Bước vào trận chỉ nghĩ làm sao phải chiến thắng

Thứ Ba, 09/02/2016, 08:44
Đêm vinh danh những gương mặt tiêu biểu dự Đại hội thi đua yêu nước toàn quốc lần thứ 9 có một chàng Đại uý đến từ Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đặc biệt gây ấn tượng bởi các câu chuyện anh mang đến hội trường.


Gương mặt sáng, giọng nói quyết đoán, ở Nguyễn Thành Hưng toát lên sự nhiệt huyết của tuổi trẻ, bản lĩnh của người lính Cảnh sát hình sự và trên hết là sự thông minh, dũng cảm. Hỏi anh, trước mỗi trận đánh thường nghĩ đến điều gì, chàng Đại uý trẻ trả lời rất nhanh: Đã bước vào trận là chỉ nghĩ, làm sao phải chiến thắng bọn tội phạm.

Như giải xong bài toán khó

Vụ án bản Phồng ở Tương Dương, Nghệ An - một vụ án mà thủ phạm đã sát hại nhiều người trong một gia đình, gây hoang mang dư luận trong năm vừa qua và vụ án sát hại nhiều người ở Bình Phước (và tiếp đó là ở Yên Bái), khiến áp lực càng đè nặng lên vai những người phá án.

"Cùng đồng đội nhận nhiệm vụ vào Nghệ An, phối hợp với các đơn vị địa phương điều tra phá án, không hiểu sao trong suy nghĩ của chúng tôi lúc ấy luôn tin tưởng rằng, vụ án nhất định sẽ tìm được nút gỡ. Với sự chỉ đạo sát sao của các đồng chí lãnh đạo Tổng cục và Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội, chúng tôi càng tự tin hơn".

Đại úy Nguyễn Thành Hưng (giữa) trao đổi cùng đồng đội trước giờ phá án.

Những ngày trụ ở bản Phồng tìm manh mối, Hưng và đồng đội không bỏ lọt bất cứ chi tiết nào, và từng đối tượng trong vòng nghi vấn đều được sàng lọc lại lần nữa, trong đó có đối tượng Vi Văn Hai - kẻ mà sau này các anh đã làm rõ chính là thủ phạm. "Một chi tiết khiến anh em chúng tôi đặc biệt quan tâm, đó là Vi Văn Hai đã rời khỏi lán đi đâu đó, khi quay trở về, anh ta ném xuống đất vài quả chanh mà ở vùng này, chỉ duy nhất nhà nạn nhân có cây chanh đang ra quả. Linh cảm nghề nghiệp khiến chúng tôi đặc biệt chú ý đến Vi Văn Hai.

Và, cú điểm huyệt của Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội đối với Vi Văn Hai, chính là nút gỡ quan trọng của vụ án" - Đại uý Nguyễn Thành Hưng hồ hởi kể. Nhận định, sau khi sát hại các nạn nhân, nhất định thủ phạm phải đi tắm để rửa sạch các vết máu, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến đã hỏi Vi Văn Hai: "Tại sao đi hái chanh về mà người lại ướt?", Hai lúng búng cho biết, anh ta đã tắm ở suối trước khi quay về lán rồi tiếp tục cùng những người trong lán chơi bài.

Sau đó không lâu, Vi Văn Hai buộc phải khai nhận, hắn chính là thủ phạm gây ra vụ án khiến dư luận bàng hoàng này. "Chúng tôi quyết định "bốc" Vi Văn Hai về trụ sở Công an tỉnh, vì nếu để anh ta ở lại, nấn ná thêm bất cứ phút nào sẽ gây bất lợi cho công tác điều tra sau này, vì nơi Hai ở, người dân vẫn duy trì lối sinh hoạt cộng đồng, anh em nhà Hai sinh sống quanh đó cũng đông, chỉ cần kẻ nào đó phá đám, thì rất có thể, anh em nhà Hai sẽ manh động cản trở, gây khó khăn cho cơ quan điều tra" - Đại uý Hưng chia sẻ.

"Khi Vi Văn Hai nhận tội, anh cảm thấy như thế nào" - tôi hỏi Hưng. "Giống như ngày xưa đi học bị cô giáo giao cho bài toán khó. Lúc giải xong bài toán sung sướng như thế nào thì khi tìm ra thủ phạm, anh em chúng tôi cũng vui mừng đúng như thế. Chỉ có điều, niềm vui ấy lớn hơn rất nhiều. Thứ nhất là anh em chúng tôi đã hoàn thành nhiệm vụ mà các đồng chí lãnh đạo tin tưởng giao phó, thứ hai là lấy được niềm tin của người dân”.

Quả thật, chỉ là những người theo dõi và phản ánh về vụ án thôi, nhưng khi nghe tin đã bắt được thủ phạm, chúng tôi cũng mừng vui như chính mình góp công tìm ra thủ phạm vậy, thế nên chúng tôi hiểu điều Đại úy Hưng chia sẻ, không còn gì vui hơn khi giải được “bài toán khó”.

Ở đơn vị mà Đại uý Nguyễn Thành Hưng đang công tác (Phòng Phòng ngừa đấu tranh chống tội phạm có tổ chức - Phòng 5, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội), những chuyên án lớn, đấu tranh với các băng nhóm tội phạm cộm cán, có tổ chức, hầu hết đều được các đồng chí lãnh đạo tin tưởng giao phó. Và, Nguyễn Thành Hưng cũng như các đồng đội của mình đều khiến đám tội phạm cộm cán nhìn thấy là phải tìm đường "né".

