Có một cảnh sát Pháp như thế!

Thứ Bảy, 16/05/2020, 07:03
Marcel Guillaume (1/10/1872 - 10/2/1963) được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở xã Épernay, tỉnh Marne, thuộc nước Pháp. Người thường được mệnh danh là thám tử giỏi nhất lịch sử nước Pháp này lại không bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành cảnh sát. Trái lại, thời trẻ ông làm nghề bán tạp hoá, rồi phục vụ trong quân ngũ một vài năm trước khi lên Paris lập nghiệp.


Dẫu không được nhiều bạn đọc người Việt Nam biết đến vì nhiều lý do khác nhau, nhưng tiểu thuyết gia người Bỉ, ông Georges Simenon (13/2/1903 - 4/9/1989) lại luôn xuất hiện trong danh sách những nhà văn trinh thám xuất sắc nhất mọi thời đại của thế giới. 

Trong số hơn 500 cuốn tiểu thuyết và truyện ngắn mà Georges Simenon sáng tác bằng tiếng Pháp, độc giả nhớ nhất nhân vật thám tử JulesMaigret. Thế nhưng, câu chuyện đằng sau hình mẫu của JulesMarcel - thám tử Marcel Guillaume - cũng thú vị không kém những tiểu thuyết do Georges Simenon sáng tác.

Chỉ cần một đống báo cáo kế toán là Marcel Guillaume có thể phá giải những vụ án rắc rối nhất.

Marcel Guillaume (1/10/1872 - 10/2/1963) được sinh ra trong một gia đình trung lưu ở xã Épernay, tỉnh Marne, thuộc nước Pháp. Người thường được mệnh danh là thám tử giỏi nhất lịch sử nước Pháp này lại không bắt đầu sự nghiệp của mình trong ngành cảnh sát. Trái lại, thời trẻ ông làm nghề bán tạp hoá, rồi phục vụ trong quân ngũ một vài năm trước khi lên Paris lập nghiệp. 

Qua nhiều chìm nổi truân chuyên, cuối cùng chàng thành niên ấy cũng lấy vợ để "an cư lạc nghiệp". Bố vợ của Guillaume, khi đó là uỷ viên cảnh sát Paris, đã chân thành khuyên chàng con rể của mình hãy tham gia ngành cảnh sát. Đấy chính là lời khuyên đáng giá nhất trong cuộc đời của Guillaume.

Chắt gái của Marcel Guillaume đã mô tả về người cụ cố kính yêu của mình bằng những dòng hết sức chân thành thế này: "Mẹ tôi thường kể lại rằng, cụ Marcel lúc nào trông cũng đáng sợ… Bao giờ trên bàn làm việc của cụ cũng có một mô hình thu nhỏ của cái máy chém. Cụ thường đưa nghi phạm vào văn phòng của mình để thẩm vấn. Cụ Marcel không nói gì, chỉ phì phèo điếu thuốc lá rồi nghịch cái mô hình máy chém vô tri vô giác kia. Thế nhưng, tên tội phạm nào cũng chỉ vì quá khiếp sợ "cái vía" của cụ mà rồi ngoan ngoãn khai ra bằng hết hành vi phạm tội của mình!".

Chỉ trong vòng vài năm mà Guillaume đã được thăng hàm liên tiếp vì những chiến công đặc biệt xuất sắc của mình. Thế rồi vào năm 1928, ông được bổ nhiệm làm Trưởng phòng Hình sự 1, đơn vị chuyên xử lý những vụ án rắc rối nhất mà Sở Cảnh sát Paris nhận được. Và trong những năm giữa hai cuộc đại chiến thế giới, xã hội Pháp chịu sự khủng hoảng trên mọi mặt, thế nên những vụ án như thế không bao giờ là "của hiếm" cả. Điểm đặc biệt không chỉ là Guillaume đã giải quyết hết được các vụ án, mà còn là cái cách ông sáng tạo ra môn khoa học tội phạm tài chính để hóa giải chúng.

