38 mùa xuân không kịp đón giao thừa!

Thứ Năm, 04/02/2016, 12:11
Ngày qua ngày, xuân tiếp xuân, người chiến sỹ ấy lặng lẽ đem tình yêu và lý tưởng của mình, cùng đồng đội làm nên bình yên trên mỗi nẻo đường xuôi ngược. Để rồi khi mái tóc đã bạc màu sương gió ông mới chợt nhận ra rằng đã gần bốn chục mùa xuân không kịp đón giao thừa!

2 tình yêu, một cuộc đời

Những ngày cuối năm, chúng tôi tìm đến Đội CSGT số 6 (Công an Hà Nội) để tìm gặp Trung tá Nguyễn Trung Thành. Mái đầu đã điểm những sợi bạc màu sương gió, thế nhưng ở ông luôn thường trực một nụ cười phúc hậu đến lạ. Là một Đội trưởng, nhưng dường như ông chẳng để một phút nào trôi qua mà không có công việc. Với ông, tuổi tác không phải là lý do để ông vơi đi sức chiến đấu và lý tưởng cho một tình yêu mà ông đã vững bước gần 40 năm qua.

Năm 1977, chàng trai nghèo quê Vĩnh Phúc đi theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc khoác áo lính lên đường. Năm tháng lặng lẽ trôi qua, từng nhịp chuyển mình của đất nước cho đến hôm nay vẫn như còn in rõ trong ông. Những ngày tháng chỉ có ăn mì bo bo rồi huấn luyện, những đêm trường đi bộ cả mấy cây số tuần tra kiểm soát trong cái gió rét căm căm vẫn chưa một lần nhạt nhoà. Sau chiến đấu ở biên giới phía Bắc trở về, ông lần lượt vào các đơn vị trạm, đơn vị khoa học, đơn vị chiến đấu, lực lượng Cảnh sát cơ động rồi chuyển sang lực lượng Cảnh sát giao thông. 

Trung tá Nguyễn Trung Thành chia sẻ về những kỉ niệm trong đời làm CSGT.

Cái đói, cái rét, cái vất vả của cả một đời lính như càng nuôi dưỡng thêm tình yêu với sự nghiệp, với đất nước quê hương. Những ngày hành quân hai ngày liền chỉ ăn 1 chiếc bánh mỳ, những đêm lênh đênh trên sông đi lấy hàng viện trợ, những đêm tuần tra mưa lạnh về nhà đồng đội cùng chia nhau gói mỳ ít ỏi. Thế nhưng, trái tim trai trẻ vẫn luôn rực lửa quyết tâm không ngừng. Ngược dòng của lịch sử, trong câu chuyện kể mình, trong ông dường như những đêm tuần tra của ngày nào được sống lại. 

Ông kể, có lần đồng đội bị sốt rét trong đêm tuần tra ở Đông Anh. Khi ấy bệnh viện không cấp cứu, bác sỹ ở Đông Anh không có, ông một tay giữ bạn, một tay cầm lái tiếp tục đưa bạn sang Gia Lâm. Nhưng khi sang đến nơi cũng không có bác sỹ trực, lo sợ đến tính mạng của bạn, ông lại vòng xe ôm bạn sang Bệnh viện Việt - Đức. Lúc này, đôi tay tê cứng như chẳng còn cảm giác, vẫn cố gắng ôm bạn vào phòng bệnh vừa đi vừa rơm rớm nước mắt cầu mong cho bạn qua khỏi. Ông nói, cái tình đồng đội thiêng liêng lắm, ruột thịt lắm.

Rồi  một đêm 30 Tết năm 1983, khi được tranh thủ sang thăm bạn trước giao thừa, ông gặp bà. Cái nét duyên dáng, gần gũi thân thiện của cô gái làm ở Công ty xe khách Thống Nhất đã làm say lòng anh chiến sỹ Cảnh sát giao thông. Như một mối duyên được hẹn, hai người làm quen rồi đem lòng yêu nhau. Và từ đây, tình yêu của bà Nguyễn Thị Toàn thêm ấm lòng anh chiến sỹ trẻ. Ông đã nuôi dưỡng tình yêu bà trong tình yêu đất nước. Mặc dù đặc trưng nghề nghiệp tạo nên những khoảng cách không gian, thời gian giữa hai người, ấy nhưng tình yêu trọn vẹn thủy chung luôn giữ cả hai người ở xa mà chẳng xa. 

Với ông, để có thể vững lòng với tình yêu nghề từ ngày ấy cho ðến hôm nay, có sự ðóng góp không nhỏ từ tình yêu nơi người vợ hiền yêu dấu. Khi đã thành vợ thành chồng, bà đảm đang quán xuyến mọi việc, để ông có thể yên tâm công tác. Có những khi mấy tuần liền không về nhà, bà vẫn động viên an ủi chồng cố gắng vượt khó làm tròn nhiệm vụ. Rồi cứ thế những mùa xuân lặng lẽ đi qua, ông luôn tự hào và mãn nguyện với hai thứ tình yêu mà ông hết lòng trao gửi đó là tình yêu bà và yêu đất nước.

