Vụ ôm bom xăng và ga cố thủ trong nhà tại Hà Nội:

Chiến công thầm lặng của người Cảnh sát khu vực

Thứ Tư, 24/12/2014, 14:00
Ngày 12/12 vừa qua nhiều người chứng kiến sự việc ôm bom xăng và gas cố thủ trong ngôi nhà 61B Lò Sũ phường Lý Thái Tổ, quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) của hai người đàn ông là Bùi Tiến Dũng (SN 1962) và Bùi Tiến Cường (SN 1964) đã không giấu được sự hoang mang lo lắng. Phải mất hơn 8 giờ đồng hồ động viên và thuyết phục, hai ông Dũng, Cường cuối cùng mới chịu rời khỏi ngôi nhà để lực lượng Cục Thi hành án dân sự Hà Nội tiến hành việc cưỡng chế. Việc cưỡng chế thành công mà không gây ra bất kỳ một hậu quả đáng tiếc nào về người và tài sản là một thành công lớn của các lực lượng chức năng, trong đó phải kể đến Công an phường Lý Thái Tổ.

Chỉ vì mâu thuẫn nội bộ trong việc phân chia tài sản nên ngày 12/12, hai ông Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường đã khóa trái cửa, cố thủ trong nhà cùng với 4 bình gas và 40 lít xăng để chống đối tới cùng việc cưỡng chế ngôi nhà. Theo bản di chúc của bố mẹ ông Dũng và ông Cường để lại, thì ngôi nhà 61B Lò Sũ thuộc về quyền sở hữu của người anh cả là ông Bùi Tiến Thành (SN 1952). Bất bình trước bản di chúc này nên cả ông Dũng và ông Cường đều không chấp nhận. Sự việc đã được đưa ra tòa án giải quyết qua nhiều cấp. Cho dù kết quả của các phiên tòa đều giống nhau và đều công nhận quyền thừa kế và sở hữu của ông Bùi Tiến Thành, song hai người em là Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường - là những người đang sinh sống và kinh doanh tại ngôi nhà này phản đối tới cùng. Vì vậy việc cưỡng chế đã gặp rất nhiều khó khăn.

Theo tìm hiểu của phóng viên thì việc cưỡng chế ngôi nhà 61B Lò Sũ đáng lý phải thực hiện từ tháng 3-2014. Tuy nhiên do vấp phải sự phản đối kịch liệt của những người hiện sống trong ngôi nhà đó nên việc cưỡng chế đã phải hoãn lại nhiều lần. Sáng 12/12, Cục Thi hành án dân sự Hà Nội cùng lực lượng Công an phường Lý Thái Tổ phối kết hợp với Công an quận Hoàn Kiếm đã vào cuộc để thực hiện việc cưỡng chế. Song cũng giống như những lần trước, hai ông Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường đã quyết liệt chống đối bằng cách khóa trái cửa, ôm "bom xăng" và gas với lời đe dọa, nếu lực lượng chức năng làm căng họ sẽ liều chết. Sở dĩ có sự phản đối mạnh mẽ như vậy là do ông Dũng và ông Cường không đồng ý với kết quả bản án công nhận quyền thừa kế hợp pháp của ông Bùi Tiến Thành đối với ngôi nhà 61B Lò Sũ.

Căn phòng nơi người đàn ông cố thủ.

Thượng tá Trần Văn Trung, Phó trưởng Công an phường Lý Thái Tổ cho biết: "Sở dĩ việc cưỡng chế gặp nhiều khó khăn vì đây là vụ án dân sự lại là mâu thuẫn anh em. Theo như di chúc bố mẹ của ông Bùi Tiến Thành để lại thì ông Thành được toàn quyền sở hữu ngôi nhà 61B Lò Sũ. Việc này đã gây bất bình và phẫn nộ đối với những người em còn lại trong gia đình".

Cũng theo tìm hiểu của phóng viên thì bố mẹ ông Bùi Tiến Thành sinh được tất cả là 11 người con. Trong đó nếu kể về con trai thì ông Thành là trưởng nên được quyền thừa hưởng ngôi nhà. Nhưng theo quan điểm của ông Dũng và ông Cường thì sẽ chẳng bao giờ có chuyện bố mẹ họ có từng đó người con mà chỉ để lại tài sản cho người con trưởng. Theo họ, bản di chúc ấy đã diễn đạt không rõ ràng. "Bố mẹ tôi chắc chắn chỉ có ý giao cho ông Thành cái quyền trông nom, hương khói ngôi nhà đó thôi chứ hoàn toàn không có chuyện giao cho ông ấy sở hữu, toàn quyền định đoạt ngôi nhà đó" - ông Dũng bức xúc nói.

