Ứng phó với hạn, mặn vào mùa khô 2023 tại châu thổ Cửu Long

Thứ Hai, 06/02/2023, 07:42

Các chuyên gia khí tượng nhận định, mùa khô và xâm nhập mặn ở Nam Bộ diễn ra từ tháng 12/2022 đến tháng 3/2023, tương đương so với cùng kỳ mùa khô năm 2021-2022. Tuy nhiên, mức độ khô hạn của mùa khô năm nay không gay gắt như các năm trước.

Để bảo đảm nguồn nước tưới cho vụ lúa đông xuân 2022-2023, vụ hè thu, ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đang triển khai nhiều giải pháp ứng phó với hạn hán, xâm nhập mặn. Ngành Nông nghiệp tỉnh phối hợp với Đài Khí tượng Thủy văn tỉnh, Viện Khoa học thủy lợi Miền Nam theo dõi chặt chẽ diễn biến hạn mặn; tăng cường khảo sát, đánh giá xâm nhập mặn trên các tuyến kênh chính; kịp thời thông báo cho nhân dân biết để chủ động trong sinh hoạt và sản xuất. Ngành Nông nghiệp tỉnh Trà Vinh đã xây dựng kịch bản rủi ro thiên tai theo hai cấp độ 1 và 2, với các phương án ứng phó cụ thể đối với từng trường hợp nhằm giảm đến mức thấp nhất thiệt hại do hạn hán, xâm nhập mặn gây ra đối với sản xuất nông nghiệp. Trà Vinh là một trong những tỉnh ở ĐBSCL bị ảnh hưởng nặng nề bởi biến đổi khí hậu, nhất là tình trạng hạn hán, xâm nhập mặn nội đồng vào mùa khô khiến nhiều diện tích sản xuất của tỉnh bị thiếu nước tưới. Đợt hạn, mặn mùa khô 2019 - 2020 đã gây thiệt hại khoảng 1.000 tỷ đồng cho ngành Nông nghiệp tỉnh. Cây lúa bị thiệt hại nặng nhất với gần 382ha lúa mùa, hơn 23.747ha lúa đông xuân, gần 1.700ha lúa hè thu, với tổng thiệt hại gần 920 tỷ đồng….

Trên địa bàn Cà Mau, hạn hán, xâm nhập mặn thường bắt đầu từ tháng 1 và có khả năng kéo dài đến tháng 6, gây nhiều thiệt hại. Khu vực nhạy cảm, chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất là các vùng ngọt hoá thuộc 2 huyện U Minh và Trần Văn Thời. Trong vùng ngọt này còn có trên 43.000ha rừng tràm có nguy cơ cháy rất cao khi xảy ra hạn hán. Khu vực các huyện U Minh và Thới Bình có nguy cơ bị thiếu nước sinh hoạt mỗi khi mùa khô đến. Ðể chủ động ứng phó Ban Chỉ huy phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Cà Mau sẵn sàng lực lượng, trang thiết bị, máy móc các loại để đảm bảo yêu cầu hỗ trợ cứu hộ, cứu nạn và cả về đảm bảo sản xuất, sinh hoạt của người dân khi cần thiết…

Ứng phó với hạn, mặn vào mùa khô 2023 tại châu thổ Cửu Long -0
Hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé đưa vào vận hành giúp kiểm soát hạn mặn, tạo điều kiện sản xuất cho gần 385.000ha đất vùng châu thổ Cửu Long. 

