Đại tá Vũ Linh - nguyên mẫu trong bộ phim "Cao nguyên F101" đã về bên kia núi

Thứ Năm, 11/04/2019, 17:49
Đại tá Vũ Linh - nhà tình báo công an trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người sĩ quan an ninh tài trí, bản lĩnh và nhân văn trên trận tuyến chống Fulro thời hậu chiến đã ra đi ở tuổi 93


Buổi sáng thượng tuần tháng tư, khi đang ngồi uống trà bên góc phố Trường Chinh - Điện Biên Phủ, phường 7, TP Tuy Hoà, điện thoại của Đại tá Phan Đắc Tổng - nguyên Giám đốc Công an tỉnh Phú Yên reo vang. Bước ra ngoài vài phút, ông trở lại bàn trà rồi nói với tôi và những người bạn trà bằng âm giọng trầm buồn: "Anh Vũ Linh - Đại tá Nguyễn Trọng Cảnh, người con của xứ Nẫu Phú Yên, nguyên Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng đã ra đi ở tuổi 93. Lễ viếng ông được tổ chức từ 8h sáng ngày 4-4-2019 tại số 4 Trần Quý Cáp, phường 10, TP Đà Lạt..".

Theo ước nguyện trước đó của Đại tá Vũ Linh, thi hài ông được đưa từ TP Đà Lạt về quê nhà để an táng tại nghĩa trang xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên vào chiều 6-4-2019. Vậy là nhà tình báo công an trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, người sĩ quan an ninh tài trí, bản lĩnh và nhân văn trên trận tuyến chống Fulro thời hậu chiến đã từng gắn bó với cao nguyên Langbiang hơn nửa thế kỷ đã trở về với đất mẹ thân thương bên tả ngạn sông Đà Rằng chảy ra biển Đông ở cửa Đà Diễn - Phú Yên.

Đại tá Vũ Linh phát biểu tại một hội thảo nghiệp vụ an ninh.

Trước tháng 8-1945, chàng thanh niên Vũ Linh mới gần 20 tuổi đã tham gia Ban vận động chuẩn bị khởi nghĩa của tổng Hoà Trường rồi trở thành Uỷ viên UBND cách mạng lâm thời xã Phụng Tường, cầm cờ biểu tình trong cuộc tổng khởi nghĩa, sau đó ông làm cán bộ ở Ty trinh sát, cán bộ bảo vệ chính trị Công an Phú Yên và được kết nạp vào Đảng ngày 18-3-1947. 

Sáu năm sau, ông Vũ Linh rời quê nhà, chia tay người vợ trẻ và hai đứa con nhỏ dại, để cùng 4 cán bộ an ninh Phú Yên khởi đầu hành trình hơn 6 tháng băng rừng, lội suối dọc Trường Sơn ra miền Bắc học nghiệp vụ tại Trường An ninh Việt Bắc - Bộ Công an. 

Sau chiến thắng Điện Biên Phủ, ông là một trong những sĩ quan tham gia tiếp quản Hà Nội rồi làm cán bộ tại Văn phòng nghiên cứu tổng hợp Công an Hà Nội. Năm 1959, ông chuẩn bị lên đường đi B trở lại miền Nam thì bị viêm ruột nên phải phẫu thuật và tiếp tục công tác an ninh, trong đó có hai năm được đào tạo nghiệp vụ tình báo trước khi vượt đường Trường Sơn vào chiến trường Khu VI đảm nhiệm Tổ trưởng Tổ điệp báo A2 của Bộ Công an. 

Trong chặng thời gian 23 năm (1971-1994), ông Vũ Linh lần lượt đảm nhiệm công tác ở Ban An ninh huyện Tuyên Đức, Ban An ninh TP Đà Lạt, Uỷ ban quân quản TP Đà Lạt, Phó trưởng Ty,  Trưởng Ty - sau này là Giám đốc Công an tỉnh Lâm Đồng, Phó Cục trưởng Cục A16 thuộc Tổng cục 1 - Bộ Công an, Cụm trưởng An ninh Tây Nguyên. 

Ngoài Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng, Đại tá Vũ Linh đã được Chủ tịch nước tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Nhất, Huân chương Quận công hạng Ba, Huân chương Độc lập hạng Ba, Huy chương Chiến sĩ vẻ vạng hạng Nhất, Nhì, Ba…

Hơn ba năm trước, khi Đại tá Vũ Linh từ xứ sở sương mù Đà Lạt về lại chốn yên bình làng quê ông sinh ra ở Phụng Tường, xã Hoà Trị, huyện Phú Hoà, tỉnh Phú Yên, tôi có dịp tiếp xúc và được nghe nhiều chuyện buồn vui trong cuộc đời của một con người đã đi qua ba cuộc chiến, từ chống Pháp đến chống Mỹ rồi chống Fulro. 

