Bóng hồng là giám định viên kỹ thuật hình sự, chuyện bây giờ mới kể

Thứ Năm, 17/10/2013, 10:00

Ở Công an tỉnh Nghệ An, có không ít nữ Cảnh sát đã trở thành hoa khôi duy nhất ở những đơn vị nghiệp vụ đặc thù vốn chỉ dành riêng cho nam giới. Trong khuôn khổ bài viết này, tôi muốn giới thiệu về chân dung một bóng hồng cũng giành vị thế độc tôn phái đẹp, làm công tác giám định viên ở Phòng Kỹ thuật hình sự (PC54). Chị là Đại úy Trương Thị Mỹ Dung, Phó Đội trưởng Đội Giám định kỹ thuật truyền thống, Phòng Kỹ thuật hình sự.

Cũng giống như những phận nữ nhi nhưng không liễu yếu đào tơ khác, Đại úy Dung không chỉ hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, mà còn có nhiều đóng góp quan trọng giúp khám phá thành công nhiều vụ án phức tạp.

Tôi không hình dung được công việc của một bóng hồng ở đơn vị đặc thù, vốn chỉ quanh quẩn với những phần việc khô khan, tỉ mẩn chỉ dành riêng cho đấng mày râu, ít ra là kể từ trước khi gặp chị. Song, chính sự chia sẻ về những công việc mà mình đã đảm nhiệm và tấm lòng nhiệt huyết yêu nghề của chị đã góp phần quan trọng vào những chiến công của lực lượng Công an trong những năm qua, đã giúp tôi hiểu phần nào căn nguyên trong những chiến công thầm lặng mà chị lặng lẽ tạo dựng trong hơn 10 năm qua. Cũng ở chị, tôi đã thấy toát lên hình ảnh rất đẹp về người nữ chiến sĩ Công an nhân dân, lặng lẽ nhưng tận tụy đi tìm chân lý.

Khi bóng hồng làm công tác giám định kỹ thuật

Đại úy Trương Thị Mỹ Dung ít nói về bản thân mình, song khi nhắc đến công việc, chị kể một cách say sưa, như chính đặc thù công việc của mình vậy. Chị khiêm tốn, thành tích cá nhân cũng là thành tích chung của tập thể, vậy nên bản thân không muốn nói nhiều về mình. Chị may mắn khi được công tác tại một đơn vị nghiệp vụ có gần 60 năm truyền thống nên được chỉ dẫn và thừa hưởng nhiều kinh nghiệm quý báu. Khác với các phòng nghiệp vụ khác, kỹ thuật hình sự tuy không trực tiếp tham gia đấu tranh trực diện với các loại tội phạm, song trong mỗi vụ án, những công việc thầm lặng ấy đã góp nên những chiến công lớn. Nhiều vụ án, chỉ từ những dấu vết tưởng như vô tri vô giác, song qua bàn tay và khối óc của chị cũng như anh em trong đội, những dấu vết đó đã trở thành bằng chứng quan trọng tố cáo tội ác, buộc hung thủ phải cúi đầu khai nhận mọi tội lỗi.

Đại úy Trương Thị Mỹ Dung chia sẻ, so với Đội Khám nghiệm hiện trường hoặc các đội khác trong phòng, thì Đội Giám định kỹ thuật truyền thống do chị làm Phó Đội trưởng, thoạt nhìn có vẻ đỡ vất vả hơn nhưng thực ra lại đòi hỏi sự tỉ mẩn, chính xác rất nhiều. Với lòng say mê nghề nghiệp, luôn sáng tạo trong công tác chuyên môn và quán triệt phương châm “thận trọng, tỷ mỷ, chính xác, khách quan, toàn diện”, nên mỗi khi được giao nhiệm vụ, chị đều cố gắng thu thập, xử lý các dấu vết vật chứng, kết luận và cung cấp những thông tin rất quan trọng giúp cho lực lượng điều tra điều tra, làm rõ, xử lý có hiệu quả các vụ việc về an ninh trật tự.

