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Tây Nguyên

Thứ Ba, 26/03/2024, 06:50

Tây Nguyên đang bước vào cao điểm mùa khô, nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Các đơn vị chủ rừng đang phải ngày đêm túc trực, triển khai phương án, sẵn sàng chủ động ứng phó với những tình huống xấu có thể xảy ra.

Khó khăn lớn nhất hiện nay trong công tác phòng, chống cháy rừng tại Lâm Đồng là rất nhiều diện tích đất sản xuất nông nghiệp của người dân nằm xen kẽ sâu trong các cánh rừng. Cao điểm nắng nóng cũng là thời gian bà con ở các địa phương thường có tập quán đốt lớp cỏ bụi, dọn dẹp nương rẫy để chuẩn bị cho mùa trồng trọt mới khi có mưa xuống. Lửa gặp lớp cỏ bụi khô hanh, bốc cháy lớn kết hợp gió thổi mạnh thường lan nhanh ra xung quanh, mất kiểm soát dẫn tới cháy rừng trên diện rộng. Bên cạnh đó, khách du lịch tổ chức dã ngoại, thường nhóm lửa nấu nướng thức ăn hoặc ném tàn thuốc lá khi chưa tắt hẳn dẫn tới bùng phát đám cháy.

Phương châm “3 cùng” phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Tây Nguyên -0
Nắng nóng gay gắt kéo dài, nguy cơ xảy ra cháy rừng rất cao. Ảnh minh họa.

Xã Tam Hiệp, huyện Di Linh (Lâm Đồng) giữa cao điểm mùa nắng nóng, những cánh rừng già khô rạc lớp cỏ bụi. Chỉ cần một đốm lửa nhỏ, thời tiết hanh khô sau nhiều tháng không có mưa kết hợp gió thổi mạnh, cả khu rừng có thể bị thiêu rụi hoàn toàn nếu không được lực lượng chức năng phát hiện, kịp thời dập tắt. Vì thế, ngay từ khi bước vào cao điểm mùa khô, thực hiện phương châm “3 cùng” (cùng ăn, cùng ở và cùng họp bàn), sẵn sàng ứng phó với nguy cơ cháy rừng đang ở mức cao, các nhân viên quản lý bảo vệ rừng và những hộ nhận giao khoán phải túc trực cả ngày lẫn đêm. Nhiều dụng cụ dùng để chữa cháy rừng luôn đặt trong trạng thái sẵn sàng hoạt động khi cần thiết. Thời điểm này, tất cả những người ra vào rừng để sản xuất nông nghiệp đều được các nhân viên bảo vệ rừng giám sát, căn dặn tuyệt đối không sử dụng nguồn lửa để đốt dọn nương rẫy. Mọi sự chủ quan, bất cẩn về nguồn lửa đều có thể dẫn tới những vụ cháy rừng trên diện rộng, gây thiệt hại lớn về tài nguyên rừng. Mỗi buổi sáng hằng ngày, các nhân viên bảo vệ rừng đều hội ý, bàn phương án, sau đó phân công từng nhóm tuần tra ở những tiểu khu có nguy cơ xảy ra cháy cao để chủ động ứng phó nếu xảy ra cháy, nhất là việc tuyên truyền, nâng cao ý thức phòng, chống cháy rừng cho người dân.

Phương châm “3 cùng” phòng, chống cháy rừng vào mùa khô ở Tây Nguyên -0
Lực lượng bảo vệ rừng ở huyện Di Linh kiểm tra các vị trí có nguy cơ cao xảy ra cháy rừng.

Ông Lê Thanh Sơn, Giám đốc Công ty lâm nghiệp Tam Hiệp, huyện Di Linh cho biết, đơn vị đang quản lý hơn 25.000ha rừng. Hiện có khoảng 10.000ha, trong đó gần 2.000ha rừng trồng trong diện nguy cơ xảy ra cháy cao. Thời gian này, ngoài 4 trạm chính thì tại 34 tiểu khu trên địa bàn hành chính 4 xã, gồm Bảo Thuận, Đinh Lạc, Tam Bố, Gia Hiệp và vùng rừng giáp ranh với tỉnh Bình Thuận, đơn vị đều bố trí chốt gác tầm cao để nắm bắt, theo dõi diễn biến vùng rừng. Phương châm “3 cùng” giữ rừng mùa khô được triển khai ở tất cả các trạm và các điểm chốt bảo vệ rừng. Đó là cùng ăn, cùng ở và cùng họp bàn ngay tại trạm, chốt để canh lửa trong mùa khô. Các điểm lửa nhỏ khi phát sinh được lực lượng “ba cùng” phát hiện nhanh và xử lý kịp thời, dứt điểm, không để cháy lan. Các chốt, trạm đều được đặt tại những vị trí trên cao, dễ quan sát ra xung quanh. Cứ 5 ngày lại có một tổ công tác khác lên thay, luân phiên “3 cùng”, thường trực trong suốt cả mùa khô. Ông KDe, một hộ nhận khoán bảo vệ theo chính sách chi trả dịch vụ môi trường rừng cho biết: “Cao điểm mùa khô, cả ngày lẫn đêm, anh em chúng tôi sống ở trong rừng. Cứ chỗ nào có khói bốc lên, chúng tôi có mặt trong thời gian sớm nhất, khoanh vùng, dập tắt đám cháy ngay!..”. Nhờ làm tốt công tác tuyên truyền, thực hiện có hiệu quả phương châm “3 cùng”, chủ động phòng chống cháy rừng có hiệu quả mà từ đầu mùa khô tới nay, trên địa bàn huyện Di Linh chưa xảy ra vụ cháy rừng nào.

Theo dự báo của cơ quan khí tượng thủy văn, các tỉnh Tây Nguyên, trong đó có Lâm Đồng tiếp tục xảy ra hạn hán, nắng nóng kéo dài trong những tháng tới, nguy cơ xảy ra cháy rừng đang ở mức rất cao. Để chủ động theo dõi, nắm bắt thông tin về công tác quản lý bảo vệ rừng và phòng cháy, chữa cháy rừng, Sở NT&PTNT tỉnh Lâm Đồng đã yêu cầu các cơ quan chức năng từng địa phương xác định khu vực trọng tâm, trọng điểm, nguy cơ xảy ra phá rừng làm nương rẫy, nguy cơ cháy rừng cao để tăng cường tuần tra, kiểm soát, chủ động ứng phó với các vụ phá rừng, cháy rừng mùa khô. Sở NN&PTNT tỉnh Lâm Đồng cũng yêu cầu Chi cục Kiểm lâm tỉnh Lâm Đồng kiểm tra việc thực hiện phương án phòng cháy chữa cháy rừng của các đơn vị chủ rừng, đồng thời bố trí lực lượng phối hợp, sẵn sàng hỗ trợ các hạt kiểm lâm trong công tác phòng cháy, chữa cháy rừng cao điểm mùa khô năm 2024.

Khắc Lịch
.
.
.