Cảnh sát giao thông đường thủy và nghĩa tình ngoài nhiệm vụ

Thứ Năm, 26/12/2013, 10:28
Đi dân nhớ, ở dân thương chính là ấn tượng sâu sắc mà các chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy TP Hòa Bình để lại trong chúng tôi. Quản lý địa bàn một vùng sông nước với các xã ven hồ chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số với giao thông đi lại khó khăn thì những Cảnh sát đường thủy thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy để người dân nơi đây tìm tới khi gặp khó khăn, hoạn nạn.

Việc trong vòng trách nhiệm

Chúng tôi tới thăm Đội Cảnh sát giao thông đường thủy TP Hòa Bình vào một buổi chiều đầu mùa đông, gặp đúng hôm anh em cán bộ trong đội đang tiến hành họp giao ban. Theo chia sẻ của họ thì vào dịp đầu năm, cuối năm là dịp công việc nằm trong nhiệm vụ được tính là bận rộn nhất. Vì đây là dịp bà con thập phương về với đền Thác Bờ xin lộc, trả lễ. Lưu lượng người đổ về khu vực này có khi lên tới trên mười nghìn người trong một ngày. Với lưu lượng người lớn như vậy ở tập trung trên bộ đã là rất động, nhưng khi tập trung trên mặt nước để vào một địa điểm hẹp như bến chính khu vực đền Thác Bờ càng khiến công tác đảm bảo an toàn giao thông vận tải cũng như sinh mạng người dân gặp nhiều khó khăn. Thêm vào đó, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy của Công an tỉnh hiện chỉ có mười cán bộ, chiến sĩ (tính cả một nhân viên cấp dưỡng kiêm tạp vụ)

Hòa Bình là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng với hai hệ thống sông chính là sông Đà và sông Bôi. Tính riêng tuyến sông Đà đã có chiều dài hàng trăm km. Phía hạ lưu quaTP Hoà Bình đến tận huyện Kỳ Sơn. Thượng lưu từ TP Hòa Bình qua Đà Bắc lên các huyện của Sơn La.

Theo thống kê của ngành Giao thông Vận tải Hoà Bình, toàn tỉnh hiện có 256 phương tiện đường thủy đã đăng ký thủ tục hoạt động, trong đó 132 phương tiện chở khách (tất cả số phương tiện này đã được đăng kiểm). Tuy nhiên, theo thống kê của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy TP Hoà Bình, trên tuyến sông Đà hiện lưu hành khoảng 400 phương tiện có trọng lượng từ 5 tấn đến 300 tấn, đặc biệt chất lượng của nhiều phương tiện chưa được kiểm định.

Đội trưởng Đội Cảnh sát giao thông đường thủy TP Hòa Bình, Thiếu tá Vũ Hà Minh thì phương tiện thủy của các đơn vị doanh nghiệp đã có nhiều cải thiện về tính ổn định khi lưu hành; lái tàu, thuyền có giấy phép do ngành chuyên môn cấp; chất lượng phương tiện cũng như các trang thiết bị an toàn được đảm bảo về chất và lượng. Nhưng điều đáng lo ngại là các phương tiện lưu hành thuỷ của nhân dân đang sử dụng đều chưa đáp ứng các yêu cầu tối thiểu về an toàn giao thông (ATGT) như chất lượng phương tiện thấp; phao cứu hộ, phương tiện liên lạc, thiết bị định hướng... không có. Trong khi đó, ý thức chấp hành Luật ATGT đường thủy nội địa của người tham gia giao thông còn hạn chế. Nguy cơ xảy ra tai nạn là rất lớn.

Lực lượng mỏng với lượng công việc dồn vào dịp đầu năm, cuối năm nhiều nhưng cả đội luôn đặt ra nhiệm vụ quan trọng nhất là phải đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Ngay từ trước Tết, toàn đội đã triển khai mọi hoạt động kiểm tra phương tiện đăng kí hoạt động, tuyên truyền đảm bảo an toàn với phương châm phòng tốt trước khi chống. Với phương châm này mà rất nhiều năm gần đây, trên địa bàn quản lý của mình, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an Hòa Bình không để một sự việc đáng tiếc nào xảy ra.

