Buôn làng mang tên vị tướng

Thứ Hai, 19/12/2016, 09:47
Một ngày trở lạnh trên phố Ban Ma Thuột, tôi gặp ông đang trà đạo với đồng đội cũ. Trong câu chuyện luôn là tiếng "anh Lâm" đầy tôn kính và khâm phục. Còn ông chỉ cười, rất thảnh thơi và dí dỏm, nhưng vẫn toát lên vẻ rắn rỏi, dũng mãnh của một vị tướng "cái gì cũng biết, việc gì cũng làm".  


1.Viết về ông thì nhiều lắm nên ông bảo mỗi hôm chỉ nói một đề tài thôi, đã hết ngày rồi. Và hôm nay, ông kể cho tôi nghe chuyện khai khẩn, để sau này, cả hai vùng đất ấy đều đọng lại hình ảnh của ông.

Năm 1980, quay trở lại vùng đất buôn Ja Wầm (Cư M'Gar - Đắk Lắk), ông đau đáu trăn trở với cuộc sống đói nghèo của đồng bào dân tộc. Trái tim thôi thúc ông phải làm điều gì đó cho bà con để trả món nợ những ngày chiến tranh khốc liệt, giữa lằn ranh của sự sống và cái chết, ông được bà con chở che, đùm bọc.

Ngày đó, Trịnh Hoàng Lâm là cán bộ Tiểu đoàn 303 (đơn vị hai lần được phong danh hiệu Anh hùng LLVT nhân dân). Tận mắt thấy đồng bào Ê Đê sống heo hút trên những quả đồi bạt ngàn, quanh năm đói ăn, thiếu mặc, ông xót lắm.

Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm.

Ông càng trân quý hơn khi họ sống giữa "rừng vàng" mà không bao giờ đụng đến một gốc cây, thớ gỗ nào của "mẹ" thiên nhiên. Trong khi đó, nhiều người từ miền xuôi, miền ngược ùn ùn đánh xe vào chở gỗ, tiếng cưa lốc xẻ cây nghe xót xa, quặn lòng.

Phải giúp đồng bào làm ăn, ổn định cuộc sống, để họ không di canh di cư, trở thành lá chắn thép của vành đai biên giới. Đây không chỉ đơn thuần là vấn đề dân sinh, mà còn là sinh mệnh chính trị.

Ông đem ý tưởng bàn với Phan Thanh Xuân, Tổng Giám đốc Liên hiệp Lâm - Công nghiệp Ea Soup và bất ngờ nhận được sự đồng cảm đồng lòng.

Ông Xuân đồng ý với cơ chế giao đất giao rừng cho Quân đội quản lý, khai thác  mà trực tiếp là Tiểu đoàn 303 trực thuộc BCHQS tỉnh Đắk Lắk, thông qua đó tạo điều kiện để đơn vị triển khai xây dựng nhà cho đồng bào dân tộc tại đây. Tuy nhiên, vào thời điểm đó không phải lãnh đạo nào cũng suy nghĩ được như bộ đội Lâm.

Ý tưởng đi trước đón đầu được xem là táo bạo, bứt phá ngay lập tức gặp phải "tảng đá" làm chững lại. Nhiều cuộc họp bàn, nhiều ý kiến đưa ra, đồng ý có, phản đối có.

Bộ đội Lâm thì vẫn giữ quan điểm của mình, rằng: "Đồng bào có câu không nghe, chỉ thấy thôi. Vì vậy, chúng ta phải làm được thì đồng bào mới tin, mới một lòng đi theo cách mạng". Cuối cùng, thấy sự quyết tâm ngút trời của Trịnh Hoàng Lâm, lãnh đạo tỉnh đã chấp thuận để ông thực hiện thử nghiệm một lần.

Am hiểu tường tận phong tục, lối sống của đồng bào, lại có tầm nhìn xa trông rộng, bộ đội Lâm đã chọn vị trí đất cao ráo, phía sau có con suối chảy qua làm khu vực trung tâm xây dựng buôn.

Trên một trăm hộ dân buôn Ja Wầm cùng với hơn năm chục cán bộ chiến sĩ tổ chức thành hai đội sản xuất nhận diện tích rừng để tu bổ, đồng thời cho máy san ủi một khu đất làm nhà định cư cho đồng bào. Lâm trường cấp cho mỗi hộ từ một đến hai hécta đất để bộ đội hướng dẫn trồng cà phê, cộng với hai hécta đất canh tác, bộ đội hướng dẫn trồng lúa nước.

