Bắt đối tượng truy nã dũng cảm cùng một tấm lòng

Thứ Ba, 25/03/2014, 08:00

Làm truy nã rất cần chữ "Tâm"! Đó là tâm sự của Trung tá Hoàng Văn Thìn, Phó trưởng Phòng cảnh sát truy nã tội phạm Công an tỉnh Hà Giang - một trong những người có nhiều thành tích trong công tác tham mưu, chỉ đạo cũng như trực tiếp đấu tranh, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú.

Năm 1996, tốt nghiệp chuyên khoa Cảnh sát hình sự của trường Trung học Cảnh sát nhân dân I, anh nhận nhiệm vụ tại Đội trọng án và công tác bắt truy nã của Phòng cảnh sát hình sự. Tôi biết anh từ đó, sự nghiệp của anh là những chuyến đi, là những tập hồ sơ dang dở chưa bao giờ khép. Một con người bình dị, chân chất và lặng lẽ, làm nhiều hơn nói,…

"Trái tim nóng, bàn tay sắt và khuôn mặt lạnh"

Cái nghiệp "truy nã" đã gắn với anh từ khi khoác trên mình bộ quân phục của người chiến sĩ CAND, gần 20 năm công tác, mọi hang cùng ngõ hẻm, núi cao vực sâu, chốn phồn hoa đô thị đầy rẫy thị phi,… anh và đồng đội đều có mặt để bập còng số 8 vào tay những tên tội phạm đang mang trên mình Lệnh truy nã. Anh kể: công việc bắt đối tượng phạm tội có lệnh truy nã nhiều lúc giống như "mò kim đáy bể", có đối tượng sau khi gây án không chỉ chạy trốn để tránh sự trừng phạt của pháp luật mà chúng còn tiếp tục gây án, chúng luôn cảnh giác với bất cứ biến động nhỏ nhất ở xung quanh mình, tìm mọi cách che giấu tung tích, ngoài ra, chúng cực kỳ manh động và liều lĩnh, sẵn sàng hành động để thoát thân... Mỗi lần bắt được đối tượng mà không để xảy ra thiệt hại gì là anh em đã chiến thắng bản thân, chiến thắng trong cuộc đấu tranh Thiện - Ác, chiến thắng vì chính nghĩa.

Nếu ai đó đã từng nói: làm cảnh sát hình sự phải có trái tim nóng, bàn tay sắt và khuôn mặt lạnh… thì ở anh, mọi thứ dường như hơi khác! Bởi ở anh, toát lên một sự bình dị và gần gũi, có phần hơi khiêm tốn khi nói về mình. Từ năm 2011 đến 2013, anh và đồng đội phối hợp với các đơn vị bắt, vận động, thanh loại hơn 100 đối tượng có lệnh truy nã.

2 tháng đầu năm 2014 này, trực tiếp anh cùng mọi người truy bắt 13 đối tượng, trong đó có những đối tượng mang trên mình lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm. Những con số trên đối với người ngoài cuộc là đơn giản, khô khan nhưng đối với những người làm công tác bắt truy nã vô cùng ấn tượng, ẩn chứa trong đó là sự hiểm nguy, là sự đấu trí, là sự đối mặt, là ý chí kiên quyết tấn công tội phạm, giữ gìn sự bình yên và hạnh phúc cho nhân dân. Đó là niềm vui, niềm hạnh phúc của các anh, vì thêm 1 con số là bớt đi muôn vàn nguy hiểm cho xã hội. Anh quan niệm: đối với công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm nói chung và đặc biệt với công tác bắt đối tượng truy nã nói riêng thì mọi thứ đều không có ngày bắt đầu và không có ngày kết thúc. Bởi nếu xác định ngày bắt đầu có nghĩa là chập chững, thiếu kinh nghiệm, hiệu quả công việc sẽ hạn chế, điều đó sẽ ảnh hưởng đến ý chí tấn công tội phạm! Anh vẫn nhớ như in những kỷ niệm trong chuyến truy bắt 2 đối tượng Ma Seo Bảy và Sùng Seo Cháng can tội trốn khỏi nơi giam giữ.

