'Bông hồng vàng' tỏa hương trên những con đường nghẹt thở

Thứ Sáu, 11/09/2015, 15:26
Hình ảnh nữ Cảnh sát giao thông Nguyễn Thị Thu Giang (SN 1986, Đội 1, Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội) từ lâu đã trở nên quen thuộc trên các đoạn đường thường xảy ra ùn tắc giao thông. Công việc phân làn đường giữa trời nắng cháy hay mưa giông bão bùng lẽ ra sẽ phù hợp hơn với nam Cảnh sát giao thông. Nhưng với nữ chiến sĩ này, nếu có lòng hy sinh, thì mọi việc đều có thể làm được.

Từ nhỏ đã yêu màu áo vàng

Chị Giang sinh ra và lớn lên trong gia đình truyền thống mà cả bố và mẹ đều công tác trong lực lượng Công an nên không có gì lạ, khi lớn lên, chị Giang lại đi theo chuyên ngành này. Chị Giang cho biết, từ nhỏ thấy bố mẹ mặc trang phục Công an, mặc dù chưa hiểu gì lắm nhưng chị cứ thấy thích và nhìn ngắm trang phục này không biết chán. 

Chị Giang tâm sự: “Mỗi khi ra đường, không hiểu sao khi thấy các chiến sĩ Cảnh sát giao thông đứng phân làn đường, tôi lại cảm thấy an tâm hơn. Tôi cảm thấy sợ họ vì cái uy. Nhưng cũng chính cái uy đó đã khiến tôi cảm thấy bình an hơn. Từ cảm nghĩ này, mà tôi đã yêu màu áo vàng lúc nào không hay”.

Rồi khi lớn lên, không cần phải ai hướng dẫn, năm 2004, chị đăng ký thi và trúng tuyển vào Trường Trung cấp Cảnh sát nhân dân I với chuyên ngành Cảnh sát giao thông. Lớp học của chị có hơn 100 học viên, nhưng chỉ có bốn học viên nữ. Nhưng điều này không khiến chị phải bận tâm mà còn thôi thúc chị phải rèn luyện tốt hơn nữa. 

Nên ngoài những bài giảng trên lớp cũng như những tiết học thể lực, chị Giang còn tự trau dồi thêm kiến thức qua sách báo, cũng như năng tập luyện thể dục thể thao để nâng cao sức khỏe. Xác định sau này sẽ là một chiến sĩ bảo vệ cho người dân, nên chị Giang đã ý thức được rằng, ít nhất mình phải giỏi chuyên môn và ít nhất mình phải luôn có một sức khỏe tốt thì muốn giúp ai mới giúp được.

Thượng úy Giang chia sẻ về công việc.

Năm 2006, chị Giang ra trường và được phân về công tác tại Công an huyện Thường Tín (Hà Nội). Để nâng cao nghiệp vụ, chị Giang tiếp tục thi và trúng tuyển vào Học viện Cảnh sát nhân dân. Năm 2010, chị Giang chính thức được về công tác tại Phòng Cảnh sát giao thông Công an thành phố Hà Nội và được phân về Đội Cảnh sát giao thông số 14. Hiện tại, chị Giang đang công tác tại Đội Cảnh sát giao thông số 1, với cấp bậc Thượng úy.

Để gặp được chị Giang không phải dễ. Bởi ngoài thời gian đứng tại các chốt giao thông trọng điểm, chị còn bận làm công việc giải quyết giấy tờ tại cơ quan về các vụ vi phạm giao thông. Khi chúng tôi đến Đội 1, chị Giang vẫn đang cặm cụi bên bàn làm việc. Có lẽ nhiều người sẽ cho rằng, nói chuyện với người Cảnh sát giao thông chắc không thú vị gì. Nhưng không phải như vậy, trong những giây đầu tiếp xúc với nữ cảnh sát này, chúng tôi đã cảm nhận được sự thân thiện và tươi vui.

Làm Cảnh sát giao thông nghĩa là phải biết hy sinh

Trong buổi nói chuyện, đôi lúc chị Giang lại mỉm cười rồi nhìn lơ đễnh đi đâu đó. Đây có lẽ là những phút giây chị được thư giãn sau nhiều giờ đồng hồ đứng phân làn đường với xe cộ đông đúc trong cái nắng chói chang, bỏng rát, cũng như trong những ngày mùa đông lạnh giá rét. Chị Giang cho biết, mình đã lập gia đình và có hai con trai kháu khỉnh. Chồng chị cũng là Cảnh sát giao thông, nhưng công tác ở Đội khác trên địa bàn Hà Nội.

Cũng do cùng làm một công việc nên người chồng lúc nào cũng hiểu và thông cảm cho vợ. Hằng ngày, vợ chồng chị Giang phải dậy rất sớm để đưa con gửi cho ông bà chăm sóc. Sau đó lại phải vội vã đến các chốt giao thông. Với chị Giang, ngày nào đứng chốt thì phải dậy thật sớm để làm sao trước 6 giờ 30 phút, chị phải có mặt tại các điểm “nóng” để phân làn đường giao thông, rồi mãi tối muộn chị mới về nhà nên việc các con được chị đưa đón đi học là điều vô cùng hiếm.

