Trẻ em chịu hàng loạt ảnh hưởng tiêu cực do COVID-19

Thứ Sáu, 10/09/2021, 06:25

Đây là đánh giá được các chuyên gia đưa ra tại Hội nghị trực tuyến để đánh giá và tiếp tục triển khai các giải pháp bảo vệ chăm sóc giáo dục trẻ em, kịp thời ngăn chặn tác động tiêu cực của đại dịch COVID-19 đến trẻ em do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) và  Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 8/9.

 

Hội nghị có 25 điểm kết nối, tại Hà Nội và 20 tỉnh, thành phố đang hoặc đã là điểm nóng của đại dịch COVID-19 với trên 200 đại biểu đại diện cho các bộ, ban, ngành, các tổ chức quốc tế tại Việt Nam: UNICEF, WHO, Save Children, Child Fund… Không chỉ có cả chục nghìn trẻ em là F0 mà trẻ em còn đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần trong đại dịch.

bn7-1629895275281.jpg -0
Trẻ em cần được ưu tiên chăm sóc, bảo vệ trước những ảnh hưởng tiêu cực do dịch COVID-19.

Trẻ em nhiễm COVID-19 tăng mạnh  

Theo Bộ Y tế, tính từ ngày 5/7/2021 đến 30/7/2021 có khoảng 5% tổng số ca mắc COVID-19 ở Hà Nội là trẻ em từ 0 đến 5 tuổi. Tỷ lệ này cao so với những đợt dịch trước. Trong khi đó, theo báo cáo của các địa phương, tính đến ngày 31/8/2021 đã có 11.822 trẻ em là F0, số trẻ em F1 là 27.334 trẻ em.

Ở phạm vi rộng hơn, theo kết quả các nghiên cứu, trẻ em đang bị ảnh hưởng nghiêm trọng cả về thể chất lẫn tinh thần do nhiều trẻ em phải học trực tuyến dài ngày, bị suy giảm nguồn nuôi dưỡng. Có rất nhiều trường hợp trẻ em rơi vào tình trạng không có cha, mẹ hoặc người thân thích chăm sóc do cha, mẹ hoặc chính trẻ em phải điều trị, cách ly để phòng, chống lây nhiễm COVID-19.

Tại TP Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương, COVID-19 đã bắt đầu xâm nhập vào các cơ sở chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em tập trung, nguy cơ lây lan sang nhiều em khác. Trong và sau đại dịch, tình trạng bạo lực gia đình, xâm hại tình dục trẻ em, lao động trẻ em, xâm hại trẻ em trên môi trường mạng có nguy cơ gia tăng.

Bộ LĐ-TB&XH cho biết, ngay khi làn sóng dịch lần thứ 4 bùng phát vào cuối tháng 4/2021, các chính sách hỗ trợ cho trẻ em là F0, F1, phụ nữ đang mang thai, người nuôi con nhỏ dưới 6 tuổi đã được triển khai nhanh chóng, kịp thời. Đã có trên 108 nghìn người lớn và trẻ F1 được hỗ trợ tiền ăn với gần 116 tỷ đồng.

Ngay từ tháng 4/2020, 13 đầu tài liệu, 200 ngàn ấn phẩm truyền thông được biên soạn và phát hành đến các khu cách ly tập trung, gia đình và cộng đồng, hàng trăm bài báo, chương trình phát thanh, truyền hình tuyên truyền về bảo vệ chăm sóc và Giáo dục trẻ em được đăng tải, phát sóng trên các phương tiện thông tin đại chúng và mạng xã hội.

Rất nhiều hoạt động chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em sớm được quan tâm triển khai. Các giải pháp triển khai hỗ trợ chăm sóc và bảo vệ trẻ em trong các đợt dịch vừa qua đã giảm thiểu được những tác động tiêu cực do đại dịch COVID-19 đến trẻ em.

Ưu tiên bảo vệ trẻ em trong mùa dịch

Theo đánh giá của các chuyên gia UNICEF, trong bối cảnh dịch COVID- 19 đang diễn biến phức tạp như hiện nay, trẻ em phải được ưu tiên trong mọi chính sách, quyết định và hướng dẫn liên quan đến các biện pháp phòng ngừa và kiểm soát dịch COVID-19. Các chiến dịch truyền thông và nâng cao nhận thức cộng đồng cần được tiếp tục. Cán bộ, nhân viên tuyến đầu tiếp xúc với trẻ em cần được trang bị khẩn cấp kiến thức và kỹ năng bảo vệ trẻ em.