Không có lòng dũng cảm, không có tinh thần thép, không có sự mưu trí, hẳn không bao giờ trở thành một Cảnh sát hình sự giỏi được. Tôi luôn nghĩ thế khi tiếp xúc với các cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát hình sự, nghe họ kể về quá trình phá án. Và hẳn, tinh thần quyết tâm chiến thắng cái ác, đấu tranh với cái ác đến cùng, càng được hun đúc, tôi luyện, khi họ được sinh ra trong những gia đình có truyền thống.

Tiếp nối truyền thống từ người cha, Nguyễn Thành Hưng ngay từ khi còn nhỏ, đã tâm niệm sau này lớn lên, không làm nghề gì khác ngoài "bắt cướp". Hồi nhỏ, đám trẻ con chỉ hiểu đơn giản, làm Công an là đi bắt cướp. Chơi trò trận giả, Hưng khi nào cũng trong vai Công an bắt gián điệp, chứ nhất định không chịu về phe bên kia.

“Bố tôi rất nghiêm khắc, mấy chị em tôi được ông cho vào kỉ luật sắt. Làm gì cũng phải có nguyên tắc. Là lính hình sự, ông công tác xa nhà thường xuyên. Nhiều đêm giao thừa, chỉ có mấy mẹ con ở nhà. Trước khi vào nghề, tôi hiểu rõ hơn ai hết những khó khăn, vất vả nhưng cũng rất tự hào của những người làm công việc giữ gìn trật tự xã hội, đem lại cuộc sống bình yên cho nhân dân” - Hưng nói.

Xuân rất gần...

Trước khi về công tác ở Phòng 5, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội, Nguyễn Thành Hưng từng có hơn 10 năm công tác tại Đội Cảnh sát hình sự, Công an huyện Đông Anh, Hà Nội. Địa bàn Đông Anh cũng khá phức tạp vì có nhiều đối tượng cộm cán hình sự, có số má, thậm chí nổi tiếng giang hồ bốn phương, vì thế, ngay từ ngày công tác ở đây, Hưng đã được rèn luyện bản lĩnh đối phó với những đối tượng có máu mặt.

Thời gian là lính hình sự Công an huyện Đông Anh, anh đã tham gia khám phá hơn 20 chuyên án lớn, bắt giữ 200 đối tượng hình sự, thu giữ 20 khẩu súng các loại, trong đó có những đối tượng đặc biệt nguy hiểm; nhiều năm liền là chiến sỹ thi đua, được các cấp khen thưởng. Những ngày đầu nhận nhiệm vụ tại Phòng 5, Cục Cảnh sát Điều tra tội phạm về trật tự xã hội là những ngày thật sự áp lực đối với chàng Cảnh sát hình sự.

Đó là một cuộc bơi giữa biển lớn, tính chất công việc cũng như mức độ nguy hiểm của mỗi chuyên án cũng lớn hơn. Và, áp lực mà Nguyễn Thành Hưng cũng như đồng đội của mình phải đối mặt, đó là làm thế nào để ngày càng hoàn thiện mình, đóng góp công sức trong việc điều tra, phá án. Các anh luôn tâm niệm: Việc phá án thành công, tìm ra thủ phạm là trách nhiệm của mỗi người chiến sĩ Công an, và việc đảm bảo được an toàn, sự bình yên cho cuộc sống của nhân dân mới là chiến công.

Được cấp trên tin tưởng, giao cho nhiệm vụ trinh sát tuyến đầu, dường như Nguyễn Thành Hưng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ. Nhận xét về anh, Thiếu tướng Hồ Sĩ Tiến, Cục trưởng Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự xã hội nói: "Không phải trinh sát nào cũng có thể đảm nhận vai trò tuyến đầu, đối mặt với tội phạm như Nguyễn Thành Hưng. Phải có bản lĩnh, cái đầu thông minh và nghiệp vụ trinh sát sắc sảo”.

Hỏi về những khoảnh khắc cận kề sinh tử, anh nghĩ đến điều gì, Đại uý Nguyễn Thành Hưng chậm rãi: "Nếu nói không nghĩ đến bản thân, gia đình thì không đúng, nhưng những khoảnh khắc ấy, người lính hình sự không có thời gian để nghĩ, mà phải vận dụng hết sự thông minh, nhanh nhạy và bản lĩnh để đối mặt với tội phạm. Phải chiến thắng bằng mọi giá".

Mùa xuân đã rất gần, không khí Tết đã len lỏi vào từng nhà, với hoa mai, hoa đào đua nhau khoe sắc. Nhưng khái niệm mùa xuân đối những chiến sĩ Cảnh sát hình sự như Nguyễn Thành Hưng và đồng đội của anh lại đơn giản hơn rất nhiều, đó là khi mỗi vụ án được phá thành công. Và Tết chỉ thực sự về khi ngoài đường phố, người dân yên bình đi đón Tết và điện thoại của các anh không bị gọi "cháy máy" vì một tin báo án nào đó. 

Hiền Hòa
.
.
.