Giữ mùa xuân ở hai đầu thủy điện

Thứ Bảy, 20/02/2016, 17:34
Ngày ngày, những người chiến sĩ ấy có trách nhiệm điều tuyến, bảo vệ an toàn cho tàu bè lưu thông trên tuyến đường thủy dài gần 100km và kiêm nhiệm luôn việc bảo vệ an toàn ở hai đầu thủy điện Hòa Bình. Với những khó khăn vất vả khi làm việc trên sông nước ở vùng rừng núi lạnh lẽo, các chiến sĩ vẫn hoàn thành mọi nhiệm vụ được giao.


Nhưng có một điều đáng quý nhất đó là những tình cảm đặc biệt vô cùng sâu sắc mà người dân nơi đây dành cho các anh, là một địa chỉ đáng tin cậy mà nhiều người tìm đến khi gặp khó khăn hoạn nạn.

Có mặt tại Đội Cảnh sát giao thông đường thủy thuộc Phòng Cảnh sát giao thông - Công an tỉnh Hòa Bình, vào một ngày cuối năm để nghe các anh kể về quá trình công tác. Chúng tôi mới phần nào hiểu được cuộc sống lênh đênh nơi sông nước đầy những nguy hiểm và vất vả đến nhường nào. 

Theo như Trung tá Nguyễn Công Khanh - đội phó Đội Cảnh sát giao thông đường thủy cho biết, đầu năm và cuối năm là hai dịp mà các cán bộ của đội bận rộn nhất. Vì vào thời điểm này, người dân tứ xứ kéo về Hòa Bình để đi lễ đến Thác Bờ rất đông. Lưu lượng người đổ về có khi lên tới gần chục nghìn người chỉ trong một ngày. Với lượng người đông như vậy, việc tập trung trên mặt nước để chờ vào đền sẽ khiến công tác đảm bảo an toàn tính mạng con người gặp nhiều khó khăn. Hơn nữa, với lực lượng mỏng, chỉ có 13 người (tính cả người làm tạp vụ, nấu ăn) nên việc tuần tra kiểm soát đảm bảo an toàn trong suốt thời gian lễ hội cũng vô cùng gian nan. Vào những thời điểm như vậy, các chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông thường phải làm việc tăng ca, huy động tất cả các chiến sĩ và không có thời gian nghỉ ngơi.

Nói về hệ thống đường thủy phải quản lý, Trung tá Khanh cho biết: "Hòa Bình là tỉnh có hệ thống giao thông đường thủy đa dạng với hai hệ thống sông chính là sông Đà và sông Bôi. Tính riêng tuyến sông Đà đã có chiều dài hàng trăm kilômét. Phía hạ lưu quaTP Hoà Bình đến tận huyện Kỳ Sơn. Thượng lưu từ TP Hòa Bình qua Đà Bắc lên các huyện của Sơn La. Tuyến chính mà chúng tôi quản lý có khoảng 70km ở thượng lưu và 30km ở hạ lưu, chưa tính các tuyến sông ngòi chằng chịt".

Do địa bàn rộng, lực lượng mỏng nên các chiến sĩ của đội luôn đặt ra mục tiêu phải làm việc hết mình, đảm bảo an toàn cho người và phương tiện lưu thông trên tuyến. Ngay từ trước Tết, toàn đội đã triển khai mọi hoạt động kiểm tra phương tiện đăng kí hoạt động, tuyên truyền đảm bảo an toàn với phương châm phòng tốt trước khi chống. Với phương châm và tinh thần làm việc cao độ mà 5 năm gần đây, trên địa bàn quản lý của mình, Đội Cảnh sát Giao thông đường thủy Công an Hòa Bình không để một tai nạn đường thủy nào xảy ra trên toàn tuyến.

Trung tá Nguyễn Công Khanh đi thăm hỏi các chủ tàu lưu thông trên tuyến.

Ngoài công tác đảm bảo an toàn, theo Trung tá Nguyễn Công Khanh cho biết, cuối năm 2015 trên địa bàn có xảy ra nhiều vụ việc nguy hiểm. Cụ thể là vào ngày 14-9, sau khi nhận được tin báo huyện Lương Sơn nước đã ngập đến đường chợ Lương Sơn (thuộc xã Nhuận Trạch), đội đã điều động các chiến sĩ đi xuồng đến khu vực có lũ quét để hỗ trợ cứu người. 

Sau khi phát hiện một gia đình đang cầm khăn vẫy để cầu cứu, các chiến sĩ lập tức lao vào vùng nước cuốn để cứu người. Trong con nước đầy nguy hiểm, các chiến sĩ của đội đã cứu được 5 người, hai phụ nữ và ba cháu nhỏ. Sau đó, các anh còn đi tiếp nhiều vòng quanh khu dân cư, đến khi chắc chắn không còn ai bị mắc kẹt mới quay về. Ngoài ra trong cơn lũ, thấy khu trọ của người dân bị ngập nước, các anh đã lội ra tận nơi để giúp nhân dân cứu tài sản, vớt được 8 chiếc xe máy sắp bị trôi theo dòng nước.

