Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp:

Câu chuyện về những người giữ lửa đêm đông

Thứ Tư, 03/02/2016, 11:09
"Đối với các cán bộ, chiến sỹ công tác tại các Trại giam, do đặc thù công tác, hiếm có Tết nào họ được hưởng trọn vẹn niềm vui đoàn tụ với gia đình. Có những đồng chí, số năm trực Tết ở đơn vị gần tương đương với số năm công tác. Càng những của ngày Tết, công việc của "lính" trại giam lại nhiều hơn, vất vả hơn. Họ đã và sẽ còn chịu thiệt thòi so với đồng nghiệp nghiệp - Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp (THAHS và HTTP) đã trải lòng với chúng tôi như vậy trong một buổi chiều cuối năm.

Giọng Trung tướng trầm xuống, ông thương lắm những người lính của mình, nhưng đối với người chiến sỹ Công an nói chung, chiến sỹ Cảnh sát trại giam nói riêng, kể khi bắt đầu vào ngành, họ đã xác định cho mình những khó khăn trong công việc rất đặc thù này. Họ phải vượt qua khó khăn, để cải tạo cái ác, đem lại cho xã hội những con người lành lặn hơn về tâm hồn, cho một xã hội bình yên hơn.

Chúng tôi gọi họ là những người giữ lửa đêm đông, bởi dù trong vất vả, gian nan, họ vẫn thắp lên những ngọn lửa để đưa người lầm lỗi tìm về nẻo thiện…

Phóng viên: Thưa Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, công việc của lính trại giam rất đặc thù và cũng rất khó để mọi người trong xã hội hiểu hết được. Vì vậy, Trung tướng có thể chia sẻ cho bạn đọc Cảnh sát toàn cầu được biết về một số công việc của lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP, cũng như những thành tích mà Tổng cục đạt được trong năm qua?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Năm 2015, Tổng cục Cảnh sát THAHS và HTTP đã tham mưu giúp Bộ Công an đề xuất với Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ nhiều chủ trương, chính sách, pháp luật về công tác THAHS, thi hành tạm giữ, tạm giam, hỗ trợ tư pháp. Đã phối hợp với các đơn vị liên quan xây dựng và được Quốc hội thông qua Luật Thi hành tạm giữ, tạm giam; bổ sung sửa đổi Bộ luật Hình sự và Bộ luật Tố tụng hình sự, trong đó, bổ sung điều quy định "Tội vi phạm quy định về giam giữ" (điều 388); điều quy định "Tha tù trước thời hạn có điều kiện" (điều 66), tạo hành lang pháp lí, chế tài đủ sức răn đe các đối tượng thường xuyên vi phạm nội quy nơi giam giữ, sử dụng trái phép thiết bị thong tin trong các cơ sở giam giữ.

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng, Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát thi hành án hình sự và hỗ trợ tư pháp.

Đã tập trung chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai thực hiện quyết liệt Chỉ thị số 17 của Bộ trưởng Bộ Công an về "Tăng cường công tác quản lý giam, giữ người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân trong tình hình mới", tạo chuyển biến rõ nét trong công tác đảm bảo an ninh, an toàn cơ sở giam giữ. Đẩy mạnh cải cách chương trình giáo dục, cải tạo và thực hiện nghiêm túc các chế độ, chính sách, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp đối với người bị tạm giữ, tạm giam và phạm nhân. Chú trọng triển khai chương trình giáo dục pháp luật, giáo dục công dân, dạy văn hóa, dạy nghề. Tổ chức thực hiện có hiệu quả chủ trương xã hội hóa công tác giáo dục, cải tạo phạm nhân, huy động được sự tham gia của các cấp, các ngành, các tổ chức, đoàn thể xã hội, vì vậy, số phạm nhân cải tạo khá, tốt tăng 3,87%, số phạm nhân cải tạo kém giảm 1,56% so với năm 2014.