Ngoài tuyên truyền, đảm bảo an toàn giao thông cho các phương tiện chuyên chở khách tham quan, du lịch, đội còn một nhiệm vụ tuyên truyền, đảm bảo an toàn cho học sinh các xã vùng ven lòng hồ tới trường, tới lớp được an toàn. Trên địa bàn thành phố, học sinh các xã vùng lòng hồ phương tiện đi lại chính bằng đường thuỷ như xã Vầy Nưa, Tiền Phong, Tân Dân, Thái Thịnh ở các huyện Đà Bắc, Lạc Thuỷ, Tp. Hoà Bình. Theo thống kê của ngành Giáo dục Hòa Bình, số học sinh vùng hồ đi học bằng đường thuỷ chiếm tỷ lệ lớn, xã Vầy Nưa có 1/2 số học sinh, Thái Thịnh gần như 100% số học sinh. Với đối tượng này, Cảnh sát đường thủy tuyên truyền cho phụ huynh trang bị áo phao cho con em mình tới trường. Đồng thời yêu cầu chủ thuyền không chở khách không có phao cứu sinh. Phối hợp với Uỷ ban ATGT tổ chức cấp phát áo phao cho học sinh mà điển hình là xã Thái Thịnh.

Đội Cảnh sát giao thông đường thủy TP Hòa Bình họp giao ban.

Tuy nhiên, ý thức chấp hành Luật An toàn giao thông của các chủ phương tiện còn hạn chế. Điều này buộc các chiến sĩ Cảnh sát ngoài việc kiên quyết thực thi, xử lý phương tiện vi phạm còn phải mềm dẻo trong việc xử lý các tình huống cụ thể để tránh xảy ra các vụ việc đáng tiếc. Mỗi chiến sĩ Cảnh sát đều hiểu chủ các phương tiện chở khách tham quan khu vực lòng hồ Hòa Bình hầu hết là các gia đình còn khó khăn. Vì thế, công tác xử lý tình huống đặt ra làm sao vừa phải đảm bảo được an toàn, vừa phải hợp tình và được lòng dân.

Nói về các tình huống khó khăn trong công tác nghiệp vụ, Thiếu tá Vũ Hà Minh chia sẻ về một tình huống như thế: Có năm, vào dịp Tết cổ truyền, các chiến sĩ cảnh sát giao thông đường thủy TP Hòa Bình phát hiện một phương tiện chở khách quá số người quy định (lượng khách tính được trên thuyền là 50 người so với 25 người như khả năng cho phép). Với một thuyền nhỏ chở gấp đôi số người cho phép như vậy thì khả năng mất an toàn với nguy cơ thiệt hại tính mạng và tài sản lớn. Phát hiện phương tiện vi phạm này, anh em Cảnh sát đã yêu cầu dừng phương tiện, đồng thời điều động thuyền khác tới chuyên chở hòng giảm tải, nhằm đảm bảo an toàn cho hành khách. Tuy nhiên, chủ thuyền vì ham lợi, hành khách vì tâm lý đi lễ đầu năm sợ gặp xui, mất may mà kết hợp với nhau, chống đối lại, không chịu sang thuyền tri viện. Tình thế buộc người chiến sĩ  cảnh sát phải đặt nhiệm vụ đảm bảo an toàn cho hành khách trên thuyền lên cao nhất. Nóng vội, cứng nhắc sẽ dễ dẫn tới hậu quả khôn lường. Trước sự chống trả ngang bướng của chủ thuyền và hành khách, các chiến sĩ trong ca trực đã hết sức mềm mỏng, giải thích về sự mất an toàn cao khi chiếc thuyền không chịu nổi trọng tải, trong khi mực nước ở hồ lại sâu, chỗ nông nhất cũng tới 80m. Mềm mỏng mà kiên quyết, cuối cùng cũng thuyết phục được người dân chuyển bớt sang thuyền tăng cường được an toàn. Chủ phương tiện sau đó không chỉ vui vẻ thừa nhận hành vi sai trái của mình mà còn tới trạm cảm ơn và xin lỗi về hành vi chống đối của mình trước đó.