Do suy nghĩ như vậy nên ông Dũng và ông Cường nhất quyết không chịu ra khỏi ngôi nhà mà mình đang ở. Ông Dũng nói: "Tôi sống ở đây thì cũng phải chết ở đây chứ không việc gì phải đi đâu hết". Trước khi có chuyện cưỡng chế thì gia đình ông Dũng và gia đình ông Cường cùng sống tại ngôi nhà này. Do ngôi nhà có hai mặt tiền nên gia đình hai ông đều mở quán bán hàng ăn. Bản thân ông Thành lại là Việt kiều Anh và theo nhiều người nhận định thì rất giàu có.

Bình ga thu giữ tại ngôi nhà.

Năm 1979, ông Thành sang Anh và sinh sống ở đó. Khoảng 10 năm trở lại đây, ông này về nước và cũng đồng thời chìa ra bản di chúc của bố mẹ để lại. Cũng kể từ khi đó mâu thuẫn giữa ông Thành với ông Cường và ông Dũng xảy ra. Họ gần như không thèm nhìn mặt nhau. Khi không tự mình đòi được quyền sở hữu ngôi nhà, ông Thành đã làm đơn gửi lên tòa án thành phố Hà Nội. Năm 2012, Tòa án thành phố Hà Nội đã mở phiên xử sơ thẩm và tuyên ông Thành được quyền sở hữu toàn bộ ngôi nhà. Không bằng lòng với kết quả phiên sơ thẩm, ông Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường tiếp tục làm đơn kháng cáo. Tuy nhiên, các phiên tòa sau đều đồng quan điểm với kết quả phiên sơ thẩm.

Biết không thể làm gì khác được, ông Dũng và ông Cường đã bàn với nhau là sẽ chống đối việc cưỡng chế tới cùng. Khoảng tháng 7, biết việc cưỡng chế sắp xảy ra, hai ông này đã đi mua 2 bình gas và một can xăng 20 lít tích sẵn trong nhà. Vì nhiều lý do, việc thực hiện cưỡng chế đã không thể diễn ra như đã định vào hồi tháng 7. Đầu tháng 12, ông Dũng và ông Cường lại tiếp tục mua bổ sung thêm 2 bình gas và một can xăng 20 lít.

Nhiều người dân khi chứng kiến sự chống đối và dọa chết của hai ông Bùi Tiến Dũng và Bùi Tiến Cường đã nín thở chờ đợi. Ai nấy đều lo lắng một kết quả xấu sẽ xảy đến bởi sự manh động và cố thủ của hai đối tượng trên. Nhưng cuối cùng kết cục đã diễn ra tốt đẹp hơn cả sự trông đợi. Có thể nói việc cưỡng chế thành công mà không để xảy ra bất kỳ một hậu quả đáng tiếc nào về tính mạng và tài sản là một thành công lớn của các cơ quan chức năng mà trong đó không thể không nhắc tới sự đóng góp của Cảnh sát khu vực Công an phường Lý Thái Tổ. Suốt hai năm qua, kể từ phiên xử sơ thẩm vụ kiện của ông Bùi Tiến Thành kết thúc nhưng chưa được thực thi, hầu như ngày nào Trung úy Nguyễn Anh Tuấn cũng có mặt tại ngôi nhà 61B Lò Sũ để làm công tác tư tưởng.