Phối hợp với các cơ quan liên quan của Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn Công an, Tòa án, Viện Kiểm sát các tỉnh, thành phố giải quyết tình trạng tồn đọng về chấp hành án tại xã, phường, thị trấn từ ngày Luật THAHS có hiệu lực. Tham mưu phục vụ lãnh đạo Bộ Công an tổ chức Hội nghị Tổng kết 10 năm công tác quản lý kho vật chứng và đề ra giải pháp tháo gỡ khó khăn, vướng mắc trong công tác này, phục vụ tốt công tác điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án.

Đã chỉ đạo Công an các địa phương làm tốt công tác quản lý người chấp hành án phạt ngoài hình phạt tù, người được hoãn, tạm đình chỉ, người chấp hành xong án phạt tù về cư trú tại địa phương; chủ động tham mưu cho chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị, xã hội làm tốt công tác tái hòa nhập cộng đồng

Đặc biệt, trong năm qua, chúng tôi đã làm tốt công tác chuẩn bị và tổ chức đặc xá. Đây là đợt đặc xá lớn nhất từ trước đến nay, có 18.296 phạm nhân được Chủ tịch nước quyết định đặc xá tha tù trước thời hạn.

Phóng viên: Đồng chí vừa nói đến công tác đặc xá trong năm 2015.  Qua theo dõi, chúng tôi thấy được rằng, nhiệm vụ của lực lượng Cảnh sát HTTP và THAHS không gói tròn trong khuôn khổ trại giam. Họ còn lo cho người được đặc xá trở về tái hòa nhập cộng đồng và hướng tới cuộc sống có ích hơn. Xin đồng chí Tổng cục trưởng nói sâu về công việc có ý nghĩa nhân văn này?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Ngay giai đoạn chuẩn bị đặc xá, lãnh đạo Tổng cục đã chỉ đạo các trại giam mở lớp học tiền hòa nhập cộng đồng cho các phạm nhân thuộc các đối tượng được đặc xá lần này và những đối tượng chuẩn bị mãn hạn tù. Việc mở các lớp học này, nhằm trang bị, cập nhật cho phạm nhân những điều cơ bản về quyền và nghĩa vụ sau khi chấp hành xong hình phạt tù; những nội dung cơ bản của các Luật, Bộ luật như Luật Cư trú, Luật Giao thông đường bộ, Luật Phòng chống ma túy; Bộ luật Hình sự, Bộ luật Dân sự… 

Bên cạnh đó, các phạm nhân còn được giáo dục về đạo đức, kỹ năng sống, giới thiệu chương trình quốc gia về phòng chống tội phạm... Từ đó, giúp các phạm nhân nắm kịp thời những chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng, Nhà nước, đồng thời nhận thức rõ quyền và nghĩa vụ của mình khi tái hòa nhập cộng đồng. Chúng tôi cũng phối hợp với Công an các địa phương làm lại giấy tờ tuỳ thân để các phạm nhân ngay sau khi trở về cộng đồng có đầy đủ điều kiện để nhanh chóng ổn định cuộc sống, phòng ngừa tái phạm.

Khi tổ chức tha người được đặc xá theo Quyết định đặc xá của Chủ tịch nước thì ngoài tiền ăn, tiền tàu xe, trại giam phải cấp cho người được đặc xá tiền hỗ trợ được trích từ Quỹ Hòa nhập cộng đồng được lập ở các trại giam theo quy định của Luật Thi hành án hình sự và Thông tư liên tịch số 12/2013/TTlT-BCA-BQP-BTC ngày 2/12/2013 của Bộ Công an, Bộ Quốc phòng, Bộ Tài chính hướng dẫn về chế độ lao động và sử dụng kết quả lao động, học nghề của phạm nhân trong trại giam, giúp cho người được đặc xá phần nào giảm bớt những khó khăn khi mới trở về hòa nhập với cộng đồng. Việc tính toán, cấp tiền hỗ trợ cho người được đặc xá đảm bảo công khai, đúng quy định.