Những giao thừa vắng nhà…

Truyền thống của người Việt Nam xưa nay vốn rất trân trọng giây phút của giao thừa. Trong tâm niệm mỗi người, thời khắc thiêng liêng ấy phải là lúc mọi người trong gia đình quây quần sum họp. Ấy thế mà đã 38 năm nay chưa một lần ông kịp về để được chung với gia đình giây phút ấy. Ông nhắc lại mùa xuân đầu tiên của đời lính khi ông mới nhập trường. Được nghỉ để về quê ăn Tết vào chiều tối 30, ông chạy bộ gần 70 cây số từ trường về đến quê trong niềm háo hức. Chạy miết không mệt mỏi, về tới đầu làng thì nghe thấy tiếng pháo đã rộn ràng khắp nơi. Chạy về đến sân nhà thì chỉ còn đúng 3 phút nữa là đến giao thừa mà thấy hạnh phúc đến khôn cùng. Và đó cũng là cái Tết duy nhất cho đến nay ông chạy về kịp đón giao thừa.

Rồi cứ thế, vòng quay của cuộc sống, bộn bề của công việc cứ cuốn ông đi mãi. Bao nhiêu mùa xuân là bấy nhiêu cái Tết ông cùng các đồng đội thức trực cho những đêm giao thừa bình yên. Có những tâm sự mà chỉ có những chiến sỹ Công an mới phải lặng mang. Ông nói, trong những đêm giao thừa nhìn người người qua lại đi chơi Tết, rồi vội về với gia đình mà trong mỗi chiến sỹ cảnh sát giao thông cũng chạnh lòng vô cùng. Ấy thế nhưng vì công việc, vì nhiệm vụ họ vẫn không một phút nản lòng, vẫn vững vàng ý chí gìn giữ cho sự bình yên mỗi vòng xe đang hối hả lại qua. 

Ông tâm sự, những chiến sỹ Cảnh sát giao thông cũng là người của gia đình, phải làm tròn phận của người chồng, người cha, người con, người cháu trong họ tộc. Ngoài ra vẫn không quên những nhiệm vụ mà nhân dân, Tổ quốc giao cho. Là những đêm giao thừa vắng nhà, có những sáng mồng một con ngóng cha, vợ đợi chồng…; rồi đến khi hoàn thành nhiệm vụ, giao vị trí công việc cho đồng chí khác, rồi mới trở về nhà cùng gia đình đón Tết. Mới thoáng thế mà nhanh thật, đã 38 giao thừa ông không có mặt ở nhà. 

Ông nói, lực lượng Công an nói chung là rất thiệt thòi. Họ thiệt thòi từ chính những hạnh phúc nhỏ nhoi như thế. Nhưng với tất thảy, họ luôn tâm niệm coi hạnh phúc của nhân dân chính là hạnh phúc của mình để rồi một lòng cống hiến.

Tâm sự ngày xuân…

Trong câu chuyện những ngày đầu xuân, khi cái Tết đang mỗi ngày một gần,  Trung tá Thành như nhẹ lòng hơn trong những niềm tâm sự. Ông chia sẻ: "Một đời chiến sỹ ngót 40 năm tôi đã dâng trọn trái tim và ý chí cho quê huơng đất nước, cho bình yên của nhân dân". Ông là một trong những người hiểu và cảm nhận sâu sắc nhất nỗi lòng người chiến sỹ. Ông nói, Tết nào cũng vậy, những ngày cuối năm, rồi giây phút giao thừa trực tiếp trực và cùng các chiến sỹ tuần tra kiểm soát, nhìn lớp lính trẻ vắng nhà đêm 30 mà chạnh lòng. Nhắc đến đây, ông lại nhớ về một kỷ niệm đã xa: một đêm giao thừa muộn, khi cả gia đình anh em con cáí ngồi ăn cơm thì bà mẹ của ông không ăn. Ông gượng hỏi lý do thì mẹ nói: nhìn thấy các con sum họp quây quần là mẹ hạnh phúc chẳng cần ăn.

Người đội trưởng dày dạn kinh nghiệm nói: "Cảnh sát giao thông chúng tôi có đến 80% các anh em mắc các bệnh liên quan về phổi. Rồi có biết bao hiểm nguy luôn rình rập trên đường. Thế nhưng trong lòng, chúng tôi không hề quản ngại. Hạnh phúc của nhân dân là hạnh phúc của chính chúng tôi. Canh giữ cho nhân dân hạnh phúc đón giao thừa là như chúng tôi cũng đã có giao thừa".

Ngoài kia, cuộc sống đang vội vã hối hả vô cùng. Hương đào, sắc mai đang dần ngập tràn rực rỡ Hà Nội. Và những chiến sỹ áo vàng, họ cũng đang lặng lẽ chuẩn bị những kế hoạch nhiệm vụ cho một cái Tết bình yên. Đôi mắt của người Trung tá già như thoáng trầm tư rồi lại tươi sáng bất ngờ. Ông nói: "Thôi thì cứ canh cho giao thừa của dân, rồi trong mình giao thừa cũng sẽ đến sau".

Đất nước vẫn đang từng ngày phát triển, cuộc sống ồn ào náo nhiệt vẫn đang vội vàng đi ngang. Và những con người, những chiến sỹ Công an nói chung, lực lượng Cảnh sát giao thông nói riêng như Đội CSGT số 6, như Trung tá Nguyễn Trung Thành vẫn đang âm thầm lặng lẽ cống hiến cuộc đời và lý tưởng cho sự bình yên đất mẹ - mặc dù rằng sẽ lại thêm những mùa xuân nữa chẳng kịp đón giao thừa!

Thiên Thảo
.
.
.