Những trăn trở của người nữ đội trưởng

Thứ Hai, 20/11/2017, 09:30
Với những thành tích đã đạt được, 5 năm liên tiếp Trung tá Trần Thị Mừng được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai.


Nhiều lần, tôi đặt bút viết về chị nhưng rồi lần lữa mãi vẫn chưa thực hiện được... Phần vì lúc đó công việc của người nữ đội trưởng ấy phải đối mặt với quá nhiều hiểm nguy, nếu kể lại một cách tường tận, chi tiết thì không chỉ ảnh hưởng đến sự an nguy của chị mà còn của những người đồng chí, đồng đội và những người thân trong gia đình, phần khác cũng bởi những chuyến công tác triền miên theo các chuyên án. 

Gần đây, khi chị lui về làm công tác tham mưu tổng hợp và vừa được tuyên dương là một trong 20 gương mặt phụ nữ Công an tiêu biểu năm 2016, tôi mới mạnh dạn viết về chị.

1. “Thấm thoát vậy mà đã 20 năm...”, ngồi bên tôi trong một buổi chiều Lào Cai bảng lảng, vào một ngày hiếm hoi người nữ đội trưởng ấy có chút thời gian thư thái, chị nói với tôi nhưng cũng như tự nhủ với mình. Mới ngày nào cô gái Thái Bình cùng người chị song sinh chân ướt, chân ráo nhận quyết định lên Công an tỉnh Lào Cai công tác mà giờ mái tóc chị đã điểm những sợi bạc. 

Ẩn giấu phía sau vẻ bề ngoài mạnh mẽ, rắn rỏi của người phụ nữ ấy là một trái tim đa sầu, đa cảm, chứa đầy tình người. Tôi đã không ít lần chứng kiến chị tự tay pha mỳ tôm, động viên một đối tượng bị bắt giữ, sau gần một ngày bỏ ăn, dùng tiền cá nhân mua cho các bị can nữ vài chiếc áo, dăm ba thứ đồ dùng thiết yếu, len lén lau nước mắt khi đắp chiếc áo bông cho một đứa trẻ bất đắc dĩ  phải có mặt tại cơ quan Công an, vì mẹ chúng bị bắt giữ về hành vi mua bán trái phép chất ma túy. 

Cũng không ít lần, người phụ nữ “thép” ấy rơi lệ khi chứng kiến những đứa trẻ không có một manh áo lành, đói khổ, sống dựa vào tình yêu thương của ông bà, khi bố và mẹ chúng lần lượt bị bắt giữ khi tham gia mua bán “cái chết trắng”. Đó là những lần chị cùng cán bộ Hội Phụ nữ Công an tỉnh Lào Cai đến các bản vùng sâu, vùng xa, tuyên truyền về công tác phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm về ma túy.

Ai đã từng đặt chân đến biên giới Mường Khương hay huyện vùng cao Bát Xát... Tận mắt chứng kiến những cung đường như sợi chỉ nằm vắt ngang lưng núi,  mới thấy những khó khăn của lực lượng chống tội phạm về ma túy của Công an tỉnh Lào Cai nói chung, của Trung tá Trần Thị Mừng, Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp, Công an tỉnh Lào Cai nói riêng. 

Ở nơi đây, sự nhẹ dạ, cả tin cùng cái đói, cái nghèo và hơn cả là lợi nhuận đã khiến không ít phụ nữ vùng cao, liều lĩnh tham gia với các đường dây ma túy, với vai trò là người vận chuyển thuê. Những người phụ nữ nói tiếng Kinh còn chữa thạo..., nhận thức pháp luật còn giản đơn, khi bị bắt giữ đều khai rằng đi xách ma túy để lấy tiền nuôi con. 

Số phận éo le của những người đàn bà lầm lỗi và những đứa trẻ non nớt khiến người nữ đội trưởng và đồng đội của chị không khỏi day dứt, với câu hỏi phải làm gì để ngăn chặn dòng chảy của cái chết trắng.

