Vì sao gần 100 trẻ em khiếm thính tại Đồng Nai mất chỗ học?

Thứ Tư, 31/05/2023, 13:26

Sau khi biết thông tin sẽ phải giải tán trung tâm, những ngày qua gần 100 học viên các cấp học phổ thông tại Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc thuộc Trường Đại học Đồng Nai đã rất hoang mang…  

Trong đơn khẩn cầu gửi đi nhiều nơi, 92 học sinh điếc đến từ các tỉnh Bình Dương, Ninh Thuận, Khánh Hòa, Lâm Đồng, Tiền Giang… thuộc trung tâm trên cho biết, các em tập trung về trung tâm này học là vì ở các tỉnh không có bậc THCS và THPT dành cho người điếc. Ở trung tâm này, các giáo viên đều sử dụng ngôn ngữ ký hiệu của người điếc để giảng dạy nên các em dễ dàng tiếp thu được kiến thức học tập. Do đó các em đồng loạt ký đơn khẩn cầu các cơ quan chức năng giúp giữ lại chỗ học tập phù hợp để có cơ hội phát triển tốt nhất trước tình trạng cấp bách hiện nay của trung tâm. 

Gần 100 trẻ điếc bậc học phổ thông khẩn cầu nhiều nơi vì mất chỗ học  -0
Giờ học giáo dục thể chất của học sinh khiếm thính.

Sau cả thời gian dài lo lắng, hy vọng của cô trò trung tâm đã bị dập tắt kể từ ngày 24/5 vừa qua khi TS Lê Anh Đức - Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai có văn bản  gửi Sở Nội vụ đề xuất phương án sắp xếp, tổ chức và bố trí các học viên tại trung tâm. Tại văn bản này, TS Lê Anh Đức cho biết, sau khi Thông tư số 20/2022/TT-BGDĐT ngày 28/12/2022 của Bộ Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) có hiệu lực, các điều kiện để trung tâm hỗ trợ và phát triển giáo dục hòa nhập tổ chức dạy văn hóa từ tiểu học, THCS, THPT gặp khó khăn do vị trí pháp lý của trung tâm.

Việc duy trì hoạt động của trung tâm còn gặp khó khăn do thiếu giáo viên cơ hữu khi có hơn 94% giáo viên của trung tâm là giáo viên thỉnh giảng và thiếu kinh phí hoạt động. Do đó, Hiệu trưởng Trường Đại học Đồng Nai kiến nghị Sở Nội vụ, Sở GDĐT hỗ trợ tiếp nhận toàn bộ 92 học sinh đang theo học tại trung tâm về đơn vị có chức năng đào tạo theo quy định. Đồng thời xem xét, hỗ trợ các điều kiện để Trường Đại học Đồng Nai tạm duy trì việc học cho các học sinh này trong khi chờ bố trí về nơi học mới.

Theo lãnh đạo trường Đại học Đồng Nai, số lượng cán bộ nhân viên làm việc tại trung tâm là 21 người, trong đó biên chế hưởng lương của trường chỉ có 3 người, còn lại 18 người là giáo viên thỉnh giảng. Trong số 92 học sinh đang theo học tại trung tâm, thì bậc tiểu học có 10/14 học sinh có địa chỉ thường trú hoặc tạm trú tại Đồng Nai; bậc THCS chỉ có 11/48 học sinh của Đồng Nai và bậc THPT có 12/30 em thuộc tỉnh Đồng Nai. Như vậy, những học sinh của Đồng Nai đang học tại trung tâm sẽ được chuyển về Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật của tỉnh Đồng Nai để học, còn học sinh ở tỉnh, thành khác sẽ được trả về địa phương của mình.

Điều khiến các em lo lắng hơn là Trung tâm nuôi dạy trẻ khuyết tật Đồng Nai chỉ tổ chức dạy đến bậc THCS chứ không có bậc THPT và như vậy những học sinh đang học lớp 10, lớp 11 sẽ không có nơi để học tiếp. Các em thuộc diện phải trở về các tỉnh, thành khác càng lo lắng hơn khi địa phương không có nơi đào tạo bậc THCS, THPT cho người điếc nên các em sẽ không còn cơ hội đi học.

Gần 100 trẻ điếc bậc học phổ thông khẩn cầu nhiều nơi vì mất chỗ học  -0
Học sinh khiếm thính của trung tâm trong một chuyến dã ngoại. 

Trước đó, ngày 5/5 UBND tỉnh Đồng Nai đã mời các sở, ngành liên quan để nghe Sở GDĐT và trường Đại học Đồng Nai cùng một số đơn vị khác báo cáo về kết quả thực hiện nhiệm vụ đã được UBND tỉnh giao. Trong đó có kết quả thực hiện nhiệm vụ được giao về hoạt động của Trung tâm Nghiên cứu - Thúc đẩy văn hóa Điếc. Trong thông báo kết luận tại buổi làm việc với các sở ngành, địa phương về công tác GDĐT trên địa bàn vào cuối năm ngoái, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Nai Cao Tiến Dũng đã chỉ đạo các Sở ngành, địa phương tăng cường công tác chăm sóc, bảo vệ trẻ em trong trường học nói chung cũng như các chường trình hỗ trợ trẻ em, học sinh có hoàn cảnh đặc biệt nói riêng. Do đó, đến nay các học sinh điếc tại trung tâm vẫn chưa thôi hy vọng sẽ được tỉnh Đồng Nai tiếp tục hỗ trợ...  

Để chia sẻ khó khăn về kinh phí hoạt động của trung tâm, rất đông phụ huynh đã đề nghị được nộp học phí cho con em họ, nhưng đề nghị này chưa được chấp thuận. Do vậy, có thể tiếp tục duy trì được hoạt động của trung tâm mang đầy tính nhân văn này hay không hiện vẫn đang phụ thuộc vào việc xem xét của UBND tỉnh Đồng Nai. 

    

Bảo Sơn
.
.
.