Chủ động đánh gục tư tưởng chống đối của kẻ phạm tội

Thứ Hai, 23/06/2014, 09:17

Đó là chiến thuật và cũng là kỹ năng cảm hóa tội phạm, đặc biệt là những đối tượng trốn truy nã của Trung tá Phạm Duy Giáo, cán bộ Phòng Cảnh sát truy nã tội phạm (PC52), Công an tỉnh Nam Định. Với chiến thuật này, bao đối tượng trốn truy nã đã được anh tìm ra và kêu gọi quay về đầu thú thành công… 

Gặp anh ở trụ sở Công an tỉnh Nam Định, nếu không được giới thiệu trước, chắc tôi chẳng thể ngờ người đàn ông có vóc dáng nhỏ bé, khuôn mặt hồn hậu, chất phác kia lại là một điều tra viên giỏi, một người tầm nã tận tụy và là một người cảm hóa tội phạm đầy kỹ năng. Khi nói về công việc mình đang theo đuổi và cống hiến, Trung tá Phạm Duy Giáo đã kể với giọng rất sôi nổi và đầy tự tin. Vừa trò chuyện với tôi, anh vừa rút trong túi áo ngực ra một quyển sổ nhỏ bằng bàn tay, trong đó ghi chi chít những chữ là chữ. Anh bảo, đó là thông tin của các đối tượng trốn nã mà anh đã, đang và sẽ theo dõi từ khi bắt đầu với công việc tầm nã tới nay. Trong số những đối tượng trốn nã mà anh đã vận động, thuyết phục ra đầu thú, anh còn nhớ lần cảm hóa đưa 2 đối tượng cùng trong một vụ án ra đầu thú thành công. Các đồng đội của anh nhận xét, đây là vụ cảm hóa cực kỳ thông minh, khéo léo và đầy bản lĩnh của người tầm nã đầy kinh nghiệm. 2 đối tượng là Nguyễn Văn Hùng, sinh năm 1993, trú tại xóm 6, Hồng Quang, Nam Hồng, Nam Trực, Nam Định, có Quyết định truy nã số 03, ngày 15/3/2012, về tội cố ý gây thương tích của Công an huyện Nam Trực và Vũ Văn Hùng, sinh năm 1994, cùng quê với Nguyễn Hùng, cũng bị truy nã về tội trên. Lần đó, Vũ Hùng sang làng bên tán gái, bất ngờ anh ta bị nhóm thanh niên làng bắt nạt nên đã về rủ Nguyễn Hùng sang trả thù. Mỗi đối tượng cầm theo một con dao, sang đến nơi, chúng đã gây ra một vụ ẩu đả nghiêm trọng khiến một thanh niên bị thương nặng. Sau khi gây án, cả hai đã rủ nhau chạy vào một số tỉnh phía Nam để trốn.

Trung tá Giáo chia sẻ, cái khó của vụ án này là các trinh sát không có chút thông tin nhân dạng của đối tượng, cả hai còn chưa làm chứng minh nhân dân vì chưa đủ tuổi. Do vậy, các anh không có ảnh của chúng để xác minh. Khó nữa là cả hai đối tượng đều được gia đình ngầm ủng hộ cho việc trốn chạy, họ không hợp tác với cơ quan Công an và giấu thông tin của con mình khá kỹ. Do vậy, các anh xác định ngay, hai trường hợp này nếu không làm biện pháp tác động từ phía gia đình đối tượng để kêu gọi chúng ra đầu thú thì sẽ rất vất vả trong việc truy tìm, bắt giữ. Qua tìm hiểu về hoàn cảnh của từng đối tượng, anh Giáo và những người đồng đội được biết, Nguyễn Hùng có hoàn cảnh gia đình và kinh tế đủ đầy và sung túc hơn Vũ Hùng. Bố mẹ Nguyễn Hùng làm ăn buôn bán chăm chỉ, kinh tế tuy không giàu nhưng cũng đủ để nuôi anh em Hùng ăn học đến nơi đến chốn. Còn hoàn cảnh của Vũ Hùng đáng thương hơn, bố Vũ Hùng mất từ khi cậu ta còn nhỏ, mẹ Hùng vì đau buồn nhiều nên sinh ra tâm thần, suốt ngày ngẩn ngơ khóc cười, công việc gia đình bị bỏ bê. Vì hoàn cảnh khó khăn nên Vũ Hùng bỏ học sớm, không ai quản lý nên cậu ta ngày càng hư hỏng. Ngay sau khi cả hai cùng bỏ trốn, Công an huyện Nam Trực phát lệnh truy nã, tổ công tác của Trung tá Giáo đã nghiên cứu rất kỹ nội dung vụ án, tìm hiểu vai trò, tính chất của từng đối tượng, cũng như hoàn cảnh của gia đình chúng để có phương án tiếp cận những người có uy tín trong dòng họ, gia đình các đối tượng.