Vụ án đầu tiên làm nên tên tuổi Guillaume xảy ra vào năm 1933. Một người đàn ông tên là Jean-Baptiste Noziere chết vì ngộ độc thuốc chống thiếu máu, còn vợ anh ta thì may mắn sống sót trong gang tấc. Mọi nghi ngờ đổ về vị bác sỹ Deron, người trước đó đã kê đơn thuốc. Ấy vậy nhưng khi cảnh sát tổ chức điều tra thì mới phát hiện ra một sự thật, rằng: tại Paris không hề có bất kỳ một bác sỹ nào mang cái tên đó. 

Ngay lập tức, Sở Cảnh sát Paris rơi vào bế tắc cho đến khi Guillaume vào cuộc. Vị thám tử đã phát hiện ra cả nhà Noziere bị mắc bệnh thiếu máu bẩm sinh và vợ chồng họ chưa một lần nào gặp gỡ bác sỹ Deron mà chỉ thông qua con gái của mình, Violette Noziere, để lấy thuốc mà thôi.

Sau đó, Guillaume đã làm một việc khiến các đồng nghiệp của mình đều ngạc nhiên. Đó là việc ông ghé thăm các cửa hàng mà Violette thường xuyên qua lại. Từ hiệu thuốc, ông biết được rằng Violette thường xuyên mua Barbiturat, một loại thuốc an thần có thể trở nên cực độc ở liều lượng lớn.

Từ các cửa hàng thời trang, ông biết được rằng ngay trong buổi sáng sau ngày bố mình mất, Violette đã mua không biết bao nhiều là quần áo hàng hiệu. Và, từ bến tàu, ông biết được rằng cô con gái nhà Noziere đã mua một chiếc vé phà từ Pháp sang Anh. Guillaume đã may mắn bắt được Violette trước khi cô ta kịp chạy trốn và kết án cô tội giả danh bác sỹ Deron để đầu độc bố mình bằng Barbiturat nhằm chiếm đoạt tài sản. Vụ án gây chấn động Paris kết thúc với việc Violette Noziere nhận mức tù chung thân.

Ngoài vụ án nhà Noziere, Guillaume còn tham gia điều tra nhiều kẻ giết người nữa, mà tiêu biểu là tên sát nhân hàng loạt Henri Landru. Từ năm 1915 đến 1919, Henri Landu đã giết chết 11 người phụ nữ khác nhau mà hắn làm bạn tình. Tuy cảnh sát không gặp khó khăn gì trong việc bắt giữ Hendri Landru, cuộc chiến tranh thế giới thứ nhất vừa mới xảy ra khiến quá trình điều tra của họ gần như là không thể.

Guillaume đã phải mất tới hơn một năm để tìm kiếm tài liệu và phỏng vấn nhân chứng để có thể xây dựng được không chỉ phương pháp giết người của Henri Landru, mà còn là cách hắn tẩu tán tài sản của các nạn nhân. "Chìa khoá" của vụ án chính là "công thức" gây án của Henri được Guillaume rút ra từ việc nghiên cứu những vụ lừa đảo doanh nghiệp mà hắn gây ra từ trước thời chiến.

Marcel Guillaume (giữa) bên các đồng nghiệp của mình.

Ngay từ thời đó, giới cảnh sát Pháp đã biết trân trọng phương pháp điều tra án kinh tế của Guillaume. Ông không chỉ tập trung vào các bằng chứng thu được tại hiện trường, mà còn hướng sự chú ý đến lịch sử kinh doanh, thói quen tiêu dùng, v.v… của đối tượng. Vị thám tử hiểu rằng, cái cách mà một con người làm và tiêu tiền có thể tiết lộ nhiều điều về  nhân vật đó, kể cả động cơ và phương thức gây án. Sự đúng đắn của cách tiếp cận này được khẳng định không đâu rõ hơn trong vụ lừa đảo Alexandre Stavisky.

Alexandre Stavisky là một người Pháp Do Thái gốc Nga làm nghề kinh doanh cầm đồ. Trong những năm của thập niên 1920, hắn ta làm giàu bằng cách bán các chứng khoán vô giá trị bằng mức giá "cắt cổ" với lời nói dối rằng những cổ phiếu này được bảo đảm bởi "ngọc quý của hoàng gia Đức" mà thực ra chỉ là một mớ thủy tinh rẻ tiền. 

