Chỉ huy trưởng lực lượng Cảnh sát 113 Công an Nghệ An:

Anh hùng trong lòng dân

Thứ Hai, 01/07/2013, 15:06

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh, Phó trưởng Phòng Quản lý hành chính về trật tự xã hội (PC64) Công an tỉnh Nghệ An, phụ trách trực tiếp lực lượng Cảnh sát 113 được biết đến như là người anh hùng thầm lặng, với những chiến công như huyền thoại sống

.

Là đội trưởng săn bắt cướp đầu tiên ở xứ Nghệ, cuộc đời của ông gắn với những câu chuyện ly kỳ về đấu trí với tội phạm, một mình đóng giả tướng cướp vào tận hang ổ băng cướp để bắt tên đầu sỏ. Giữa thời bình không trầm lặng, thủ lĩnh một lực lượng đặc thù, luôn đối đầu với điểm nóng, hiểm nguy như Cảnh sát 113, những tố chất không khoan nhượng với cái xấu trong ông lại tiếp tục được bộc lộ.

Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh sinh năm 1958 trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng tại xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương (Nghệ An). Bố ông là liệt sĩ kháng chiến chống Mỹ cứu nước. Năm 1975, anh đã vinh dự khoác chiếc áo của ngành công an, khi mới 17 tuổi. Trải qua nhiều đơn vị công tác trong lực lượng công an, nhưng đáng nhớ nhất vẫn là thời kỳ công tác tại Phòng Cảnh sát hình sự. Nguyễn Cảnh Chanh là đội trưởng đội SBC (săn bắt cướp) đầu tiên và gần như là duy nhất của xứ Nghệ, sau này đổi thành Đội Đặc nhiệm rồi Truy nã và là tiền thân của lực lượng Cảnh sát truy nã bây giờ.

Trước khi đảm nhận công việc hiện tại, Thượng tá Chanh còn có thời gian dài công tác tại Phòng Cảnh sát cơ động và hỗ trợ tư pháp, một trong những đơn vị luôn đối đầu với điểm nóng chẳng khác gì Cảnh sát 113. Dù ở bất cứ cương vị và phòng nghiệp vụ nào thì Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh, với tố chất dũng cảm, hết lòng vì dân phục vụ của mình, anh luôn là nỗi khiếp đảm, khắc tinh của mọi loại tội phạm trên địa bàn.

Chuyện như huyền thoại sống

Trong số hàng trăm chiến công có sự góp sức của mình, cho đến bây giờ, Thượng tá Chanh vẫn còn nhớ như in câu chuyện một mình suốt 7 giờ đồng hồ đấu trí căng thẳng với tên trùm ma túy mang theo 4 bánh heroin và vũ khí nóng là một quả lựu đạn đã rút chốt. Ấy là vào thời điểm cuối năm 1999, khi ấy anh đang là Đội trưởng Đội đặc nhiệm của Phòng Cảnh sát hình sự. Mặc dù đang đi học tại Hà Nội nhưng khi về thăm nhà ở xã Hòa Sơn, huyện Đô Lương, lúc vừa xuống xe, chưa kịp về thăm nhà đã nghe dân làng xôn xao chuyện một kẻ buôn ma túy đang trốn trong nhà dân, cố thủ bằng lựu đạn. Hỏi ra mới hay, trong lúc làm nhiệm vụ tuần tra, Cảnh sát giao thông phát hiện một người mang 4 bánh heroin, tên này đã mang lựu đạn ra rút chốt uy hiếp rồi nhảy qua cửa sổ nhà xe chạy vào nhà dân.

Dù đang trong thời gian nghỉ, nhưng với tinh thần trách nhiệm của mình, Nguyễn Cảnh Chanh đã trao đổi với đồng chí Phan Tuấn Phượng đang làm nhiệm vụ tuần tra giao thông để lấy khẩu súng K59 phòng thân rồi nhận nhiệm vụ tiếp cận đối tượng, lúc này đang cố thủ trên chuồng trâu. Với bộ quần áo thường phục, anh đã nhanh chóng tiếp cận được ở một khoảng cách an toàn, lúc này tên kia vẫn một tay cầm lựu đạn, một tay cầm con dao cố thủ. Đó là loại lựu đạn quả dứa do Liên Xô sản xuất, độ sát thương bán kính 15m.