Hiểu được tâm trạng của ông Bùi Tiến Dũng và ông Bùi Tiến Cường nên Trung úy Nguyễn Anh Tuấn luôn tìm cách động viên họ. Anh cũng được nghe cả những lời gan ruột của họ khi chia sẻ rằng: "Chúng tôi sinh ra và lớn lên tại ngôi nhà này, việc làm ăn cũng diễn ra ở ngôi nhà này. Chúng tôi toàn là những người làm nghề tự do. Nếu đuổi chúng tôi đi khỏi thì chúng tôi biết làm gì mà sinh sống". Một mặt tìm hiểu tâm lý của hai ông Dũng, Cường, mặt khác anh và đồng đội luôn phải bám sát từng động tĩnh của họ. "Ngày nào họ mua gas, mua xăng về chúng tôi đều phải nắm hết. Thậm chí mua giờ nào, để những thứ đó ở đâu, can xăng loại gì anh em chúng tôi cũng đều biết cả. Nếu không bám sát sẽ không thể lường trước được việc gì sẽ xảy ra" - Trung úy Nguyễn Anh Tuấn chia sẻ. Mỗi khi xuống ngôi nhà 61B Lò Sũ, Trung úy Nguyễn Anh Tuấn luôn tìm cách khuyên ông Dũng và ông Cường không nên suy nghĩ nông cạn mà hành động liều lĩnh. Nhưng mỗi lần như vậy Trung úy Tuấn đều nhận được câu trả lời thách thức rằng, "chúng tôi mua xăng về để đốt nếu cơ quan chức năng nhất quyết cưỡng chế".

Nhiều người dân hiếu kỳ dừng lại xem vụ việc.

Trung úy Nguyễn Anh Tuấn cho hay, trước ngày cơ quan chức năng thực hiện cưỡng chế ngôi nhà 61B Lò Sũ, ông Dũng cùng ông Cường đã mua thêm hai bình gas và một can xăng 20 lít để trong nhà. Ngày 12-12, khi lực lượng chức năng đến thực hiện cưỡng chế thì hai người này đã khóa trái cửa và cố thủ ở phía trong. Phải mất gần hai tiếng thuyết phục ông Bùi Tiến Cường mới chấp nhận rời khỏi ngôi nhà. Còn ông Dũng vẫn kiên quyết cố thủ bên trong cho dù vợ con và những người chị của ông Dũng cũng hết lời khuyên giải. Dù vậy ông này vẫn nhất quyết không chịu rời khỏi ngôi nhà và nói: "Ra ngoài cũng chết thà rằng chết ở trong này còn hơn". Có lẽ, khi nhìn thấy quá nhiều cảnh sát đang bao vây quanh ngôi nhà mình nên ông Dũng lo rằng nếu ra đó mình sẽ bị bắt ngay lập tức.

Hiểu được tâm lý của ông này nên lực lượng chức năng đã quyết rút bớt quân. Khi đó ông Dũng đã hỏi Trung úy Nguyễn Anh Tuấn rằng nếu ra ngoài ông có bị bắt không. "Lúc đó tôi đã giải thích cho ông Dũng hiểu rằng nếu ông ấy chịu rời khỏi ngôi nhà để cơ quan chức năng thực hiện việc cưỡng chế thì sẽ không sao. Ngược lại nếu cố tình ngoan cố thì ông ấy sẽ phải chịu trách nhiệm trước pháp luật. Đến lúc đó ông Bùi Tiến Dũng mới chấp nhận ra ngoài. Lúc đó vào khoảng 2h30 phút, nghĩa là việc động viên và thuyết phục đã diễn ra hơn 8 giờ đồng hồ.

Một biên bản hòa giải đã được ký kết giữa một bên là ông Bùi Tiến Thành và bên kia là ông Bùi Tiến Dũng và ông Bùi Tiến Cường. Ông Cường nói rằng từ trước giờ ông sinh sống và làm ăn tại ngôi nhà 61B Lò Sũ. Giờ không còn được ở đó nữa gia đình ông Cường không biết sẽ ở đâu và làm gì. Ông Cường sức khỏe không tốt, lại không có nghề nghiệp ổn định nên trong đơn hòa giải ông Cường đã yêu cầu ông Thành mua cho một căn nhà nhỏ, có điều kiện để buôn bán. Về phần ông Dũng, do có một căn nhà khác ở phường Phúc Xá nên ông này không đòi hỏi ông Thành phải đền bù về tiền bạc. Tuy nhiên nguyện vọng của ông Dũng là tha thiết mong các cơ quan có thẩm quyền xem xét phân tích kỹ lưỡng nội dung tờ di chúc để gia đình ông không phải chịu thiệt thòi. Theo lời ông Dũng chia sẻ thì ông đã đi thăm dò giá ngôi nhà 61B Lò Sũ. Tính theo thời điểm hiện tại giá ngôi nhà đó ít nhất là 30 tỷ đồng. Do vậy theo ông Dũng thì ông Thành không thể một mình hưởng lợi một tài sản chung mà bố mẹ họ để lại.

Phong Anh - Đinh Hiền
.
.
.