Cán bộ, chiến sỹ Phòng PC52, Công an tỉnh Nam Định đang họp bàn công việc.

Trung tá Giáo cho biết, sở dĩ các vụ cảm hóa của anh thành công là nhờ phần lớn vào việc xác định được ai là người có uy tín và có vai trò quyết định trong dòng họ nhà đối tượng, để qua đó tập trung vào vận động, thuyết phục họ hợp tác và kêu gọi người nhà mình ra đầu thú. Hôm đầu tiên anh đến nhà đối tượng Nguyễn Hùng, vừa bước vào cửa đã thấy bố Hùng đi ra với vẻ mặt cau có: “Mấy hôm nay ít nhất có 3 anh Công an vào nhà tôi để vận động rồi, tôi cũng đã trả lời là chẳng biết gì cả, mong các anh cho gia đình tôi được yên”. Rồi ông ta phăm phăm đi ra mảnh vườn sau nhà, cầm cuốc cuốc đất, coi như không có vị khách vừa đến và tỏ thái độ chẳng thèm tiếp chuyện. Anh Giáo vẫn không tỏ thái độ gì, anh kiên nhẫn theo bố Hùng ra sau vườn, hỏi ông ta chuyện gia đình con cái, việc làm ăn và sức khỏe… để tạo sự gần gũi, thân mật. Trước thái độ chân tình, cởi mở của Trung tá Giáo, bố của Nguyễn Hùng đã buông tay cuốc đi vào nhà để tiếp chuyện Trung tá Giáo.

Trong lúc bố Hùng pha trà, anh Giáo gợi chuyện: “Con nhà tôi cũng bằng tuổi con nhà ông, cùng là bố nên tôi rất hiểu tình cảnh hiện nay của ông. Nhưng thương con cũng phải đúng cách, giờ ông không biết nó ăn, ngủ ở đâu, sống thế nào, ông có thấy thương nó không? Nếu cứ để nó lang thang ở ngoài, biết đâu nó lại bị rủ rê nghiện ngập, không có tiền, thậm chí nó đi ăn cướp thì sao, chẳng biết rồi chuyện gì sẽ xảy ra. Ông là trụ cột của gia đình, là người có uy tín với con cái, nên nếu ông thương con thì hãy gọi nó về đầu thú, có tội thì trả, trả càng sớm thì càng thanh thản…”.

Hôm đó, nghe nói vậy, bố Nguyễn Hùng không nói gì, đôi tay ông ta run run rót nước cho Trung tá Giáo rồi ngồi trầm ngâm khá lâu. Trung tá Giáo nói chuyện xong thì chào ra về. Trước khi về, anh để lại số điện thoại của mình cho bố Hùng. Hôm sau và nhiều ngày liên tiếp, Trung tá Giáo kiên nhẫn đến hỏi thăm và chuyện trò với bố Hùng. Có vẻ như bố Hùng đã hiểu ra vấn đề, ông ta tiếp chuyện với anh rất vui vẻ chứ không cáu gắt, khó chịu như lúc đầu nữa, và ông ta nói sẽ khuyên Hùng quay về nếu như nó liên lạc lại. Nghe vậy, Trung tá Giáo chớp thời cơ ngay: “Hiện con ông và Vũ Hùng đang trốn trong Đắk Lắk, cả hai đều là tội phạm và trốn truy nã. Giờ nếu ông thuyết phục con mình quay về mà không nói gì với Vũ Hùng thì chưa chắc con ông đã chấp nhận quay về một mình. Mà trong vụ án này cả hai đứa cùng gây án thì cả hai đứa phải quay về mới giải quyết được việc. Mà ông biết nhà Vũ Hùng khó khăn thế nào, nó chẳng có ai hướng dẫn, giúp đỡ, vậy coi như khi ông liên lạc với con thì chuyện trò luôn với Hùng, kéo cả hai đứa về càng sớm càng tốt. Chúng sẽ nghe ông đấy…”.