Tỉnh Kiên Giang đã triển khai đồng bộ các giải pháp nhằm đảm bảo ngăn mặn, giữ ngọt. Các địa phương trong tỉnh tập trung nạo vét kênh, mương tăng khả năng trữ nước ngọt sử dụng trong mùa khô, gia cố đắp mới các đập ngăn mặn theo thời vụ, làm bờ bao bảo vệ lúa đông xuân 2022-2023 và phòng, chống hạn mặn cho sản xuất vụ lúa hè thu 2023. Tỉnh cũng chỉ đạo cơ quan chức năng, các địa phương vận hành hiệu quả hệ thống cống thủy lợi vùng Tứ giác Long Xuyên, ven biển An Biên - An Minh, đê bao U Minh Thượng và đê bao Ô Môn - Xà No phục vụ sản xuất, sinh hoạt của người dân. Ông Nguyễn Huỳnh Trung, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi Kiên Giang cho biết, tỉnh dự kiến đắp, gia cố 117 đập đất ứng phó với nguy cơ khô hạn, thiếu nước, xâm nhập mặn, đảm bảo nguồn nước phục vụ sản xuất nông nghiệp và dân sinh trong mùa khô trên địa bàn các huyện Kiên Lương, Giang Thành, Châu Thành, An Biên, An Minh, Hòn Đất, Gò Quao và TP Rạch Giá, với tổng kinh phí trên 19 tỷ đồng. Đến nay đã đắp mới, gia cố 36 đập, vận hành đóng, mở các cống ngăn mặn hợp lý, không xảy ra thiệt hại do xâm nhập mặn đối với sản xuất, nhất là vụ lúa đông xuân 2022-2023. Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo nông dân kiểm tra chất lượng nước trước khi bơm tưới, thường xuyên thăm đồng, nhất là những vùng sản xuất có nguy cơ bị ảnh hưởng mặn; đồng thời phối hợp với Sở NN&PTNT tỉnh An Giang thống nhất lịch lấy nước luân phiên trong vùng Tứ giác Long Xuyên để đảm bảo nguồn nước tưới tiêu, khi nước đầu nguồn đổ về ĐBSCL thấp trong thời gian dài.

Vụ đông xuân năm 2022-2023, tỉnh Tiền Giang xuống giống 47.440ha lúa, trên 20.000ha rau màu các loại. Địa phương phấn đấu đạt sản lượng vụ đông xuân 2022-2023 trên 335.000 tấn lúa, trên 400.000 tấn rau màu. Ngay từ đầu mùa khô 2022-2023, Tiền Giang đầu tư trên 864 tỷ đồng thi công các công trình cống đập ngăn mặn, trữ ngọt cặp theo bờ bắc sông Tiền, gồm: Cái Sơn, Mù U, Hai Tân, Cây Cồng, Phú Phong và Rạch Gầm. Hiện các đơn vị thi công đang khẩn trương đẩy nhanh tiến độ, phấn đấu cơ bản hoàn thành các công trình trong tháng 6/2023 nhằm phát huy hiệu quả phòng, chống thiên tai, bảo vệ sản xuất và đời sống; nạo vét 544 công trình thủy lợi, kênh mương nhằm đảm bảo nguồn nước sản xuất trong vụ đông xuân 2022-2023. Bên cạnh đó tranh thủ mùa khô, Tiền Giang huy động làm thủy lợi nội đồng, dọn lục bình, cỏ rác, giải phóng chướng ngại vật lòng kênh, khai thông dòng chảy, nhất là các tuyến kênh trục, kênh cấp 1, kênh cấp 2 nhằm phát huy được hiệu quả tưới tiêu, phục vụ sản xuất.

Theo ông Huỳnh Ngọc Nhã, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Sóc Trăng, Sở thường xuyên cập nhật độ mặn trong ngày, lịch vận hành các cống, thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin để người dân biết; vận hành các trạm cấp nước sinh hoạt nông thôn để cấp nước sinh hoạt cho người dân trong trường hợp xảy ra hạn, xâm nhập mặn kéo dài; đẩy mạnh tuyên truyền về phòng, chống hạn, mặn; xây dựng kế hoạch phòng, chống hạn, mặn ngắn hạn, áp dụng các biện pháp kỹ thuật tưới tiên tiến, tiết kiệm nước… Ngành Nông nghiệp tỉnh khuyến cáo bà con chỉ gieo cấy lúa ở những nơi có đủ nguồn nước, không xuống giống ở những khu vực không có nguồn tiếp ngọt. Đối với sạt lở bờ sông, bờ biển, tăng cường vận động nhân dân không xây dựng nhà ở gần ngã ba sông, các khúc sông cong và những đoạn sông, kênh dễ bị sạt lở.

Đáng chú ý, hệ thống thủy lợi Cái Lớn - Cái Bé giai đoạn 1 có tổng vốn đầu tư hơn 3.300 tỷ đồng xây dựng trên 2 huyện An Biên và Châu Thành (tỉnh Kiên Giang), lớn và hiện đại nhất ĐBSCL đã hoàn thành. Công trình đưa vào vận hành không chỉ giúp kiểm soát mặn, tạo nguồn nước ngọt cho các vùng ven biển mà còn giúp cho nhiều địa phương ở châu thổ Cửu Long chủ động ứng phó với BĐKH, nước biển dâng, phòng chống thiên tai… với diện tích gần 385.000ha đất.

Đức Văn
.
.
.