Brian Paddick: Phó Cảnh sát trưởng nổi tiếng của thủ đô London

Thứ Hai, 04/11/2019, 17:04
Brian Paddick là Phó Cảnh sát trưởng nổi tiếng của thủ đô London. Sau khi nghỉ hưu, ông đã 2 lần tranh cử chức thị trưởng thành phố. Hiện tại, Paddick là Nghị viên Quý tộc của Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland.


Cuộc sống cá nhân

Brian Leonard Paddick sinh ngày 24-4-1958 tại Balham thuộc thủ đô London, nước Anh. Paddick là con trai của ông Anthony Henry J. Paddick và bà Evelyn Perkin. Ông là anh em sinh đôi của J. H. Paddick và là cháu trai của một sĩ quan cảnh sát nổi tiếng nước Anh. Ông cũng là anh em họ của diễn viên hài nổi tiếng Hugh Paddick. 

Những năm đầu đời, Paddick sống ở Mitcham và Tooting Bec. Ông học Trung học Cơ sở tại Trường Bec Grammar Tooting Bec và Trung học Phổ thông tại Trường Sutton Manor ở Sutton.

Paddick là người rất đam mê trong học tập, ông nhận bằng Cử nhân Nghệ thuật, Triết học, Chính trị và Kinh tế tại Đại học The Queen, Oxford. Sau đó, Paddick học Thạc sĩ Quản trị Kinh doanh (MBA) tại Trường Kinh doanh Warwick, Đại học Warwick (1989-1990). 

Ông làm nghiên cứu sinh tiến sĩ về đề tài Tội phạm học và Tư pháp hình sự tại Đại học Fitzwilliam, Cambridge. Đặc biệt, những năm học ở Oxford, Paddick là đội trưởng đội bơi lội và phó đội trưởng đội bóng bầu dục của trường đại học.

Từ nhỏ, Paddick đã bị đồng tính, nhưng từ năm 1983 đến 1988, ông đã kết hôn với Mary Stone theo cách mà sau này ông mô tả là "một nỗ lực hết sức để sống như một người đàn ông đúng nghĩa". Sau khi ly hôn, vợ cũ của ông cũng nói rằng đó là "một cuộc hôn nhân tuyệt vời". Lúc đó, bà vẫn không biết chồng mình là gay. Paddick đã đấu tranh với giới tính của mình cho đến cuối cuộc hôn nhân vào năm 1988.

Sự nghiệp cảnh sát

Paddick gia nhập Sở Cảnh sát thủ đô London năm 1976, ông công tác 4 năm ở khu vực Holloway, trong khi sống ở Highbury và Limehouse. Sau đó, Paddick liên tục được phân công công tác trong nhiều lực lượng cảnh sát chuyên trách khác nhau, như sĩ quan Đội phản ứng nhanh, sĩ quan cộng đồng, thám tử và là thành viên Đội Cảnh sát chống bạo động.

Khi cuộc bạo loạn Brixton xảy ra vào năm 1981, Paddick là một trung sĩ chiến đấu trực tiếp ngoài hiện trường. Sau kinh nghiệm này, ông đã có một cái nhìn khác về các hành động đối đầu cảnh sát của dân chúng. Điều này, càng củng cố niềm tin của ông vào ưu tiên thực hiện chính sách trị an cộng đồng, hạn chế tối đa sự bất mãn trong dân chúng đối với cảnh sát. Với tài năng và sự tận tâm trong công việc, Paddick dần thăng tiến lên hàng ngũ lãnh đạo cảnh sát của nước Anh.

Năm 1983, Paddick được bổ nhiệm làm Thanh tra tại Fulham. Năm 1986, ông là Chánh thanh tra Phòng Nhân sự của Trung tâm Chỉ huy Scotland Yard, chịu trách nhiệm kiểm soát tất cả 32 quận của London. Năm 1993, ông là Chánh thanh tra cảnh sát tại khu vực Brixton, sau đó là Deptford, Lewisham, Thornton Heath... Năm 1995, Paddick phụ trách Cục Điều tra Hình sự tại Notting Hill và chịu trách nhiệm điều hành lễ hội Notting Hill Carnival.

Sau đó, Paddick trở về Trung tâm Chỉ huy Cảnh sát Scotland Yard, đầu tiên là Giám đốc Nhân sự năm 1996 và sau đó là Giám ðốc điều hành. Tháng 12-2000, ông được bổ nhiệm làm Tư lệnh Cảnh sát khu Lambeth của thủ đô London. Tại Lambeth, ông chỉ huy trực tiếp 940 sĩ quan cảnh sát và 230 nhân viên dân sự và ngân sách hàng năm là 37 triệu bảng.

Sau một thời gian trong Ban Giám đốc về tội phạm đặc biệt, liên quan đến các vụ án nghiêm trọng như: giết người, bắt cóc và lừa đảo. Paddick trở lại chỉ huy cảnh sát các quận của thủ đô London như Barnet, Brent, Camden, Ealing, Hammersmith và Fulham, Harrow, Hillingdon và Islington trong một thời gian. Ông cũng chịu trách nhiệm về các hoạt động của giới trẻ và cộng đồng, như gửi tình nguyện viên cảnh sát tham gia hỗ trợ cộng đồng trên toàn bộ 32 quận của thủ đô London.