Một con đường cấp phối chạy dọc theo buôn, hai bên đường những ngôi nhà sàn lợp ngói kiên cố mọc lên, cứ hai gia đình một giếng nước, không phải làm bầu đi lên tận rừng lấy nữa.

Vậy là, một buôn làng đã hiện hình ở gần con suối, sức sống nảy nở trên vùng đất bazan màu mỡ tốt tươi, không khí lao động, sản xuất hừng hực khí thế.

Đồng bào từ xưa đến nay đều quen với hình thức lao động chọc tỉa, săn bắt, hái lượm là chủ yếu nên bắt tay vào sản xuất theo thời đại và máy móc một chút thì  rất bỡ ngỡ. Đất rộng bao la bát ngát, màu mỡ, nhưng bà con vẫn phải đi thật xa mua từ trái dừa, trái mít, trái ổi... vì họ không biết trồng.

Bộ đội Lâm mua cho đồng bào tất cả 7 loại cây ăn trái về trồng trên chính mảnh đất của mình, năm năm sau bà con không phải đi mua nữa, mà còn dư ra để bán lại cho người Kinh. Lâu nay bà con chuyên canh tác lúa rẫy thì bây giờ phải trồng lúa nước mới cho thu hoạch cao.

Thiếu tướng Trịnh Hoàng Lâm và Trung tướng Nguyễn Long Cáng, Tư lệnh Quân khu 5 là đồng chí thân thiết.

Đất rẫy chủ yếu trồng lúa cạn, xen vào đó là cây gừng, nghệ, xả, ớt phục vụ bữa ăn hàng ngày, nhưng sau đó vài năm thì toàn bộ diện tích này đã chuyển sang trồng các cây công nghiệp như cà phê, tiêu.

Ông cho bộ đội ủi đất, đắp bờ ruộng, bờ thửa, dẫn nước vào để cấy lúa. Mới đầu chia mỗi gia đình một sào làm thử. Có người năm đầu làm hiệu quả, có người chưa biết làm nên thất bát.

Ông xuống nhà động viên, hỏi nguyên nhân vì sao thất bại, rồi hướng dẫn sang năm phải làm tốt hơn. Từ một sào làm thử, bà con phát triển thành năm sào, lúa ăn không hết đem bán lấy tiền mua sắm vật dụng trong nhà.

Ông bảo không được để heo chạy lăng xăng ra ngoài phá hoa màu, phải làm chuồng ở xa nhà, vệ sinh, giữ môi trường sạch sẽ… thì con cháu đồng bào mới không bệnh tật.

Sau việc xây dựng buôn Ja Wầm thành công, cấp trên lấy mô hình định cư này nhân điểm tiếp sang buôn Cháy, buôn Win (huyện Cư M'gar), sang cả buôn Dleiya (huyện Krông Năng).

Tất cả những buôn làng xây dựng theo mô hình định canh định cư kinh tế đều ổn định, đời sống bà con văn minh, tư tưởng không dao động trước thế lực xấu. Bà con dành tình cảm đặc biệt cho các anh bộ đội Tiểu đoàn 303.

Còn với cán bộ Lâm, họ quý đến mức gọi buôn của mình là "Buôn bộ đội Lâm". Gần gũi, gắn bó, giúp đỡ bà con hết mình, lại thông thạo tiếng Ê Đê, Gia Rai, M'Nông nên tự bao giờ không biết, bộ đội Lâm trở thành già làng của các buôn đồng bào.

Đặc biệt là tiếng Ê Đê, ông có thể thay mặt dân làng làm lễ cúng Giàng thuần thục như một già làng thật sự. Ông bảo, học tiếng của đồng bào không khó, khi mình có tâm là học được thôi.

Ông tự nhận mình là người "làm dâu trăm họ". Người ta làm gì chỉ một nhiệm vụ thôi, còn ông là sĩ quan Quân đội mà lĩnh vực gì cũng làm, nhiệm vụ gì cũng trải qua. Từ y tá thời chiến đến chủ nhiệm hậu cần, giám đốc công ty làm kinh tế thời bình, rồi làm chính ủy, chỉ huy trưởng.