Phía sau những chiến công mà ông cùng nhiều đồng đội lập nên là góc nhìn nhân văn của một nhà tình báo, sĩ quan an ninh. Đại tá Vũ Linh từng nói: "Ở đời nợ gì cũng trả được, nhưng nợ máu thì khó trả lắm. Bởi vậy, chúng ta, nhất là những người làm cách mạng cần tránh hiếu sát!".

Lần đó Đại tá Vũ Linh vừa mới hồi phục sức khoẻ sau cơn tai biến, ông Nahria Ya Duck từ Lâm Đồng xuống Phú Yên thăm ân nhân của mình. Gần 40 năm về trước, hai người ở hai chiến tuyến, ông Vũ Linh lúc đó là Thượng tá, Phó trưởng Ty Công an Lâm Đồng, còn ông Nahria Ya Duck - dân tộc K' Ho, ở xã Ka Đô, huyện Đơn Dương là Phó Thủ tướng thứ nhất Fulro.

Di ảnh Đại tá Vũ Linh (Nguyễn Trọng Cảnh).

Sau khi miền Nam giải phóng, những cuộc truy quét Fulro đã được triển khai quyết liệt ở Tây Nguyên. Hàng ngàn đối tượng trong đó có nhiều đối tượng cầm đầu tổ chức Fulro đã bị bắt giữ đưa đi cải tạo, tàn quân Fulro dạt sang Campuchia lánh nạn, được Khmer Đỏ kích động trở lại Tây Nguyên, thu nhặt vũ khí, quân trang, quân dụng do Quân lực Việt Nam Cộng hoà vứt bỏ trong cuộc tháo chạy tán loạn khi thất trận. 

Một Chính phủ mới của Fulro hình thành ở Lâm Đồng do Y Djao Nie tự phong Thủ tướng, Nahria Ya Duck làm Đổng lý Văn phòng, Nay Guh - Bộ trưởng Quốc phòng, Nay Rong - Bộ trưởng Ngoại giao, Nay Ful -  Bộ trưởng Nội vụ... cùng với tổ chức quân sự gồm 5 quân khu. 

Sau các cuộc tranh chấp quyền lực, sát hại lẫn nhau, ngày 22-1-1979, Y Ghok Niê Krieng giữ chức Thủ tướng Fulro; Nahria Ya Duck làm Phó Thủ tướng thứ nhất đặc trách nội trị và ngoại giao kiêm Phó Chủ tịch thứ nhất Fulro Dega, đồng thời là Tư lệnh Quân khu 4 gồm hai tỉnh Lâm Đồng, Thuận Hải; Paul Yưh là Phó Thủ tướng thứ hai đặc trách an ninh - quốc phòng. Sào huyệt Fulro trong một khu rừng tại Đầm Ròn ở Lâm Đồng để chỉ huy phong trào chống phá cách mạng, thực hiện mưu đồ xây dựng "Nhà nước tự trị".

Đại tá Vũ Linh kể: "Fulro, lén lút hoạt động tại nhiều buôn làng ở Tây Nguyên, rỉ tai truyền miệng, rải truyền đơn tuyên truyền xuyên tạc chủ trương chính sách của Đảng và Nhà nước, chia rẽ khối đại đoàn kết dân tộc, kích động, dụ dỗ, lôi kéo, cưỡng ép người dân gia nhập Fulro, đồng thời đẩy mạnh các hoạt động khủng bố, phục kích, tấn công gây thương vong cho nhiều người rồi cướp đoạt vũ khí, lương thực, thực phẩm…trong khi Thủ tướng Fulro đang bám gót Pol Pot ở Campuchia, Phó Thủ tướng thứ hai Paul Yưh mất uy tín trong "nội các" thì Phó Thủ tướng thứ nhất Nahria Ya Duck thâu tóm quyền lực và được ví như "Hùm xám Tây Nguyên". Vì thế, Ya Duck là đối tượng được "quan tâm đặc biệt" trong chuyên án "Cao nguyên F101" do Công an tỉnh Lâm Đồng xác lập".

Ông Đỗ Quang Thắng - Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng lúc đó đảm trách Trưởng Ban chuyên án "Cao nguyên F101", Thượng tá Vũ Linh - Phó trưởng Ty Công an Lâm Đồng làm Phó ban thường trực. Yêu cầu nhiệm vụ đối với Ban chuyên án là sớm xoá sổ Quân khu 4 Fulro, ngăn chặn hình thành Quân khu 5, đồng thời phối hợp Công an các tỉnh Đắk Lắk, Gia Lai - Kon Tum, Sông Bé, Đồng Nai… đập tan hệ thống Trung ương Fulro.

