Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát:

Đấu tranh với tội phạm càng gian nan, càng tôi luyện bản lĩnh

Thứ Tư, 19/07/2017, 16:42
Nhân kỉ niệm 55 năm Ngày truyền thống lực lượng Cảnh sát nhân dân (20-7-1962 – 20-7-2017), Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã dành cho Chuyên đề CSTC một cuộc trò chuyện thú vị. Những trải lòng của vị Tư lệnh ngành vừa chân tình, vừa quyết đoán nhưng vô cùng ấm áp về những chiến công lớn của lực lượng Cảnh sát thời gian qua, qua mỗi chặng đường xây dựng và trưởng thành, càng thấy hình ảnh của người Cảnh sát đẹp hơn, bản lĩnh hơn.


Với vai trò nòng cốt bảo vệ ANTT, bảo vệ sự bình yên cho nhân dân, những năm qua, lực lượng Cảnh sát đã chủ động phòng ngừa và tích cực đấu tranh trấn áp tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, phục vụ sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa và hội nhập quốc tế của đất nước. 

Các băng nhóm tội phạm có tổ chức xuyên quốc gia, tội phạm có yếu tố nước ngoài, tội phạm sử dụng công nghệ cao, tội phạm sử dụng “vũ khí nóng”, các băng nhóm lưu manh côn đồ hoạt động bảo kê, xiết nợ thuê, cho vay nặng lãi bị đánh mạnh. 

Công tác đấu tranh với tội phạm kinh tế, tham nhũng, buôn lậu, nhất là trong lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, đầu tư, quản lý đất đai, khai thác khoáng sản, buôn lậu, sản xuất hàng giả… được chú trọng, đã khám phá nhiều vụ án lớn, bắt giữ nhiều đối tượng, thu về cho Nhà nước hàng ngàn tỉ đồng.

Trung tướng Trần Văn Vệ - Quyền Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát.

Có thể kể đến cuộc đấu tranh quyết liệt và đầy nguy hiểm với tội phạm hình sự, lực lượng Cảnh sát đã thể hiện tinh thần mưu trí, dũng cảm, kiên quyết tấn công tội phạm với nhiều cách đánh táo bạo và sáng tạo, triệt phá nhiều tổ chức tội phạm nguy hiểm, hoạt động theo kiểu “xã hội đen”. 

Điển hình như vụ “Khánh trắng”, “Phúc bồ” ở Hà Nội; vụ “Cu Nên” ở Hải Phòng; vụ “Minh samasa” ở Bà Rịa - Vũng Tàu; vụ “Năm Cam” ở TP Hồ Chí Minh; vụ “Hoàng lựu đạn” ở Đồng Nai… 

Đặc biệt trong những năm gần đây, tính chất của tội phạm hình sự manh động hơn, nhiều vụ ngang nhiên, công khai, hành vi gây án dã man, tàn bạo, trắng trợn thể hiện những vấn đề đáng báo động về kỷ cương xã hội, gây tâm lý lo lắng trong nhân dân. 

Dưới sự chỉ đạo sát sao của lãnh đạo Bộ Công an, lực lượng Cảnh sát đã dốc toàn lực để điều tra, phối hợp với Công an địa phương khám phá kịp thời các vụ án đặc biệt nghiêm trọng như vụ giết 4 người, cướp tiệm vàng ở Bắc Giang; vụ thảm án giết 6 người ở Bình Phước; vụ giết 4 người ở Nghệ An; vụ sát hại 4 bà cháu ở Quảng Ninh; chuyên án triệt phá băng nhóm gây ra 8 vụ cướp tiệm vàng ở TP Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam; triệt phá băng nhóm “Phương Linh hột” ở Quảng Ninh, băng nhóm “Tùng gà” ở Bình Dương, “Hưng vườn điều” và “Long Thanh” ở Đồng Nai…

Trong cuộc chiến chống tội phạm ma túy đang diễn ra gay gắt và phức tạp, phương thức thủ đoạn hoạt động của loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, manh động hơn, hầu hết có sử dụng vũ khí nóng, sẵn sàng chống trả quyết liệt khi bị phát hiện, bắt giữ. Lực lượng Cảnh sát nhân dân đã thụ lý điều tra, bắt giữ hàng vạn vụ án, đối tượng tội phạm về ma túy mỗi năm; bóc gỡ nhiều đường dây buôn bán ma túy lớn, triệt phá nhiều tụ điểm ma túy tại địa bàn cơ sở.