Công việc luôn bề bộn như vậy, nhưng chị Giang vẫn rất hứng khởi với cái nghề mà mình đã chọn. Khi chúng tôi hỏi, là phụ nữ, thì họ thường bảo vệ, chăm chút cho làn da của mình, đi đâu, ngoài dùng kem dưỡng da, họ còn dùng thêm áo, khăn, khẩu trang chống nắng để “ngụy trang”, trong khi đó, chị chỉ có bộ trang phục và chiếc mũ kêpi màu vàng lá mạ? Chị Giang mỉm cười: “Công việc của mình đâu có khó nhọc, độc hại lắm đâu. Phải kể đến những bác sĩ, những người làm nhiệm vụ pháp y... Hơn nữa, được là người giúp cho đường thông, hè thoáng, đảm bảo an toàn cho người đi đường là niềm vui của tôi và đồng nghiệp. Nhưng để làm được việc này một cách hiệu quả nhất, người Cảnh sát giao thông phải biết hy sinh”.

Nữ Cảnh sát giao thông đang làm nhiệm vụ tại chốt giao thông Cửa Nam.

Chị Giang cũng cho biết, để hoàn thành được nhiệm vụ không chỉ mình chị mà làm được, mà còn cần sự hỗ trợ lớn lao của các đồng nghiệp. Để hiểu rõ hơn về công việc phân làn đường của nữ Cảnh sát, chúng tôi đã đến chốt giao thông Cửa Nam (quận Hoàn Kiếm) vào một ngày hè nắng nóng, nơi chị vẫn hay đứng bục phân làn đường giao thông. 

Thoáng nhìn qua vẻ ngoài mảnh mai, yếu ớt ít ai có thể nghĩ rằng, nữ Cảnh sát này có thể đủ sức khỏe để làm “tiêu” lâu cho chốt giao thông này, khi trên đầu chị có một chiếc ô mỏng, chỉ đủ ngăn được phần nào những tia nắng “cháy da cháy thịt”. Trong khi đó, sức nóng của mặt đường hầm hập phả vào mặt nữ Cảnh sát cũng như người qua đường.

Theo quan sát, tại chốt giao thông Cửa Nam, lượng người tham gia giao thông rất lớn và liên tục. Trước cái nóng và cái nắng gắt, ai cũng muốn lao qua thật nhanh. Thượng úy Giang cho biết: “Trước dòng người lúc nào cũng muốn cố để được lao lên trước, chúng tôi càng không được lơ là trong bất kỳ tình huống nào. Bởi chỉ cần lỡ một động tác cũng khiến cho dòng người ứ lại, gây ách tắc giao thông trầm trọng”. 

Dòng người và xe cộ cứ qua lại, còn chị Giang vẫn cứ đứng đó làm nhiệm vụ của mình. Đôi lúc, khi dòng người vãn, chị lại lấy tay lau vội những giọt mồ hôi trên khuôn mặt đỏ ửng vì nắng nóng, cũng như lau nhanh những giọt mồ hôi lẫn bụi đường, khói xe ướt nhòe mi. Sau đó, chị lại tiếp tục công việc “đội cả trời nắng to”.

Bằng tuổi trẻ, sự hy sinh và nhiệt huyết, chị Giang là một trong những nhân tố quan trọng đảm bảo cho các ngã tư đường được thông thoáng, an toàn cũng như ngăn chặn được nhiều trường hợp vượt đèn đỏ, đi sai làn đường, dừng đỗ không đúng nơi quy định. Trong quãng thời gian qua làm nhiệm vụ, chị Giang có rất nhiều kỷ niệm thật khó phai. Một lần chị thấy một vị khách nước ngoài có vẻ bối rối, không biết đi hướng nào, chị Giang đã đi lại hỏi thăm ân cần thì người này nói muốn ra Hồ Gươm và chị đã tận tình chỉ đường cho vị khách. Trước khi đi, vị khách này đã không quên lời cảm ơn và nở nụ cười thân thiện với nữ Cảnh sát. Đó là chưa kể đến nhiều lần chị đưa các cụ già và các cháu nhỏ qua đường.

Nói về những kỷ niệm, Thượng úy Giang xúc động: “Có hôm, lúc trời vừa sáng sớm, tôi đang chuẩn bị bước lên bục chỉ huy điều khiển giao thông, thì một cụ bà đến kéo tay tôi rồi nói: “Con à, ngày nào cụ cũng qua đây tập thể dục, thấy công việc của con thật vất vả. Con hãy cố gắng lên”. Hay những cháu bé khi đi học, khi qua chốt đều vẫy tay và cất tiếng gọi to “cô Cảnh sát giao thông ơi, cháu đi học đây ạ”. Đó là những lời động viên khích lệ chúng tôi phải làm tốt hơn nữa công việc của mình”. Do có những đóng góp tích cực trong công tác, Thượng úy Giang trong 5 năm liền đều đạt danh hiệu “Chiến sĩ tiên tiến” do Giám đốc Công an thành phố Hà Nội trao tặng.

Nói thêm về đồng nghiệp của mình, Thượng tá Nguyễn Văn Quỹ cho biết: “Đồng chí Giang là người có trách nhiệm trong công việc và là người có chữ “nhẫn” lớn. Việc này tôi biết được khi cách đây không lâu có một người đàn ông xăm trổ đầy mình, vi phạm giao thông bị thu giữ xe. Lúc đến giải quyết vụ việc, người đàn ông này hùng hổ đòi lại xe cho bằng được. Trước cư xử bất nhã của người này, đồng chí Giang đã khéo léo thuyết phục và làm cho người này phải mỉm cười trước khi ra về. Đồng chí Giang có được sự mềm dẻo, nhẹ nhàng, uyển chuyển và hết sức  bình tĩnh khi tiếp dân, và trên hết là biết lắng nghe”. Thượng tá Quỹ cũng cho biết, chị Giang là người phụ nữ chan hòa, quy tụ được mọi người, là người ham học hỏi. Đây là hình mẫu Cảnh sát giao thông cần xây dựng.

Vũ Đoàn
.
.
.