Chuyện về những người giải quyết mâu thuẫn ở cửa ngõ Thủ đô

Thứ Năm, 25/07/2013, 15:58

Những đồng chí Cảnh sát khu vực rất nhiệt huyết với nghề, là những cán bộ hòa giải đầy kinh nghiệm có tâm sáng, họ làm chỉ bởi với mục đích duy nhất: Mang lại sự bình yên, hạnh phúc cho cuộc sống mọi người.

Người CSKV chuyên “quản lý” nhà trọ

Đó là Đại úy Đỗ Văn Hải, Cảnh sát khu vực, Công an phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội. Anh Hải cho biết, Phúc Xá là địa bàn ven sông, nằm ở phía Bắc của quận Ba Đình. Đặc thù địa bàn có tuyến giao thông đường thủy nội địa, có chợ Long Biên là chợ đầu mối rau, hoa quả lớn của miền Bắc. Hằng ngày số lượng người đổ về đây đông tham gia các hoạt động kinh doanh, bốc vác, gánh, đẩy hàng hóa, đánh giày… để kiếm sống với số lượng rất lớn. Do vậy các khu vực dân cư trên địa bàn phường nói chung và khu vực dân cư xung quanh chợ Long Biên nói riêng là nơi số người lao động từ các địa phương đến phường Phúc Xá để lưu trú, tạm trú, nhiều gia đình có nhà, tận dụng mọi điều kiện có thể để có nhà cho thuê trọ, từ đó đã gây nên sự phức tạp, khó khăn trong công tác quản lý nhân khẩu, hộ khẩu tạm trú và khách lưu trú trên địa bàn trong những năm qua, ảnh hưởng đến công tác đảm bảo ANTT trên địa bàn.

Tại Hội nghị “Tổng kết 3 năm phát động phong trào toàn dân tham gia quản lý hộ có nhà cho thuê và người đến thuê trọ” do Công an phường Phúc Xá, quận Ba Đình, Hà Nội tổ chức cuối tháng 6/2013, những chia sẻ của Đại úy Đỗ Văn Hải Cảnh sát khu vực tại địa bàn khu dân cư số 3, phường Phúc Xá đã nhận được nhiều sự đồng tình, ủng hộ của các đại biểu tham dự.

Đại úy Hải cho biết, địa bàn anh quản lý vô cùng phức tạp, đặc điểm dân cư trình độ nhận thức không đồng đều, phần nhiều là người ngoại tỉnh, số lượng tù tha đông (75 đối tượng), nhiều đối tượng nghiện. Qua công tác nắm tình hình địa bàn, anh Hải thấy nguyên nhân phức tạp tại địa bàn từ nhiều năm nay và tình trạng tội phạm gia tăng là do các vụ việc mâu thuẫn không được giải quyết dứt điểm, triệt để, còn để dây dưa kéo dài. Nhiều vụ mâu thuẫn nếu không được giải quyết dứt điểm, triệt để thì sẽ dẫn đến các hành vi vi phạm pháp luật, gây mất ANTT, làm cho tình hình trên địa bàn khu dân cư phức tạp lại càng phức tạp hơn, thậm chí cả trọng án có thể xảy ra. Do đó, Đại úy Hải đã trực tiếp điều tra cơ bản trên toàn địa bàn tổng số các vụ mâu thuẫn chưa được giải quyết dứt điểm, phân loại và lên kế hoạch giải quyết không để phức tạp phát sinh thành điểm nóng, hoặc khiếu kiện kéo dài.

Anh Hải cho biết, năm 2012, đầu năm 2013, tình hình suy thoái kinh tế đã tác động ít nhiều đến đời sống xã hội và đã gây ra không ít vụ việc phức tạp về an ninh trật tự xuất phát từ mâu thuẫn, đặc biệt là việc cho vay, vay nợ không có khả năng trả nợ, đối tượng đòi nợ khủng bố, đe dọa con nợ bằng hình thức đổ chất bẩn vào nhà người nợ, các mối quan hệ của người nợ tiền dẫn tới phức tạp tình hình an ninh trật tự.