Công việc của Đại úy Trương Thị Mỹ Dung là giám định tài liệu, chữ viết, chữ ký, giám định tự dạng và giám định đường vân phục vụ cho cơ quan điều tra điều tra, khởi tố, xét xử vụ án. Đây là công việc khó, có tính đặc thù, đòi hỏi sự chính xác tuyệt đối, vì vậy không được để ra một sai sót nào.

Làm việc trong môi trường xung quanh đồng nghiệp đều là nam giới nên Đại úy Dung luôn tự nhủ mình phải nỗ lực, phấn đấu hết sức trong công việc. Từ những kinh nghiệm học được trên giảng đường, chị thường tự tìm tòi nghiên cứu, học hỏi kinh nghiệm của những người đi trước để nâng cao trình độ chuyên môn, bảo đảm thực hiện đúng, chính xác các quy trình giám định, phân tích. Quá trình công tác, đã có nhiều vụ án tưởng như rơi vào ngõ cụt, lúc hung thủ ung dung nhởn nhơ ngoài vòng pháp luật vì nghĩ cơ quan điều tra không đủ chứng cứ thì cũng là khi giám định kỹ thuật lên tiếng. Với sự góp sức của Đại úy Dung, nhiều vụ án đã tìm ra hung thủ nhờ những dấu vết tưởng như bỏ đi thu thập được tại hiện trường.

Lặng lẽ góp chiến công

Một trong những vụ án Đại úy Dung nhớ mãi, ấy là góp phần lật mặt việc mua bán hóa đơn gian lận của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Anh Tuấn, có trụ sở tại huyện Hưng Nguyên. Theo đó, đối tượng Nguyễn Hữu Tài đã dùng chứng minh nhân dân giả để thành lập Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Anh Tuấn, kinh doanh ngành Xây dựng công trình dân dụng, mua bán vật liệu xây dựng, do Tài làm Giám đốc dưới tên giả là Cấn Anh Tuấn và thuê Trần Thị Hiền làm kế toán.

Giám định kỹ thuật trong một vụ án (Ảnh có tính chất minh họa).

Sau khi thành lập, tuy không kinh doanh gì nhưng từ tháng 7/2010 đến tháng 6/2011, Nguyễn Hữu Tài vẫn đến Chi cục Thuế huyện Hưng Nguyên mua 8 quyển hóa đơn giá trị gia tăng và tự đặt in 5 quyển với tổng cộng 650 số hóa đơn, sau đó bán cho 118 doanh nghiệp thuộc các tỉnh Nghệ An, Hà Tĩnh, Thanh Hóa và TP Hà Nội để các doanh nghiệp này kê khai khấu trừ thuế giá trị gia tăng, gây thất thoát ngân sách Nhà nước hơn 4,7 tỷ đồng, đồng thời thu lợi bất chính gần 650 triệu đồng.

Vụ việc vỡ ra, cơ quan điều tra vào cuộc, nhưng khó khăn ở chỗ, tên Tài dùng chứng minh nhân dân giả để đăng ký tên trong giấy phép kinh doanh; quá trình điều tra, Trần Thị Hiền là kế toán của công ty không công nhận viết số hóa đơn đó, mà trên hóa đơn cũng được ký và viết bởi tên của một người khác. Điều này đã gây khó khăn nhất định, buộc phải giám định chữ ký và các giấy tờ liên quan.

Tháng 12/2011, Đại úy Trương Thị Mỹ Dung được giao nhiệm vụ giám định chữ viết, chữ ký qua giấy than trên 460 hóa đơn giá trị gia tăng của Công ty TNHH Dịch vụ và Thương mại Anh Tuấn. Xác định đây là vụ án kinh tế phức tạp, chị cùng đồng đội đã tiến hành giám định một cách thận trọng, tỉ mỉ, không để xảy ra sai sót. Sau 3 ngày giám định, chị đã đưa ra kết luận chính xác, kịp thời, giúp cơ quan CSĐT Công an huyện Hưng Nguyên khởi tố bị can đúng người, đúng tội. Nhờ đó, cơ quan điều tra có đủ cơ sở để đề nghị Viện Kiểm át truy tố hai bị can trên về tội “Mua bán trái phép hóa đơn, chứng từ thu nộp ngân sách Nhà nước”.

