Chuyện nữ Anh hùng Công an nhân dân Ngô Thị Huệ, con gái nuôi của cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn

Thứ Hai, 27/01/2014, 15:38

Anh hùng LLVTND Ngô Thị Huệ, một con người như huyền thoại, nữ Anh hùng ưu tú của lực lượng CAND hiện đang sống cùng người chồng tri kỷ, cũng là người bạn, người đồng chí thân thiết trong căn nhà nhỏ trên đường An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Cuộc đời của chị là những chuỗi ngày dài cống hiến cho nhân dân và đất nước, thế nhưng số phận lại quá bất công khi lấy đi của chị quá nhiều thứ, nhất là hậu quả của những trận đòn roi dã man của kẻ thù trong nhà lao đã cướp đi thiên chức làm mẹ của chị. Hạnh phúc cuối đời, là sớm tối được bên cạnh người chồng đồng đội và chăm sóc con cháu là con riêng của chồng, nhưng hơn 40 năm qua chị đã luôn coi như chính con đẻ của mình vậy.

Chị Ngô Thị Huệ năm nay đã bước sang tuổi 72, chị cùng chồng sống giản dị, khép kín tại khu phố An Thượng 5, khiến thời gian dài nhiều người hàng xóm còn không nhận ra đó là nữ tướng anh hùng, bông hoa thép của lực lượng Công an. Trước đây, vợ chồng chị sống ở trung tâm thành phố, nhưng không quen với nhịp sống ồn ã phố thị, hai vợ chồng chuyển về đây an hưởng tuổi già, phần nữa để gần với biển đặng tiện cho việc mỗi sáng, hai vợ chồng lại cùng nhau thả bộ trên bãi cát dài mênh mông, hít thở không khí trong lành và cùng chào đón một ngày mới.

Nữ Anh hùng của những trận đánh

Chị Ngô Thị Huệ, bí danh là Minh Hiệp, sinh ngày 20/12/1942 tại làng Hương Phát, xã Hòa Liên, huyện Hòa Vang (TP Đà Nẵng) trong gia đình giàu truyền thống cách mạng. Khi chị lớn lên, gia đình chị đã là cái nôi nuôi giấu cán bộ cách mạng. 14 tuổi, Ngô Thị Huệ đã là nữ giao liên, thường xuyên dẫn đường cho cán bộ cơ sở, 16 tuổi được gia nhập Đội công tác cách mạng Bắc Hòa Vang. Thời gian này, địch khủng bố gắt gao nên trong một lần để giải nguy cho đoàn cán bộ đang họp tại nhà mình, khi phát hiện địch đến quá bất ngờ, chị đã mưu trí lao ra chuồng trâu thả trâu và la toáng lên chuyện trâu xổng chuồng, nhờ vậy đoàn cán bộ kịp thời tẩu thoát, còn chị và cha ruột thì bị bắt. Hai cha con bị tra tấn dã man, cha chị bị hành hạ đến lòi mắt, mù lòa chúng mới buông tha. Còn chị, sau 6 tháng bị tù đày, chúng chuyển từ nhà lao này đến nhà lao khác, cũng phải thả ra vì không khai thác được thông tin gì.