Đại úy Hải chia sẻ, có vụ mâu thuẫn do vay nợ, đối tượng đòi nợ đến đe dọa khủng bố đổ chất thải bẩn gây bức xúc trong nhân dân và dư luận xấu. Do đó, anh đã chủ động cùng tổ hòa giải khu dân cư đến giải quyết, cử cán bộ cơ sở, bảo vệ dân phòng hằng ngày trực tại trọng hộ mâu thuẫn, đảm bảo an toàn tính mạng và tài sản cho trọng hộ mâu thuẫn. Với sự cố gắng của bản thân, sự phối kết hợp của cán bộ khu dân cư, tổ hòa giải, và được sự đồng tình ủng hộ của quần chúng nhân dân, anh Hải đã chủ động giải quyết cơ bản ổn định triệt để các vụ mâu thuẫn tại địa bàn khu dân cư, đem lại bình yên hạnh phúc cho nhân dân, đảm bảo an ninh trật tự tại một địa bàn từ phức tạp nay trở thành một địa bàn ổn định, được Đảng, chính quyền, nhân dân ghi nhận.

Trung tá Kim Minh Đức, Trưởng Công an phường Phúc Xá cho biết, với địa bàn phức tạp như phường Phúc Xá, thì những Cảnh sát khu vực như Đại úy Hải vô cùng vất vả và phải cực kỳ tâm huyết với nghề. Bởi các anh phải tăng cường công tác quản lý, hướng dẫn số hộ có nhà cho thuê, số hộ và nhân khẩu lưu trú, tạm trú, vận động nhân dân chấp hành đầy đủ các quy định của Luật cư trú và các qui định của Chính quyền địa phương. Lực lượng Cảnh sát khu vực phối hợp với bảo vệ dân phố, dân phòng và cán bộ cơ sở thăm hỏi, tổ chức tuyên truyền trực tiếp, tăng cường kiểm tra các cơ sở kinh doanh, các hộ có nhà cho thuê nhằm vận động nhân dân thực hiện đầy đủ các quy định của pháp luật, qua đó phát hiện các vi phạm để kịp thời uốn nắn và xử lý.

Để những nhà cho thuê không xảy ra những phức tạp, các chiến sỹ CSKV đã phải rà soát theo từng địa bàn khu dân cư, tổ dân phố lập danh sách các hộ có nhà cho thuê. Đối với khách đến thuê trọ, Công an phường thường xuyên phối hợp với cán bộ cơ sở hướng dẫn công dân thực hiện nghiêm túc các quy định về quản lý lưu trú, kiểm tra việc chấp hành các quy định pháp luật của chủ cơ sở và người đến thuê trọ.

Bà tổ trưởng hòa giải đầy kinh nghiệm

Cũng tại Hội nghị hôm đó, bà Nguyễn Thị Hòa – Tổ trưởng tổ hòa giải khu dân cư số 8 phường Phúc Xá đã chia sẻ một số kinh nghiệm thực tế trong nhiều năm công tác. Bà Hòa cho biết, khu dân cư số 8 mà bà gắn bó có bãi giữa phù sa bồi đắp thành khu đất liền kề, thuận lợi cho việc xây dựng phức tạp và cũng là nguồn phát sinh mâu thuẫn. Ngoài ra, trong những năm qua do ảnh hưởng chung của suy thoái kinh tế, nợ xấu, tệ cá độ, vỡ nợ, xù nợ cũng tác động không nhỏ đến nội bộ nhân dân.

Cách đây 3 năm, Công an phường Phúc Xá đã phát động toàn dân tham gia hòa giải và giải quyết mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân, từ đó tổ hòa giải khu dân cư số 8 đã được củng cố và kiện toàn lại, thành viên tổ hòa giải cũng là tổ trưởng dân phố các tổ và Cảnh sát khu vực, hoạt động bài bản tập thể và có hiệu quả cao.

Bà Hòa nhớ như in vụ mâu thuẫn phức tạp có nguy cơ xảy ra trọng án bất cứ lúc nào diễn ra trên khu dân cư bà sinh sống đã lâu, nhưng nhờ có công tác hòa giải mà bà cùng đồng chí Cảnh sát khu vực, các thành viên hòa giải đã giải quyết tốt, được bản thân các gia đình có mâu thuẫn thấy tin tưởng và tôn trọng pháp luật, mâu thuẫn được loại bỏ. Đó là mâu thuẫn xảy ra tại hộ gia đình ông Nguyễn Văn Long, 83 tuổi và bà Lưu Thị Thi, 73 tuổi, trú tại đường Hồng Hà, phường Phúc Xá, Ba Đình. Hai ông bà về ở với nhau không hôn thú, đến năm 2000 họ bán nhà ở phường Trúc Bạch, ra khu xóm bụi bãi pháo hồ Nghĩa Dũng tá túc, mua lại căn nhà thuộc tổ 66. Ông Long trước khi đến cùng sinh sống với bà Thi đã có 6 người con.