Một vụ án khác gây chấn động dư luận xứ Nghệ, ấy là việc các quan phường Quán Bàu (TP Vinh) giả mạo con dấu, chữ viết, chữ ký để tranh chấp đất ở. Kẻ chủ mưu vụ này là Nguyễn Đình Ngọc (55 tuổi), Chủ tịch UBND phường và cán bộ địa chính đã thông đồng với kẻ gian, làm giả 7 bản “Thông báo quyền sử dụng đất ở hợp pháp khu dân cư” của UBND TP Vinh rồi rao bán. Ngọc đứng ra ký tên để làm giả giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu lợi bất chính hàng trăm triệu đồng chia nhau và gây thiệt hại cho Nhà nước trên 1.700 m2 đất, có giá trị trên 2 tỷ đồng. Nhận nhiệm vụ giám định tài liệu, chữ ký của vị quan biến chất này, vì vụ án liên quan trực tiếp đến quyền sử dụng đất của nhiều hộ dân và cán bộ của phường nên Đại úy Dung đã quyết tâm làm sáng tỏ vụ việc một cách nhanh nhất. Chị đã thận trọng nghiên cứu hồ sơ, sử dụng đồng bộ các thiết bị kỹ thuật và các kiến thức nghiệp vụ để đưa ra kết luận chính xác. Nhờ vậy, đã giúp cho cơ quan điều tra sớm có đầy đủ chứng cứ để kết thúc vụ án.

Không chỉ tham gia những vụ án lớn như đã nói trên, có những thời điểm Đại úy Dung cũng phải tham gia giám định những vụ việc nho nhỏ, nhưng như chia sẻ của chị, thì chính từ những vụ án nhỏ như thế đã mang lại niềm vui lớn cho cả khổ chủ lẫn bản thân chị khi được làm sáng tỏ. Chẳng hạn như vụ án mất trộm tại gia đình chị Phạm Thị Thủy ở xóm 20, xã Nghi Phú (TP Vinh) cũng để lại cho chị một kỷ niệm vui. Nhà chị Thủy bị kẻ gian đột nhập lấy đi một số tài sản giá trị.

Chị Dung cùng một đồng đội được cử tới khám nghiệm hiện trường. Kiểm tra trong két sắt có một chiếc túi da. Khi khám nghiệm tại hiện trường, chủ nhà và cán bộ Phòng Kỹ thuật hình sự xác nhận bên trong không có tài sản gì và bàn giao lại cho chị đưa về để xác định đường vân. Trong quá trình kiểm tra, chị phát hiện ngăn ngoài cùng có 2.600 USD, bao gồm 26 tờ mệnh giá 100 USD. Ngay lập tức chị đã xin ý kiến lãnh đạo và trao trả đầy đủ số tiền cho gia chủ. Gia đình chị Thủy đã viết thư cảm ơn gửi Giám đốc Công an tỉnh và lãnh đạo Phòng Kỹ thuật hình sự.

Công việc của một nữ giám định viên, thường xuyên đối mặt với những tình huống đột xuất, không kể giờ giấc, nhiều đêm đang ngủ ngon giấc bên chồng con, điện thoại đổ chuông báo có án, chị lập tức có mặt tại hiện trường. Có những lần, công việc đòi hỏi phải đi công tác ở miền núi xa xôi, chị vẫn không nề hà. Cũng may, người chồng là giáo viên cấp 2 của chị rất hiểu và chia sẻ với đặc thù công việc của vợ nên đã luôn động viên, an ủi và trở thành “bảo mẫu” đặc biệt, thay chị chăm lo cho hai đứa con khôn lớn, trưởng thành

Thiện Thành
.
.
.