Bắc cầu đưa người lầm lỗi về nẻo thiện

Thứ Năm, 07/05/2015, 09:00
Nhiều năm rồi, ngày mới của Đại úy Hoàng Thị Hiệp, Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Chủ tịch Hội Phụ nữ Trại giam Ninh Khánh đều bắt đầu từ việc ngắm nhìn tấm bưu thiếp chúc mừng của một phạm nhân gửi tặng. Tấm bưu thiếp ấy được phạm nhân tỉ mỉ dùng giấy màu cắt những bông mai vàng xinh xắn với những chiếc lá xanh li ti dán trên nền đỏ có sẵn của vỏ hộp bánh.
Món quà rất đơn sơ ấy nhưng chính là tấm lòng của người phạm nhân trước khi ra trại đã gửi tặng chị để cảm ơn tấm lòng người cán bộ. Chính vì vậy, chị Hiệp rất trân trọng, chị đặt tấm bưu thiếp ấy ở trước gương để mỗi sáng trước khi đi làm, khi soi gương đều nhìn thấy để có động lực làm tốt công việc của mình. Rồi, như muốn chia sẻ niềm vui, Đại úy Hiệp bảo tôi: "Nhà báo nhìn xem, hoa được dán khéo chưa?". Quả thật, những bông hoa được dán khéo léo tới mức, nếu không sờ tay vào thì tưởng đó là hình vẽ.

Ở phòng làm việc, Đại úy Hiệp cũng cất giữ những bức thư của các phạm nhân ở nơi dễ thấy nhất, bởi đối với chị, đó không chỉ là kỷ niệm mà là tấm lòng của các phạm nhân đối với mình.

Đại úy Hoàng Thị Hiệp đọc thư của phạm nhân gửi cho mình.

Hơn 10 năm làm công tác giáo dục ở phân trại số 3, chị gặp không ít  khó khăn, thử thách bởi số lượng phạm nhân đông, lứa tuổi, thành phần, nguyên nhân phạm tội khác nhau, nhưng có điểm chung là vì không làm chủ được mình đã gây tội nên mất quyền tự do. Chính vì vậy, nhiều phạm nhân lỳ lợm, chán nản, sống bất cần đời, không cần biết đến ngày mai, thường xuyên vi phạm nội quy, quy định, không chịu cải tạo, học tập…

Lần giở lá thư của phạm nhân Chu Diệp N., ở Hà Nội, phạm tội mua bán trái phép chất ma túy với mức án phạt 15 năm tù. Đại úy Hiệp cho biết, vì sớm tham gia vào mua bán trái phép ma túy nên Chu Diệp N. rất khôn khéo, thậm chí là lưu manh trong sinh hoạt hàng ngày. Lúc vào trại, phạm nhân này mới 20 tuổi nhưng biết cách che đậy bản chất thật của mình, luôn tỏ ra ngoan, hiền, tử tế nhưng thực chất là người lười lao động, hay xúi giục phạm nhân khác vi phạm.

Biết được việc đó, Đại úy Hiệp đã tìm hiểu tâm tư, hoàn cảnh, biết được rằng sở dĩ N. chán nản là do hoàn cảnh gia đình khó khăn, mức án dài. Hiểu được điều đó, hàng ngày chị gặp gỡ, tâm sự, sẵn sàng giúp đỡ N. mỗi khi phạm nhân này gặp khó khăn. Đặc biệt, trong các dịp lễ, Tết, Đại úy Hiệp cùng chị em trong Hội Phụ nữ đều tặng quà, thăm hỏi, dù chỉ là những món quà nhỏ như dầu gội đầu, mì tôm, hay đơn giản là miếng xà phòng, chiếc khăn mặt nhưng đã tác động sâu sắc đến tâm tư của N.

Từ đó, chị này tiến bộ rõ rệt, luôn cải tạo tốt, chấp hành tốt các nội quy, được giảm án, tha tù trước thời hạn. Sau khi về nhà, Chu Diệp N. đã buôn bán nhỏ kiếm sống lương thiện. Nhớ đến sự giúp đỡ của người cán bộ giáo dục, chị N. thường xuyên gửi thư hỏi thăm sức khỏe Đại úy Hiệp, khoe về cuộc sống mới với những dự định tốt đẹp trong tương lai, bởi đối với N., Đại úy Hoàng Thị Hiệp chính là người mở lối để N. trở lại với cuộc đời…

Cải tạo, giáo dục phạm nhân Nguyễn Hải Huyền ở Sơn La cũng là một kỷ niệm không thể quên đối với Đại úy Hoàng Thị Hiệp. Phạm nhân Huyền có hoàn cảnh khá đặc biệt, bố mẹ li hôn, mẹ lấy chồng khác nên phải ở với bố dượng. Cuộc sống khó khăn nên mẹ Huyền chỉ biết lo làm ăn, không quan tâm được đến con gái. Huyền cứ như cây cỏ lớn lên, chả được học hành gì, lại bị chính gã bố dượng hãm hại nên luôn mang nỗi uất hận trong lòng, suy nghĩ lệch lạc, nông cạn. Chán nản, Huyền bỏ theo đám bạn xấu buôn ma túy, rồi bị bắt.

