Cảm hoá con người ở nơi "thâm sơn cùng cốc"

Thứ Bảy, 19/08/2017, 13:54
Chỉ mới ít năm thôi, phân trại số 6, Trại giam Thanh Lâm vẫn còn là "vùng trũng" chưa có điện sáng, chưa có sóng điện thoại. Khó khăn là vậy, nhưng những cán bộ như Thượng uý Phạm Công Đán và cả các phạm nhân đều không nề hà khó, không ngại khổ, dồn tâm sức biến nơi này thành môi trường học tập, lao động có ích, có sản phẩm để nuôi dưỡng ước mơ làm lại cuộc đời…


Nghe thông tin về cơn bão số 2 sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến Thanh Hoá, Thượng uý Phạm Công Đán, quản giáo Đội sản xuất 32, phân trại số 6, Trại giam Thanh Lâm và đồng đội như ngồi trên đống lửa. Kể cả các phạm nhân đang lao động, cải tạo ở đây cũng lo lắng không kém bởi phân trại số 6 đóng chân ở xã Xuân Hoà, huyện Như Xuân, Thanh Hoá - là nơi "thâm sơn cùng cốc" của huyện miền núi nghèo khó này. Đặc biệt, dù là miền núi nhưng xã Xuân Hoà là vùng trũng nên mỗi khi có mưa, lập tức nước ngập, cả phân trại bị cô lập với bên ngoài.

Chính vì vậy, ngay khi biết thông tin có bão, từ trưởng phân trại đến CBCS và các phạm nhân ai nấy đều phải nỗ lực vận chuyển gà, vịt đến nơi khô ráo. Đây là một khu vực ở cách xa phân trại gần 2km, gần đường Hồ Chí Minh nên cao ráo, ít bị nước ngập.

Nhớ lại trận lũ quét kỷ lục vào tháng 8 năm 2016, Thượng uý Phạm Công Đán không khỏi xót lòng: "Đang đêm thì nước lũ dâng lên ầm ầm chị ạ. Cả phân trại nháo nhác ra chạy lụt nhưng không được.

Thượng uý Phạm Công Đán hướng dẫn phạm nhân lao động.

Nước ngập đến ngực, cuốn đi mọi thứ, bao nhiêu cám, thức ăn cho gia cầm bị cuốn trôi hết. Không có chỗ nào cho gà, vịt trú nên hơn 2.000 con vịt đẻ, hơn 3.000 con gà từ gà bột đến gà thịt đều chết hoặc bị cuốn trôi hết. Đành chịu vậy, chứ cũng không biết làm thế nào, quan trọng nhất là cố gắng không để thiệt hại về người".

Công trình  chăn nuôi trên với nguồn thu nhập khá ổn định là công sức, tâm huyết của Thượng uý Phạm Công Đán, quản giáo Đội 32 của phân trại. Vốn xuất thân từ con nhà nông dân nên từ bé, anh đã thạo việc đồng áng, nông nghiệp.

Được lãnh đạo tin tưởng giao nhiệm vụ quản giáo ở Đội 32 -  anh Đán xác định đây là nhiệm vụ hết sức khó khăn vì quản lý, giáo dục cảm hóa những phạm nhân lầm đường lạc lối mức độ và tính chất phạm tội khác nhau nhưng  nhìn chung đều là những tay anh chị ở ngoài xã hội.

Chính vì vậy, ngay sau khi nhận đội phạm nhân, anh Đán đã gặp gỡ từng người, để nắm tâm tư, tình cảm, nguyện vọng cũng như tìm hiểu tội danh, ngày bắt, án phạt và đề ra phương hướng giáo dục cảm hóa họ. Tôi khá ngạc nhiên bởi khi hỏi đến tên phạm nhân nào, Thượng uý Phạm Công Đán đều nhớ chính xác ngày, giờ bắt,  ngày lên trại, phạm tội gì, hoàn cảnh gia đình thế nào.

Tôi hỏi đùa: "Hôm qua anh vừa "ôn" hồ sơ phạm nhân hay sao mà nhớ thế?". Đán cười hiền: "Không chị ạ. Hồ sơ phạm nhân được bảo quản chặt chẽ theo quy định, muốn khai thác phải đề xuất lãnh đạo. Mà Đội thì ở xa trung tâm, công việc từ sáng đến tối nên tôi không có nhiều dịp để tra cứu. Cách đơn giản nhất để biết thông tin về phạm nhân là phải vận dụng trí nhớ của mình chị ạ. Với lí lịch trích ngang của phạm nhân, tôi biết được những thông tin cơ bản. Trong quá trình giáo dục, tôi thường trò chuyện, hỏi về gia đình, về tâm tư nguyện vọng của họ. Từ đó, tôi biết kỹ hoàn cảnh của từng phạm nhân để có phương pháp giáo dục phù hợp".

Ở Đội 32, đa phần phạm nhân thiếu hiểu biết pháp luật, hoàn cảnh kinh tế khó khăn, xuất thân từ các gia đình nông nghiệp nên họ khá chất phác nhưng cũng rất tự ti, ngại tiếp xúc, chia sẻ với cán bộ.

Có những phạm nhân, suốt cả quá trình thi hành án không có bất cứ người thân nào đến thăm, gửi quà. Nắm được điều đó, Thượng uý Phạm Công Đán thường dành nhiều tình cảm cho họ hơn những phạm nhân khác, bởi sự quan tâm của cán bộ chính là động lực để những phạm nhân này phấn đấu.