Sau khi tiếp thu chỉ đạo của đồng chí Phạm Hùng, Uỷ viên Bộ Chính trị, Phó Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng kiêm Bộ trưởng Bộ Nội vụ - nay là Bộ Công an tại một hội nghị chuyên đề giải quyết Fulro tổ chức tại TP Nha Trang, Bí thư Tỉnh uỷ Lâm Đồng, Đỗ Quang Thắng và Phó trưởng Ty Công an Vũ Linh khẩn trương chỉ đạo các thành viên trong Ban chuyên án "Cao nguyên F101" triển khai đồng bộ các biện pháp nghiệp vụ đấu tranh triệt xoá tổ chức Fulro trên địa bàn Lâm Đồng.

Cùng thời điểm này, nguồn tin từ Đại uý Nguyễn Văn Độ, Phó trưởng phòng Bảo vệ chính trị - sau này là Đại tá, Giám đốc Công an Lâm Đồng cho biết, thông qua Thu Phương - nữ y tá ở xã N'Thol Hạ, huyện Đức Trọng và một mục sư ở TP Hồ Chí Minh, Ya Duck đang tìm đường dây xuất ngoại bằng nguồn tài trợ từ chương trình "Xuduvicao" (Xuất dương vì cao nguyên) của "Hội từ thiện Cartas" để ra nước ngoài đào tạo, huấn luyện nghiệp vụ rồi trở về "giải phóng Tây Nguyên".

Ông Nahria Ya Duck từ Lâm Đồng xuống Phú Yên thăm Đại tá Vũ Linh.

Bằng những trải nghiệm tinh tế của một nhà tình báo, sĩ quan an ninh, Thượng tá Vũ Linh nhận định đây là cơ hội hiếm có để "dụ hùm ra khỏi hang" nên ông chủ động vạch phương án tác chiến, báo cáo, xin ý kiến chỉ đạo của Bí thư Tỉnh uỷ, Trưởng Ban chuyên án và Trưởng Ty Công an Lâm Đồng. Trong lúc đó, Ya Duck phân công Đại uý Ha Póh và Thiếu tá Ya Theng bám theo Thu Phương để kiểm tra sự thật về đường dây xuất ngoại.

4h30' sáng ngày 13-8-1980, Phó Thủ tướng thứ nhất Ya Duck cùng 9 sĩ quan Fulro lội qua sông Tùng Nghĩa ở huyện Đức Trọng, rồi được trinh sát an ninh Công an tỉnh Lâm Đồng đã hoá trang hướng dẫn lên xe ôtô có treo băng rôn "Đoàn khách Campuchia tham quan", đưa về một biệt thự ở Đà Lạt rất "bí mật, bất ngờ, nhanh gọn" đến mức Ya Duck cùng các cộng sự không ngờ đã bị bắt giữ.

Sau khi bị bắt, mặc dù Ya Duck luôn khẳng định Fulro là con đường ông đã chọn đến cùng và dự báo sẽ bị xử tử, thế nhưng Ya Duck hết sức ngạc nhiên khi Thượng tá Vũ Linh luôn mềm mỏng, nhân văn trong các cuộc tiếp xúc và đã "hạ gục" đối phương bằng những câu từ thuyết phục dung dị nhưng rất tinh tế, nên sau đó Ya Duck đã phối hợp an ninh "đưa đón" nhiều nhóm Fulro rời khỏi rừng theo phương án "xuất dương" bằng sự hỗ trợ của "Hội từ thiện Cartas". 

Từ năm 2011-2016, Nahria Ya Duck là đại biểu Quốc hội khoá 12, 13, Phó Chủ nhiệm Hội đồng Tư vấn Dân tộc, Ủy viên Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phó Chủ tịch Ủy ban MTTQ tỉnh Lâm Đồng. 

Đã nhiều lần ông Ya Duck bày tỏ: "Nếu không có cụ Vũ Linh, không biết tôi sẽ sống như thế nào, một số anh em của tôi sẽ không trở về với Nhà nước và nhân dân, thậm chí có thể chém giết và tự diệt vong. Cụ Vũ Linh là ân nhân số một của tôi. Tôi sống và trưởng thành như hôm nay là nhờ vị ân nhân đó".

Đại tá Vũ Linh không chỉ là nguyên mẫu trong bộ phim "Cao nguyên F101" của nhà biên kịch - đạo diễn Khôi Nguyên, mà chân dung của ông còn được khắc hoạ đậm nét trong tập bút ký - ghi chép "Người đi qua cuộc chiến" với 400 trang in do Nhà xuất bản Hội Nhà văn ấn hành năm 2018.

 Đại tá Vũ Linh đã về cõi vĩnh hằng nhưng hình ảnh, tên tuổi của ông gắn liền với những chiến tích trong suốt hành trình mặc trang phục công an, đặc biệt là chiến công từ chuyên án "Cao nguyên F101" luôn sống mãi trong lòng đồng đội và người dân Tây Nguyên. Xin được thắp nén hương lòng tiễn đưa Đại tá Vũ Linh về với đất mẹ thân thương!

Phan Thế Hữu Toàn
.
.
.