Thượng tá không quân Phạm Minh Thư:

Đối mặt với tử thần, giữ bình yên cuộc sống

Thứ Hai, 11/11/2013, 07:00

“Vừa xử lý xong đầu đạn M79, bỗng nhiên thấy cổ họng khô cứng, khát chịu không nổi, mình bỏ đi uống nước. Vừa đi được hơn chục bước thì đầu đạn phát nổ. Trời ạ! Nếu nán lại ít giây nữa thôi, có lẽ…”. Đó là những dòng nhật ký đầy bom đạn trong thời bình của Thượng tá không quân Phạm Minh Thư – nguyên Chỉ huy trưởng Căn cứ sân bay Cù Hanh, TP Pleiku, tỉnh Gia Lai suốt 13 năm âm thầm, lặng lẽ.

Cuối năm 1974, Phạm Minh Thư quê ở thị trấn Mạo Khê, Đông Triều, Quảng Ninh giấu cha mẹ viết đơn tình nguyện đi bộ đội. Anh nhập ngũ được 3 tháng thì đất nước hoàn toàn giải phóng. Tháng 4/1979, anh lính trẻ Thư về nhận nhiệm vụ mới ở Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku với nhiệm vụ bảo đảm sân bay cho các đơn vị Quân đội bay huấn luyện chiến đấu, bay phục vụ cho các đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước và bảo đảm các chuyến bay kinh tế - xã hội khác. Điều khắc nghiệt và đặc biệt nhất là nơi đơn vị của anh đóng quân lại nằm trên một kho bom đạn cũ của địch. Sau này giải phóng, kho đạn đã được cho nổ nhưng chưa hết. Hàng tấn bom đạn vung vãi và mìn phòng thủ dày đặc của chế độ cũ cài lại trên diện tích  hơn 50ha bao gồm cả vùng quân sự  và khu dân cư ở Trà Đa, Pleiku đã để lại nhiều hậu quả đau xót.

Tháng 8/1982, một phụ nữ đang mang thai ở Biển Hồ vào vành đai sân bay nhặt phế liệu đã bị vướng mìn nổ. Khi anh đến thì người mẹ đã chết, bụng bị xé rộng, cháu bé thoi thóp đạp trong bụng mẹ. Anh đã cứu được cháu. Tháng 2/1991, Nguyễn Văn Phụng – một chiến sĩ của tiểu đoàn quê ở Quảng Bình, vướng phải bom cam bị chết. Phạm Minh Thư cùng đồng đội nhặt từng phần thân thể tan nát bó lại. Rồi người chiến sĩ trẻ quê ở Hà Tĩnh chết, mất cả hai chân, hai tay… Phạm Minh Thư thấy như mình bị cắt đi một phần thân thể. Chính anh cũng cảm nhận rõ ràng, mất mát đôi lúc cũng làm anh em không yên tâm công tác. Đó có thể là nguy cơ lớn dẫn đến sự yếu kém của tiểu đoàn. Là người lãnh đạo, quản lý tinh thần chiến đấu của anh em thực sự là điều làm anh trăn trở nhiều nhất. Tất cả những điều ấy luôn ám ảnh, thôi thúc anh hành động.

Năm 1991, anh đã gặp đồng chí Nguyễn Anh Tiễu, Giám đốc Trung tâm Ứng dụng và Xử lý vật liệu nổ thuộc Bộ Tư lệnh Công binh. Anh trút gan ruột với người đồng đội về nỗi trăn trở của mình và được anh Tiễu động viên, giúp đỡ. Sau khi làm thử, anh quyết định dấn thân để thu gom những quả bom mìn còn nằm trong lòng đất. Anh tâm sự: “Lúc ấy, nếu mình xin phép cấp trên, chưa chắc đã được chấp thuận. Hơn nữa, nếu để anh em bộ đội tham gia, cũng khó đảm bảo an toàn tính mạng. Đã quá nhiều người mất mát, hy sinh trên mảnh đất này rồi, mình không thể liều lĩnh với tính mạng của đồng đội…”.

