Trung tướng Cao Ngọc Oánh, Tổng cục trưởng Tổng cục VIII:

Cán bộ trại giam phải biết khơi dậy tính thiện trong con người phạm nhân

Thứ Sáu, 07/02/2014, 08:30

PV: Thưa Trung tướng, trong năm qua lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp đã có nhiều thành tích nổi bật. Để có được những thành tích này, trước hết là có sự chỉ đạo từ các đồng chí lãnh đạo Tổng cục, cụ thể là đồng chí Tổng cục trưởng. Đồng chí có thể chia sẻ một chút với bạn đọc Cảnh sát Toàn cầu?

Trung tướng Cao Ngọc Oánh: Năm 2013, được sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và sự chỉ đạo trực tiếp của Đảng ủy Công an Trung ương, lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát Thi hành án hình sự (THAHS) và hỗ trợ tư pháp (HTTP) đã có nhiều nỗ lực, vượt qua khó khăn thử thách, không ngừng đổi mới sáng tạo, hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao, trong đó đã chủ động tham mưu cho lãnh đạo Bộ Công an phối hợp với các Bộ, ngành xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật liên quan đến công tác đảm bảo ANTT nói chung và công tác THAHS và HTTP nói riêng; chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương thực hiện tốt chức năng quản lý nhà nước về THAHS và HTTP; công tác quản lý, giam giữ các loại đối tượng có nhiều chuyển biến tích cực; an ninh, an toàn các cơ sở giam giữ, không để phạm nhân nào trốn thoát... Năm 2013 nhiều đơn vị, cá nhân trực thuộc Tổng cục THAHS và HTTP (Tổng cục VIII) đã vinh dự được Đảng và Nhà nước tặng thưởng nhiều phần thưởng cao quý: 3 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Độc lập hạng ba, 2 cá nhân được tặng thưởng Huân chương Quân công hạng ba, 9 tập thể và 24 cá nhân được tặng thưởng Huân chương bảo vệ Tổ quốc các hạng...

PV: Những năm gần đây, Tổng cục VIII đã tổ chức nhiều cuộc thi cho phạm nhân như cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện", cuộc thi vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương". Những cuộc thi này có ý nghĩa như thế nào trong việc hướng thiện cho những người lầm lỗi, thưa Trung tướng?

Trung tướng Cao Ngọc Oánh: Công tác giáo dục cải tạo phạm nhân, trại viên, học sinh đòi hỏi phải sâu sắc về nội dung, đa dạng về hình thức và phải huy động sự vào cuộc của toàn xã hội. Các cuộc thi viết, thi vẽ tranh trên đã thu hút được đông đảo phạm nhân, trại viên, học sinh tham gia. Cuộc thi viết "Sự hối hận và niềm tin hướng thiện" có 23.079 phạm nhân, trại viên tham gia với trên 150.000 trang viết tay và đánh máy, đã được Trung tâm sách kỷ lục Guinees Việt Nam tặng 2 giải thưởng Kỷ lục Việt Nam.

Cuộc thi vẽ tranh "Khát vọng hoàn lương" đã nhận được 232 tác phẩm dự thi, các bức tranh đạt giải đều được Tổng cục lựa chọn, biên soạn thành các bài giảng phục vụ công tác giáo dục. Có thể nói rằng, mỗi cuộc thi đều có tính độc đáo riêng biệt và mang ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc. Các phạm nhân đã vượt qua mặc cảm, tự ti để chiến thắng chính mình, để suy nghĩ và viết về mình. Đây chính là giá trị thực tế, ý nghĩa giáo dục, nhân văn sâu sắc, thiết thực mang lại hiệu quả cao trong công tác giáo dục cải tạo, tạo nên diễn đàn để họ bộc lộ trọn vẹn và sâu sắc về sự hối hận, niềm tin phục thiện của mình, khơi dậy lòng tự trọng, tự tin vào tình yêu cuộc sống và khát vọng hoàn lương.

Đây cũng là cơ hội để xây dựng mối quan hệ hiểu biết, thân thiện giữa CBCS và phạm nhân, trại viên, học sinh, từ đó khơi dậy tính thiện trong con người họ. Những trang viết, bức họa còn thể hiện được nhiều nhận xét, đánh giá, ghi nhận của họ về sự hi sinh thầm lặng của CBCS Cảnh sát trại giam - những "người thầy đặc biệt" đang ngày đêm vì sự nghiệp cảm hóa, giáo dục cải tạo con người, gieo những mầm thiện trả lại cho đời.

PV: Người ta thường nói, phạm nhân thì có ngày về, nhưng cán bộ trại giam thì "chung thân" ở trại cho đến khi nào về hưu. Theo Trung tướng, cán bộ, chiến sỹ trại giam phải có phẩm chất gì mới trụ lại được với nghề nghiệp mình đã lựa chọn?

Trung tướng Cao Ngọc Oánh: Đã là cán bộ thì ai cũng phải thừa hành công vụ một cách nghiêm túc, hiệu quả nhất cho đến ngày nghỉ hưu. Điều này thể hiện lòng trung thành tuyệt đối với Đảng, với Tổ quốc và nhân dân. Đối với Tổng cục VIII, hầu hết các đơn vị đều đóng quân ở vùng sâu, xa các địa bàn dân cư, việc đi lại gặp nhiều khó khăn vất vả, cơ sở vật chất, phương tiện phục vụ công tác, chiến đấu còn thiếu thốn. Khó khăn là vậy song những năm qua, các CBCSä vẫn phát huy truyền thống, nêu cao ý chí và bản lĩnh cách mạng, tích cực thi đua phấn đấu hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ được giao.

Mỗi cán bộ, chiến sỹ như một người thầy, một nhà khoa học trong nghiên cứu tâm lý tội phạm để giáo dục, cảm hóa họ, làm cho họ tâm phục, khẩu phục, nhận rõ những lỗi lầm do mình gây ra, chấp hành tốt nội quy, quy chế, từ đó quyết tâm cải tạo tiến bộ để sớm trở về.

PV: Một năm mới đã đến, với mỗi phạm nhân, đó là thời điểm rút ngắn khoảng cách họ được trở về với xã hội. Trong thời khắc này, đồng chí Tổng cục trưởng muốn nhắn nhủ điều gì với họ không?

Trung tướng Cao Ngọc Oánh: Tôi muốn nói với họ rằng: Dù bị tước bỏ một số quyền công dân nhưng những quyền cơ bản của con người vẫn được Hiến pháp và pháp luật bảo vệ, mọi phạm nhân đều được bình đẳng trước pháp luật. Vì vậy, trước hết phải chấp hành nghiêm túc các quy định của pháp luật, phải thực sự biết ăn năn hối cải và tích cực cải tạo tiến bộ để được hưởng chính sách khoan hồng của Đảng và Nhà nước. Khi chấp hành xong hình phạt tù trở thành người tự do thì phải tự giác tu thân, tích đức, tự tin ở chính mình, tự lo cho cuộc sống của mình bên cạnh sự quan tâm của Nhà nước và xã hội để đừng bao giờ trở lại nhà tù với thân phận người tù một lần nữa. Đó cũng là niềm tin và là hạnh phúc lớn lao của người chiến sĩ Cảnh sát thi hành án hình sự.

PV: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hòa - Anh Hiếu - Đinh Hiền (thực hiện)
.
.
.