Hà Nội thu hồi dự án chậm, treo:

Quyết liệt nhưng liệu có "đánh trống, bỏ dùi"?

Thứ Sáu, 19/08/2022, 08:56

Trên địa bàn TP Hà Nội hiện có đến hơn 700 dự án chậm, dự án “treo” cả chục năm nhưng không triển khai. Chính phủ, các bộ, ngành và UBND TP cũng đã lên kế hoạch hàng năm để rà soát, thu hồi dự án chậm triển khai nhưng theo đánh giá, việc thu hồi rất phức tạp.

700 dự án chậm triển khai “ôm” 5.000ha đất

Tại cuộc họp Ban Chỉ đạo đẩy nhanh tiến độ đầu tư, tập trung xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm triển khai trên địa bàn TP Hà Nội mới đây, ông Bùi Duy Cường, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội cho biết, trong quý II/2022 và tháng 7/2022, Tổ công tác liên ngành TP đã tổ chức làm việc với UBND các quận, huyện, thị xã để kiểm tra, rà soát, hậu kiểm và phân loại các dự án. Qua rà soát, toàn TP có hơn 700 dự án với hơn 5.000ha chậm triển khai.

Quyết liệt nhưng liệu có
Một dự án trên địa bàn quận Cầu Giấy, Hà Nội được phê duyệt từ năm 2007 nhưng đến nay vẫn bỏ không, biến tướng thành bãi trông giữ xe.

Câu chuyện quản lý đất đai luôn là vấn đề phức tạp, không chỉ riêng Hà Nội mà diễn ra hầu hết trên địa bàn các đô thị có tốc độ phát triển nhanh. Đã có những quy định về xử lý các dự án "treo”, đó là hết 24 tháng mà không triển khai đúng tiến độ thì được phép gia hạn 24 tháng nữa, hết 24 tháng nữa mà vẫn bị treo thì Nhà nước thu hồi cả đất lẫn tài sản đã đầu tư trên đất. Quy định đã rất rõ ràng nhưng thực tế xử lý các dự án "treo" trên địa bàn TP Hà Nội còn rất chậm, nhiều dự án “ôm đất” cả chục năm không triển khai, xin gia hạn hết lần này đến lần khác. Thậm chí, không ít dự án biến tướng thành các bãi tập kết xe, bãi tập kết hàng hóa… gây mất an ninh trật tự và bức xúc trong dư luận.

Có thể kể đến một số dự án bỏ hoang lâu năm như Khu đô thị Thiên đường Bảo Sơn ở phía Tây Hà Nội. Dù chỉ cách trung tâm thành phố 10km và đã có nhiều công trình nhà ở được xây dựng hoàn thiện từ lâu, tuy nhiên, Thiên đường Bảo Sơn vẫn còn rất nhiều căn biệt thự, nhà liền kề bỏ hoang chưa có người ở, để cỏ cây dại mọc um tùm bịt lối qua lại. Tương tự, Khu đô thị Kim Chung - Di Trạch (huyện Hoài Đức, Hà Nội) được UBND tỉnh Hà Tây (cũ) phê duyệt năm 2007, giao cho Tổng Công ty Thương mại và Xây dựng (Bộ Giao thông vận tải) làm chủ đầu tư với diện tích 138ha từ năm 2008. Tuy nhiên, dự án đang thi công thì bị tạm dừng vào năm 2010 và bỏ hoang nhiều năm qua…

Thống kê của các Sở, ngành TP Hà Nội cho thấy, trên địa bàn hiện có 379 dự án chậm triển khai đã có kết luận cụ thể, đề xuất xử lý, trong đó 30 dự án được kiến nghị thu hồi thì đến tháng 7/2022 mới thu hồi 10 dự án… cho thấy việc giải quyết các dự án rất chậm.

Không thu hồi được, ai phải chịu trách nhiệm?

Ngay khi kế hoạch 160 (ngày 18/6/2022) của TP Hà Nội được ban hành nhiều chuyên gia cũng nhận định, kế hoạch 160 của Hà Nội được đánh giá là hành động quyết liệt của chính quyền TP, nhằm xóa sổ những dự án “quây tôn” cả chục năm. Tại kế hoạch này, UBND TP yêu cầu công khai, minh bạch rõ quy trình, xác định cụ thể thời hạn, biện pháp giải quyết và xử lý đối với các dự án vốn ngoài ngân sách có sử dụng đất chậm tiến độ, chậm triển khai. Xử lý nghiêm, dứt điểm đối với các dự án chậm thực hiện đầu tư, chậm đưa đất vào sử dụng còn tồn đọng; các trường hợp cố ý chây ì, tiếp tục vi phạm thì kiên quyết thu hồi các dự án đủ điều kiện theo quy định của pháp luật… Cùng với đó, công khai các dự án chậm tiến độ, chậm đưa đất vào sử dụng trên địa bàn thành phố để tạo sự đồng thuận, giám sát của người dân và doanh nghiệp trong việc thực hiện.

