“Đại bàng”giữa trời Tây Nguyên

Thứ Tư, 24/09/2014, 15:46

Vầng trán cao, dáng người đậm chắc, từng bước đi rắn rỏi, lanh lẹ, tướng Trịnh Lương Hy (Ba Hy) vẫn toát lên cái vẻ oai dũng như ngày cầm quân đánh đuổi FULRO và dẹp loạn trên địa bàn Tây Nguyên. Nhiều năm trôi qua, gánh trên vai trọng trách nặng nề của một Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, phụ trách phía Nam, ông có thể quên những gì thuộc về mình, nhưng ông nhớ chi tiết từng trận chiến cân não, căng thẳng liên quan đến sự ổn định, an ninh của đất nước. Vị tướng ấy, như cánh đại bàng vùng vẫy giữa đại ngàn, khiến những tên cầm đầu phản động phải cúi đầu khuất phục.

Cuộc chiến thời bình

Tôi lặng yên ngồi nghe ông kể, từng chi tiết, từng câu chuyện dẫu qua nhiêu năm nhưng vẫn còn nóng hổi, vẹn nguyên như mới ngày hôm qua. Bởi lẽ, một phần ở chất giọng của một vị tướng, trầm hùng, khẳng khái. Từng nổi danh ở miền đất lạnh, sương mù (Lâm Đồng) trong việc trấn áp FULRO từ những năm 80 của thế kỷ XX, Trung tướng Trịnh Lương Hy là cái tên được nhắc đến nhiều nhất trên đại ngàn Tây Nguyên với những cuộc đấu sức, đấu trí kinh hoàng cùng bọn phản động lưu vong. Ông mở đầu câu chuyện về Tây Nguyên với vụ gây rối tháng 4 năm 2004.

Thời điểm đó, một số đối tượng FULRO lưu vong lại tiếp tục ra sức kích động lôi kéo đồng bào dân tộc thiểu số, tổ chức một cuộc biểu tình quy mô lớn đòi thành lập nhà nước Đề ga. Qua nguồn tin trinh sát, chúng sẽ tổ chức ba mũi tấn công vào Buôn Ma Thuột. Một là từ huyện Cư Mgar kéo về khoảng 8 đến 10 ngàn người. Hướng thứ hai là từ các buôn của huyện Lắk, Krông Ana theo Quốc lộ 27 lên cầu Ea Tiêu. Mũi thứ ba từ Đắk Min (Đắk Nông ngày nay) qua cầu 14 kéo xuống khoảng 5 ngàn người. Các buôn trong trung tâm thành phố dự kiến sẽ có trên 10 ngàn người hòa vào các đoàn biểu tình từ ba hướng chính để nổi dậy, chiếm Buôn Ma Thuột.

Từ TP Hồ Chí Minh, Ba Hy nhận lệnh của lãnh đạo Bộ điều động lên Tây Nguyên. Ba Hy có mặt ở Buôn Ma Thuột, thấy tình hình rất căng. Ông đề nghị với Bộ Công an chi viện thêm lực lượng, các tỉnh Phú Yên, Lâm Đồng, Bình Phước, Khánh Hòa... Yêu cầu chỉ đạo của cấp trên là không được trấn áp quần chúng mà phải kiên trì vận động không để bọn phản động kích động quần chúng tụ tập ở thôn, buôn. Từ thôn phải giữ không cho kéo lên xã, từ xã không cho lên huyện, từ huyện ngăn không cho lên thành phố. Bằng mọi giá phải ngăn chặn.

Sáng 10/4, Ba Hy họp mặt chỉ huy một lần nữa để xuống địa bàn. Tuy nhiên, đến sáng thì tình hình đã thay đổi nhanh đến chóng mặt, các lực lượng biểu tình đã kéo ra đường. Lúc này, Ba Hy đi với hai trợ lý là Trung tá Phan Cương (nay là Đại tá đã nhỉ hưu) và Trung tá Vũ Thanh Hà (nay là Thiếu tướng, Phó Chánh văn phòng Bộ Công an). Xe Ba Hy đi xuống cầu Ea Tiêu, sau đó ông nhận định, mũi tiến công trọng điểm là Cư Mgar. Các lực lượng chốt chặt vòng ngoài vành đai, bằng mọi giá không cho đoàn người vào Buôn Ma Thuột. Ba Hy giao cho Trung tá Hà đề xuất với đồng chí Nguyễn Văn Lạng, Chủ tịch UBND tỉnh Đắk Lắk chỉ đạo các lực lượng kiên quyết chốt chặn, không để bọn phản động FURLO kích động quần chúng vượt qua cầu Ea Tiêu kéo về Buôn Ma Thuột để biểu tình, gây rối.

