Bậc thầy của các thám tử

Thứ Tư, 15/07/2020, 10:59
Raymond là một trong những thám tử tài giỏi nhất thời đại của mình, và cũng là người đã đặt ra nhiều quy chuẩn mà ngành điều tra hiện đại vẫn còn nhớ tới.


Thám tử tư là một mẫu nhân vật chính thường xuyên xuất hiện trong các tác phẩm văn học thể loại truyện trinh thám. Gần như trong trường hợp nào họ cũng là những người lạnh lùng, sắc bén, đồng thời lại có thêm một chút mạo hiểm để theo đuổi vụ án đến cùng. 

Một trong những hình mẫu ngoài đời thật mà nhiều tác giả dựa vào để viết nên hình tượng thám tử tư này chính là ngài Raymond Schindler (1873 - 1959). Raymond là một trong những thám tử tài giỏi nhất thời đại của mình, và cũng là người đã đặt ra nhiều quy chuẩn mà ngành điều tra hiện đại vẫn còn nhớ tới.

Phần đầu cuộc đời của Raymond không có điều gì đặc biệt cho lắm. Sinh ra trong một gia đình lao động nghèo, ông đã trải qua nhiều công việc khác nhau để nuôi sống bản thân như bán hàng, nhân viên bảo hiểm, và cả thợ mỏ đào vàng nữa. Phải mất nhiều năm tích góp thì Raymond mới có thể tích góp đủ tiền để bước vào học hệ trung học.

Sau khi tốt nghiệp, Raymond ngẫu nhiên đọc được một lời rao vặt trên báo cần tìm một người có khả năng và sự nhẫn nại để nghiên cứu hồ sơ cũ. Không ngờ đấy chính lại là "cửa mở" để ông trở thành nhân viên Sở Cảnh sát San Francisco. 

Nhiệm vụ chung của Raymond là thu thập và phân tích thông tin từ những hồ sơ, tờ báo, sách vở cũ để tìm ra bằng chứng các vụ án. Nhiều vụ án liên quan đến chính trị gia, doanh nhân và những tên tội phạm "cổ cồn trắng" khác được cảnh sát San Francisco phá giải là nhờ những đầu mối mà Raymond cung cấp. 

Ban đầu ông nuôi mộng trở thành một sử gia. Nhưng rồi dần dần Raymond cũng nhận ra rằng mình đặc biệt yêu thích công việc điều tra này hơn.

Thám tử Raymond Schindler do diễn viên Rod Steiger thủ vai.

Vào khoảng năm 1907, Raymond được giao một vị trí quan trọng trong Sở Cảnh sát. Đã có một số lời phản đối từ ban lãnh đạo thành phố do Raymond chỉ mới học hết trung học, không có bằng cấp nghiêm chỉnh. Hội đồng thành phố mở một cuộc bầu tín nhiệm, và Raymond không nhận đủ số phiếu để giữ vị trí của mình. Trong khi Raymond đang chuẩn bị từ chức thì thật bất ngờ, ông bí mật nhận được một lời đề nghị hợp tác từ Francis Heney, một công tố viên nổi tiếng đương thời.

Hoá ra một trong những thành viên trong hội đồng thành phố là Morris Hass đã liên tục có hành vi bòn rút các dự án công tại San Francisco. Sau nhiều tuần điều tra, cuối cùng Raymond cũng đã tìm được bằng chứng kết tội Morris. 

Ngay trước khi hắn ta đi vào toà án để dự phiên xét xử mình, Morris đã rút súng bắn trọng thương Francis Heney trước khi bị Raymond hạ gục. Để tránh tai tiếng, Raymond quyết định rời hẳn công việc tại Sở Cảnh sát. Lúc đó thì ông may mắn gặp được William Burns.

Cái tên William Burns có thể đã bị người Mỹ lãng quên, nhưng thời điểm đó ông ta là nhà điều tra giỏi nhất đất nước cờ hoa. William là một trong những thành viên quan trọng của Sở Mật vụ Mỹ những ngày đầu thành lập, và một mình ông đã có công phá hàng chục vụ làm bạc giả. Sau khi rời khỏi Sở Mật vụ, William đã sử dụng những kỹ năng điều tra của mình để trở thành một thám tử tư thành công.

Công ty Thám tử Quốc gia do Raymond lập ra là một trong những công ty thám tử tư đầu tiên trên thế giới. William gặp Raymond trong khi cả hai đang làm nhiệm vụ của mình. 

Họ "hợp cạ" nhau đến mức William nhận Raymond làm học trò riêng của mình, truyền dạy cho Raymond mọi kỹ năng điều tra mà mình biết, rồi sau đó giao cho anh ta chi nhánh tại New York của công ty mình. 

Vốn là người đã có tư chất và kỹ năng nên Raymond nhanh chóng tiếp nhận mọi thứ được dạy, rồi sau đó dùng số vốn liếng quý giá đó để đem lại trật tự đến với New York, khi đó còn là một thành phố hỗn loạn, đầy rẫy tội phạm.

Công chúng biết nhiều tới tên tuổi Raymond Schindler thông qua vụ án oan của Vance Hardy. Vance bị buộc tội đã giết chết một cô bé mười tuổi tại công viên Ashbury, New York. Anh ta bị kết án tù khổ sai 27 năm. Người duy nhất tin vào sự vô tội của Vance là em gái anh. Cô ấy đã mất nhiều năm tích góp đủ tiền để có thể đưa vụ án của anh trai ra toà phúc thẩm rồi tái thẩm. Nhưng rồi rốt cuộc lần nào đơn kêu oan của cô cũng bị quan toà bác.