Đồng thời, Tổng cục đã tham mưu lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo Công an các địa phương chủ động, tích cực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền và phối hợp với các ban, ngành, đoàn thể địa phương đẩy mạnh công tác tuyên truyền và đề ra các biện pháp, hình thức vận động các doanh nghiệp, tổ chức kinh tế xã hội, cộng đồng dân cư tham gia vào công tác tái hòa nhập cộng đồng. Đến nay, đã có nhiều mô hình tái hòa nhập cộng đồng có hiệu quả tại các địa phương như: Hòa Bình, Hà Nội, Thanh Hóa, Trà Vinh…góp phần giúp đỡ, tạo công ăn việc làm, hỗ trợ, cho vay vốn giúp người chấp hành xong hình phạt tù phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống.

Niềm vui của các phạm nhân được đặc xá trong năm 2015.

Phóng viên: Có thể nói, trại giam như một xã hội thu nhỏ với những "cư dân đặc biệt", vì vậy, để giữ gìn môi trường này yên bình, hoạt động theo đúng quy định không hề đơn giản. Đồng chí Tổng cục trưởng có thể nói đôi nét về công tác đảm bảo an ninh, an toàn  trong trại giam?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: An ninh, an toàn trại giam là mục tiêu quan trọng bởi lẽ đơn giản trại giam là "kho" quản lí tội phạm, trong số đó, một phần không nhỏ là những đối tượng nhiều tiền án, tiền sự, lưu manh chuyên nghiệp, chống đối quyết liệt. Các đối tượng này luôn tìm mọi sơ hở để thực hiện các hành vi chống đối như trốn trại, bắt cóc cán bộ làm con tin, kích động các phạm nhân khác chống đối…

Chính vì thế, lãnh đạo Tổng cục đã và luôn chỉ đạo tập trung thực hiện đồng bộ các biện pháp công tác, tổ chức quản lý, giam giữ nghiêm ngặt, chặt chẽ các loại đối tượng, đảm bảo tuyệt đối an toàn trại giam, trại tạm giam, nhà tạm giữ, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. Chủ động nắm chắc tình hình, kịp thời phát hiện, xử lý và phối hợp xử lý có hiệu quả các tình huống đột xuất, bất ngờ có thể xảy ra. Thực hiện nghiêm túc công tác vũ trang, bảo vệ, tuần tra canh gác, dẫn giải; thường xuyên tổ chức thực tập, diễn tập các phương án bảo vệ. Tăng cường công tác nghiệp vụ cơ bản, quản  lý chặt chẽ việc thăm gặp phạm nhân, trại viên; phát hiện thu giữ các đồ vật cấm (ma túy, điện thoại di động…) các đối tượng lén lút đưa vào sử dụng trái phép. Tăng cường công tác quản lý, sử dụng vũ khí, công cụ hỗ trợ, không để mất mát, hư hỏng hoặc CBCS sử dụng sai mục đích.

Bên cạnh đó, làm tốt công tác giáo dục phạm nhân, để họ nắm được các nội quy, quy định của pháp luật và của trại giam. Tổng cục Cảnh sát THAHS và HTTP đã ban hành quy định về văn hoá ứng xử giữa CBCS với phạm nhân và thân nhân phạm nhân. Dù còn nhiều khó khăn, vất vả, song CBCS các trại giam luôn lấy nhân văn, nhân nghĩa lên trên hết, dùng tình người để giáo dục các  phạm nhân để từ đó giúp họ hiểu và tuân thủ các quy định trong trại giam và pháp luật và nội quy trại giam, cải tạo tốt để sớm trở về với cuộc sống lương thiện.

Trong các trại giam cũng thường xuyên tổ chức các hoạt động sinh hoạt tập thể như văn nghệ, thể dục thể thao để phạm nhân có tư tưởng thoải mái, yên tâm cải tạo, không vi phạm các quy định của Trại giam.