Bàn phương án bắt đối tượng trên sơ đồ.

Sau khi xác định được địa điểm ẩn náu của chúng, tổ công tác đã vạch phương án, kế hoạch cụ thể, tỷ mỷ… Đó là chuyến đi kéo dài 24 ngày của năm 1998, anh cùng đồng đội lội suối ngủ rừng ở tỉnh Lai Châu. Khi bắt đầu chuyến đi, ba lô nặng trĩu quân tư trang, lương thực, khi trở về hành trang là bộ quần áo trên người cùng công cụ hỗ trợ. Anh không nghĩ chuyến công tác có thể kéo dài đến thế, anh em có thể tồn tại được trong điều kiện như thế! Đang thời điểm mùa mưa, vừa phải tránh những cơn lũ rừng, vừa phải lần mò theo dấu vết. Hết lương thực, anh em cắt cử nhau người thì bắt cá suối, người thì hái rau, người thì đào củ rừng để cầm cự với sự sống hàng tuần liền. Quãng đường không thể tính bằng kilomet, chỉ biết đi từ ngọn núi này sang ngọn núi khác, thời gian được tính từ lúc con gà rừng gáy sáng đến khi tiếng chim bìm bịp kêu chiều về tổ…

Ấn tượng và cảm giác hạnh phúc nhất đối với anh và đồng đội có lẽ là truy bắt 2 đối tượng Nguyễn Văn Nội và Nguyễn Văn Đế (hung thủ của vụ thảm sát cả một gia đình 3 mạng người tại xã Thanh Thủy, huyện Vị Xuyên xảy ra ngày 21/1/2011). Vụ án làm hoang mang dư luận vùng biên ngày giáp tết với những hành vi dã man nhất. Sau khi gây án, hung thủ bỏ trốn tại nhiều tỉnh, thành khác nhau. Áp lực đè nặng lên vai Ban chuyên án và những người truy bắt… Với kinh nghiệm và linh cảm của một người lâu năm làm công tác bắt truy nã, sau khi thu thập, nghiên cứu tài liệu về đối tượng, xác định mối quan hệ cũng như phong tục, tập quán của người dân địa phương, anh có linh cảm đối tượng đang lẩn trốn ở một nơi rất gần, nên đã bí mật áp sát, phát hiện nơi ẩn náu, anh và đồng đội khép chặt vòng vây, bắt gọn hung thủ sau 3 ngày gây án…

Hoặc vụ án Nguyễn Thị Hoa phạm tội buôn bán người xảy ra tại xã Trung Thành, huyện Vị Xuyên. Đây là vụ án mua bán người có tính chất rất nghiêm trọng, xâm phạm trực tiếp đến danh dự, nhân phẩm của công dân, gây dư luận xấu, ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự ở địa phương. Đối tượng sinh sống ở nước ngoài, khó truy bắt, bằng các biện pháp nghiệp vụ, các anh đã câu nhử đối tượng thành công…

Thăm hỏi người thân đối tượng truy nã ra đầu thú.

Đó chỉ là những vụ việc tiêu biểu không thể kể hết trong chuỗi những ngày thực hiện nhiệm vụ mà theo anh tâm sự là không thể nào quên. Công việc đối với anh không bao giờ có ngày kết thúc. Đó là những ngày nằm trong rừng suốt đêm để nắm thông tin và di biến động của đối tượng chờ đồng đội đến giúp sức, mặc cho những con vắt rừng to bằng đầu đũa hút những dòng nhiệt huyết trong anh. Đó là những lần anh truy bắt đối tượng Sùng Sính Sùng ở Hố Quáng Phìn (Đồng Văn) bị đối tượng dùng dao chống trả quyết liệt, vật lộn chán chê rồi bị rơi xuống vực, hơn 4 giờ sáng đồng đội mới tìm thấy anh và đưa về trên cáng trong tư thế song song với mặt đất…

