Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng:

Cuộc đời gắn với những chiến công thầm lặng trên cao nguyên Langbiang

Thứ Sáu, 21/11/2014, 14:00

Tiếng chim hót vang trong rừng thông sớm mai, buổi sáng mùa thu TP Đà Lạt se lạnh càng thêm ý nghĩa khi trong khuôn viên của Nhà nghỉ dưỡng Minh Tâm Bộ Công an, chúng tôi có dịp được chứng kiến cuộc hội ngộ đầy cảm động giữa Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng với đồng đội của anh. Trong câu chuyện của họ, dường như những trận chiến đầy mưu trí, dũng cảm, rồi cách thức vận động, thu phục không ít người con của buôn làng Tây Nguyên lầm đường, lạc lối theo Fulro trở về hòa nhập với cộng đồng, thành người có ích cho xã hội vẫn còn tươi mới như ngày hôm qua.

Cuộc đời gắn với những chiến công thầm lặng trên cao nguyên Langbiang xinh đẹp, Đại tá Nguyễn Đức Hiệp đang được đề nghị phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

Cuộc chiến đấu chống Fulro đầy cam go, khốc liệt, bảo vệ thành quả cách mạng, góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh, trật tự tại địa bàn các tỉnh Tây Nguyên đã phần nào được tái hiện qua sự trải lòng của Đại tá Nguyễn Đức Hiệp và những người một thời cùng chiến tuyến chống Fulro như Thượng tá Phan Tất Chí, Phó trưởng Phòng An ninh chính trị nội bộ Công an tỉnh Lâm Đồng; Đại úy Phạm Văn Bốn, nguyên cán bộ Phòng Bảo vệ chính trị. Trong câu chuyện của họ, chúng tôi còn thấy đậm nét hình ảnh của Đại tá Nguyễn Văn Độ, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (thời chống Fulro là Trưởng phòng Bảo vệ chính trị - PV) và Đại tá Bùi Văn Sơn, đương chức Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, những người cùng "vào sinh ra tử" trên trận tuyến chống Fulro. 

Câu chuyện của những "người lính đặc nhiệm" chống Fulro đưa chúng tôi trở về những năm sau giải phóng 1975. Khi ấy, hoạt động của bọn Fulro và các tổ chức nhen nhóm phản động ở Lâm Đồng rất phức tạp, gây khó khăn cho chính quyền cách mạng mới thành lập trong việc giữ vững an ninh, trật tự, ổn định đời sống kinh tế, xã hội cho nhân dân, nhất là trong vùng đồng bào dân tộc thiểu số. Phòng Bảo vệ chính trị Công an tỉnh Lâm Đồng lúc đó có 1 đơn vị chuyên đấu tranh với bọn phản động lợi dụng đồng bào dân tộc thiểu số để chống phá Đảng và Nhà nước. Tất cả anh em trong đội chống Fulro tuổi đời còn rất trẻ nhưng rất đoàn kết, thương yêu nhau như anh em trong gia đình. Và người Đội trưởng chống Fulro khi ấy là anh Nguyễn Đức Hiệp .

Đại tá Nguyễn Đức Hiệp nhớ lại, trước tình hình phức tạp do Fulro và các thế lực xấu gây ra, tháng 12/1979, Đại tá Hiệp khi ấy tròn 25 tuổi đời, tràn đầy nhiệt huyết được Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an) điều về công tác tại Ty Công an Lâm Đồng. Bước vào trận tuyến chống Fulro đầy bỡ ngỡ, qua học kinh nghiệm từ lớp lãnh đạo, cán bộ đi trước, ham học hỏi công tác nghiệp vụ, học tiếng dân tộc thiểu số và tìm hiểu phong tục, tập quán của đồng bào, từ một trinh sát, anh Hiệp sớm được "tôi luyện trong mẻ thép", trở thành cán bộ xuất sắc, cùng đồng đội lập nhiều chiến công vang dội, giáng nhiều đòn mạnh góp phần làm tổ chức Fulro dần dần tan rã, anh đã được cấp trên bổ nhiệm làm Đội trưởng.

Đại tá Nguyễn Đức Hiệp, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng (người đứng thứ 2 từ trái sang) cùng anh em trong Đội chống Fulro - ảnh chụp năm 1981.

Trong 3 năm đầu công tác, cùng với lực lượng trinh sát của đơn vị, Công an các địa phương triển khai, thực hiện tốt công tác phát động phong trào quần chúng bảo vệ an ninh Tổ quốc vùng đồng bào dân tộc thiểu số, với phương châm "ba cùng" - cùng ăn, cùng ở, cùng làm, anh Hiệp và đồng đội đã "ba cùng" tại cơ sở, tuyên truyền, vận động già làng, người có uy tín, thân nhân số Fulro ngoài rừng tích cực bắt, vận động đối tượng ra đầu hàng, giữ bình yên cho mỗi buôn làng. Đại tá Nguyễn Đức Hiệp cho biết, kết quả, tính riêng từ năm 1979-1981, lực lượng Fulro nằm vùng bị ta phát hiện, bóc gỡ 3.113 cơ sở, truy quét, diệt 386 tên, bắt sống 141 tên, kêu gọi 916 tên ra hàng; thu 584 khẩu súng và 15.350 viên đạn các loại.

