Chang Apana: Nguyên mẫu huyền thoại Charlie Chan

Thứ Ba, 03/09/2019, 09:39
Chang Apana luôn mang theo một cây roi da thay vì súng để trấn áp bọn tội phạm tại thành phố cảng Honolulu. Nhà văn lừng danh Earl Derr Biggers thừa nhận Chang Apana là nguồn cảm hứng để ông viết nhân vật Charlie Chan, một thám tử châu Á hư cấu được rất nhiều đọc giả trên thế giới yêu mến.


Trưởng thành từ nghề… chăn bò

Chang Apana có tên khai sinh là Chang Ah Ping, sinh ra ởWaipio, Oahu, Hawaii. Theo nhiều nguồn tài liệu khác nhau, năm sinh của Chang là 1864 hoặc 1871. Mẹ của Chang cũng được sinh ở Hawaii, nhưng cha ông là một công nhân đến từ Trung Quốc. Cha của Chang đã ký hợp đồng 5 năm để làm việc cho các đồn điền mía tại Hawaii. 

Khi Chang 3 tuổi, cũng là lúc hợp đồng của cha ông hết hạn, gia đình đành chuyển về quê nội ở vùng ngoại ô của tỉnh Quảng Châu, Trung Quốc để mưu sinh. Tuy nhiên, khu vực này đang gánh chịu hậu quả nặng nề của chiến tranh. 

Các cuộc nổi dậy ở Taiping, Punti và Hakka nổ ra dẫn đến một loạt các cuộc chiến tranh gia tộc từ năm 1855 đến 1867, nạn đói xảy ra khắp nơi, trong đó có 1 triệu người chết. Năm 10 tuổi, Chang trở về Hawaii để sống với một người chú và không bao giờ có dịp quay lại Trung Quốc nữa.

Năm 1891, Chang được gia đình Samuel Gardner Wilder, một doanh nhân và là chính trị gia người Mỹ, thuê làm một paniolo (cao bồi Hawaii). Những năm tháng làm người chăn bò đã rèn luyện cho Chang những kỹ năng siêu phàm về cưỡi ngựa, sử dụng vũ khí, đặt biệt là sử dụng cây roi da, một vũ khí ông sử dụng thay súng trong suốt sự nghiệp làm cảnh sát của mình. 

Năm 1897, Hiệp hội Nhân đạo Hawaii được thành lập dưới sự bảo trợ của cô con gái út của nhà Wilder, Helen Kinau Wilder. Chang Apana được thuê làm điều tra viên đầu tiên, để ngăn chặn việc bạo hành động vật chủ yếu ở khu phố Tàu của thành phố cảng Honolulu.

Chang được người Hawaii bản địa gọi là "Kanaka Pung" vì với mái tóc cắt ngắn rất khác với mái tóc dài của người Trung Quốc vào thời đó. Đã vậy, Chang thường xuyên đội mũ cao bồi, càng làm cho ông trông giống người Hawaii hơn là người Trung Quốc. 

Chang hòa nhập dễ dàng với người Hawaii bản địa vì ông thông thạo tiếng Hawaii, tiếng Anh Pidgin của Hawaii và tiếng Quảng Đông. Đây là những ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi trên khắp Hawaii. Đặc biệt, Chang chưa bao giờ đi học, ông biết đọc và viết chủ yếu là do gia đình dạy.

Roi da bắt tội phạm

Năm 1898, Hawaii được sáp nhập vào Mỹ và Chang Apana trở thành sĩ quan cảnh sát người Hoa đầu tiên trong Sở Cảnh sát Honolulu, nơi toàn là người da trắng hoặc người Hawaii bản địa. Khác xa với hình ảnh một địa điểm du lịch lý tưởng như ngày nay, trước đây Hawaii là một điểm trung chuyển thương mại của Thái Bình Dương, một bến cảng để tàu bè tiếp nhiên liệu. 

Honolulu là một thành phố cảng nơi đủ các hạng người khắp thế giới tập trung về đây, tội phạm, bài bạc, trộm cướp, bợm nhậu và cả các nhà thám hiểm đều tìm đến bến cảng này. Làm cảnh sát tại một thành phố như thế này chắc chắn không phải là một công việc dễ dàng. Và một người đàn ông Trung Quốc gầy gò, khắc khổ, thấp bé dường như càng không phù hợp để làm một người thực thi pháp luật nơi đây.

