Chuyện của nữ quản giáo

Thứ Năm, 26/12/2013, 10:36
Đại úy Đặng Thị Hồng Thủy, cán bộ Trại tạm giam - Công an tỉnh Yên Bái giãi bày: Người mới bị bắt tạm giam trước đó đang tự do, họ có gia đình, nhiều trong số đó cũng có địa vị xã hội… Trong một giây phút, họ mất tất cả nên mất phương hướng và niềm tin vào cuộc sống. Một số trường hợp sau đó đã có suy nghĩ tiêu cực, lo sợ mức án sẽ phải tuyên phạt… trong những lúc như vậy, vai trò của người cán bộ quản giáo, gồm cả quản lý và giáo dục thật vô cùng cần thiết.

Giữa đêm khuya, một tiếng động nhỏ cũng khiến Đại úy Đặng Thị Hồng Thủy, cán bộ Trại tạm giam - Công an tỉnh Yên Bái, giật mình tỉnh giấc, chị hốt hoảng sờ vào nơi thường để chùm chìa khóa, mồ hôi lấm tấm trên trán… Chợt nhìn sang bên cạnh, thấy con thơ đang say giấc nồng, chị Thủy mới biết mình đang ở nhà. Không biết từ lúc nào, trước khi ra khỏi nhà, chị đều có thói quen sau khi khóa cửa đều phải thận trọng kiểm tra khóa lại một lần nữa… Công việc của người cán bộ quản giáo vốn vất vả, đối với một phụ nữ còn khó khăn gấp nhiều lần, bởi ngoài trách nhiệm của một cán bộ Công an, họ còn là một người vợ, người mẹ.

Cả Trại tạm giam - Công an tỉnh Yên Bái chỉ có 2 nữ cán bộ quản giáo, vì thế cứ một tháng mười lăm ngày, Đại úy Đặng Thị Hồng Thủy lại đưa con vào trại trực cùng mẹ. Nhìn cảnh ấy, Thượng tá Tạ Khắc Hồng, Giám thị Trại tạm giam, Công an tỉnh Yên Bái chỉ biết động viên cán bộ, chiến sỹ mà chẳng có cách nào khắc phục. Anh chia sẻ: “Có ông chồng nhớ vợ con quá, vì cả tuần trực 24/24 giờ vợ đều phải ở trong trại nên lại đi xe vào thăm vợ con. Vợ, chồng ở cách nhau vài km mà có khi gần nửa tháng cũng chẳng được gặp nhau”.

Tốt nghiệp Trung học Cảnh sát, Đại úy Thủy về công tác tại Trại giam Quyết Tiến (Bộ Công an), sau khoảng 5 năm thì chuyển về Trại tạm giam, Công an tỉnh Yên Bái. Cùng là môi trường trại giam, nhưng ở trại tạm giam có những sự khác biệt rất rõ ràng. Đặc thù của trại giam là quản lý, giáo dục con người hướng thiện. Trong quá trình cải tạo, những phạm nhân này đã nhận thức được hành vi vi phạm pháp luật của họ, hướng thiện để trở về với xã hội, đồng thời cũng là nơi họ rũ bỏ quá khứ lầm lỗi của mình. Ngược lại, ở trại tạm giam, nơi tạm giữ để phục vụ công tác điều tra, các phạm nhân này, có thể có tội cũng có thể không… tâm lý họ chưa ổn định nên có cơ hội là bỏ trốn ngay.

Đại úy Thủy giãi bày: Người mới bị bắt tạm giam trước đó đang tự do, họ có gia đình, nhiều trong số đó cũng có địa vị xã hội… Trong một giây phút, họ mất tất cả nên mất phương hướng và niềm tin vào cuộc sống. Một số trường hợp sau đó đã có suy nghĩ tiêu cực, lo sợ mức án sẽ phải tuyên phạt… trong những lúc như vậy, vai trò của người cán bộ quản giáo, gồm cả quản lý và giáo dục thật vô cùng cần thiết.