Tháng 11-2003, Paddick được thăng chức Phó Cảnh sát trưởng thủ đô London. Sau đó là Phó Cảnh sát trưởng thường trực, trực tiếp chỉ huy tất cả 32 quận của London, chịu trách nhiệm 20.000 cảnh sát và nhân viên dân sự. Ông chịu trách nhiệm về việc "giảm số lượng tội phạm" ở London, và “tăng số lượng tội phạm" được đưa ra trước công lý. 

Đặc biệt, trong một năm rưỡi, Paddick là chỉ huy Đội Cảnh sát quốc gia chuyên chăm lo cho những công dân bị khuyết tật và tâm thần. Paddick cũng được giới truyền thông chú ý và săn đón, vì ông là phát ngôn viên cao cấp của Sở Cảnh sát thủ đô London trong tang lễ của Công nương Diana và sau vụ đánh bom kinh hoàng ở thủ đô London ngày 7-7-2005.

Trong khi sự nghiệp cảnh sát đang thăng tiến, Paddick đã xảy ra bất đồng công khai với Sir Ian Blair, Cảnh sát trưởng thủ đô London. Ông bất đồng với Sir Ian Blair về vụ bắn nhầm Jean Charles de Menezes vào ngày 22-7-2005. 

Jean Charles de Menezes, 27 tuổi, thợ điện, là công dân Brazil, sinh sống trong khu Đồi Tulse, miền Nam London. De Menezes bị bắn chết tại trạm xe điện ngầm Stockwell bởi một số sĩ quan cảnh sát thuộc lực lượng Cảnh sát thủ đô London, vì họ nhầm tưởng anh với Hussain Osman, một trong 4 đối tượng khủng bố trước đó 1 ngày tìm cách đánh bom tự sát nhằm vào một số trạm xe buýt và xe điện ngầm khu vực trung tâm thành phố. 

Theo quan điểm của Paddick: "Để một người mất đi mạng sống trong hoàn cảnh như vậy là một thảm họa và là điều mà lực lượng cảnh sát rất lấy làm tiếc".

Tờ The Times cho biết cả hai chính đảng đối lập nhau là Bảo thủ và Dân chủ tự do đều kêu gọi Sir Ian Blair từ chức vì những sai phạm nghiêm trọng của thuộc cấp, sơ suất trong tổ chức, chỉ đạo và tổ chức các chiến dịch chống khủng bố, dẫn đến cái chết oan uổng của người vô tội Charles de Menezes. 

Tuy nhiên, Sir Ian Blair được Thủ tướng Blair và Văn phòng Thủ tướng lẫn Bộ trưởng Bộ Nội vụ - bà Jacqui Smith - hậu thuẫn với lý do “Sir Ian có sự đáng tin trọn vẹn”, ngụ ý rằng Thủ tướng Blair làm tốt sứ mệnh giảm tỷ lệ tội phạm, đánh bại các hoạt động khủng bố tại thủ đô London và nhiều nơi khác trên nước Anh.

 Thế là Phó Cảnh sát trưởng Paddick được bổ nhiệm vào vị trí Giám đốc Quản lý Thông tin, thật ra đây chỉ là một công việc ngồi chơi xơi nước. Paddick đã chấp nhận sự thật rằng sự nghiệp cảnh sát của mình đã kết thúc. Paddick cho rằng mình sẽ không bao giờ đạt được mục tiêu trở thành Cảnh sát trưởng thủ đô London. Nên ông đã xin nghỉ hưu vào ngày 31-5-2007, sau nhiều năm cống hiến không biết mệt mỏi trong lực lượng Cảnh sát nước Anh.

Không ngừng cống hiến cho đất nước

Tuy không còn là một sĩ quan cảnh sát nữa, nhưng Paddick vẫn không ngừng khao khát cống hiến cho Tổ quốc. Vào các năm 2008 và 2012, Paddick là ứng cử viên đảng Dân chủ Tự do của Anh trong cuộc bầu cử thị trưởng London. Tuy nhiên, cả hai lần tranh cử của ông đều thất bại.

Hiện tại, Paddick đang là một Nghị viên Quý tộc trong Thượng Nghị viện Vương quốc Liên hiệp Anh và Bắc Ireland, với tên chính thức là Viện Quý tộc. Đồng thời, ông hiện đang là giáo sư thỉnh giảng của Trường Kinh doanh Ashridge ở Hertfordshire. Vì những đóng góp của ông cho Vương Quốc Anh, nên này 12-9-2013, ông được phong tước hiệu là Nam tước Paddick.

Tháng 7-2018, Paddick tiết lộ rằng ông là người tham gia thử nghiệm thuốc Pre-exposure prophylaxis (viết tắt là PrEP) tại Anh. Đây là một lựa chọn phòng ngừa cho những người có nguy cơ bị nhiễm HIV cao.  Mục tiêu của PrEP là để ngăn ngừa bị lây nhiễm HIV trong trường hợp có phơi nhiễm với virus bằng việc uống thuốc mỗi ngày.

Hoa Nam (Tổng hợp)
.
.
.