Chính kinh nghiệm "làm dâu" ấy đã tích lũy cho ông vốn kiến thức uyên thâm, sự từng trải trong lửa đạn chiến tranh, trong đói khổ thời bao cấp. Tất cả đã đúc rèn ông thành con người có ý chí mạnh mẽ, có bản lĩnh thép để tiếp tục hoàn hành sứ mệnh mới. 

2.Năm 2004, Đại tá Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Lắk Trịnh Hoàng Lâm nhận lệnh điều động làm Chỉ huy trưởng Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông. Một  lần nữa ông lại lên đường đến vùng đất mới.

Thời điểm đó, cả Đại tướng - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Phạm Văn Trà, Đại tướng Phùng Quang Thanh - Tổng tham mưu trưởng và Trung tướng Nguyễn Khắc Nghiên - Tư lệnh Quân khu V (sau này là Thượng tướng, Tổng tham mưu trưởng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng) đã cùng quan điểm và có chung nhận xét về ông: "Đồng chí Trịnh Hoàng Lâm là một con người tâm huyết, tận tụy với công việc, có tầm nhìn rộng. Trước một tỉnh mới còn lắm khó khăn thì nên điều đồng chí Lâm về là tốt nhất".

Trịnh Hoàng Lâm cũng như những cán bộ chiến sĩ khoác ba lô rời mái nhà Đắk Lắk về Đắk Nông ngày ấy sẽ không bao giờ quên cái thời khắc ban đầu đầy gian nan, vất vả. Đã quen với sự đủ đầy, sung túc ở cơ quan cũ, nay về nơi mới, tất cả đều thiếu thốn đến chạnh lòng.

Đứng trước một quả đồi mênh mông, cao vời vợi, cây cối, sỏi đá hoang cằn, tiếng thú rừng hú vang đến rợn người, một nơi chẳng ai đoái hoài tới. Phóng tầm mắt ra đại ngàn bao la, Đại tá Trịnh Hoàng Lâm nhìn nhận: Đây là một cao điểm căn cứ của địch trước đây, có tầm nhìn bao quát cả khu vực trung tâm Quảng Đức.

Là cửa ngõ của con đường 28 chiến lược đi Khiêm Đức, Lâm Đồng, lề phía ngoài là đường 14 qua Kiến Đức thông từ cao nguyên xuống miền Đông Nam Bộ. Chọn vị trí này đặt Sở chỉ huy là hoàn hảo nhất.  

Trong vòng bốn năm, với lòng quyết tâm và bàn tay khai sơn phá thạch của cán bộ chiến sĩ toàn đơn vị, hình hài Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh Đắk Nông đã hiện ra, sừng sững, uy nghiêm vững chãi trên một quả đồi giữa bốn bề đại ngàn xanh thẳm.

Thủ trưởng Lâm bắt đầu cho chỉnh trang đơn vị, nhằm biến quả đồi này không chỉ là vị trí chiến lược quân sự, mà còn trở thành khuôn viên thoáng mát, trong lành, rực rỡ sắc hoa và rợp bóng cây xanh. Đầu tiên, ông cho trải nhựa con đường phẳng lì chạy hình xoáy ốc từ dưới chân lên tới chóp Sở chỉ huy, hai bên đường trồng các loại hoa rợp trời.

Ngày xưa cùng bạn bè.

Dư luận ví cụm công trình kiến trúc như cái cúc ngọc lung linh trong tấm áo gấm màu xanh của thị xã Gia Nghĩa, Trung tâm chính trị, kinh tế, xã hội của một tỉnh mới đang lấy đà bật lên.

Như lời nhận xét của Đại tướng Phùng Quang Thanh - Bộ trưởng Bộ Quốc phòng lúc bấy giờ, đây là công trình đẹp nhất toàn quân so với Bộ Chỉ huy Quân sự các tỉnh. Với người dân Gia Nghĩa, họ gọi công trình kiến trúc này bằng cái tên giản dị, mộc mạc là "Đồi ông Lâm".

Kết thúc cuộc đời binh nghiệp, đi qua hết những gian khổ, mất mát, chịu biết bao cay đắng, hy sinh, bộ đội Lâm trở thành vị tướng. Ông để lại trong lòng đồng bào các dân tộc Tây Nguyên niềm tôn kính tận đáy lòng, để lại tình yêu thương không gì khỏa lấp giữa con người với con người, giữa đồng đội với đồng đội.

Ngọc Hoa
.
.
.