Chàng cảnh sát gốc Hoa trẻ tuổi Chang Apana được giao nhiệm vụ tuần tra khu phố Tàu. Trong những năm đầu, Chang phụ trách theo dõi các vụ buôn lậu thuốc phiện và đánh bạc trái phép. Để hoàn thành nhiệm vụ được giao, Chang thường xuyên trèo lên tầng hai và ba của các tòa nhà bằng tay. Ông nhảy từ mái nhà này sang mái nhà khác rồi đi vào các tòa nhà từ cửa sổ tầng trên. Để xuất hiện bất ngờ bắt những tên đánh bạc hoặc mua bán thuốc phiện.

Trong sự nghiệp 34 năm làm cảnh sát của mình, Chang rất nhiều lần bị tấn công và đều may mắn sống sót. Chang đã bị bọn tội phạm đâm 6 lần, bị bắn một lần, bị ném ra khỏi cửa sổ tầng hai, bị xe ngựa chạy qua người, bị tấn công bằng rựa và bị đánh bằng rìu. 

Có một lần, trong khi bắt giữ một nghi phạm nguy hiểm người Philippines, Chang đã bị hắn ta dùng dao đâm vào bụng. Nhanh như chớp, Chang tước con dao trên tay tên này và khống chế hắn đưa về đồn cảnh sát.  Một lần khác, trong khi Chang tập trung những người bị bệnh phong để gửi họ đến một trại phong trên đảo Molokai, ông đã bị một người tấn công bằng liềm, để lại vết sẹo trên mắt phải.

Có lần, khi tuần tra bến tàu vào lúc bình minh, Chang ngụy trang thành một thương nhân nghèo, đội mũ rơm và quần áo nhếch nhác. Ông gánh 2 giỏ dừa trên vai, vừa đi vừa rao bán. Những tên buôn lậu trên tàu không để ý đến ông. Bất ngờ, Chang ra hiệu cho cảnh sát đột kích bất ngờ bắt giữ một tàu chở hàng lậu. Trong lúc hoảng loạn, một con ngựa và một xe ngựa cán qua người làm ông gãy chân. 

Một vụ bắt bọn tội phạm kinh điển nhất trong lịch sử cảnh sát thế giới đã đưa tên tuổi của Chang Apana trở thành huyền thoại bất tử. Đó là một đêm ở Honolulu, trên tay Chang chỉ có một cây roi da nhưng ông đã khống chế được 40 con bạc sau đó áp giải về đồn. Dân chúng thấy cảnh tượng này đều sửng sốt lẫn hào hứng.

Cảm hứng cho nhân vật Charlie Chan

Sau một vụ tai nạn xe hơi, Chang nghỉ hưu vào tháng 5-1932, với 34 năm phục vụ trong lực lượng Cảnh sát Honolulu. Ông được xem là cảnh sát phục vụ lâu nhất của Sở Cảnh sát Honolulu lúc bấy giờ. 

Tác phẩm về nhân vật Charlie Chan của nhà văn Earl Derr Biggers.
Chang Apana (trái) và diễn viên đóng vai Charlie Chan trong phim điện ảnh. 

Ngày 2-12-1933, Chang được đưa vào bệnh viện sau một thời gian dài bị bệnh. Các bác sĩ đã cố gắng chữa trị nhưng một chân của ông bị cắt cụt vì hoại tử. Nhiều bạn bè, đồng đội đã tình nguyện hiến máu cho ông nhưng Chang đã qua đời sau đó một tuần. 

Tang lễ của ChangApana được mô tả là một trong những đám tang lớn nhất trong lịch sử của Honolulu. Ông được chôn cất tại nghĩa trang người Hoa Manoa ở Honolulu. Bảo tàng của Sở Cảnh sát Honolulu có một khu vực dành riêng để tưởng niệm Chang Apana với những kỷ vật và câu chuyện nổi tiếng về ông. Một dòng chữ ghi trên tường tưởng niệm: "Đây chính là Charlie Chan”.

Năm 1919, nhà văn Earl Derr Biggers đi nghỉ ở Hawaii, để tìm cảm hứng viết tiểu thuyết “Ngôi nhà không có chìa khóa”. Trong khi đọc các tờ báo ở Honolulu, nhà văn đã có được những câu chuyện về cảnh sát Apana Chang. Rất hứng thú với những câu chuyện này, nhà văn Biggers đã sáng tác một nhân vật dựa trên cuộc đời của cảnh sát Chang cho cuốn tiểu thuyết của ông. 

Vậy là nhân vật do thám gốc châu Á lừng danh Charlie Chan ra đời. Rất nhiều đọc giả trên thế giới yêu mến nhân vật thám tử hư cấu Charlie Chan. Cuốn tiểu thuyết này cũng là bệ phóng đưa tên tuổi của nhà văn Derr Biggers trở nên bất tử.

Hoa Nam (Tổng hợp)
.
.
.