Vì thế, vẫn biết quyết định một mình tác chiến là rất liều lĩnh, nhưng Thư không thể khác. Cứ mỗi buồi chiều hết giờ hành chính, khi mọi người trở về mái ấm của mình hoặc tỏa ra các ngả đường của phố núi Pleiku, Phạm Minh Thư lại một mình  lặng lẽ, một tay xách chiệc gậy sắt và tay kia là ấm nước chè xanh đào bới từng thước đất, từng bụi cỏ. Từng ngày, từng ngày, bất kể ngày nghỉ, ngày lễ, anh lôi lên từ trong lòng đất hàng chục, hàng trăm quả bom, mìn, lựu đạn các loại. “Đi tháo bom mìn mà cứ như đi dỡ khoai lang…” (Nhật ký ngày…).

Anh hùng Phạm Minh Thư (ngoài cùng bên phải).

Mỗi ngày Thư ghi cảm giác về những phút giây đối diện với tử thần vào nhật ký. Những trang nhật ký đã trở thành người bạn duy nhất, sẻ chia với anh những thời khắc nghẹt thở… “Ai cũng nghĩ đến sự sống, mình cũng vậy. Mình yêu cuộc sống này và không thể để cuộc sống của bất cứ người dân  hay đồng đội kết thúc một cách vô nghĩa. Vì yêu cuộc sống này , mình sẽ đủ cam đảm tiếp tục công việc. Cẩn trọng, cẩn trọng. Mình sẽ tránh được tai họa…”. Ngoài một số anh em thân cận trong đơn vị, hầu như không ai biết sau giờ làm việc anh lang thang làm gì ngoài bãi đạn. Dù gia đình chỉ cách đơn vị có gần 5km, nhưng mãi tới một lần anh em đơn vị đến nhà chúc Tết, trong men rượu đầu xuân, anh em buột miệng hé lộ, vợ anh mới hốt hoảng hỏi chồng về công việc anh làm.

Không thể kế hết số lần anh thoát nạn trong gang tấc. Mười mấy năm rà bom, soát mìn, Thượng tá Phạm Minh Thư đã tháo gỡ được gần 18.000 đầu đạn các loại, cũng chừng ấy lần đối mặt với tử thần nhưng anh vẫn bình an vô sự. “Có phép nhiệm mầu nào chăng?”, chúng tôi đặt câu hỏi. “Có thể là do may mắn. Tôi không còn nhớ bao nhiêu lần tử thần “vồ hụt”, có những tình huống bây giờ nghĩ lại mồ hôi hột vẫn túa ra…”, Thượng tá Thư nói.

Anh hồi hộp nhớ lại: “Lần đầu tiên tôi thoát chết là lần tháo đầu đạn M79. Đang làm thấy cổ họng khô cứng khát chịu không nổi nên đi uống nước. Vừa đi được hơn chục bước chân thì đầu đạn phát nổ. Trời ạ! Nếu nán lại ít giây nữa thôi, có lẽ… Tiếp đến là lần đơn vị cày đất tăng gia, tôi phát hiện thấy quả bom bi đã bị biến dạng nằm lộ trên mặt đất. Thấy là tôi cầm lên xem, nhưng chợt nghĩ phải cảnh giác với loại “của nợ” này. Đúng như linh tính mách bảo, quả bom phát nổ khi tôi vừa ném ra khoảng 20 mét, chưa kịp chạm mặt đất. Lần kế tiếp là hôm tháo quả mìn râu tôm được lính ngụy cài quanh khu căn cứ. Tháo xong quả mìn, tôi giật mạnh những sợi râu tôm cắm sâu trong lòng đất. Giật mãi mà thấy nó cứ “nằm ỳ” nên đành phải dùng cuốc khoét cho miệng hố rộng ra. Đến đây tôi mới thấy một chùm lựu đạn cài chung với những sợi râu tôm. Hú hồn, hú vía. Lúc ấy chỉ cần một sợi râu tôm bất kỳ nào đó bung lên, chết là chắc”.