TS Annie Chu, Điều phối viên Nhóm Chăm sóc sức khỏe toàn dân của WHO tại Việt Nam cho rằng, các bằng chứng hiện có cho thấy trẻ em ít có nguy cơ mắc bệnh nặng và tử vong do nhiễm COVID-19 so với các nhóm tuổi khác.

“Tuy nhiên, điều quan trọng vẫn là chúng ta phải dạy trẻ các biện pháp phòng ngừa cơ bản, như giữ khoảng cách an toàn, tránh đám đông và tiếp xúc gần, đeo khẩu trang đúng cách và thường xuyên rửa tay. Các biện pháp phòng ngừa riêng của người lớn cũng rất quan trọng trong việc ngăn ngừa lây truyền virus cho trẻ em”, TS Annie Chu khuyến nghị.

TP Hồ Chí Minh là địa phương dịch COVID-19 diễn biến rất phức tạp thời gian qua, số lượng trẻ em bị ảnh hưởng cũng lớn, do đó, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH TP Hồ Chí Minh Trần Ngọc Sơn cho rằng, cần phải xây dựng cơ sở dữ liệu thống kê và cập nhật thường xuyên các vấn đề trẻ em bị ảnh hưởng bởi COVID-19 trên địa bàn để đánh giá tình hình và kịp thời chỉ đạo xây dựng các giải pháp can thiệp, hỗ trợ cho trẻ em an toàn trong khu phong tỏa, khu cách ly tạm thời.

“Cần phải kết nối các dịch vụ xã hội sẵn có từ các tổ chức, cá nhân trên địa bàn thành phố và đàm phán với các dự án để chuyển đổi hoạt động sang hỗ trợ khẩn cấp cho trẻ em, cho gia đình trẻ đảm bảo việc cung cấp dịch vụ kịp thời, phù hợp”, ông Sơn nêu giải pháp.   

Trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn đang diễn biến phức tạp, để đảm bảo mọi trẻ em đều được học tập, PGS.TS Nguyễn Thanh Đề, Vụ trưởng Vụ Giáo dục thể chất (Bộ Giáo dục và Đào tạo) cho hay, ngành giáo dục đã chỉ đạo, hướng dẫn các nhà trường, thầy cô giáo cung cấp kiến thức, kỹ năng để trẻ em không đến trường nhưng không ngừng việc học.

Song song với đó là các hoạt động giáo dục khác để hỗ trợ, bảo vệ trẻ em trước các ảnh hưởng tiêu cực. “Tuy nhiên, chúng tôi đề xuất cần có hướng dẫn bảo đảm an toàn khi mở cửa trường học trong điều kiện dịch COVID-19 còn kéo dài. Đồng thời cũng cần các hướng dẫn quy trình xử lý khi phát sinh các tình huống về dịch bệnh để đảm bảo an toàn cho trẻ”, ông Đề cho biết.

Để đảm bảo an toàn cho trẻ em khi dịch COVID-19 vẫn phức tạp kéo dài diện nay, Bộ LĐ-TB&XH cho biết sẽ yêu cầu thực hiện nghiêm các quy định, tiêu chuẩn về bảo đảm an toàn, phòng, chống lây nhiễm COVID-19 cho trẻ em. Ưu tiên điều trị, chăm sóc trẻ em bị nhiễm COVID-19 tại các cơ sở y tế; trẻ em phải cách ly để phòng, chống lây nhiễm tại các cơ sở cách ly tập trung.

Quan tâm chăm sóc sức khỏe tinh thần, tâm lý xã hội cho trẻ em. “Chúng tôi cũng sẽ đôn đốc triển khai kịp thời, đơn giản hóa thủ tục và tạo điều kiện thuận lợi tối đa cho người lao động mang thai, nuôi con dưới 6 tuổi, trẻ em là F0, F1, trẻ em bị ảnh hưởng bởi đại dịch COVID-19 nhận được các chính sách hỗ trợ theo Nghị quyết số 68 và Quyết định số 23 của Thủ tướng Chính phủ và các chính sách hỗ trợ bổ sung của địa phương.

Đồng thời tiến hành nghiên cứu, thành lập các cơ sở bảo trợ xã hội chuyên trách tiếp nhận, chăm sóc thay thế cho trẻ em mồ côi cha, mẹ do COVID-19. Tuy nhiên, các gia đình, cộng đồng dân cư và xã hội rất cần phát huy vai trò và trách nhiệm trong việc chăm lo cho trẻ em trong đại dịch COVID-19, nhất là trong phòng ngừa, xử trí các trường hợp bạo lực, xâm hại tình dục, bóc lột sức lao động, tai nạn, thương tích trẻ em”, bà Nguyễn Thị Hà, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH nhấn mạnh.

Phan Hoạt
.
.
.