Chủ động phòng ngừa và tấn công, kiềm chế hoạt động của tội phạm hình sự

Thứ Bảy, 02/08/2014, 09:00

Đánh giá công tác phòng, chống tội phạm trong 6 tháng đầu năm 2014, Thượng tướng Lê Quý Vương, Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, nhìn chung, hoạt động của tội phạm hình sự cơ bản đã được kiềm chế, hầu hết các loại án hình sự nghiêm trọng giảm, an ninh trật tự được đảm bảo; kết quả công tác giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và khởi tố, điều tra, đề nghị truy tố tăng cao, hầu hết các vụ án rất nghiêm trọng và đặc biệt nghiêm trọng được khẩn trương điều tra làm rõ. Tuy nhiên, hoạt động của tội phạm hình sự vẫn rất phức tạp và nghiêm trọng, nổi lên nhiều trong lĩnh vực kinh tế, tài chính, ngân hàng, tội phạm trộm cắp, ma túy, sử dụng công nghệ cao... 

- Thưa Thứ trưởng, hồi đầu năm, Bộ tổ chức Hội nghị “Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức”, tới nay đã được triển khai như thế nào?

+ Riêng về công tác phòng, chống tội phạm hình sự, Bộ đã chỉ đạo triển khai nhiều biện pháp đấu tranh quyết liệt. Rút kinh nghiệm qua Hội nghị “Tăng cường công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm hình sự hoạt động có tổ chức”, Bộ trưởng Bộ Công an đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tội phạm có tổ chức và ban hành Kế hoạch số 03/KH-BCA ngày 06 - 01 - 2014 về đấu tranh với tội phạm có tổ chức trong tình hình hiện nay; tiếp đó đã và đang thực hiện đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm có tổ chức, tập trung tại 18 địa bàn trọng điểm. Thông qua công tác điều tra cơ bản, đã chỉ đạo tăng cường phòng ngừa, đấu tranh giải quyết tình trạng các băng nhóm gây rối, bảo kê, trả thù lẫn nhau trên đường phố hoặc ở khu vực dân cư, đặc biệt là lực lượng Cảnh sát hình sự tập trung đấu tranh mạnh với các loại tội phạm theo chuyên đề (cướp, cướp giật; tàng trữ, sử dụng vũ khí; trộm cắp...); hoặc phòng, chống tội phạm xâm hại trẻ em và tội phạm trong lứa tuổi chưa thành niên.

- Vậy kết quả đấu tranh phòng, chống tội phạm có tổ chức, tội phạm hoạt động bảo kê, đâm thuê chém mướn... có chuyển biến ra sao? 

+ Trong thời gian qua, lực lượng Cảnh sát toàn quốc đã tập trung triệt phá nhiều băng, ổ nhóm tội phạm, trong đó có các băng nhóm nguy hiểm, băng nhóm có dấu hiệu hoạt động theo kiểu “xã hội đen”, côn đồ hung hãn. Thủ đoạn hoạt động của các băng nhóm tội phạm ngày càng tinh vi hơn, tìm mọi cách lách luật, nhiều nhóm núp dưới vỏ bọc các hoạt động kinh tế, đối tượng cầm đầu không trực tiếp gây án nên việc phát hiện, xử lý gặp nhiều khó khăn.

