Phòng cảnh sát truy nã – Công an Hòa Bình:

Chiêu bắt tội phạm mang đậm tính nhân văn

Thứ Ba, 06/01/2015, 17:30
Khơi lại tính bản thiện trong con người các đối tượng phạm tội với sự mềm dẻo, kiên trì mang đậm tính nhân văn, từ đó cảm hóa, thuyết phục, giáo dục đối tượng bị truy nã nhận ra lỗi lầm, có trách nhiệm đối với những hành vi, hậu quả do mình gây ra và tự nguyện tới cơ quan Công an đầu thú. Việc làm ấy không chỉ giúp Cảnh sát truy nã tránh đối đầu trực tiếp với tội phạm truy nã mà còn giúp đối tượng có cơ hội hoàn lương, làm lại cuộc đời. Đó là phương châm hành động của lực lượng Cảnh sát truy nã tội phạm – Công an Hòa Bình thời gian qua.

“Nếu không có anh thì em mất con”

“Trên thực tế, không phải kẻ trốn truy nã nào cũng có ý định ra đầu thú và không phải gia đình nào có người phạm tội bỏ trốn cũng nhiệt tình cộng tác với Công an vận động người thân về chịu án. Nhưng với sự bền bỉ, kiên trì, CBCS trong đơn vị đã thể hiện tốt vai trò làm cầu nối tác động đến người phạm tội. Có những trường hợp qua xác minh, đủ khả năng bắt giữ đối tượng nhưng nếu có cơ hội, chúng tôi tạo điều kiện cho đối tượng ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật. Đồng thời, thể hiện rõ tính nhân văn trong công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm” - Thượng tá Nguyễn Văn Lập, Trưởng phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (TNTP) nhấn mạnh.

Trong các biện pháp nghiệp vụ của công tác Công an thì phòng ngừa tội phạm luôn được đặt lên hàng đầu và mang tính chiến lược sâu sắc. Công tác phòng ngừa tội phạm luôn được triển khai rộng rãi ở khắp các địa bàn, lĩnh vực, có sự tham gia của cả hệ thống chính trị và các tầng lớp nhân dân. Thông qua phòng ngừa tội phạm, giúp người dân nâng cao ý thức chấp hành pháp luật, lên án, đấu tranh với các thói hư, tật xấu, các hành vi trái với luân thường đạo lý xã hội và bản sắc dân tộc. Đối với những kẻ phạm tội thì phương án phòng ngừa tội phạm phải đi trước một bước, vừa thôi thúc đối tượng đầu thú, vừa làm giảm tội phạm và mối nguy hại cho xã hội. Vừa thể hiện chính sách khoan hồng của pháp luật đối với những kẻ phạm tội ăn năn, hối cải có điều kiện hoàn lương, trở thành người có ích cho xã hội. Chính vì lẽ đó mà công tác vận động đối tượng có lệnh truy nã ra đầu thú luôn được lãnh đạo Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm Công an Hòa Bình quan tâm, tập trung chỉ đạo. Đặc biệt, để tạo và củng cố niềm tin cho đối tượng và gia đình đối tượng có lệnh truy nã, đơn vị đã tham mưu cho lãnh đạo Công an tỉnh ra thư kêu gọi đầu thú. Trong thư ngoài chữ ký của Giám đốc Công an tỉnh còn có cả chữ ký của Viện trưởng VKSND, Chánh án TAND tỉnh. Những lá thư này được giao cho CBCS có kinh nghiệm, hiểu biết sâu sắc về các chính sách, pháp luật đến gặp gỡ người thân, gia đình vận động, phối hợp kêu gọi đối tượng truy nã ra đầu thú để được hưởng sự khoan hồng của pháp luật.

Thượng tá Bùi Văn Phúc, Phó Trưởng phòng PC52 cho biết: Để bắt một đối tượng truy nã đang lẩn trốn vốn đã rất khó khăn nhưng để vận động đối tượng truy nã đang lẩn trốn ra đầu thú còn khó khăn gấp bội. Ví như việc vận động đối tượng Bùi Văn Binh, Bùi Văn Phú cùng trú ở xóm Bưng, xã Hương Nhượng (Lạc Sơn) là các bị can trong vụ cướp của, giết người ở Cao Phong. Sau khi gây án, các đối tượng đã bỏ trốn khỏi địa phương và trở thành các đối tượng truy nã đặc biệt nguy hiểm. Để truy bắt các đối tượng, CBCS Phòng PC52 đã chủ động nắm tình hình, nghiên cứu hồ sơ vụ án, nhân thân đối tượng và hoàn cảnh phạm tội... Từ đó, thực hiện biện pháp vận động đầu thú.

CBCS Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm triển khai phương án tác chiến.