Ông quay về Cư Mgar để chỉ huy mũi chính. Khoảng 8 -9 giờ sáng, đồng bào ầm ầm kéo về chật cứng đường, tắc nghẽn giao thông. Đội quân chạy xe máy cày đi trước. Họ vác gậy gộc, dao, rựa, đá… hùng hổ như vũ bão. Ba Hy ra lệnh cho lực lượng vận động quần chúng nhưng bà con bị bọn phản động kích động, còn tấn công lại lực lượng chức năng. Trước tình hình này, lực lượng Cảnh sát phải lùi lại, càng lùi thì đoàn biểu tình càng đuổi theo.

Ba Hy nhảy khỏi xe, cho tài xế lái xe chạy trước kẻo sợ đoàn biểu tình đập phá. Ông là người chạy sau cùng, phía sau hàng loạt gạch, đá, cây gậy phi theo như mưa. Lực lượng rút tới ngã tư Phan Chu Trinh thì Ba Hy ra lệnh dừng lại, dàn đội hình dùng cự mã, thép gai ngăn cản. Một loạt xe cứu hỏa quay đuôi làm hàng rào chắn. Đoàn người với khoảng 500 thanh niên cầm gậy gộc, ná… phía sau là hàng trăm chiếc máy cày chở theo quần chúng, không ngừng rồ ga húc ủi, quyết liệt tấn công lại.

Bằng mọi giá phải thực hiện ý kiến của lãnh đạo Bộ, không để đoàn biểu tình kéo lên thành phố. Dùng cán bộ người dân tộc thiểu số đứng ra kiên trì vận động, thuyết phục bà con về nhà, các, ban, ngành, đoàn thể cũng vào cuộc vận động. Song song với đó, áo dụng biện pháp nghiệp vụ với số đối tượng cầm đầu đoàn biểu tình, tách chúng ra khỏi khối quần chúng nhân dân.

Vũ khí thu được của FULRO (Ảnh tư liệu).

Dùng xe chữa cháy đẩy lùi xe máy cày, đẩy đoàn biểu tình cách xa thành phố, trở về các buôn làng của huyện Cư Mgar.

Do công tác nắm tình hình, phòng ngừa tốt của Công an và các ban, ngành, đoàn thể của Đắk Nông, bọn phản động FURLO không kích động được quần chúng nhân dân nổi dậy kéo về Buôn Ma Thuột. Mũi ở Ea Tiêu đến 12 giờ trưa cũng được đẩy lùi.

Sau này ngồi lại, Ba Hy phân tích: “Trước tình huống căng thẳng yêu cầu người chỉ huy phải xử trí ngay tức khắc, thì tôi chọn cái xấu còn hơn để cái tồi tệ xảy ra. Mà cái xấu ở đây cũng chẳng có gì xấu cả. Dùng mọi biện pháp, kiên trì vận động quần chúng, kiên quyết trấn áp bọn cầm đầu kích động. Đẩy lùi được đoàn người biểu tình, không có đổ máu, bảo đảm sự yên bình cho thành phố Buôn Ma Thuột”. Ông cho biết, đồng bào ở Tây Nguyên vốn chân chất, thật thà, chịu thương chịu khó, một lòng đoàn kết đi theo Đảng, Bác Hồ. Nhưng bọn phản động lưu vong FURLO đã dựng chuyện, bịa đặt ra những thông xin xấu về Nhà nước ta để thực hiện ý đồ chia rẽ khối đoàn kết dân tộc. Trong vụ gây rối tháng 4-2004, cầm đầu là Ksor Kơk.