Mỗi lần đi ra bãi đạn là Thư lại gấp sổ sách, giấy tờ cẩn thận, viết nội dung kế hoạch vào tờ giấy trên bàn để nếu anh không trở về, mọi người biết mà còn tiếp tục công việc. Sau nhiều năm quăng quật không ngưng nghỉ với đạn bom, đôi chân, bàn tay anh trở nên sần sùi chai sạn.

Tháo gỡ bom mìn đã khó, vận chuyển đến nơi tiêu hủy còn khó gấp bội phần “Phải biết cách nâng như nâng trứng, hứng như hứng hoa. Đến cả con cái mình lúc sơ sinh cũng không được bồng bế nhẹ nhàng như thế. Giờ mình thuộc lòng từng kiểu dáng của trái bom…” - Những trang nhật ký của anh vẫn còn tươi màu mực.

Sau 13 năm, vượt qua chồng chất những gian khổ, khó khăn, đối mặt với cái chết từng ngày, từng phút, đào tìm từng gốc cây, bụi cỏ trong đống đổ nát của chiến tranh, anh đào gần 18.000 quả bom, mìn các loại như bom MK82, bom BLV – 66/B,BLV – 46/B (bom cam), bom bi, rốc – két, đạn cối và các loại mìn khác. Số này đã được Trung tâm Công nghệ xử lý bom mìn của Bộ Tư lệnh Công binh giải quyết an toàn tại sân bay Pleiku.

Hôm nay trên vùng đất ven TP Pleiku, nơi trước đây là kho đạn bom của địch, là chết chóc đau thương, hơn 50ha đã sạch sẽ, an toàn, trải rộng trên vùng đất đỏ bazan nơi cực Bắc Tây Nguyên. Thượng tá Phạm Minh Thư đã vận động đồng đội cùng mình mua cây giống, trồng được trên 100ha bạch đàn. Bạch đàn của Thượng tá Thư cùng đồng đội giờ đây xanh mướt, lao xao trong nắng gió cao nguyên trên vùng đất chết ngày xưa. Chính anh đã mang lại sức sống, niềm tin, hy vọng và hạnh phúc cho người dân và cho đồng đội của mình.

Chiến công là thế, nhưng có lẽ chẳng ai biết đến tên anh, việc làm của anh nếu không có đoàn rà phá bom mìn của Bộ Tư lệnh Công binh trong chuyến công tác  Tây nguyên kiểm tra đơn vị anh. Đoàn đã đề nghị khen thưởng anh Huân chương Chiến công hạng nhất và đến ngày 21/12/2005, Thượng tá Phạm Minh Thư, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Bảo đảm kỹ thuật sân bay Pleiku đã được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân. Kể từ ngày đất nước giải phóng đến nay, Quân chủng Phòng không – Không quân đã có người anh hùng đầu tiên.

Chia tay với cánh rừng bạch đàn, với màu xanh bất diệt trên cao nguyên, Thượng tá Phạm Minh Thư đã chuyển về Bảo tàng Quân chủng Phòng không – Không quân, là Phó Giám đốc bảo tàng. Với vị trí công tác mới, Anh hùng Phạm Minh Thư như một gạch nối giữa quá khứ và tương lai. Ngày nay, anh cùng đồng đội tiếp lửa cho thế hệ trẻ hôm nay để họ thấy được quá khứ hào hùng của lực lượng Không quân, tự hào và sống trách nhiệm hơn với tương lai. Thi thoảng, trong câu chuyện với các đồng nghiệp trẻ, anh hồi tưởng lại những giây phút cận kề cái chết và thầm hát: “Ai cũng chọn việc nhẹ nhàng, gian khổ sẽ dành phần ai…”.

Xiết chặt tay anh, tôi thấy trong ánh mắt của Anh hùng Phạm Minh Thư như ánh lên niềm vui về một cuộc sống thanh bình đã và đang đến với đồng bào các dân tộc trên phố núi Pleiku thân yêu

Nguyễn Văn Chiến
.
.
.