3 ngày sau, vào lúc 12h trưa, khi Trung tá Giáo vừa đưa bát cơm lên miệng thì anh thấy điện thoại của mình reo vang. Khi nhấc máy, anh nghe tiếng bố Nguyễn Hùng vang lên: “Em vừa đưa hai cháu từ Đắk Lắk về tới nơi, đang chờ anh ở trụ sở Công an tỉnh, em chờ anh ra làm việc…”. Trung tá Giáo nghe mà mừng vô cùng, anh vội đặt bát cơm xuống, rồi thay quần áo và đến cơ quan ngay. Khi tới nơi, anh thấy bố Hùng cùng hai đối tượng Hùng đang ngồi ở phòng trực ban đợi. Cả ba đang trò chuyện rất thân tình, đồ đạc, quần áo lỉnh kỉnh để bên cạnh. Nhìn thấy Trung tá Giáo, bố Hùng đứng lên nói: “Anh nói đúng, nếu các cháu không về thì tôi thấy lo lắng và cũng chẳng làm ăn gì được. Với lại cứ nghĩ cảnh trước sau rồi chúng sẽ bị bắt, bị giải về thật đau lòng, thà cứ chủ động về đầu thú thế này cho đỡ khổ”. Sau khi hỏi chuyện hai đối tượng, biết được tâm tư của hai đối tượng khá thoải mái, Trung tá Giáo đã làm thủ tục bàn giao cho Công an huyện Nam Trực. Khi cả hai đối tượng được đưa đi, bố Nguyễn Hùng cứ nắm tay Trung tá Giáo cảm ơn mãi…

Trung tá Phạm Duy Giáo cho biết, đối với những tên tội phạm nói chung và đặc biệt là tội phạm truy nã nói riêng, Nam Định là vùng đất không có chỗ ẩn náu. Bởi chúng biết, chỉ cần lởn vởn ở mảnh đất này thì trước sau, sớm muộn gì chúng cũng bị bắt. Do đó, hầu hết những tên tội phạm trốn truy nã đều ra khỏi địa bàn và trốn nhiều địa phương, đặc biệt là các tỉnh phía Nam. Dấu chân của những người tầm nã như anh Giáo đã in trên nhiều nẻo đường đất nước. Mỗi địa phương, anh đều thuộc lòng từng tập quán, tính cách của con người nơi đó. Có những vụ các anh phải đi cả tháng trời mới bắt được đối tượng, thậm chí có vụ phải về tay không, nhưng cũng có vụ chỉ với kỹ năng cảm hóa của mình, anh đã vận động được kẻ trốn nã ra đầu thú. Trong sổ ghi chép của Trung tá Giáo, tôi thấy có một dòng được gạch mực đỏ rất nét ghi rằng, trong 1 tháng cao điểm, anh đã vận động được  4 đối tượng trốn truy nã ở các tỉnh phía Nam quay về đầu thú, trong đó có 2 đối tượng về cùng một lúc. Điều đó cho thấy kết quả mà anh đã và đang làm được thực sự thành công.

Anh chia sẻ rất thật lòng: “Bí quyết quan trọng để làm nên một cuộc vận động, cảm hóa thành công đó chính là tính kiên trì, bởi nếu không kiên trì, sớm bỏ cuộc khi nghe lời nói khó chịu, không hợp tác từ phía gia đình đối tượng thì coi như là đã thất bại. Bên cạnh đó, người làm công tác vận động đầu thú phải biết kết hợp giữa vận động, thuyết phục với công tác trinh sát nắm thông tin về đối tượng, qua đó mới hiểu được đối tượng để “đánh gục” tư tưởng chống đối của chúng, như thế việc cảm hóa mới đạt hiệu quả…”. Những chia sẻ đó của Trung tá Giáo thực sự là bài học kinh nghiệm quý báu cho chính bản thân anh và những người đồng đội đã và đang theo đuổi nghề tầm nã rất vất vả nhưng cũng đầy thú vị này

Thanh Giang
.
.
.