Những ngày ở Tây Nguyên, Ba Hy lên kế hoạch giáo dục, quản lý các đối tượng FURLO nằm vùng. Được bóc gỡ thông qua dòng tộc, già làng, chức sắc tiến bộ trong các tôn giáo, cùng các ban, ngành, đoàn thể, không để họ tái hoạt động. Ông bảo, một cá nhân thì không làm nên lịch sử, nhưng vai trò của người chỉ huy trong mọi mặt trận đều có yếu tố quyết định.

Bài vở giáo dục, vận động quần chúng, tướng Ba Hy đã nghiền ngẫm, suy nghĩ hằng đêm. Phải ở gần dân, hiểu dân thật sâu sắc, bám sát thực tế và khi đã nói thì phải thuyết phục, đi vào lòng họ. Ông đã cùng cán bộ, chiến sĩ, lực lượng Công an các tỉnh, Cục An ninh Tây Nguyên phối hợp chặt chẽ với các ban, ngành, đoàn thể, dưới sự chỉ đạo sâu sát của các cấp ủy địa phương. Căn cứ vào đặc điểm của từng buôn làng, từng dòng họ, từng dân tộc để làm công tác tuyên truyền, vận động quần chúng nhân dân, không nghe, không làm theo bọn phản động. Đến nay, thế lực phản động FURLO đã bị đẩy lùi, mang lại bình yên cho các bản làng Tây Nguyên.

Bản lĩnh Ba Hy

E HLeo (Đắk Lắk) tháng 2/2001, khi đó Ba Hy đang là Thiếu tướng – Phó Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh. Ông có mặt ở thực địa rất sớm trong bối cảnh đồng bào dân tộc thiểu số bị các phần tử phản động kích động, chuẩn bị nổi dậy. Ba Hy yêu cầu, mang toàn bộ xe từ trụ sở Công an huyện ra ngoài hết, đề phòng người biểu tình đập phá. Buổi sáng, đoàn người ùn ùn diễu hành, giật dùi cui, khiên của Cảnh sát cơ động, họ tính kéo vào vây đập Bưu điện huyện. Ông ra lệnh cho anh em mặc thường phục vào chốt trong bưu điện, ngồi cùng nhân viên để củng cố tinh thần cho họ giữ trụ sở làm việc. Phương án cuối cùng đã được đặt ra, dự phòng cho tình huống xấu nhất, nhưng đoàn người chỉ xông vào uy hiếp chứ không đập phá. Sau, đoàn người kéo nhau ra đường hò hét, tầm trưa thì họ tràn vào chiếm trụ sở Công an huyện E Hleo.

Ngay lúc đó, có khoảng một trăm thanh niên người Kinh vì quá bức xúc đã xô xát với nhóm thanh niên đồng bào đang tụ tập hò hét. Cuộc ẩu đả diễn ra kinh hoàng bằng cây tầm vông, gạch, đá. Ba Hy cho bắc loa kêu gọi: “Thanh niên người Kinh không được đánh đồng bào”. Nhóm thanh niên đồng bào chạy lại cầu cứu Công an. Cùng lúc, Ba Hy bàn bạc cùng các đồng chí cấp ủy huyện E HLeo tung lực lượng ra làm công tác tuyên truyền, giải thích cho đồng bào hiểu: “Đất này là của chung, người Kinh và người đồng bào đều là dân tộc Việt Nam. Cớ sao đồng bào lại đòi đuổi người Kinh đi, phải cùng nhau chung sống hòa bình”. Bà con nghe thấu tình đạt lý, buông hết gậy gộc, dao rựa. Ba Hy huy động xe của lực lượng Công an, Quân đội đưa người biểu tình về tận nhà, ai bị thương thì mang đi băng bó, phát thuốc điều trị. Trong vòng một ngày, cuộc gây rối do các đối tượng phản động giật dây ở E HLeo bị dập tắt.