Chị kể cho chúng tôi vụ án xảy ra vào những ngày tháng 6-2017, liên quan đến hai chị em ruột trong cùng một gia đình. Bố mẹ mất sớm, hai chị em ruột Giàng Thị Dớ (SN 1987, trú tại xã Vân Hồ, huyện Vân Hồ) và Giàng Thị Pàng (SN 1994, trú tại xã Đông Sang, huyện Mộc Châu, tỉnh Sơn La) đùm bọc lấy nhau... 

Không được ăn học đến nơi đến chốn, họ cũng như bao cô gái vùng cao khác, sau khi lấy chồng, sinh con cũng chỉ quẩn quanh ở trong bản, kinh tế bấp bênh, cái đói, cái nghèo thường xuyên đeo bám. Chồng bị bắt rồi bị tuyên phạt 20 năm tù về tội mua bán chất ma túy, một nách nuôi 4 con nhỏ, Dớ cực chẳng đã lại đi vào vết xe đổ của chồng và một số anh em họ trong gia đình bên chồng. 

Vì thiếu hiểu biết, Dớ còn lôi kéo cô em gái tên Pàng vào đường dây mua bán ma túy. Bị bắt giữ cùng tang vật là 14 bánh heroin, Dớ suy sụp. Suốt mấy ngày liền, chị ta chẳng  thiết gì ăn uống, cứ ôm con thơ mà khóc ròng... 

“Đối tượng có tội thì họ phải chịu, giúp đỡ được điều gì thì cố gắng thực hiện cho họ” đó là những điều chị và những cán bộ nữ trong đơn vị luôn tâm niệm và thực hiện. Tình cảm cùng sự chân thành của chị và các cán bộ Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai đã lay động, cảm hóa được hai đối tượng phạm tội.

2. Tình cảm của tôi và người nữ đội trưởng ấy, không chỉ dừng lại ở quan hệ đồng nghiệp mà còn gắn bó như hai chị em. Những chuyến công tác đột xuất lên Lào Cai, không ít lần tôi chứng kiến cảnh cô con gái lớn của chị thay mẹ chăm em, bởi bố cũng có công việc đột xuất phải xa nhà. 8 năm liền (1999-2007), Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai chỉ có một mình chị là nữ. Vì thế, các vụ án liên quan đến đối tượng phạm tội là nữ giới, chị đều tham gia. Trung tá Trần Thị Mừng đã trực tiếp tham gia công tác trinh sát, khám phá thành công nhiều vụ án ma túy lớn.

Trung tá Trần Thị Mừng (người cầm micro) đang giao lưu với khán giả trong một chương trình truyền hình.

“Cùng làm một công việc nhưng để thành công, người phụ nữ phải nỗ lực hơn rất nhiều so với nam giới. Bởi sau những chuyến đi, còn là trách nhiệm của một người phụ nữ với thiên chức phải làm vợ, làm mẹ...” - nói về người cán bộ của mình, Đại tá Trần Cao, Trưởng phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai chia sẻ. 

Miệt mài với những chuyến đi, với những chuyên án, cách đây hơn 2 năm, Trung tá Trần Thị Mừng được bổ nhiệm làm Đội trưởng Đội Tham mưu tổng hợp. Với nhiệm vụ này chị không phải có những ngày dài cùng các trinh sát nam phá án, nhưng cái máu nghề nghiệp vẫn thấm đẫm vào trong từng hơi thở. 

Ngoài việc chủ động tham mưu giúp lãnh đạo đơn vị trong việc dự báo tình hình tội phạm, âm mưu, phương thức thủ đoạn của tội phạm; từ đó xây dựng 17 chương trình, 26 kế hoạch trọng tâm phù hợp với tình hình thực tế nhằm ngăn chặn, kiềm chế tội phạm phát sinh trên địa bàn, chị còn tham mưu xây dựng kế hoạch hành động, góp phần đánh trúng các đường dây, tụ điểm ma túy, không để tình hình tội phạm phức tạp gây nhức nhối trong dư luận. 