Từ nhà lao của Mỹ ngụy trở về, chị tiếp tục hoạt động cách mạng. Năm 1959, khi Mỹ thực hiện đạo luật 10/59 về dồn dân vào ấp, chị nghe theo kế hoạch vào ấp chiến lược để nắm diễn biến tình hình, làm sợi dây liên lạc với bên ngoài. Sau đó, trong một lần lên kế hoạc giết tên ác ôn trong ấp, chị Huệ tiếp tục bị bắt, bị tra tấn nhưng giặc không khuất phục nổi ý chí thép của nữ cộng sản tuổi 20. Năm 1969, trong một lần đưa cơ sở về căn cứ huấn luyện, Ngô Thị Huệ bị máy bay ném bom và bị thương rất nặng nên được đưa ra miền Bắc và đưa sang nước ngoài chữa trị. Năm 1971, chị được điều về Bộ Công an công tác, sau đó chuyển về Công an tỉnh Quảng Nam – Đà Nẵng cho đến ngày nghỉ hưu. Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ đã tham gia vào 4 trận đánh lớn, tiêu diệt được 8 tên ác ôn khét tiếng đã gieo rắc bao tội ác kinh hoàng cho nhân dân. Trong thời gian đó, chị cũng đã trực tiếp gây dựng được 27 cơ sở cách mạng, trong đó có 4 cơ sở làm việc trong hàng ngũ của địch, 2 cơ sở tại đồng bào công giáo và 13 cơ sở hoạt động tại vùng nội thành. Với những đóng góp đó, chị đã vinh dự được tặng thưởng nhiều huân, huy chương và danh hiệu Chiến sĩ Thi đua trong lực lượng CAND. Năm 1985, chị Ngô Thị Huệ được Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân thời kỳ kháng chiến chống Mỹ, cứu nước.

Bông hoa lấp lánh giữa đời thường

Nữ Anh hùng Ngô Thị Huệ, hiện đang sống cùng người chồng, người đồng đội trong căn nhà nhỏ ở đường An Thượng 5, phường Mỹ An, quận Ngũ Hành Sơn (TP Đà Nẵng). Chị bảo, trung tâm thành phố ồn ã quá nên hai vợ chồng chuyển về đây để tận hưởng không khí yên tĩnh và cùng nhau dạo bộ trên bãi tắm mỗi chiều. Trên chiến trận, chị là một nữ anh hùng, không ngại khó khăn hiểm nguy gian khổ, song đời thường của chị lại đầy giông gió. Những ngày bị bắt giam và tra tấn tại nhà lao Hiếu Đức (Hòa Vang), chị đã quen với một nữ tù, cũng là nữ cách mạng kiên trung. Cảm mến tấm lòng của nhau, hai người đã kết thân. Một thời gian sau, chị Huệ được chuyển đến nhà lao Hội An nên hai chị em bặt tin nhau, cho đến thời gian chị điều trị tại Hà Nội, như sự sắp đặt sẵn số phận, hai chị em gặp lại nhau khi cùng điều trị trên giường bệnh. Thời gian này, nữ bạn tù của chị đã có người yêu, là anh Trần Viết Trí (SN 1936), anh Trí cũng hoạt động cách mạng từ năm 12 tuổi, thời điểm này được điều chuyển về Ban thống nhất ở Hà Nội, sau làm Giám đốc Bệnh viện E22, nên thường xuyên đến chăm sóc người yêu. Biết hoàn cảnh của chị Huệ, anh Trí cảm thông nên thường xuyên động viên, chăm sóc.

Hai vợ chồng Anh hùng Ngô Thị Huệ - Trần Viết Trí.

Đám cưới của vợ chồng anh Trí, chị Huệ đến dự và chúc phúc. Sau này, khi vợ chồng bạn có hai cậu con trai, khi có dịp chị cũng luôn ghé qua, thăm hỏi đỡ đần. Giải phóng, anh Trần Viết Trí vào Đà Nẵng làm việc tại Ban tổ chức Thành ủy và đón nhận nỗi đau cuộc đời khi vợ đột ngột qua đời. Chị Huệ chia sẻ, nhìn cảnh hai đứa con một lên 9, một lên 10 không bàn tay người mẹ chăm sóc, chị thương vô cùng nên đã tự nguyện chăm sóc hai đứa. Vượt qua những rào cản gia đình và xã hội lúc bấy giờ, hai người đã chính thức nên nghĩa vợ chồng.