Ba Hy cho biết, trong những tình huống vô cùng cam go, trong khi chỉ thị của cấp trên là bằng mọi giá phải đẩy lùi biểu tình, nhưng không được trấn áp thì người chỉ huy phải sáng suốt, linh hoạt, phải tìm được phương án tối ưu nhất. Như một cuộc chiến tranh, nhưng chiến thắng phải bằng lý lẽ, phải chiếm được lòng tin của nhân dân. Điều quan trọng trong những cuộc đọ sức ấy, là phải tinh tường lọc ra được đối tượng cầm đầu, kích động bà con. Bắt chúng bằng sự can đảm, anh dũng nhưng cảm hóa chúng phải bằng tình người, bằng chính sách của Đảng.

Được mệnh danh là “hùm xám Tây Nguyên” nổi danh từ thời chống FURLO ở Lâm Đồng, tướng Ba Hy luôn có một cái đầu lạnh, trái tim nóng. Anh em đi theo ông có một chỗ dựa vững chắc về tinh thần. Thiếu tướng Vũ Thanh Hà nói về người anh, người thầy Ba Hy của mình: “Anh Ba Hy là một người chỉ huy mưu trí. Trong mọi tình huống, anh ấy luôn biết cách xử lý khôn khéo”.

Duyên nợ với rừng

Ngày 10/3/2001, từ TP Hồ Chí Minh, ông nhận lệnh lên Gia Lai gấp, tham gia giải quyết một vụ gây rối do FURLO tổ chức ở ngôi làng Blây Lao, xã Nhơn Hòa (Chư Sê – Gia Lai). Lên tới Gia Lai là 12 giờ đêm. Ông lao vào cuộc họp với Tỉnh ủy bàn phương án đối phó với cuộc nổi dậy ngày mai. Đêm ấy, ông không tài nào chợp mắt được. Gió rừng Tây Nguyên rít rào, cái lạnh sương đêm buốt thấu, lòng ông trằn trọc, bồn chồn. 4 giờ sáng, ông gọi lái xe, thư ký dậy ăn vội gói mì tôm để đi xuống thực địa. Trời vẫn chạng vạng tối, nhưng nhạy cảm nghiệp vụ khiến Ba Hy cảm giác tình hình không ổn. Mưu đồ của Ksor Kơk, bọn FURLO là kích động, tập hợp  quần chúng kéo về tập trung ở huyện Chư Sê nổi dậy rồi kéo về làng Plây Lao tập hợp. Từ đó sẽ kéo về thành phố Pleiku biểu tình gây rối đòi thành lập nhà nước Đề ga. Đến nơi, Ba Hy chủ động phối hợp cùng các đồng chí trong Tỉnh ủy Gia Lai tổ chức cho các ban, ngành, đoàn thể, lực lượng Công an, Quân đội kiên trì vận động quần chúng. Với sự bình tĩnh, kiên trì vì nhân dân, các lực lượng Công an, Quân đội đã vận động và ngăn chặn được đoàn người biểu tình từ Chư Sê kéo về làng Plây Lao.

Cán bộ An ninh vận động quần chúng trên các buôn làng Tây Nguyên.

Đến trưa ngày 10/3/2001, còn khoảng 500 người kéo nhau chật cứng trong ngôi nhà giữa làng. Ba Hy đề xuất, trước mắt đưa các lực lượng vào vận động quần chúng, nhưng bà con không chịu giải tán. Mãi đến quá trưa, anh em không có cơm ăn, ai nấy đói lả, chỉ xin được nước uống của đồng bào. Có ý kiến xin rút, nhưng Ba Hy không đồng ý. Ông nói chắc như đinh: “Không được rút, bằng mọi giá phải đạp đất mà vào, phải tiếp cận được đồng bào và vận động để quần chúng hiểu”.

Đoàn biểu tình vẫn cố thủ trong nhà, hô hào chửi bới chính quyền và đòi thành lập nhà nước Đề Ga độc lập. Đồng thời, dân trong các buôn lân cận có dấu hiệu tràn ra để cùng kéo nhau lên thành phố Pleiku diễu hành. Nắng nóng, đói khát mà tình hình càng ngày càng căng thẳng. Các đối tượng chủ mưu ở trong cùng, chúng cho trẻ em, phụ nữ đứng bao vây ở vòng ngoài.