Biết được câu chuyện nói trên, thám tử Raymond và một số người đồng nghiệp đã tình nguyện đảm nhận khám phá vụ án. Raymond đã tốn rất nhiều công để truy tìm những dấu vết còn lại của một vụ án đã diễn ra từ hơn 15 năm trước. Thế nhưng cuối cùng ông cũng tìm được chìa khoá của vụ án để minh oan cho Vance.


Raymond Schindler là người đầu tiên đưa máy thu âm trở thành một phần của quá trình thẩm vấn đối tượng.

Sau vụ Vance Hardy, Raymond còn đảm nhận việc điều tra nhiều vụ án oan sai khác. Thấy được bao nhiêu con người vô tội phải chịu cảnh tù đầy đã đánh thức tâm cảm của Raymond và buộc ông "lao tâm khổ tứ" để tạo ra những quy trình điều tra mới khoa học hơn.

Nhờ việc làm theo các bước điều tra của Raymond mà hiệu quả làm việc của ngành cảnh sát nước Mỹ cao hơn hẳn, tránh được nhiều vụ bắt oan người vô tội. Đến nay nhiều học viện cảnh sát phương Tây vẫn còn dạy học viên của mình quy tắc suy luận logic; kết nối đối tượng liên quan và bảo quản vật chứng, v.v… mà Raymond là người đầu tiên đặt nền móng.

Một đóng góp khác của Raymond là việc đưa máy ghi âm vào quá trình thẩm vấn. Trước khi máy ghi âm được sản xuất hàng loạt vào khoảng những năm đầu thập niên 1910, việc sử dụng lời khai của nhân chứng và nghi phạm gặp rất nhiều khó khăn khác nhau, như là người được thẩm vấn có thể sử dụng một thứ ngữ điệu, thổ ngữ hoàn toàn khác với người thẩm vấn.

Đấy là còn chưa kể tới các trường hợp xảy ra việc ép cung; cung cấp lời khai giả mà cơ quan điều tra mà không thể có cách nào chứng minh trước toà được. Trước tình cảnh đó, chính thám tử Raymond là người đã sớm nhận ra tiềm năng của máy ghi âm và vì thế mà trang bị cho công ty thám tử của mình những chiếc máy đó, trở thành ví dụ tiền đề để các sở cảnh sát làm theo.

Giới báo chí rất thích đưa tin về Raymond Schindler vì ông là người có một chút tính khoa trương. Ông là khách hàng quen của nhiều nhà hàng, rạp hát cao cấp nhất tại New York. Còn khi ở nhà mình thì Raymond Schindler thường xuyên mở những bữa tiệc xa hoa mời đủ mọi người từ giới thượng lưu nước Mỹ. Ngay cả cách ăn mặc của ông cũng kỳ lạ nữa - hình ảnh một người thám tử tư hiện đại là phải mặc áo măng - tô và mũ rộng vành, miệng thì phì phéo điếu xì gà.

Raymond là người đầu tiên ăn mặc theo kiểu trên trong khi chưa có ai làm tương tự như vậy cả. Raymond vốn quen biết với khá nhiều nhà văn trinh thám đương thời. Và  hầu hết trong số những nhà văn ấy thường sử dụng Raymond làm hình mẫu cho nhân vật của mình, từ đó khiến mọi người có quan niệm rằng thám tử phải ăn mặc thế này thế kia. Sau này mọi người mới hiểu là sự phô trương của Raymond có một mục đích sâu xa, rằng: khiến đối tượng của ông trở nên bớt nghi ngờ và dễ lộ ra thông tin về vụ án hơn!

Sau hơn 50 năm làm thám tử, Raymond Schindler nghỉ hưu. Tuy vậy ông vẫn sống tại New York cho tới những giây phút cuối cùng của cuộc đời. Trong khoảng thời gian nghỉ hưu, Raymond Schindler vẫn sẵn sàng làm cố vấn cho các cảnh sát, thám tử tư, v.v… Tên tuổi của Raymond Schindler có giá trị đặc biệt trong lòng người dân Mỹ, lớn đến mức bảy năm trước khi ông mất có một bộ phim làm về sự nghiệp của vị thám tử tài ba này. Vai Raymond Schindler được giao cho nam tài tử gạo cội Rod Steiger đảm nhận.

Raymond Schindler còn sử dụng danh tiếng của mình để vận động công chúng chú ý đến vấn đề cảnh sống của tù nhân. Vốn là con người nhân văn, lại làm việc với nhiều vụ án oan sai nên Raymond rất cảm thông với các tù nhân. Ông cực lực phản đối việc coi tù nhân như thú vật hay nô lệ, một việc rất hay xảy ra ở Mỹ khi đó.

Không chỉ có thế, Raymond Schindler còn là một trong những người đã có công lớn trong việc đóng cửa nhà tù Alcatraz khét tiếng tàn bạo. Raymond vẫn thường nói rằng, một trong những điều khiến cho ông cảm thấy tự hào nhất trong suốt cuộc đời hành nghề thám tử tư ấy là bổn phận bảo vệ người vô tội và cho những con người đã lầm lỡ một cơ hội thật sự. Đây quả là một điều mà các nhà điều tra hình sự thuộc thế hệ hiện tại và mai sau nên suy ngẫm nghiêm túc để noi theo bậc tiền bối của mình trong quá trình thực thi công vụ.

Lê Công Hội
.
.
.