Đại úy Thủy kể cho chúng tôi nghe trường hợp của phạm nhân Nguyễn Thị N. (51 tuổi, trú tại Yên Bái), đối tượng trong đường dây mua bán trái phép chất ma túy mà chị trực tiếp cảm hóa, giáo dục. Do hoàn cảnh gia đình, N. mù chữ lại phải kết duyên với người chồng nghiện ma túy nên đã nghe theo lời của kẻ xấu, tham gia đường dây gieo rắc cái chết trắng. Khi các đối tượng trong ổ nhóm lần lượt bị bắt giữ thì N. bỏ trốn… Lệnh truy nã N. sau đó đã được Công an tỉnh Yên Bái phát đi trên toàn quốc. Hơn 18 năm sống chui lủi, N vô cùng mệt mỏi nhưng do tâm lý lo sợ, chị ta vẫn không đến cơ quan Công an đầu thú. Nhưng cuối cùng N. cũng bị bắt giữ. Chưa một lần vào trại nên khi bị bắt, N. suy sụp hoàn toàn… N. khóc lóc rồi chẳng thiết gì ăn uống và cũng không giao tiếp với ai.

Trực tiếp phụ trách buồng giam của N., Đại úy Thủy vô cùng lo lắng, chị tìm cách tiếp cận với N. nhưng không có kết quả, chị ta ngày càng thu mình. Những ngày đó, Đại úy Thủy nhờ chồng chăm sóc gia đình, còn chị ở lại trong trại. Một ngày ba bữa cơm, chị đều đặn mang cơm vào cho N., quan tâm từ bữa ăn đến giấc ngủ cho chị ta. Từ sự bỡ ngỡ ban đầu, N. bắt đầu bộc bạch những suy nghĩ của bản thân: N. day dứt vì chồng chết không được lo tang lễ, không được làm tròn bổn phận của một người vợ. Rồi đứa con trai lớn lập gia đình cũng không được đứng ra lo toan… N. tự nhận rằng đó là quả báo, vì những tội ác do chị ta đã gây ra. Hiểu được những tâm tư của N, Đại úy Thủy thường xuyên gần gửi, tâm sự với N. Mưa dầm thấm lâu rồi N. cũng hiểu ra, thành tâm hối cải mong có được sự khoan hồng của pháp luật. Từ lời khai của N., vụ án mua bán trái phép chất ma túy sau đó tiếp tục được điều tra mở rộng, các đối tượng còn lại tiếp tục bị bắt giữ, đây là đường dây mua bán trái phép chất ma túy lớn nhất địa bàn tỉnh Yên Bái được phát hiện và triệt phá thành công.

Ảnh minh họa.

Không ít phạm nhân nữ, sau khi được cải tạo, giáo dục đã trở thành những công dân có ích cho xã hội. Đối với quản giáo Đặng Thị Hồng Thủy, đó là niềm Thủy phúc vô bờ bến. Chị bảo, trồng cây bao năm chờ một ngày hái quả, cứu được một con người, phúc đẳng hà sa… Lúc ấy, trong khóe mắt của người nữ cán bộ quản giáo tâm huyết với nghề những giọt nước mắt chực trào.

Chị nói với tôi nhưng cũng như tự nhủ với lòng mình: Giờ thì Giàng Thị Mẩy đã có một cuộc sống êm đềm bên gia đình, những chuỗi ngày đen tối rồi cũng qua đi. Nhớ lại những ngày đó, đôi mắt Đại úy Thủy tràn đầy tình yêu thương: Giàng Thị Mẩy (38 tuổi, ở Trạm Tấu), một trong những địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Yên Bái. Những người con gái như Mẩy cả đời vất vả, chỉ biết đến chồng và con… nhưng rồi đùng một cái, chồng Mẩy bị bắt về tội mua bán trái phép chất ma túy để lại cho Mẩy hai đứa con một trai, một gái. Năm ấy, thời tiết khắc nghiệt, cả bản mất mùa nên đời sống của Mẩy càng thêm khó khăn. Nhìn cảnh 2 đứa con nheo nhóc, Mẩy tặc lưỡi làm liều…