Đồng chí HDéo - Trưởng ban Dân vận Tỉnh ủy Gia Lai lúc bấy giờ tuyên truyền, vận động bằng tiếng dân tộc để vận động bà con, nhưng vẫn không được. Ba Hy đề xuất cùng đồng chí Chủ tịch UBND tỉnh Gia Lai là đồng chí Nguyễn Vĩ Hà vào trực tiếp kháo sát. Qua thực tế, không còn phương cách tối ưu nào khác, hơn là phải áp dụng biện pháp nghiệp vụ để tách quần chúng nhân dân ra khỏi các tên cầm đầu kích động và kịp thời trấn áp bọn chúng mới giải tán được quần chúng.

Phương án được thực hiện, quả đúng như vậy, dân thì chạy ra ngoài, còn hai tên đầu sỏ chạy trốn vào nhà vệ sinh gần đó đã bị trinh sát tóm gọn. Buổi chiều, khói bếp trong các buôn làng lại nghi ngút cháy. Bà con nghe cán bộ tuyên truyền, vận động đã hiểu được bản chất của các đối tượng cầm đầu xúi giục gây rối. Có người tự nguyện xin ra hàng để làm lại cuộc đời, tích cực khuyên nhủ người thân đang lẩn trốn trong rừng quay trở về nhà.

Về Tây Nguyên, hễ nhắc đến Ba Hy là bà con lại ồ lên: “Ông cán bộ nói chuyện rất hay ấy mà”. Còn các đối tượng được ông cảm hóa chỉ biết thán phục và biết ơn người cán bộ đã mở cho họ con đường quay trở về quê hương. Đại tá Phan Cương, nhiều năm sát cánh cùng thủ trưởng Ba Hy trên đại ngàn Tây Nguyên bồi hồi nhớ lại: “Chúng tôi đi công tác Tây Nguyên như con thoi, hầu như con đường vào bản làng nào chúng tôi đều quen thuộc. Anh Ba Hy đi nhiều lắm, mọi buôn làng ở Tây Nguyên. Anh ấy có bản lĩnh trận mạc rất tài tình, được tôi rèn từ thời chiến tranh chống Mỹ. Tây Nguyên với anh ấy vẫn còn nhiều trăn trở lắm”.  

Năm 2006, Ba Hy đeo hàm Trung tướng  - quyền Tổng cục trưởng Tổng cục An ninh, nhưng mối lương duyên của ông với Tây Nguyên dường như chưa bao giờ hết. Khi Tây Nguyên “nóng”, người ta lại thấy bóng dáng đậm chắc, rắn rỏi của tướng Ba Hy xông xáo tới tận ngóc ngách của những buôn làng. Cả cuộc đời cống hiến cho sự nghiệp bảo vệ An ninh Tổ quốc, có những khoảnh khắc ông tưởng mình không thể trở về với gia đình. Trên cơ thể tưởng như vạm vỡ ấy, có những vết thương từ thời ông tham gia đánh giặc Mỹ, những khi trái gió trở trời, còn âm ỉ đau buốt.

Trong khuôn khổ bài viết này, tôi chỉ gói gọn về ông những năm tháng “lăn mình” ở Tây Nguyên. Chỉ là một phần rất nhỏ thôi, so với cả chặng đường chiến chinh của một vị tướng. Chậm rãi đốt điếu thuốc, mắt ông nhìn xa xăm nghĩ ngợi điều gì đó, rồi ông thở phào: “Tôi đi hết cánh rừng này đến ngọn núi kia, bàn chân mòn trên những cung đường dù cheo leo trắc trở nhất. Giáp mặt với bọn tội phạm manh động, liều lĩnh nhất. Tôi làm được những gì cho nhân dân, tôi rất tự hào. Chiến công của tôi vẫn đang ở trong lòng cán bộ, chiến sĩ, trong lòng nhân dân”. Rồi ông nhìn vợ mình, người phụ nữ những ngày vắng chồng biền biệt đã một mình vượt cạn, một tay chăm lo cho bốn đứa con. Ông trở về, con đã khôn lớn, ngoan hiền. Ông hãnh diện bảo, một nửa chiến công của ông có được hôm nay là của người vợ

Ngọc Thiện
.
.
.