Lấy chồng rồi, chị Huệ mới đau đớn biết một sự thật: do những lần bị tra tấn dã man của kẻ thù, chị đã mất đi khả năng sinh nở. Không còn thiên chức của một người mẹ, chị dồn tất cả tình yêu cho hai đứa con riêng của chồng, cũng bởi vậy mà khoảng cách giữa mẹ ghẻ con chồng vốn tồn tại cố hữu trong xã hội lâu nay, đã bị xóa bỏ. Chị coi hai đứa như con đẻ, hai con cũng coi chị như mẹ ruột của mình. Đến nay, cả hai người con đã trưởng thành và có công việc ổn định tại trung tâm thành phố, mỗi đứa sinh cho ông bà hai cháu nội xinh xắn, để rồi mỗi dịp cuối tuần, căn nhà nhỏ của hai vợ chồng lại ngập tràn tiếng cười trẻ thơ.

Anh hùng Ngô Thị Huệ chia sẻ, trong cuộc đời chị may mắn được gặp cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn và Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời gian chị chữa bệnh ở Hà Nội, Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn thường xuyên thăm hỏi, động viên và nhận chị làm con gái nuôi. Trên những chặng đường hoạt động cách mạng của mình cũng như những thành công trong cuộc sống đời thường của chị luôn có bóng dáng của cố Bộ trưởng Bộ Công an.

Cho đến bây giờ, chị Huệ vẫn còn nhớ khoảnh khắc cuộc đời khi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Thời điểm ấy là vào năm 1970, khi chị điều trị gắp mảnh đạn trong đầu, một lần đến nhà bác Hoàn chơi và gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp đang ở đây, chính bác Hoàn đã giới thiệu và kể hoàn cảnh của chị cho bác Giáp nghe, khiến vị Đại tướng của dân tộc rất cảm động lẫn khâm phục tinh thần của người con gái đất Quảng Anh hùng, Người đã ôm chị vào lòng động viên, khích lệ. Sau lần ấy, chị còn có thêm vài lần được gặp Đại tướng, và trong ký ức chị, đó là một con người vô cùng đáng kính.

Thêm một niềm vui nho nhỏ vừa đến, ấy là ngày 28/12/2013, TP Đà Nẵng đã chính thức gắn biển tên đường Võ Nguyên Giáp ngay gần nhà chị, tuyến đường dài hơn 8.000m, chạy song song giữa hai con đường Trường Sa và Hoàng Sa gần nhà chị. Từ đây, mỗi lần bước trên con đường mang tên Đại tướng, chị Huệ lại như đang được gặp lại người. Trở lại với bối cảnh lịch sử cách đây gần 40 năm về trước, năm 1975, khi chị Huệ và anh Trí quyết định về sống với nhau dưới cùng một căn nhà, chính cố Bộ trưởng Trần Quốc Hoàn đã tác duyên và đứng ra làm chủ hôn cho hai người. Những kỷ niệm ấy, đã đi suốt cuộc đời của nữ Anh hùng CAND Ngô Thị Huệ.

Trở về đời thường, chị Ngô Thị Huệ năm nay đã bước sang tuổi 72, trong khi anh Trần Viết Trí đã chạm ngưỡng 80, và đang phải chiến đấu với căn bệnh cao huyết áp, song không vì thế mà tình cảm kém viên mãn. Tôi đã đi nhiều, gặp nhiều câu chuyện tình yêu lãng mạn và cảm động, song ở cái tuổi nói trên nhưng trong mọi hoàn cảnh, kể cả lúc giận nhau hai người vẫn gọi nhau bằng “anh” xưng “em” như vợ chồng Trần Viết Trí – Ngô Thị Huệ thì có lẽ là trường hợp hi hữu. Chị bảo, đã thành thói quen không thể thay đổi, và cả hai người đều thấy thoải mái với cách xưng hô này. Từ nhiều năm nay, kể từ lúc nghỉ hưu, cả hai vợ chồng đều là thương binh nặng, mọi sinh hoạt tại khu dân cư đều được miễn song hai vợ chồng luôn đi đầu trong các phong trào của khu phố. Chính cốt cách và tấm lòng ấy của nữ anh hùng, đã biến chị trở thành tượng đài cao cả, là bông hoa lấp lánh giữa đời thường

Thiên Thảo
.
.
.