Cảnh sát tỉnh Bắc Giang bắt giữ một đối tượng vận chuyển ma túy tổng hợp.

Đặc biệt, trong những năm gần đây, các lực lượng nghiệp vụ đã điều tra, khám phá nhiều vụ án kinh tế nghiêm trọng, có tổ chức với quy mô lớn, đối tượng là người có chức vụ, có chức năng quản lý kinh tế và có cả một số đối tượng là người nước ngoài, được dư luận đồng tình, ủng hộ. 

Điển hình gần đây như vụ Nguyễn Đức Kiên ở Ngân hàng ACB; vụ Hà Văn Thắm ở Ngân hàng Đại Dương, vụ Huỳnh Thị Huyền Như ở Ngân hàng VietinBank, vụ Phạm Công Danh ở Ngân hàng Xây dựng, vụ Trịnh Xuân Thanh ở Công ty cổ phần xây lắp dầu khí... 

Hàng loạt đối tượng phạm tội kinh tế có chức vụ, địa vị ở những lĩnh vực kinh tế trọng điểm bị khởi tố, điều tra đã xóa tan dư luận cho rằng, Công an không dám động chạm vào những “tay to”, dễ gục ngã khi dính “viên đạn bọc đường”.

Trong sự nghiệp đấu tranh bảo vệ an ninh Tổ quốc, giữ gìn trật tự an toàn xã hội, lực lượng Công an nhân dân nói chung, lực lượng Cảnh sát nhân dân nói riêng hoạt động trong môi trường xã hội phức tạp, thường xuyên đối mặt với nhiều khó khăn, thử thách, nguy hiểm, luôn phải đương đầu với những đối tượng phạm tội có trăm phương nghìn kế, thậm chí sẵn sàng sử dụng "vũ khí nóng" chống trả lại lực lượng truy bắt. 

Trong cuộc đấu tranh cam go, quyết liệt và vô cùng phức tạp ấy, đòi hỏi người cán bộ, chiến sĩ Cảnh sát nhân dân có bản lĩnh chính trị vững vàng, tận tụy với công việc, coi trọng tổng kết đúc rút kinh nghiệm; chủ động, sáng tạo tìm ra cách đánh, cách thắng; mưu trí và dũng cảm kiên cường trong đấu tranh trấn áp tội phạm.

 Lực lượng Cảnh sát nhân dân phải luôn luôn nhạy bén, nắm bắt diễn biến tình hình tội phạm, đặc biệt coi trọng công tác nghiệp vụ trinh sát, chủ động phòng ngừa, lấy phòng ngừa là cơ bản, kết hợp chặt chẽ giữa phòng ngừa với tấn công tội phạm; vận dụng sáng tạo chính sách “trấn áp kết hợp với khoan hồng, trừng trị kết hợp giáo dục, cải tạo”; giải quyết tội phạm ngay từ nguyên nhân và điều kiện nảy sinh tội phạm và xây dựng lực lượng phòng chống tội phạm phù hợp với mỗi thời kỳ lịch sử.

Với mỗi cán bộ, chiến sỹ của lực lượng Cảnh sát nhân dân, khi bắt đầu đứng trong hàng ngũ, họ phải tự xác định được sự khốc liệt của cuộc chiến với tội phạm. Không chỉ có tầm dao, đường đạn của tội phạm hung hãn, còn có cả những "viên đạn bọc đường" của những kẻ phạm tội nhiều tiền, những sức ép rất lớn từ mặt trái cơ chế thị trường. Từ đó, trong quá trình công tác, mỗi cán bộ chiến sỹ phải tự rèn luyện bản lĩnh chính trị, trình độ nghiệp vụ, sự mưu trí, dũng cảm và tận tụy trong công việc. Và thực tế chiến đấu trong thời gian qua cho thấy, càng trong gian khó, bản lĩnh chính trị vững vàng của người chiến sĩ Cảnh sát càng được giữ vững và tỏa sáng.

Hiền Hòa (ghi)
.
.
.