Tuy có nhiều người nhìn ra được trò lừa bẩn thỉu của Alexandre, nhưng hắn có quan hệ với cả giới chính trị lẫn tội phạm ở Pháp. Lần đầu tiên có người kiện hắn ra toà, vụ kiện phải dừng lại vì viên quan tòa bị ám sát bằng cách chặt đầu. Bản thân ngành cảnh sát cũng bó tay trước Alexandre Stavisky vì tại thời điểm đó, tội phạm tài chính là một hình thức tội phạm rất mới, cảnh sát hoàn toàn không có một chút vốn kiến thức nào cả.

Tuy đã hạ quyết tâm đối mặt với Alexandre Stavisky và cả một tập đoàn tội phạm sau hắn, Guillaume vẫn phải đứng trước một trở ngại không nhỏ. Đó là ông không hề có kiến thức nào về ngành chứng khoán cả! Do vậy, Guillaume phải dành nhiều tháng liền để vùi đầu vào việc đọc báo; nghiên cứu sách vở, nói chuyện với các chuyên gia và lảng vảng quanh sàn chứng khoán Paris… để có được một vốn kiến thức cơ bản về cái cách thị trường cổ phiếu hoạt động.

Thế rồi cuối cùng thì công sức của Guillaume cũng không uổng phí khi mà vị thám tử và các cộng sự qua nghiên cứu sổ sách kế toán đã phát hiện ra hành vi tiếp tay cho các Bộ trưởng Pháp đương thời biển thủ ngân khố của Alexandre Stavisky. Số tiền mà hắn ta và đồng bọn chiếm dụng được lên đến 107 triệu Franc, biến đây thành vụ án đắt giá nhất đương thời.

Tuy Alexandre đã tự sát trước khi bị bắt (có một số tin đồn rằng hắn bị các quan chức Pháp ra lệnh thủ tiêu), phương pháp của Guillaume có cơ hội trở nên được biết đến nhiều hơn. Trong khi báo chí ca ngợi vị thám tử như một vị anh hùng, ngành cảnh sát quốc tế bắt đầu học tập phương pháp điều tra án kinh tế của Guillaume. Trên một phương diện nào đó, có thể coi Marcel Guillaume như là "cha đẻ" của ngành tội phạm kinh tế học hiện đại và đã góp phần đưa ra pháp luật một số tên tội phạm thông minh và nguy hiểm nhất mọi thời đại lúc bấy giờ.

Sau khi nghỉ hưu, Marcel thành lập một văn phòng thám tử tư và tiếp tục làm việc cho đến khi mất năm 1963. Nhân dịp này, nhà văn Georges Simenon viết một bài điếu văn cho vị thám tử đăng trên tờ Le Figaro với những lời chân thành như sau: "Tôi và Marcel làm bạn nhiều năm rồi, nhưng lần đầu tiên và cũng là dịp may cuối cùng tôi uống rượu với ông khi sở cảnh sát mở tiệc mừng ngài ấy nghỉ hưu. Tôi còn nhớ rõ Marcel đã nói những lời sau với riêng mình: "Chán thật đấy! Năm nay mình mới 55 tuổi, vừa mới quen việc thì đã phải nghỉ hưu. Ước gì mình được làm thám tử mãi thôi!". Guillaume đã làm đúng như lời mình nói. Marcel đã có thể dành những năm tháng cuối đời để tận hưởng kỳ nghỉ dài mà ông xứng đáng nhận được, thế nhưng đến khi trút hơi thở cuối cùng, ông ấy vẫn chưa hề một ngày nào từ bỏ nhiệm vụ bảo vệ người dân cả. May mắn sao, khi mà cuộc đời này còn có những cá nhân như Marcel khiến chúng ta có cơ may để mà nhận ra một giá trị của sự thật rằng: không cần phải "chạy" vào tiểu thuyết mới có thể tìm được người anh hùng cao cả của mình làm gì cả!".

Lê Công Hội (tổng hợp)
.
.
.