Một trong những chiến công vẫn được Đại tá Hiệp và đồng đội nhắc tới, coi như đó là một trong những chiến công mở màn, có ý nghĩa quan trọng đó là vào năm 1981, khi ấy, Đại tá Hiệp được giao chỉ huy tổ công tác cắm chốt tại Păng Tiêng, huyện Lạc Dương vừa làm công tác dân vận, vừa phát hiện, tiêu diệt, kêu gọi đầu hàng số Fulro còn trốn trong rừng. Trong những trận đánh lớn phải kể đến chuyến đi vượt hơn 50km đường rừng, bí mật tiếp cận căn cứ địch, tiêu diệt tại chỗ 1 tên, kêu gọi 9 tên ra đầu hàng, làm mất chỗ dựa cho Trung ương Fulro tại Lâm Đồng.  Hay tháng 7 năm 1994, Đại tá Hiệp đã chỉ đạo vận động thành công đối tượng Tou Nét Đen, Đại tá Fulro cùng vợ con ra hàng, thu 1 súng M18 và 18 viên đạn...

Trong ký ức của nhiều người đã từng công tác tại địa bàn Tây Nguyên, năm 1983, tại vùng Păng Ting, Đạ Nghịt, thuộc xã Lát, huyện Lạc Dương, Lâm Đồng có không ít thanh niên dân tộc đã bị một số đối tượng kích động kéo ra rừng, theo Fulro hàng loạt. Thời bấy giờ, giao thông đi lại cực kỳ khó khăn, không có đường xe đi, tổ công tác phải đi bộ băng rừng hàng tiếng đồng hồ giữa bốn bề rừng núi mới đến được buôn làng toàn người dân tộc.

Chẳng biết anh Hiệp mày mò học tiếng dân tộc thiểu số từ khi nào, vậy mà khi vừa đặt chân đến  buôn, anh đã chào hỏi, trò chuyện với dân làng như người con của buôn làng về nhà vậy. Mọi rào cản đã được xóa nhòa, sự thân thiện lộ rõ trên mặt già làng, những người có uy tín và bà con trong buôn. Và ngay tối hôm đó, bà con lục tục kéo đến rất đông tham dự cuộc họp do tổ công tác và già làng tổ chức. Tại buổi họp đó, già làng thông báo với bà con về việc tổ công tác của Công an tỉnh Lâm Đồng xuống ở với buôn làng để giữ gìn an ninh, vận động bà con tạo mọi điều kiện thuận lợi cho tổ công tác. Sau bữa đó, bà con đã làm nhà cho tổ công tác ở tại giữa buôn để tiện sinh hoạt và công tác.

Đại tá Nguyễn Đức Hiệp (người đứng thứ 3 từ trái qua) với đồng đội và tác giả bài viết.

Tình quân dân thắm thiết đã giúp Đại tá Nguyễn Đức Hiệp và đồng đội có thêm nhiều kỷ niệm, nhiều bài học về công tác dân vận, thấm nhuần lời dạy của Bác Hồ kính yêu, có nhân dân giúp thì việc gì cũng thành công. Trở lại câu chuyện ở huyện Lạc Dương, một tuần sau buổi họp, tại căn nhà mới đơn sơ mái tranh, vách nứa vừa được bà con trong buôn dựng lên ấm áp tình quân dân đã diễn ra buổi cúng nhà mới với những nghi lễ trang trọng.

Tất cả người trong buôn tập trung đông đủ, người mang bắp, người mang gạo, người mang gà, rượu đến, để chứng kiến già làng K'kron tuyên bố làm lễ cúng Yang, cúng nhà mới, công nhận cán bộ Hiệp từ này chính thức là người con của đồng bào dân tộc Păng Ting. Già làng đặt tên cho anh là K'Hiếp (già làng đặt tên cho một người thân thiết nhất của buôn làng - PV), sau đó làm lễ cắt máu ăn thề. Có lẽ đó là một trong những hình ảnh cảm động nhất mà suốt đời anh Hiệp không thể nào quên.