Quá trình thương thuyết, bằng kinh nghiệm đấu tranh với các loại tội phạm của mình, anh đã khơi chuyện, lấy nước, đi mua thuốc lá và mua bánh chưng cho đối tượng ăn. Trong quá trình đó, anh chú ý quan sát, chờ đối tượng sơ hở là ra tay nhưng là tên tội phạm chuyên nghiệp nên tay hắn lúc nào cũng lăm lăm quả lựu đạn đã rút chốt. Đánh tâm lý vào gia đình, quá trình hỏi han, anh được biết đối tượng từng là bộ đội chiến đấu bên Lào, có gia đình, một vợ và hai con. Sau nhiều tiếng đồng hồ thương thuyết, Nguyễn Cảnh Chanh chỉ tước được con dao trên tay, còn quả lựu đạn đối tượng vẫn không rời.

Cảnh sát 113 Công an Nghệ An trấn áp tội phạm.

Đến khoảng 11 giờ đêm, tên này đồng ý đầu hàng nhưng với điều kiện phải khóa tay cùng với anh để lên công an huyện đầu thú nhưng phương án này không được chấp nhận. Cuộc thương thuyết tiếp tục, kim đồng hồ nhích dần về con số 12, bất ngờ tên tội phạm đứng lên, giơ lựu đạn ra phía trước rồi nhìn đồng hồ. Lường trước được sự việc, ngay khi quả lựu đạn vừa rời khỏi tay đối tượng, anh cũng nhảy luôn xuống hố phân bên dưới chuồng trâu. Một tiếng nổ xé trời vang lên, đối tượng bị phanh thây, rất may toàn bộ lực lượng có mặt cùng người dân không ai bị thương, kể cả Nguyễn Cảnh Chanh. Ngay lúc ấy, Đại tá Phan Đình Trạc, Phó Giám đốc Công an tỉnh cũng vừa có mặt, mang theo chỉ thị của Bộ Công an được phép tiêu diệt đối tượng.

Một câu chuyện khác thời chưa xa, ấy là khi đế chế đá đỏ đang hoành hành ở vùng núi cao Quỳ Châu, với sự lộng hành của các băng cướp, trong đó đặc biệt khét tiếng là băng nhóm do Nguyễn Văn Đường cầm đầu. Trước sự tác oai tác quái của Đường, chuyên án vây bắt được xác lập. Sau nhiều ngày truy lùng, biết tên này đang lẩn trốn trong rừng, cố thủ cùng khẩu K54 và 2 quả lựu đạn, một mình Nguyễn Cảnh Chanh đã đóng giả một tay anh chị từ huyện Quế Phong đi săn đá đỏ, lỡ ra tay sát hại mạng người nên phải bỏ trốn. Với “bài này”, anh đã tiếp cận được tên tướng cướp khét tiếng rừng xanh, để rồi cả hai cùng dắt tay bỏ trốn vào rừng sâu. Mất mấy ngày mới lựa được lúc hắn sơ hở, anh Chanh quật ngã và bập vào tay hắn chiếc còng số 8 trong sự ngỡ ngàng của đối phương.

Anh hùng trong lòng dân

Lực lượng Cảnh sát 113 Công an Nghệ An được thành lập vào ngày 20/7/2000. Trong hơn 10 năm qua, lực lượng này đã thường xuyên duy trì có hiệu quả công tác tiếp nhận, xử lý tin báo, tuần tra vũ trang, góp phần giữ vững an ninh chính trị, đảm bảo trật tự an toàn xã hội trên các địa bàn trong cả nước. Theo Thượng tá Chanh, mỗi năm lực lượng này tiếp nhận và xử lý không dưới 3.000 nguồn tin, trong đó khoảng 1.800 tin cần phải phối hợp giải quyết, đó là chưa kể đến các công tác khác như vận chuyển cấp cứu, bắt giữ tại hiện trường, thu hàng trăm đao kiếm các loại.