Thi hành án ở Trại giam Ninh Khánh, cách xa nhà mấy trăm cây số, không người thân thích, không bạn bè, mẹ già cũng không có điều kiện thăm nuôi nên Huyền chán nản vô cùng, thường xuyên vi phạm kỷ luật. Tìm hiểu kỹ hoàn cảnh của Huyền, Đại úy Hiệp hiểu rằng, muốn cải tạo người phụ nữ này, trước hết phải trở thành người bạn thực sự của cô ta. Chính vì vậy, chị tìm mọi cách gần gũi, động viên Huyền, thân thiết như người nhà, đồng thời tìm cách liên lạc, tạo điều kiện để mẹ Huyền đến thăm con.

Sự quan tâm đó dần dà đã tác động tâm lí đến Huyền, khiến cô ta thay đổi. Thế nhưng, tâm lí của người phụ nữ từng bị xâm hại khá thất thường, có lúc cố gắng vượt bậc để thay đổi nhưng có lúc lại chán nản, buông xuôi. Mỗi lúc Huyền "xuống dốc", Đại úy Hiệp lại tìm mọi cách động viên, giúp đỡ. Đến nay, Huyền đã thực sự tiến bộ, kết quả cải tạo luôn đạt loại khá.

Đại úy Hoàng Thị Hiệp cho biết: "Xác định rõ trách nhiệm của mình là giáo dục cảm hóa phạm nhân, tôi đã xây dựng cho mình kế hoạch cụ thể, chi tiết. Bắt đầu cảm hóa những phạm nhân "nổi trội". Với mỗi phạm nhân tôi có một cách tiếp cận riêng.

Tôi luôn nhận thức sâu sắc rằng: Để giáo dục một phạm nhân trở thành một người tốt thì trước hết phải thực hiện đầy đủ chế độ chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và bản thân phải là tấm gương để phạm nhân soi vào. Quan trọng, đó là sự quan tâm đối xử giàu tính nhân văn, biết tôn trọng và phát huy những nhân tố tích cực trong mỗi phạm nhân, làm cho họ tự biết quản lý, điều chỉnh hành vi của mình. Vì thế, tôi luôn coi phạm nhân như chị em, bạn bè của mình để giúp đỡ, cải tạo họ".

Còn nhớ cách đây vài năm, tôi gặp nữ phạm nhân xinh đẹp Phạm Thị Quế, quê ở Nam Định phạm tội giết người, cướp tài sản. Quế vốn là một cô gái có học thức (lúc phạm tội đang là sinh viên Trường Cao đẳng Dệt may Nam Định). Trái với hình dung của tôi về một nữ sinh sát thủ "rạch giời rơi xuống", Quế rất xinh đẹp, hiền lành với làn da trắng, nói năng nhỏ nhẹ.

Đồng phạm trong vụ án chính là người yêu của Quế là Đoàn Ngọc Duy. Cả Duy và Quế đều sinh ra trong gia đình nông dân nghèo, khi lên thành phố trọ học, Quế nhanh chóng bắt nhịp, ham ăn chơi, mua sắm. Thiếu tiền, Quế bàn với Duy cướp vàng của anh Triệu Văn V - một người đã có vợ con nhưng vẫn si mê Quế.

Theo kế hoạch, Duy đèo Quế đi mua thuốc ngủ hòa vào rượu, đợi đến tối Quế nhắn tin rủ anh V. đến phòng trọ của mình, uống rượu cùng Quế, còn Duy ngồi trên mái nhà trọ để canh chừng. Thấy anh V. đã uống cốc rượu pha sẵn thuốc ngủ nhưng không bị ngấm thuốc, Duy sốt ruột bảo Quế "điều" anh V. ra ngoài tâm sự cho thoáng nhưng thực chất là để dễ bề "hành động".

Khi Quế và V. ra ngồi bên hè chỗ cống thoát nước nói chuyện, Duy bất ngờ dùng tuýp nước đánh rồi đẩy anh V. xuống cống nước. Thấy anh V. chới với dưới cống, Quế đưa tay ra kéo lên định cứu nạn nhân nhưng Duy đã lạnh lùng ngồi đè lên người nạn nhân, bóp cổ. Sau đó, cả hai cướp toàn bộ tài sản, dùng xe máy của anh V. để chở nạn nhân vứt xuống sông Đào. Sự việc bại lộ, cả hai bị bắt, Duy bị kết án tử hình, Quế chịu án chung thân. Cô gái này cũng là phạm nhân nữ đầu tiên thi hành án chung thân ở Trại giam Ninh Khánh.