Việc tham mưu sát hợp với tình hình thực tiễn, đã góp phần không nhỏ trong việc thúc đẩy thành tích chung của đơn vị; tỷ lệ điều tra khám phá các vụ án mới hằng năm đều tăng 15-50 %; Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai nhiều năm liền được tặng Cờ thi đua xuất sắc của Bộ Công an; năm 2016 được tặng Cờ thi đua của Chính phủ. Chỉ tính riêng trong 2 năm (2015- 2016), chị đã cùng đồng đội điều tra, khám phá 115 vụ, 178 bị can, vật chúng thu giữ là hơn 160 kg heroin...  

Trong công việc, người phụ nữ cũng chịu nhiều thiệt thòi hơn khi đối mặt với tội phạm vì chưa tạo được cái uy. Nhưng người nữ đội trưởng ấy đã mưu trí,  biến sự mềm mỏng của người phụ nữ trở thành một lợi thế trong công tác đấu tranh, phòng chống tội phạm. Chị đã ghi dấu ấn trong nhiều chuyên án nổi tiếng của tỉnh Lào Cai, trong đó có những chuyên án lên đến hàng trăm bánh ma túy. 

Đầu năm 2013, Phòng PC47 Công an tỉnh Lào Cai phát hiện một đường dây mua bán, vận chuyển trái phép chất ma túy, đối tượng tham gia chủ yếu là người Mông ở Lào Cai, móc nối với các đối tượng người Mông ở Điện Biên, Nghệ An. 

Các đối tượng mua bán, vận chuyển ma túy với số lượng lên đến hàng trăm bánh heroin từ Lào về Việt Nam, qua địa bàn tỉnh Lào Cai sau đó vận chuyển sang Trung Quốc tiêu thụ. Nhóm đối tượng sử dụng xe ô tô cá nhân, trong đó có xe ô tô biển số nước ngoài để vận chuyển. Ma túy được cất giấu tinh vi trong các hốc nhỏ được chúng tạo ra rồi gắn lại, hàn lại, phun sơn, đánh bóng... 

Khi vận chuyển, chúng thường mang theo súng tự chế và các loại kiếm dài của Trung Quốc nhằm chống trả quyết liệt nếu bị phát hiện bắt giữ. Tại địa phận xã Bản Phiệt, huyện Bảo Thắng (Lào Cai), chị và đồng đội đã bắt giữ đối tượng cùng tang vật là 42 bánh heroin. Trong số các đối tượng này có trường hợp của Lầu A Cú (SN 1984, trú tại xã Phú Sơn, huyện Bù Đăng, tỉnh Bình Phước). Biết mức án cao, đối tượng lỳ lợm không khai báo... 

Chị Mừng đã trực tiếp gặp gỡ đối tượng này, dùng tình cảm gia đình để cảm hóa. Cú sau đó đã khai báo thành khẩn, từ đó giúp PC47 triệt phá thành công, bắt 7 đối tượng, thu giữ 44 bánh heroin có trọng lượng gần 15kg, 2 kiếm dài, 2 súng tự chế đạn hoa cải, 2 xe ô tô, 1 xe máy, 9 điện thoại di động cùng nhiều vật chứng khác. Quá trình đấu tranh khai thác đã làm rõ các đối tượng vận chuyển từ Lào vào Nghệ An qua Lào Cai mang đi Trung Quốc tiêu thụ trót lọt 131 bánh hê rôin.

3. Với những thành tích đã đạt được, 5 năm liên tiếp Trung tá Trần Thị Mừng được phong tặng danh hiệu Chiến sỹ thi đua cơ sở; vinh dự được nhận Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ; 2 Bằng khen của Bộ trưởng Bộ Công an và của Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai. 

Mai Anh
.
.
.