Lực lượng công an làm thủ tục trao quyết định đặc xá cho phạm nhân.

Đồng thời, phối hợp với chính quyền và Công an các địa phương làm trong sạch "vùng đệm" (khu vực dân cư xung quanh trại giam), tránh các vi phạm pháp luật từ bên ngoài xâm nhập vào. Phối hợp với ngành Bưu điện ra quy định gửi quà vào cho phạm nhân trong Trại giam phải có địa chỉ cụ thể của người gửi…

Đối với các phạm nhân không yên tâm cải tạo, thường xuyên chống đối thì ngoài việc giáo dục chung, các cán bộ quản giáo phải nghiên cứu kỹ hồ sơ, tìm hiểu hoàn cảnh để hiểu vì sao phạm nhân đó có thái độ như vậy, từ đó, gặp gỡ, có biện pháp giáo dục riêng phù hợp.

Phóng viên: Thực tế trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc liên quan đến ANTT như đưa ma túy vào trại giam, đánh nhau giữa các phạm nhân dẫn đến hậu quả nghiêm trọng, gây rối tập thể…. Chúng ta đã xử lý những trường hợp này như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Đối với tất cả các vụ việc liên quan đến ANTT trong trại giam, khi phát hiện, lãnh đạo Tổng cục đều chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ của Tổng cục phối hợp với các Trại giam tiến hành xác minh, điều tra và xử lý triệt để. Đối với những vụ việc chưa đến mức xử lý hình sự, chúng tôi đã tiến hành giáo dục, xử phạt nghiêm khắc đúng với quy định của pháp luật đối với các đối tượng vi phạm. Còn đối với các vụ việc có tính chất phức tạp, có dấu hiệu phạm tội, chúng tôi đã phối hợp với Công an địa phương tiến hành điều tra, xử lý theo quy định.

Năm 2015, theo thống kê, chỉ xảy ra 1 vụ phạm nhân gây rối tập thể, giảm 3 vụ so với năm 2014. Số vụ phạm nhân trốn cũng giảm 41,75% so với năm 2014.

Phóng viên: Do đặc thù công việc, trại giam thường ở những vị trí khá xa khu dân cư, thậm chí ở cả những nơi "thâm sơn cùng cốc", cán bộ chiến sỹ nơi đây gặp rất nhiều khó khăn trong công việc và cuộc sống gia đình. Để cán bộ chiến sỹ vững tâm công tác, lãnh đạo Tổng cục đã có những biện pháp như thế nào, thưa đồng chí?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Đúng như phóng viên nhận xét, các trại giam hầu hết đóng quân ở những nơi xa dân cư, đường xá đi lại khó khăn, khí hậu khắc nghiệt, điều kiện kinh tế, xã hội vô cùng khó khăn, thậm chí có những nơi, đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có trường học. Điển hình như trại giam Đắc Tân, thuộc tỉnh Đắk Lắk. Khu vực đơn vị đóng quân chưa có trường học (từ cấp 1 trở lên). Trại đã cố gắng xây dựng nhà trẻ, trường mẫu giáo để trông giữ các cháu, nhưng từ cấp 1 trở lên, các cán bộ phải gửi con về quê để nhờ ông bà cho các cháu đi học. 

Ở nhiều Trại, dù địa phương có trường học nhưng do điều kiện công tác của bố mẹ vất vả (nhiều bộ phận cán bộ phải đến đơn vị nhận việc lúc 6h sáng, đến 5h30 chiều mới xong) nên không có thời gian đưa con đi học, chăm sóc, cũng phải gửi về quê. Bên cạnh đó, do địa bàn đóng quân xa trung tâm thị xã, thành phố nên hầu như cán bộ công tác ở các trại giam rất ít được hưởng các phúc lợi xã hội. Đây cũng là một trong những thiệt thòi cho họ. Từng có người nói vui "phạm nhân đi tù còn có thời hạn, cán bộ đi tù cả đời" cũng phần nào nói lên được khó khăn, gian khổ, thiệt thòi của các cán bộ công tác ở các Trại giam.