Gắn bó với công việc, các chiến sĩ Cảnh sát đồng thời gắn bó với người dân nơi đây bằng tình cảm bền chặt, sâu đậm.

Nghĩa tình ngoài nhiệm vụ

Đi dân nhớ, ở dân thương chính là ấn tượng sâu sắc mà các chiến sĩ thuộc Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy TP Hòa Bình để lại trong chúng tôi. Quản lý địa bàn một vùng sông nước với các xã ven hồ chủ yếu là bà con dân tộc thiểu số với giao thông đi lại khó khăn thì những Cảnh sát đường thủy thực sự trở thành một địa chỉ tin cậy để người dân nơi đây tìm tới khi gặp khó khăn, hoạn nạn. Họ - những chiến sĩ Cảnh sát trò chuyện sôi nổi hơn khi nói về công việc ngoài nhiệm vụ này. Anh Bùi Thái Sơn rất vui khi kể cho chúng tôi nghe câu chuyện anh đã giúp được một người tự tử kịp đứng lại bên này ranh giới giữa sự sống và cái chết chỉ vì một chốc nông nổi.

Lần đó, anh và hai chiến sĩ đang trực tại cảng Bích Hạ thì nhận được điện thoại gọi tới của một người đàn ông thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trong điện thoại, người đàn ông cầu cứu các chiến sĩ Cảnh sát cứu mạng của vợ mình. Số là hai vợ chồng xảy ra mâu thuẫn. Trong lúc cạn nghĩ, người vợ đã uống thuốc độc tự tử. Đường vào xã Vầy Nưa tính từ cảng Bích Hạ đi bằng đường sông gần 30km, chạy bằng xuồng máy cao tốc cũng tới ba mươi phút. Trước sự sống còn của người dân, đang nửa đêm, anh Bùi Thái Sơn ngay lập tức chạy một mình một xuồng máy tới xã Vầy Nưa. Tới được xã Vầy Nưa rồi nhưng người phụ nữ đó không chịu đi cấp cứu, càng không chịu để chồng bế mình. Tình thế buộc anh Sơn phải nhờ một phụ nữ hàng xóm đi cùng giữ, canh cho người phụ nữ đã uống thuốc độc kia không lao mình xuống dòng nước. Vừa chạy xuồng, anh vừa lo người phụ nữ đi cùng không đủ sức giữ nổi nạn nhân, ngộ nhỡ chị ta quẫn trí mà lao mình xuống hồ thì thiệt mạng. Anh Sơn kể, nghĩ vậy nên cực chẳng đã, vừa lái xuồng, anh vừa cuốn tóc của chị ta ở tay, chạy thật nhanh tới cảng Bích Hạ nhằm tới Bệnh viện Đa khoa của tỉnh cho kịp. Rất may là lần đó, người phụ nữ nhờ kịp thời được rửa ruột mà đã cứu được. Qua lần sóng gió đó, vợ chồng họ hiện đang sống hòa thuận, hạnh phúc. Ân tình đó khiến anh Sơn và đồng đội thêm gắn bó với dân, với mảnh đất vùng sông nước nhiều khó khăn, vất vả này.

Anh em trong đội cùng nhau kể chuyện dân thấy có đánh nhau, xô xát, không gọi Công an xã mà gọi tới đội, anh em cũng sẵn sàng đi. Giải quyết trước, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ sau. Rồi đến cả chuyện người dân tới lúc vượt cạn, ở tận xã Tân Dân thuộc huyện Mai Châu gọi tới nhờ giúp đỡ, anh em cũng không nề hà, đi luônv.v...

Ngày cuối năm bận rộn nhưng nghĩa tình gắn bó khiến nụ cười trên môi họ tỏa rạng ngời, lan sang cả người nghe là chúng tôi. Quân với dân như cá với nước, những công việc ngoài nhiệm vụ của người Cảnh sát giao thông đường thủy Công an tỉnh Hòa Bình mang tới cho chúng tôi nhiều hơn một niềm vui!

Vũ Nguyên
.
.
.