Làm truy nã rất cần chữ "Tâm"

Trái ngược với tính cách và vóc dáng trong lúc truy bắt đối tượng là "trái tim nóng, bàn tay sắt và gương mặt lạnh", Trung tá Hoàng Văn Thìn rất coi trọng công tác vận động đối tượng ra đầu thú. Trong thành tích của mình, có đến hơn 50% đối tượng được anh trực tiếp vận động ra đầu thú.

Theo anh, làm tốt công tác này sẽ giảm bớt tốn kém về thời gian, tiền của, xương máu của lực lượng và ngăn chặn tội phạm tiếp tục gây án ngoài xã hội. Nếu lực lượng Công an kết hợp gia đình làm tốt công tác vận động, phân tích để đối tượng truy nã hiểu được chính sách khoan hồng của Ðảng, Nhà nước, sẽ cảm hóa giúp người lầm lỗi từng bước hướng thiện, không gây án nữa. Có những đối tượng sau khi gây án, lẩn trốn xa vợ con và quê hương trốn tránh sự truy lùng của pháp luật, được vận động, đã xin anh được trở về ở bên vợ con và gia đình 1 ngày. Đây là quyết định khó nhất đối với anh, nhưng đến bây giờ tất cả dường như vẫn đang suôn sẻ. Có những trường hợp đang thụ án trong trại giam nhưng vì cái tâm của người làm nã, anh và đồng đội vẫn qua lại, thăm hỏi, động viên và sẻ chia công việc với gia đình họ. Anh bảo: "khi bắt được đối tượng, trách nhiệm phía sau còn nặng nề và lâu dài hơn, chứ không phải bắt xong là khép hồ sơ lại, chuyển sang đối tượng khác…".

Phút dừng chân trên đường công tác.

Anh ngại nhất là những đối tượng có con nhỏ, biết rõ đối tượng ở nhà nhưng anh vẫn chọn phương án vận động đầu thú, hoặc lựa chọn địa điểm ở ngoài, anh không muốn những ánh mắt trẻ thơ ngỡ ngàng trước những sự việc xảy ra trước mắt, mặc dù thực thi pháp luật, rất có thể những ánh mắt hồn nhiên của con trẻ sẽ làm nhụt ý chí? Tôi thầm nghĩ: bên cạnh sự hiểu biết về pháp luật để giải thích cho đối tượng và gia đình họ chính sách khoan hồng của Ðảng và Nhà nước đối với người phạm tội, người chiến sĩ Công an phải hiểu rõ hoàn cảnh gia đình của đối tượng, từ đó dùng lý lẽ và tình cảm thuyết phục họ ra đầu thú, cũng như vận động gia đình có con em đang bị truy nã khuyên nhủ con em họ trở về với con đường lương thiện. Ðiều này có tác dụng rất lớn, giúp những người một thời lầm lỗi thấy được tương lai tốt đẹp ở phía trước, để họ tự nguyện ra đầu thú và có cơ hội trở về với gia đình và xã hội.

Không quản khó khăn, nguy hiểm, truy bắt, vận động đối tượng truy nã ra đầu thú… Những cán bộ chiến sĩ trên mặt trận này đã góp phần cùng lực lượng CAND Hà Giang hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, bảo vệ cuộc sống bình yên và hạnh phúc của nhân dân. Hơn hết, Trung tá Hoàng Văn Thìn đã thổi bùng ngọn lửa tâm huyết trong lòng đồng đội, nêu cao tinh thần trách nhiệm, là tấm gương sáng trong phong trào thi đua "Học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy" và "Học tập làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", "CAND vì nước quên thân, vì dân phục vụ"

Nguyễn Lân
.
.
.