Thực hiện phương án này, đích thân Thượng tá Bùi Văn Phúc đã đến tận nhà gặp gỡ người thân trong gia đình đối tượng để vận động. Quá trình tiếp xúc, vận động, CBCS Phòng Cảnh sát TNTP hoàn toàn không nhận được sự hợp tác của người thân các đối tượng. Bởi do nhận thức hạn chế, gia đình lo sợ bị bắt cháu sẽ lĩnh án tử nên che giấu một cách mù quáng, tìm mọi lý do để trốn tránh. Thậm chí khi đưa “thư kêu gọi đầu thú” có chữ ký của 3 ngành, gia đình đối tượng vẫn nghi ngờ cho rằng đó là chiêu bài của Công an. Tuy vậy, với sự kiên trì, khéo léo, bền bỉ, CBCS Phòng Cảnh sát TNTP đã làm cho họ hiểu và đồng ý hợp tác. Ngay sau đó, gia đình đã trực tiếp kêu gọi đối tượng Binh và Phú ra đầu thú. Quá  trình điều tra mở rộng vụ án, lực lượng chức năng còn làm rõ, trước đó Binh và Phú đã gây ra một vụ trộm cắp xe máy ở Lạc Sơn. Khi biết được hành vi phạm tội của con mình, bà Bùi Thị Thểu, mẹ của đối tượng Bùi Văn Binh cứ rưng rưng nước mắt nghẹn lời: “Nếu không có các anh vận động gia đình gọi cháu ra đầu thú thì chắc em sẽ mất con”. Trong suốt quá trình lẩn trốn, Binh chưa đêm nào ngon giấc. Cảm giác lo lắng, sợ sệt bị bắt khiến Binh luôn tránh né người lạ, trốn chui lủi. Cái ngày Binh đầu thú cũng là ngày hắn cảm thấy thoải mái, nhẹ nhõm. Đó chắc hẳn là đêm đầu tiên hắn được ngon giấc.   

Vận động 1 được... 7

“Để vận động đối tượng truy nã ra đầu thú không phải là một điều đơn giản. Nhưng chúng tôi vẫn luôn xác định đó là một trong những nhiệm vụ trọng tâm trong công tác truy nã” - Thượng tá Nguyễn Văn Lập chia sẻ. Điều đó đã được CBCS Phòng PC52 thực hiện một cách hiệu quả trong thời gian qua, nhiều đối tượng có lệnh truy nã đang lẩn trốn được kêu gọi, vận động đã tự nguyện ra đầu thú.

Điển hình như vụ vận động đối tượng Khà A Phử (sinh năm 1976) trú tại Thung Ẳng, xã Hang Kia (Mai Châu). Đây là một đối tượng có lệnh truy nã đặc biệt nguy hiểm về tội mua bán trái phép vũ khí quân dụng và mua bán trái phép hơn 10 bánh heroin. Xác định đây là một nhiệm vụ khó khăn bởi sự phức tạp về tình hình ANTT tại địa bàn xã Hang Kia cùng bất đồng về ngôn ngữ, phong tục tập quán. Đặc biệt, hành vi phạm tội của đối tượng phải chịu khung hình phạt rất cao, lên đến tử hình. Tuy vậy, theo Trung tá Nguyễn Văn Thức, trinh sát viên giàu kinh nghiệm của Phòng PC52 thì dù biết rõ việc vận động đối tượng Khà A Phử ra đầu thú là rất khó khăn nhưng anh em trong đơn vị luôn xác định tinh thần và quyết tâm cao nhất để hoàn thành nhiệm vụ được giao.

Với tinh thần đó, các CBCS Phòng PC52 đã phối hợp với cấp ủy, chính quyền và các tổ chức đoàn thể xã hội địa phương đến tận nhà đối tượng để tuyên truyền, vận động đầu thú. Thời gian đó, khi thấy có người đến nhà, đối tượng lại bỏ trốn lên rừng và những người thân trong gia đình đối tượng cũng không hợp tác. Tuy vậy, trước sự kiên trì, bền bỉ của các CBCS, cuối cùng đối tượng Khà A Phử cũng đã chịu gặp và nghe các anh nói chuyện phải, trái và sự khoan hồng của pháp luật đối với những người muốn quay về nẻo thiện. Được tuyên truyền, thấu hiểu sự khoan hồng của pháp luật, ngày 16/5/2012, Khà A Phử đã tự nguyện ra đầu thú. Đặc biệt, sau khi ra đầu thú, Khà A Phử đã vận động thêm 5 người trong gia đình, dòng họ đang trốn truy nã ra đầu thú để hưởng sự khoan hồng của pháp luật và 2 người nghiện ma túy đi cai nghiện tự nguyện. Trong số 5 người ra đầu thú theo sự vận động của Khà A Phử thì hầu hết đều là đối tượng truy nã nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm. Sau khi đưa ra xét xử, các đối tượng đều được xem xét giảm nhẹ hình phạt. Như Khà A Phử, chỉ phải nhận mức án 7 năm tù.

Thượng tá Nguyễn Văn Lập, Trưởng phòng PC52 cho biết: Với cách làm trên, tính từ năm 2011 đến nay, CBCS Phòng Cảnh sát TNTP đã cảm hóa, vận động được 72 đối tượng truy nã ra đầu thú. Từ đầu năm đến nay, đơn vị đã vận động được 10 đối tượng truy nã ra đầu thú. Trong đó, có những đối tượng nguy hiểm và đặc biệt nguy hiểm đã lẩn trốn sâu, ẩn kỹ trong nhiều năm. Từ đó, đã góp phần làm giảm số đối tượng truy nã trên toàn tỉnh. Theo thống kê, tính đến ngày 31/7/2014, toàn tỉnh còn 98 đối tượng có trốn truy nã. Trong đó, có 69 đối tượng do cơ quan CSĐT Công an tỉnh phát lệnh truy nã, 29 đối tượng là người Hòa Bình do Công an các địa phương khác phát lệnh truy nã. Có một điều đặc biệt là hầu hết các đối tượng trốn truy nã ra đầu thú trong quá trình chấp hành án đều có ý thức phấn đấu tốt. Sau khi chấp hành án xong trở về địa phương đều nghiêm chỉnh chấp hành chủ trương, chính sách pháp luật, trở thành người tốt, người có ích cho xã hội.

Thu Hà
.
.
.