Mẩy sau đó đã bị bắt giữ và xử phạt 6 năm tù giam. Song vào thời điểm đó, Mẩy đang nuôi con nhỏ nên được tại ngoại chờ thi hành án. Theo yêu cầu của lãnh đạo đơn vị, Đại úy Thủy được giao nhiệm vụ phối hợp với chính quyền địa phương và các ban ngành, trong khối nội chính thực hiện việc thi hành án. Trèo đèo, lội xuống cả nửa ngày đường, cho đến khi bụng đói mèm, Đại úy Thủy cùng đoàn công tác mới có mặt tại nơi Mẩy sinh sống. Thấy có người lạ, hai đứa con thơ của Mẩy túm lấy váy mẹ khóc ngặt. Bản thân Thủy cũng là một người mẹ, chứng kiến cảnh tượng đấy chị chẳng thể cầm được nước mắt.

Trong suốt quá trình dẫn giải từ Trạm Tấu về TP Yên Bái, Mẩy khóc rất nhiều. Mẩy biết, hành vi phạm tội do chị ta gây ra là không thể tha thứ. Song điều Mẩy day dứt là hai đứa con thơ không có người chăm sóc và nuôi dưỡng. Trong sâu thẳm tâm hồn, Mẩy chị ta không muốn chúng đi vào vết xe đổ của mẹ và cha… Phần động viên Mẩy, phần khác Đại úy Thủy đã thuyết phục anh trai Mẩy đồng ý chăm sóc hai con của Mẩy. Những lời lẽ thấu tình, đạt lý của Đại úy Thủy đã giúp anh trai Mẩy hiểu ra và đồng ý nuôi hai cháu. Khi biết việc này, Mẩy đã yên tâm cải tạo, sau đó sớm được ra trại.

“Không phải phạm nhân nào cũng thuần khiết, nhiều trường hợp còn chửi bởi, lừa dối cán bộ làm nhiệm vụ”, Đại úy Thủy cho biết. Đặc biệt là vào những ngày Tết, ngày nghỉ lễ khi tâm lý phạm nhân, nhất là nữ có những diễn biến bất thường… thường nghĩ nhiều đến chồng và con. Câu chuyện của chúng tôi với Đại úy Thủy chợt bị ngắt quãng bởi cuộc điện thoại gọi đến. Đó là cuộc gọi của một phụ nữ, chị tên là Nguyễn Thị L. (trú tại huyện Văn Chấn, tỉnh Yên Bái), từng là phạm nhân do chị Thủy quản lý và giáo dục. Cuộc đời của người đàn bà này đong đầy nước mắt… nhưng có lẽ ông trời không lấy đi của ai tất cả. Sau cơn mưa, trời lại sáng, giờ đây, chị L. đã có được một cuộc sống an lành. Hơn 30 năm làm vợ, chị L. chưa có một ngày Thủy phúc, cuộc đời của chị là những trận đòn roi của người chồng, sau mỗi lần say rượu. Nhưng “con giun xéo mãi cũng quằn” trong một lần không kiềm chế, chị đã gây ra cái chết cho người chồng. 3 tháng bị giam giữ tại Trại tạm giam Công an tỉnh Yên Bái, chị L. khóc hết nước mắt vì thương con, vì ân hận về hành vi phạm tội do chị gây ra. Những ngày đó, cán bộ quản giáo Thủy là người bạn thân thiết, giúp chị L. vượt qua giai đoạn khó khăn. Mọi chuyện đã qua, quản giáo Thủy động viên chị L. biết hướng tới tương lai, sống tốt và có trách nhiệm với con để người chồng ở nơi suối vàng có thể ngậm cười… Bởi để có cái kết cục như ngày hôm nay, cũng một phần có lỗi từ anh. Ngay tại phiên tòa xét xử, với các tình tiết được giảm nhẹ, chị L. đã được trả tự do ngay tại tòa. Chia tay chúng tôi, Đại úy Thủy tất tả trở lại với công việc, tôi nhìn theo bóng chị, lòng trào dâng một niềm cảm phục

Xuân Mai
.
.
.