Cũng vì mức án dài, người yêu lại bị tử hình nên Quế vô cùng chán nản, không muốn cải tạo. Nhận nhiệm vụ giáo dục Quế, Đại úy Hoàng Thị Hiệp không chỉ coi cô gái này như em mình, mà còn giúp cô phát huy khả năng của mình. Quế vốn hát hay, múa đẹp, lại rất khéo tay nên Đại úy Hiệp đã đề xuất cho Quế vào đội văn nghệ. Được sống đúng với mình, dần dần, Quế đã ổn định tâm lí, cải tạo tốt.

Tấm bưu thiếp phạm nhân gửi cho Đại úy Hiệp.

Nói chuyện với tôi, Quế kể rằng, các cán bộ quản giáo, giáo dục đã làm cuộc đời cô thay đổi, đã giúp cô nhận thức được rằng chỉ có hối cải mới thực sự giải thoát, bởi cho dù không thể cứu được người yêu nhưng sẽ phần nào vơi bớt tội lỗi, sự ân hận dằn vặt và cả những tiếc nuối mà hai đứa đang trải qua. Và, đặc biệt, chỉ có cải tạo tốt, cô mới làm vơi đi nỗi đau của cha mẹ, có cơ hội làm lại cuộc đời…

Hơn 10 năm làm cán bộ giáo dục, Đại úy Hoàng Thị Hiệp đã gặp hàng chục, hàng trăm trường hợp "khó" như vậy, nhưng mỗi người một cách, chị dần dần tiếp cận được những góc khuất, những bí mật sâu thẳm nhất của phạm nhân, để từ đó tác động khiến họ mở lòng. Đôi khi, chỉ một ít thuốc, cân đường, cân cam khi phạm nhân đau ốm nhưng đã giúp những người từng lầm lỡ nhận ra rằng, xã hội còn nhiều người tốt, còn động lực để vươn lên.

Từ năm 2012 đến nay, do yêu cầu nhiệm vụ, Đại úy Hoàng Thị Hiệp được bổ nhiệm chức vụ Phó đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp phụ trách công tác Đảng. Nhận nhiệm vụ mới, đòi hỏi trách nhiệm cao, chị tập trung nghiên cứu kỹ các văn bản tham mưu cho Đảng ủy trong việc xây dựng các Nghị quyết chuyên đề cũng như Nghị quyết chung của Đảng ủy trong việc thực hiện nhiệm vụ chính trị được giao.

Với nhiệm vụ là Hội trưởng Hội Phụ nữ với 160 chị em trong đơn vị, Đại úy Hoàng Thị Hiệp luôn là người gương mẫu, nhiệt tình trong các phong trào, xây dựng nhiều kế hoạch phù hợp với nhiệm vụ chung của đơn vị, thường xuyên thay đổi nội dung sinh hoạt để cuốn hút chị em.

Đặc biệt, Hội Phụ nữ đã đề xuất, thực hiện nhiều kế hoạch như: "Buồng phạm nhân 4 tốt"; "Đội phạm nhân an toàn", "Tủ sách văn hoá phạm nhân"; "Nhà trẻ sạch đẹp". Các công trình, phần việc của Hội Phụ nữ Trại giam Ninh Khánh đã được phụ nữ Bộ Công an chọn làm mô hình điểm để tổ chức tham quan thực tế trao đổi kinh nghiệm.

Ngoài ra, Hội Phụ nữ Trại giam Ninh Khánh đã xây dựng nhiều chương trình hoạt động thực tiễn gắn với đời sống, tâm tư, nguyện vọng của phạm nhân như: Tổ chức chương trình giáo dục đồng đẳng cho phạm nhân nữ; tổ chức các hoạt động văn hóa văn nghệ, các buổi giáo dục cộng đồng, gặp gỡ Hội đồng tự quản, quan tâm sâu đến phạm nhân có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, phạm nhân nữ có con nhỏ, như tặng quà   vào các ngày kỷ niệm 8/3; 20/10, 1/6 hay Tết Trung thu, Tết Nguyên đán…

Đặc biệt, chị cũng là người đề xuất lãnh đạo cho các phạm nhân có quan hệ gia đình đang thi hành án tại Trại được gặp gỡ nhau. Đây cũng là một trong những biện pháp giáo dục rất tích cực, tác động sâu sắc đến tâm tư, tình cảm của phạm nhân, khiến họ có động lực cải tạo tốt hơn.

Nói về gia đình của mình, Đại úy Hiệp cười rạng rỡ cho biết, cô con gái lớn đang chuẩn bị thi đại học rất yêu công việc của mẹ, đang phấn đấu học thật tốt để thi đỗ vào ngành Công an. Chị bảo, trước đây, cháu không thích vào Công an vì thấy mẹ đi từ sáng sớm đến tối mới về, không có thời gian dành cho gia đình. Dần dà, thấy mẹ trân trọng công việc, trân trọng những kỷ niệm, kỷ vật mà phạm nhân dành cho, cháu đã hiểu, mẹ chính là người bắc nhịp cầu, góp phần đưa những người lầm lỗi về với cuộc đời…

Thu Hòa - Phương Thủy
.
.
.