Trong 13 năm qua kể từ ngày thành lập đến nay, Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh đã tham gia trực tiếp hàng trăm vụ việc và khống chế hàng trăm đối tượng hung hãn, có số má trong giới giang hồ. Cũng có những lúc, anh và đồng đội phải đối mặt với hiểm nguy, có khi phải phơi nhiễm HIV khi bị con nghiện cắn, đâm trọng thương nhưng không vì thế mà các anh chùn bước. Bất cứ lúc nào và bất luận ở đâu, hễ chuông điện thoại reo vang là các anh lại tức tốc lên đường làm nhiệm vụ. Trên những chặng đường phá án, mỗi khoảnh khắc đối diện với tội phạm đã trở thành những kinh nghiệm “gối đầu giường” quý báu của riêng Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh và lực lượng CS113.

Còn nhớ, một ngày cuối năm 2011, các anh nhận được tin báo đối tượng Hồ Hữu Khang (51 tuổi) ở Quỳnh Lưu ôm 8 thỏi mìn đựng trong cặp số đã được kích hoạt sẵn đến nhà sếp cũ để tống tiền, hòng chiếm đoạt 150 triệu đồng. Sau khi tiếp cận hiện trường, tiếp cận đối tượng, một mặt Thượng tá Chanh thương thuyết, mặt khác yêu cầu gia chủ chuẩn bị tiền, sẵn sàng cho phương án hai. Sau khi có tiền, đối tượng ôm mìn theo, nhảy lên xe taxi chạy thẳng về nhà riêng ở xã Quỳnh Châu cách địa điểm gây án trên 80km.

Để theo dấu đối tượng, Thượng tá Chanh đã nhảy lên xe máy của một cán bộ chiến sĩ cấp dưới, kiên trì bám theo suốt mấy tiếng đồng hồ. Đến lúc đối tượng dừng xe trước cửa, hạ kính xuống để đưa tiền cho vợ, nhận thấy thời cơ đến, bằng biện pháp nghiệp vụ sắc bén, thượng tá Chanh đã áp sát giật lấy chiếc cặp đựng mìn đã kích hoạt sẵn từ trên tay đối tượng, trong khi cộng sự của anh đã kịp thời áp sát khống chế tên này ngay trên xe taxi trước sự ngỡ ngàng của mọi người.

Một lần khác, quá trình tham gia truy bắt đối tượng Trần Quang Sáu (46 tuổi) ở phường Cửa Nam (TP Vinh), còn gọi là Sáu “trọng”. Đây là kẻ có lệnh truy nã đặc biệt về tội giết người, khi bị vây bắt, hắn đã cố thủ với khẩu súng K54 và 2 viên đạn đã lên nòng. Tên này rất manh động, sẵn sàng chống trả, bất luận bên ngoài hơn 50 cảnh sát được trang bị đầy đủ vũ khí sẵn sàng nổ súng. Thượng tá Chanh trực tiếp có mặt tại hiện trường và ra lời kêu gọi đầu hàng, đồng thời đưa vợ con hắn đến để tác động tâm lý.

Sau nhiều giờ thương thuyết kiên trì, Thượng tá Chanh đã chớp thời cơ đối tượng sơ hở, ập vào nhanh như chớp, khống chế và tước ngay khẩu súng trong tay tên Sáu. Ngay lúc ấy, các chiến sỹ khác kịp thời xông lên áp sát và khống chế khi tên này đang định tẩu thoát bằng lối ra cửa sau. Điều đáng nói là trong khẩu súng vẫn còn 2 viên đạn, trong đó có 1 viên đã lên nòng.

Không thể thống kê được hết những công trạng của Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh, chỉ biết rằng, ở xứ Nghệ, khi nói đến lực lượng Cảnh sát 113, người dân nơi đây lại rất đỗi tự hào và tin tưởng vì đã có một người thủ lĩnh dám quên mình để gìn giữ sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Trong cuộc đời cống hiến của mình, thượng tá Chanh đã được tặng thưởng rất nhiều huân, huy chương cao quý. Mới đây nhất, Thượng tá Nguyễn Cảnh Chanh đã được Bộ Công an tặng thưởng danh hiệu “Chiến sĩ thi đua toàn lực lượng Công an nhân dân”. Song, với anh, phần thưởng lớn nhất trong sự nghiệp của mình là đem lại bình yên cho nhân dân, được nhân dân tin yêu, kính trọng. Đó mới là danh hiệu cao quý mà bản thân anh cũng như đồng chí, đồng đội đã theo đuổi gần như trọn cả cuộc đời

Thiện Thành
.
.
.