Sau này, nhiều năm sống với đồng bào, họ đã tín nhiệm, gọi anh là "ông già DămJoang "- người cao lớn nuôi giữ, bảo vệ buôn làng. Từ đó, công việc của tổ công tác Công an Lâm Đồng cũng thuận lợi hơn. Anh Hiệp là chủ công mũi nhọn, cùng anh em đã tranh thủ già làng vận động, kêu gọi được số thanh niên chạy ra rừng theo Fulro trở về buôn làng. Và tiếng cười đã vang lên trong những ngôi nhà bấy lâu nay vắng bóng những người trót lầm đường lạc lối, nay có tổ công tác về vận động, họ đã xây dựng một cuộc sống mới ngay chính ngôi nhà của mình, ngay trên mảnh đất buôn mình mà không còn cảm giác lo âu, sợ hãi nữa...

Những ngày ở cơ sở, được dân tin yêu, việc gì họ cũng gọi anh Hiệp tư vấn, giải quyết. Anh Hiệp vừa cười sảng khoái vừa kể tên những đôi nam nữ đã được anh xe duyên tại các buôn với thủ tục đơn giản là đeo còng (vòng tay) đính ước trước mặt già làng và gia đình. Rồi vợ chồng xích mích nhau, "cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt" cũng tìm đến già K'Hiếp nhờ hòa giải. Giờ thì mỗi khi anh Hiệp về các buôn làng đều được bà con chào đón nồng nhiệt như người nhà.

Có những mùa bắp đến, trẩy mẻ bắp đầu tiên, có người dân lặn lội hàng trăm km xuống TP Đà Lạt chỉ để biếu già làng K'Hiếp. Sau khi đưa khách quý đi thăm thú Đà Lạt, biếu họ những món quà nho nhỏ, lần nào cuộc chia tay giữa bà con với anh Hiệp cũng bịn rịn, quyến luyến bởi mối thâm tình qua thời gian giữa cán bộ Công an nằm vùng ngày xưa với bà con vẫn ngày càng bền chặt.

Trong câu chuyện của mình, tuyệt nhiên, Đại tá Nguyễn Đức Hiệp không hề nói gì về cuộc sống riêng gia đình của anh. Nhưng qua tìm hiểu, có không ít người đã nói với tôi rằng, bôn ba chinh chiến khắp núi rừng Tây Nguyên mà anh dường như quên mất hạnh phúc của riêng mình, phải chăng vậy mà mãi gần 40 tuổi anh Hiệp mới kết hôn. Vậy nên, khi anh nghỉ hưu thì con cái vẫn còn nhỏ. Giờ thì trong ngôi nhà của anh ngoài niềm vui gặp gỡ đồng đội với những câu chuyện không dứt về cuộc chiến chống Fulro, trăn trở cả khi còn đương chức Giám đốc đến khi nghỉ hưu với những quyết sách, ý tưởng làm thế nào cùng đồng đội giữ vững ổn định an ninh Tây Nguyên, trong anh vẫn đọng một nỗi buồn sâu thẳm. Người vợ thân yêu sau một vụ tai nạn giao thông đã nằm liệt, giờ chị sống nhờ cả vào hơi ấm bàn tay và sự chăm sóc của chồng con.

Hoàn cảnh riêng ấy, anh càng không muốn cho ai biết tới, nhiều năm liền vẫn lặng lẽ cống hiến cho đời, tiếp nối truyền thống của các thế hệ lãnh đạo và cán bộ, chiến sỹ đi trước, đưa đơn vị Công an tỉnh Lâm Đồng xây dựng và phát triển, vinh dự nhận Cờ thi đua xuất sắc do Chính phủ tặng năm 2010. Cùng với các thế hệ lãnh đạo Công an tỉnh, Đại tá Nguyễn Văn Hiệp đã đóng góp xứng đáng vào thành tích chung của Công an tỉnh Lâm Đồng - đơn vị vinh dự được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Hồ Chí Minh lần 2 (năm 2012); Huân chương Chiến công hạng ba (năm 2010) và Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ (năm 2009, năm 2011)…

Từ khi là trinh sát an ninh, năm 1979, đến năm 2010 được bổ nhiệm Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, với những chiến công, thành tích đã đạt được, cá nhân Đại tá Nguyễn Đức Hiệp đã nhận được nhiều phần thưởng cao quý do Đảng, Nhà nước, Bộ Công an trao tặng như Huân chương chiến công các hạng nhất, nhì, ba; Huân chương Bảo vệ Tổ quốc hạng nhì, hạng ba. Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ, Bộ Công an, của các bộ, ngành và UBND tỉnh Lâm Đồng…

Cuộc đời gắn với buôn làng Tây Nguyên, với loài hoa cúc quỳ nở vàng ruộm khắp triền núi, ven đường khi thu về, Đại tá Nguyễn Đức Hiệp đã sống, chiến đấu hết mình, hy sinh nhiều hạnh phúc riêng tư, lặng lẽ cống hiến, lặng lẽ tỏa hương với những chiến công cùng đồng đội chống Fulro đi vào huyền thoại trên cao nguyên Langbiang

Anh Hiếu
.
.
.