Sáu tháng đầu năm, đã điều tra, khám phá hơn 22 nghìn vụ phạm pháp hình sự, bắt xử lý hơn 45 nghìn đối tượng, đạt tỷ lệ 75,58%; triệt phá 1.469 băng, ổ nhóm tội phạm các loại. Đã đấu tranh quyết liệt làm giảm mức độ phức tạp của tội phạm có tổ chức (số băng nhóm triệt phá được nhiều hơn 38,06%), hầu hết các loại án nghiêm trọng theo thống kê đều giảm (giết người, cướp tài sản giảm 28,89%, cướp tài sản giảm 21,71%...). Điển hình, Cục CSHS phối hợp Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá băng nhóm chuyên cho vay nặng lãi, bảo kê, cưỡng đoạt tài sản, đòi nợ thuê núp bóng dưới vỏ bọc doanh nghiệp do Trần Minh Tiến, tức Tiến “con” cầm đầu, bắt 9 đối tượng; Công an TP Hồ Chí Minh triệt phá băng nhóm giang hồ chuyên cho vay nặng lãi dưới chiêu bài quỹ tín dụng, cho vay tín chấp do Lê Anh Tuấn cầm đầu, bắt 5 đối tượng; Công an Thanh Hóa triệt phá 2 băng nhóm chuyên khống chế, ép giá hàng nông, lâm sản, đòi tiền bảo kê buôn bán, vận chuyển vật liệu do Vũ Trung Kiên và Đỗ Công Bình cầm đầu... 

Thứ trưởng Lê Quý Vương trao Bằng khen của Bộ Công an tặng các đơn vị xuất sắc tại Hội nghị sơ kết 6 tháng đầu năm 2014.

- Liệu hoạt động loại tội phạm này còn manh động như trước?

+ Do chúng ta tập trung tấn công trấn áp mạnh hoặc răn đe giáo dục nên hoạt động của tội phạm hình sự có tổ chức đã không còn manh động, trắng trợn hoặc nhiều nơi đã bị vô hiệu hóa, tan rã. Tuy nhiên, loại hoạt động này vẫn tiềm ẩn phức tạp tại các thành phố lớn, nhất là dưới các dạng bảo kê, đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi, cưỡng đoạt tài sản, tổ chức các hoạt động cờ bạc, cá độ hoặc lừa đảo...

- Vừa qua,  Bộ Công an đã chỉ đạo Công an các đơn vị, địa phương triển khai các biện pháp phòng ngừa, ngăn chặn và điều tra, triệt xóa nhiều đường dây buôn bán ma túy lớn. Thứ trưởng có thể nói rõ hơn về vấn đề này?

+ Trong 6 tháng đầu năm, các lực lượng chức năng cả nước đã phát hiện, điều tra 10.256 vụ, bắt 15.298 đối tượng phạm tội về ma túy (tăng 133 vụ và 176 đối tượng so với cùng kỳ năm 2013), thu giữ 478,7 kg heroin (tăng 2,7%); 14,1 kg thuốc phiện; 112,7 kg cần sa khô, 796,4 kg cần sa tươi; 127,5 kg + 197.097 viên ma túy tổng hợp (tăng 177%), cùng nhiều tang vật, tài sản khác. Điển hình như vụ Công an huyện Mộc Châu, Sơn La bắt giữ đối tượng Nguyễn Thị Huyền (Sơn La), thu 14.000 viên ma túy tổng hợp; Công an Nghệ An bắt giữ đối tượng Hồ Sử Cơ (Nghệ An) vận chuyển 60 bánh heroin...

Heroin vẫn là loại ma túy chính mà bọn tội phạm mua bán, vận chuyển và tổ chức sử dụng, tuy nhiên số vụ và số lượng ma túy tổng hợp (chủ yếu là methamphetamine và ketamine) bị phát hiện, bắt giữ đang gia tăng nhanh chóng trong thời gian gần đây. Đáng chú ý là tình trạng câu kết, móc nối giữa tội phạm ma túy với các loại tội phạm khác, đã phát hiện triệt phá nhiều băng, ổ, nhóm tội phạm hình sự hoạt động phạm tội liên quan đến ma túy. Hầu hết các đối tượng trong đường dây mua bán, vận chuyển ma túy lớn đều trang bị vũ khí quân dụng và chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ.

- Về đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, nhất là lĩnh vực tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai... còn những phức tạp. Ngoài việc phát hiện, điều tra làm rõ loại tội phạm này, việc thu hồi tài sản có gì đáng chú ý, thưa Thứ trưởng?