Về tiến độ thực hiện, UBND TP yêu cầu trong Quý II/2022, tập trung hậu kiểm các kết luận thanh tra, kiểm tra để phân loại, đề xuất xử lý theo các nhóm dự án vi phạm; Quý III/2022, căn cứ phân loại, tập trung xử lý các nhóm dự án để đẩy nhanh tiến độ thực hiện dự án và lập hồ sơ xử lý dứt điểm đối với vi phạm đã đủ căn cứ; cơ bản đến hết Quý IV/2022, tập trung xử lý nghiêm các dự án chây ì, không chấp hành quyết định xử lý, tiếp tục vi phạm.

Dù nhìn nhận là TP Hà Nội đã có động thái quyết liệt với các dự án treo “ôm” đất, nhưng dư luận cũng như các chuyên gia đều cho rằng, nếu việc xử lý vi phạm không đạt như kế hoạch đề ra thì sẽ xử lý thế nào, ai sẽ chịu trách nhiệm, chịu trách nhiệm thế nào, hay trách nhiệm chung chung? Nếu lại như vậy thì tình trạng quản lý đất đai trên địa bàn Thủ đô tiếp tục rơi vào tình trạng “đánh trống bỏ dùi”.

Thu hồi các dự án treo, chậm tiến độ không những là quyết tâm của TP Hà Nội mà mới đây, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Văn Thành cũng có văn bản yêu cầu, UBND các tỉnh, thành phố thực hiện rà soát quy hoạch, kịp thời điều chỉnh hoặc hủy bỏ quy hoạch đã quá thời hạn và không có tính khả thi; rà soát các dự án để có phương án kiểm tra, đôn đốc tiến độ và kiên quyết thu hồi đối với những dự án chậm tiến độ, khắc phục tình trạng "dự án treo"; xây dựng kế hoạch thực hiện quy hoạch, công khai quy hoạch và kế hoạch thực hiện theo đúng quy định. Tại văn bản này, Phó Thủ tướng Lê Văn Thành giao nhiệm vụ cụ thể cho từng bộ, ngành như: Xây dựng, Kế hoạch và Đầu tư, Tài nguyên và Môi trường căn cứ theo chức năng, nhiệm vụ cần lên kế hoạch để triển khai thực hiện.

Theo KTS Đào Ngọc Nghiêm, Phó Chủ tịch Hội Quy hoạch phát triển đô thị Việt Nam, các dự án "treo", chậm tiến độ sẽ khiến hiệu quả và hiệu suất sử dụng đất kém, trong khi hiệu suất sử dụng các nguồn lực đầu vào nói chung và nguồn lực đất đai nói riêng đóng vai trò rất quan trọng. “Chậm thu hồi dự án treo là hậu quả của sự thiếu kiểm soát và xử lý quyền sử dụng đất, thiếu thể chế quản lý tiến độ các dự án nên dẫn đến thực trạng hiện nay. Ngoài ra, khi nhận giao đất, có doanh nghiệp đã thực hiện việc đầu tư cơ bản trên khu đất đó nên khi thu hồi tài sản gắn liền với đất gặp khó khăn. Nhưng dẫu thế nào, cũng không để chủ đầu tư lợi dụng kẽ hở như xin điều chỉnh quy hoạch rồi kéo dài thời gian đắp chiếu dự án”, KTS Đào Ngọc Nghiêm cho hay.

Còn GS-TSKH Đặng Hùng Võ, nguyên Thứ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường, cho rằng bên cạnh việc thu hồi thì cần có chế tài mạnh hơn để xử phạt các chủ đầu tư chậm triển khai dự án. Đặc biệt, cần lựa chọn nhà đầu tư đủ năng lực tài chính để giao đất. Cơ sở để đánh giá năng lực tài chính là báo cáo kiểm toán nội bộ, báo cáo tài chính trong vòng 3 năm gần nhất.

Ngọc Yến
.
.
.