Như trường hợp phạm nhân Lê Quang Việt, SN 1990, án phạt 8 năm 6 tháng về tội mua bán trái phép chất ma tuý. Hoàn cảnh của Việt khá đặc biệt bởi bố mẹ ở xa, nhà lại rất nghèo và thường xuyên ốm đau, bệnh tật. Việt chỉ có 1 chị gái nhưng lấy chồng ở Trung Quốc nên từ khi vào trại, Việt không có người thăm nom, tiền án phí cũng không đóng được.

Biết được hoàn cảnh của Việt, Thượng uý Phạm Công Đán đã trích quỹ đơn vị đóng án phí cho Việt, thường xuyên tặng quà, động viên cậu ta. Đặc biệt, mỗi khi Việt ốm đau hay thiếu các vật dụng cần thiết, anh Đán đều giúp đỡ. Cảm ơn tấm lòng của cán bộ, Việt luôn cố gắng cải tạo tốt.

Phạm nhân Nguyễn Xuân Diện, 27 tuổi, cũng tương tự như vậy. Diện phạm tội mua bán trái phép chất ma túy. Sau khi bị bắt, vợ cậu ta bỏ đi để lại đứa con nhỏ cho bố mẹ Việt nuôi. Nhà nghèo, lại phải chăm cháu nhỏ nên suốt từ khi Việt lên trại không có điều kiện thăm nom, cũng chẳng có tiền để gửi quà.

Biết hoàn cảnh mình như vậy nên Diện buồn lắm, không muốn tiếp xúc với ai. Hiểu tâm tư của Diện, Thượng uý Phạm Công Đán không chỉ động viên, chia sẻ mà còn trích quỹ đóng tiền án phí cho Diện, tặng quà Diện mỗi khi khó khăn, dạy Diện cách viết thư gửi về cho con. Dần dà, Diện trở nên vui vẻ hơn, hoà đồng hơn và học tập, lao động tích cực hơn.

Song song với việc quản lý, giáo dục cảm hóa phạm nhân là việc tổ chức học tập lao động, sản xuất. Đội 32 được Ban giám thị giao cho trồng và canh tác 4 ha cây mía đường.

Thượng uý Phạm Công Đán cho biết: "Doanh thu mỗi năm chỉ đạt 150 triệu đồng mà thời gian trồng và chăm sóc không tốn nên tôi đã tận dụng mặt bằng, xin ý kiến của  Ban Giám thị và Ban chỉ huy phân trại số 6 xây dựng một khu trang trại nuôi gà thịt và vịt đẻ trứng để tăng thêm thu nhập cải thiện đời sống cho cán bộ và phạm nhân trong đội".

Sau một vài tháng chăn nuôi thấy gà và vịt phát triển tốt, cả cán bộ và phạm nhân trong Đội đều hồ hởi. Thế nhưng, một trận lũ quét đi qua khiến toàn bộ khu vực trại gà bị cuốn trôi trong đêm khiến cả Đội tiếc ngẩn ngơ vì toàn bộ tài sản đã gây dựng bấy lâu đã bị mất hết.

Không chịu khuất phục trước những khó khăn đó và được sự động viên giúp đỡ kịp thời của Đảng ủy Ban Giám thị và cấp ủy Ban chỉ huy phân trại số 6, Thượng uý Phạm Công Đán đã gây dựng lại trang trại và bắt đầu đi vào hoạt động có doanh thu.

Thượng úy Phạm Công Đán thường xuyên gặp gỡ, động viên phạm nhân cải tạo tốt.

Những sản phẩm làm ra, được lãnh đạo đơn vị tạo điều kiện nhập vào bếp phạm nhân ăn chế độ trong tháng và những ngày lễ, Tết trong năm. Ngoài ra, còn cải thiện, bồi dưỡng khẩu phần ăn cho phạm nhân trong đội từ đó giúp cho phạm nhân có sức khỏe yên tâm tư tưởng học tập lao động cải tạo chấp hành nội quy trại giam trong các kỳ phân loại.

Cụ thể, có 20% phạm nhân Đội 32 xếp loại cải tạo tốt, 80% cải tạo khá, không có phạm nhân trung bình, yếu kém. Đây là một thành tích đáng nể mà không phải đơn vị nào cũng đạt được.

Nói về thuộc cấp của mình, Đại tá Phan Ngọc Việt, Giám thị Trại giam Thanh Lâm cho biết: "Thượng uý Phạm Công Đán là người thực sự tâm huyết với công việc, luôn tìm tòi, sáng tạo trong công tác giáo dục, cảm hoá phạm nhân. Đặc biệt, dù hoàn cảnh đơn vị khó khăn, làm việc ở môi trường khắc nghiệt, nhưng anh luôn tìm cách vượt qua. Nhờ đó, đã góp phần không nhỏ vào công tác cảm hoá, giáo dục phạm nhân của Trại giam Thanh Lâm".

Chỉ mới ít năm thôi, nơi đây vẫn còn là "vùng trũng" chưa có điện sáng, chưa có sóng điện thoại. Khó khăn là vậy, nhưng những cán bộ như Thượng uý Phạm Công Đán và cả các phạm nhân đều không nề hà khó, không ngại khổ, dồn tâm sức biến nơi này thành môi trường học tập, lao động có ích, có sản phẩm để nuôi dưỡng ước mơ làm lại cuộc đời…

Phương Thuỷ
.
.
.