Tăng cường phòng, chống buôn lậu trên địa bàn tỉnh Kiên Giang

Thứ Sáu, 22/03/2024, 05:11

Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, với vị trí địa lý có nhiều điểm đặc biệt, không chỉ có biển, rừng núi, đồng bằng mà còn có đường biên giới tiếp giáp Campuchia dài 56,8km và vùng biển rộng trên 63.000km2, có vị trí địa lí thuận lợi để phát triển giao thương kinh tế trong khu vực.

Ngoài ra còn có hai cửa khẩu tiếp giáp với Campuchia là Cửa khẩu quốc tế Hà Tiên và Cửa khẩu quốc gia Giang Thành với vị trí chiến lược quan trọng, Kiên Giang luôn là điểm đến hấp dẫn trong giao thương kinh tế giữa các nước trong khu vực và là cầu nối các tỉnh, thành vùng miền Tây Nam Bộ.

buonlau 2.jpg -0
Tang vật một vụ buôn lậu do Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Kiên Giang thu giữ.

Trên địa bàn tỉnh Kiên Giang hiện có hơn 60 doanh nghiệp xuất nhập hàng hóa qua lại biên giới trong đó tỉnh Kiên Giang có khoảng 35 doanh nghiệp, còn lại là các tỉnh, thành phố lân cận, việc giao thương trao đổi hàng hóa qua lại chủ yếu thông qua hai cửa khẩu. Tình hình buôn lậu tuyến biên giới tỉnh Kiên Giang thời gian qua diễn ra nhỏ lẻ, phân tán. Một số đối tượng “núp bóng” lợi dụng đường biên giới để buôn lậu, tập trung chủ yếu tại huyện Giang Thành, TP Phú Quốc và TP Hà Tiên.

Theo tìm hiểu của PV, tại khu vực giáp biên giới, ngoài các cơ sở kinh doanh, doanh nghiệp thì người dân sống tại đây chủ yếu là gia đình khó khăn về kinh tế, nghề nghiệp chính là làm thuê, trình độ hiểu biết và kiến thức pháp luật còn nhiều hạn chế nên các “đầu nậu” thường lợi dụng để lôi kéo hoặc tiếp tay cho hành vi vận chuyển trái phép hàng hóa, tiền tệ qua biên giới thông qua các đường mòn, lối mở, đường tiểu ngạch. Trên tuyến đường biển, buôn lậu diễn biến phức tạp với quy mô khá lớn, ngụy trang trên các tàu đánh bắt thủy, hải sản để vận chuyển hàng lậu ngày càng tinh vi, xảo quyệt và phức tạp. Các mặt hàng vận chuyển trái phép chủ yếu như: thuốc lá điếu nhập lậu, pháo, các mặt hàng nhu yếu phẩm, lương thực thực phẩm, hàng tạp hóa...

Đại tá Trương Đông Hải, Trưởng phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Kiên Giang thông tin, các đơn vị nghiệp vụ Công an tỉnh, Công an các địa phương và các lực lượng chức năng: Bộ đội Biên phòng, Quản lý thị trường, Hải quan, Cảnh sát biển luôn phối hợp làm tốt công tác đấu tranh, phòng chống buôn lậu và đạt được nhiều kết quả tích cực. Trong năm 2023, lực lượng Cảnh sát kinh tế Công an tỉnh Kiên Giang phối hợp, phát hiện, xử lý 1.424 vụ vi phạm (giảm 15 vụ so với cùng kỳ), trong đó, có 356 vụ buôn bán, vận chuyển trái phép hàng cấm, hàng lậu; 1.025 vụ gian lận thương mại. Riêng lực lượng Cảnh sát kinh tế phát hiện, bắt giữ tổng số 163 vụ hàng cấm, 1 vụ hàng giả hàng hóa chủ yếu là thuốc lá, đường cát, mỹ phẩm, giày thể thao. Qua đó, đã khởi tố 20 vụ, 28 đối tượng, thu nộp ngân sách Nhà nước từ tiền phạt và hàng hóa trên 1,087 tỷ đồng.

Cũng theo Đại tá Diệp Văn Thế, Phó Giám đốc Công an tỉnh Kiên Giang cho biết, Ban Chỉ đạo 389 về chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả tỉnh (Ban Chỉ đạo 389) đã chỉ đạo các lực lượng là thành viên của Ban Chỉ đạo 389 các cấp tăng cường công tác phối hợp trong tuần tra, kiểm soát, chốt chặn các tuyến biên giới đường bộ, đường thủy và các điểm nghi vấn về buôn lậu, mua bán, vận chuyển hàng cấm, hàng nhập lậu để phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý kịp thời.

Ngoài ra, tăng cường kinh phí mua sắm phương tiện, trang thiết bị phục vụ cho công tác phòng, chống và xử lý của lực lượng Cảnh sát kinh tế để phục vụ tốt cho công tác đấu tranh phòng, chống buôn lậu trên địa bàn. Phòng CSĐT tội phạm về tham nhũng, kinh tế, buôn lậu, môi trường Công an tỉnh Kiên Giang chủ động phối hợp với các cơ quan chức năng liên quan thu thập tài liệu liên quan đến tình hình hoạt động, ngành nghề, kinh doanh có liên quan đến lĩnh vực, các cơ sở doanh nghiệp mua bán qua lại biên giới, thực hiện tốt công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả bằng các hình thức đa dạng, thiết thực…

Trần Lĩnh
.
.
.