+ Bộ Công an đã tập trung chỉ đạo đấu tranh phòng chống tội phạm kinh tế, tham nhũng trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm, nhất là đối với các hoạt động tài chính, ngân hàng, sử dụng vốn đầu tư, quản lý đất đai, xây dựng cơ bản... Triển khai kế hoạch thực hiện cao điểm đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả; chỉ đạo các đơn vị nghiệp vụ đẩy nhanh tiến độ điều tra các vụ án kinh tế, tham nhũng trọng điểm. Trong 6 tháng đầu năm, Công an các cấp đã phát hiện 7.025 vụ, 7.684 đối tượng phạm tội về kinh tế, phát hiện 162 vụ phạm tội về tham nhũng. Qua công tác đấu tranh, lực lượng Công an đã thu hồi cho Nhà nước hơn 21 nghìn tỷ đồng, kịp thời đề xuất sửa đổi, bổ sung một số văn bản về cơ chế, chính sách và chấn chỉnh công tác quản lý kinh tế, bảo vệ nội bộ, không để tội phạm lợi dụng hoạt động.

Tuy nhiên, vấn đề chống tham nhũng vẫn đang là một đòi hỏi cấp bách và quan tâm của toàn xã hội hiện nay. Đáng chú ý là phải lấy phòng ngừa là chính, là cơ bản từ các ngành, các cấp, các lĩnh vực; từ tài chính, ngân hàng, quản lý vốn của Nhà nước, đầu tư công, giao thông, đất đai, xây dựng cơ bản... đến thực hiện chính sách, phúc lợi và an sinh xã hội. Đi đôi với phòng ngừa là kịp thời phát hiện, chủ động ngăn chặn và đấu tranh, phải luôn quyết liệt, đồng bộ thì mới có hiệu quả cao.

- Để đảm bảo giữ gìn an ninh trật tự trong tình hình hiện nay, nhiệm vụ đặt ra về công tác phòng chống tội phạm 6 tháng cuối năm 2014 như thế nào?

+ Để thực hiện thắng lợi mục tiêu, yêu cầu, nhiệm vụ đã đề ra theo Nghị quyết của Đảng ủy Công an Trung ương và Chỉ thị của Bộ trưởng Bộ Công an về nhiệm vụ công tác năm 2014; lực lượng Công an các cấp cần nhận thức rõ và quyết tâm cao trong thực hiện nhiệm vụ bảo vệ an ninh, trật tự của đất nước, trọng tâm là thực hiện Nghị quyết của Ban Chấp hành Trung ương Đảng (khóa XI) về Chiến lược bảo vệ Tổ quốc trong tình hình mới. Cần nắm chắc tình hình, tăng cường nghiên cứu, đánh giá, dự báo sát đúng để chủ động tham mưu, đề xuất với Đảng, Nhà nước các chủ trương, giải pháp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về an ninh trật tự. Chủ động xây dựng, triển khai thực hiện các phương án, kế hoạch xử lý kịp thời các tình huống phức tạp.

- Các chương trình, nội dung công tác sẽ nhằm vào các lĩnh vực trọng tâm như...

+ Tiếp tục mở các đợt cao điểm tấn công, trấn áp tội phạm; tập trung vào các địa bàn trọng điểm, triệt phá các băng, ổ nhóm tội phạm hoạt động có tổ chức; xóa các tụ điểm phức tạp về trật tự xã hội. Thực hiện nghiêm túc, hiệu quả công tác tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm và công tác điều tra xử lý tội phạm. Đẩy mạnh thực hiện các giải pháp nâng cao hiệu quả công tác đấu tranh chống tội phạm kinh tế, tham nhũng, tội phạm môi trường, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm ma túy. Triển khai thực hiện Quy chế hoạt động của cơ quan Cảnh sát điều tra trong lực lượng Công an.

- Xin cảm ơn Thứ trưởng!

Đăng Trường - Thu Hòa (thực hiện)
.
.
.