Năm 2011, thấy bố tuổi cao, sức yếu nên những người con của ông Long sợ ông chết sẽ mất nhà, nên kéo nhau đến gây sức ép đuổi bà Thi đi. Bà Thi với ông Long nương tựa vào nhau từ năm 2000, hai người rau cháo nuôi nhau suốt thời gian ấy mà con ông Long không hề lai vãng, ông bà sống nhờ sự đùm bọc của bà con làng xóm, tổ dân phố và UBND phường. Khi bị đuổi, bà Thi hoang mang vô cùng, bà lo sợ vì không biết dựa vào đâu, để ai bảo vệ quyền lợi cho mình, trong khi bản thân bà là người tỉnh ngoài (quê Thái Bình), tuổi lại cao…

Trước tình hình đó, bà Hòa đã báo cáo với tổ hòa giải xin ý kiến chỉ đạo của cấp ủy, được khu dân cư phân công các thành viên trong tổ hòa giải đi sâu đi sát, nắm chắc lại nội bộ trong các con của ông Long và tình hình thực tế mà bà con trong xóm biết được, xác định rõ bản chất phát sinh ra mâu thuẫn để giải quyết cho đúng và đạt hiệu quả cao nhất. Sau nhiều lần hòa giải và giải quyết tại tổ cũng như tại gia đình ông Long, hai con của ông Long và ông bà Long – Thi cùng đại diện hàng xóm của ông bà đã ra trụ sở nhà văn hóa khu dân cư để giải quyết hòa giải.

Bà Hòa đã phân tích tình nghĩa của 2 ông bà, sự đùm bọc của hàng xóm cùng việc làm quan tâm của khu dân cư và UBND phường với ông bà cho các con ông Long nghe, cuối cùng mọi người đã hiểu ra và nhìn lại thấy những hành động và lời nói của mình là không đúng nên đã xin lỗi. Các con ông Long đã đề xuất với tổ, khu dân cư và UBND phường cho tu sửa, ngăn đôi căn nhà đó, từ đó mâu thuẫn chấm dứt. Từ chỗ tuyệt vọng không tin ai, nay bà Thi đã yên tâm và luôn tin tưởng vào chính quyền sở tại.

Cũng tại thời điểm giải quyết tranh chấp này thì một hộ gia đình khác ở Nghĩa Dũng cũng xảy ra phức tạp. Đó là gia đình anh Nguyễn Văn Mạnh, do làm ăn thua lỗ, cá độ bóng đá đã phải bán nhà để trả nợ. Vì mâu thuẫn tranh chấp đất đai của những người mua bán nên đã từng xảy ra va chạm, bà Hòa cùng với khu dân cư, Mặt trận Tổ quốc tập trung giải quyết, ngăn chặn kịp thời không để xảy ra trọng án vì đã có một số thanh niên đến đe dọa gây xôn xao trong cộng đồng. Vì kịp thời giải quyết mâu thuẫn nên sự việc này đã được hòa giải một cách êm đẹp, đạt kết quả cao, trả lại sự bình yên cho tổ dân phố. Bà Hòa cho biết, chính bởi những nỗ lực và tâm huyết của tổ hòa giải mà mâu thuẫn trong nội bộ nhân dân năm sau giảm hơn năm trước. Ví như năm 2010 xảy ra 9 vụ, năm 2011 xảy ra 6 vụ, năm 2012 xảy ra 4 vụ, từ đầu năm 2013 đến nay chỉ xảy ra 1 vụ, và tất cả những vụ đó đều được giải quyết tốt, bởi các tổ cũng có thành viên tổ hòa giải là các cán bộ cơ sở…

Với một địa bàn phức tạp như phường Phúc Xá của quận Ba Đình, thì những chiến sĩ Cảnh sát khu vực, cán bộ hòa giải là thực sự cần thiết và vô cùng quan trọng để cuộc sống người dân được êm đẹp. Chính bởi những việc làm tốt đẹp và sự nhiệt huyết, nỗ lực của những người “chuyên” giải quyết mâu thuẫn mà đời sống người dân đã bình yên, mô hình này cũng đã được nhân rộng trên nhiều địa bàn và gây tiếng vang rộng khắp…

Minh Hà
.
.
.