Để phần nào giải quyết khó khăn, tạo điều kiện để CBCS yên tâm công tác, chúng tôi đã cố gắng chăm lo cơ sở vật chất, tinh thần, thường xuyên giáo dục chính trị tư tưởng, đồng thời tạo điều kiện tốt nhất có thể để phần nào giúp đỡ anh, chị em bớt khó khăn. Cụ thể, đến thời điểm hiện tại, chúng tôi đã giải quyết cơ bản nơi ở cho các cặp vợ chồng CBCS ở các trại giam, giúp họ không phải thuê nhà, vừa tiết kiệm chi phí, vừa thuận lợi trong công tác và chăm sóc gia đình, con cái.

Ngoài ra, chúng tôi thường xuyên động viên, thăm hỏi, giúp đỡ gia đình các cán bộ có hoàn cảnh khó khăn, ốm đau, bệnh tật…

Phóng viên: Tết đến, xuân về, do đặc thù công việc nên "lính" trại giam lại vất vả hơn, số lượng cán bộ trực Tết bao giờ cũng nhiều so với một số lực lượng khác. Tôi nhớ, một cán bộ quản giáo đã kể rằng, cứ Tết đến, anh lại rất chạnh lòng khi xem quảng cáo trên tivi, gặp cảnh vợ chồng bà cụ già nhìn nhau: "Tết này, cái gì cũng có, chỉ thiếu chúng nó". Bởi vì cảnh này ứng với rất nhiều hoàn cảnh của các cán bộ chiến sỹ công tác tại trại giam. Nhân dịp Tết Bính Thân này, đồng chí Tổng cục trưởng có thể nhắn nhủ, chia sẻ với những người lính của mình?

Trung tướng Nguyễn Ngọc Bằng: Trước hết, tôi xin gửi lời cảm ơn sâu sắc tới những người lính của tôi - những người đang hàng ngày, hàng giờ đảm nhiệm công việc "cải ác, tạo thiện" ở các trại giam, trại tạm giam, cơ sở giáo dục bắt buộc, trường giáo dưỡng. vì nhiệm vụ, họ đã phải hi sinh niềm vui riêng, phải xa gia đình trong những giờ khắc thiêng liêng của năm mới và các dịp lễ, tết khác.

Tôi cũng xin cảm ơn  người thân, bố mẹ, vợ chồng, con cái của họ - những người luôn chịu thiệt thòi khi không có con, chồng, bố, mẹ mình bên cạnh trong những giờ khắc thiêng liêng. Có thể nói là nếu không có một hậu phương vững chắc thì chúng tôi không bao giờ hoàn thành được nhiệm vụ. Càng vào những dịp lễ, Tết, thì lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP càng vất vả hơn. Bởi công việc vẫn nhiều hơn thế, thậm chí khó khăn hơn khi vào những thời khắc giao năm, tâm lý của các can, phạm nhân càng có nhiều xáo trộn, họ rất dễ bị kích động và có những hành vi vi phạm quy định. 

Trong khi đó, chúng tôi vẫn phải bố trí một lượng ít cán bộ chiến sỹ về nghỉ Tết, số còn lại vì thế càng phải nỗ lực, vất vả hơn, nhất là các đồng chí trong Ban Giám thị, Trưởng các phân trại thì hầu như rất ít được nghỉ Tết. Họ đã hy sinh hạnh phúc riêng tư, hy sinh niềm vui sum họp bên gia đình trong thời khắc năm mới để hoàn thành nhiệm vụ. Chúng tôi rất cần sự sẻ chia, thông cảm của các bác, các anh, các chị thân nhân CBCS lực lượng Cảnh sát THAHS và HTTP để chúng tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Phóng viên: Xin cảm ơn đồng chí!

Thu Hoà - Phương Thuỷ (thực hiện)
.
.
.