Ngoài ra, trong công tác hàng ngày, trên đường tuần tra các tuyến đường thủy, khi nào gặp thuyền dân hết xăng hay hết đồ ăn, các anh cũng chia sẻ phần của mình cho họ. Sự chia sẻ ấy chỉ nhỏ nhoi như từng mớ rau, miếng thịt nhưng nó đã vun đắp và thắp lên ngọn lửa nồng ấm trong mối quan hệ giữa người dân và chiến sĩ. Từ đó, tình cảm của người dân với các chiến sĩ của Đội Cảnh sát giao thông đường thủy vô cùng khăng khít. 

Kể lại chính những trải nghiệm của mình, Trung tá Khanh cho biết: "Bà con trên đây hầu hết là người dân tộc, họ quý các anh em lắm. Tôi nhớ những ngày tôi mới chuyển từ đường bộ sang đường thủy, biết tin có cán bộ mới đến, người dân sống xung quanh trạm kéo đến hỏi thăm sức khỏe, ngồi uống nước râm ran chuyện trò một hồi lâu. Sau đó ít ngày, do chưa quen với khí hậu sông nước, tôi bị ốm phải nằm viện dưới thành phố. Bỗng nhiên một hôm bà con kéo xuống tận nơi để thăm hỏi, lúc ấy tôi cảm thấy rất cảm động và cảm thấy tình cảm của mọi người dành cho anh em của đội rất là đáng quý". 

Và cũng nhờ tình cảm ấy mà hiệu quả của việc tuyên truyền an toàn giao thông trên tuyến đạt hiệu quả cao. Điều đó cũng giúp đội đạt được thành tích không để xảy ra vụ tai nạn nào trong 5 năm, phần lớn nhờ vào sự hợp tác của người dân nơi đây.

Do gắn bó đến vậy nên mỗi lần có chuyện gì khó khăn, người dân lại đến Đội Cảnh sát giao thông đường thủy để nhờ giúp đỡ, thậm chí là chuyện không liên quan đến công tác chuyên môn. Có lần khi ba chiến sĩ của đội đang trực tại cảng Bích Hạ thì nhận được điện thoại gọi tới của một người đàn ông thuộc xã Vầy Nưa, huyện Đà Bắc, tỉnh Hòa Bình. Trong điện thoại, người đàn ông cầu cứu các anh cứu mạng của vợ mình. 

Theo như người đàn ông này kể vội thì do hai vợ chồng mâu thuẫn, trong lúc phẫn uất người vợ đã uống thuốc độc tự tử. Đường vào xã Vầy Nưa tính từ cảng Bích Hạ đi bằng đường sông gần 30km, chạy bằng xuồng máy cao tốc cũng tới ba mươi phút. Trước sự sống còn của người dân, đang nửa đêm, một chiến sĩ của đội ngay lập tức chạy một mình một xuồng máy tới xã Vầy Nưa. 

Tới được xã Vầy Nưa rồi nhưng người phụ nữ đó không chịu đi cấp cứu, càng không chịu để chồng bế mình. Tình thế buộc chiến sĩ này phải nhờ một phụ nữ hàng xóm đi cùng giữ, canh cho người phụ nữ đã uống thuốc độc kia không lao mình xuống dòng nước. 

Vừa chạy xuồng, anh vừa lo người phụ nữ đi cùng không đủ sức giữ nổi nạn nhân, ngộ nhỡ chị ta quẫn trí mà lao mình xuống hồ thì thiệt mạng. Nghĩ vậy nên vừa lái xuồng, anh vừa cuốn tóc của chị ta ở tay, chạy thật nhanh tới cảng Bích Hạ nhằm tới Bệnh viện Đa khoa của tỉnh cho kịp. Rất may là lần đó, người phụ nữ nhờ kịp thời được rửa ruột mà đã cứu được. Qua lần sóng gió đó, vợ chồng họ hiện đang sống hòa thuận, hạnh phúc. 

Các anh trong đội cũng kể nhiều tình huống người dân thấy có đánh nhau, xô xát, không gọi báo cho Công an xã mà gọi tới đội, anh em cũng sẵn sàng đi. Giải quyết trước, hướng dẫn chức năng, nhiệm vụ sau. Rồi đến cả chuyện người dân tới lúc vượt cạn, ở tận xã Tân Dân thuộc huyện Mai Châu gọi tới nhờ giúp đỡ, anh em cũng không nề hà mà ngay lập tức tới giúp đỡ.

Các chiến sĩ đi tuần tra trong lòng hồ.

Công việc bận rộn là vậy nhưng không quản ngại khó khăn để giúp đỡ người dân nên trong cuộc sống khó khăn trên nhà nổi, tại những tổ trực trên tuyến, các anh cũng nhận được rất nhiều sự giúp đỡ của bà con. 

Nói về những khó khăn của các chiến sĩ, Trung tá Nguyễn Công Khanh cho biết: "Anh em đóng chốt sống trên các nhà nổi rất vất vả, mùa đông thì lạnh vô cùng lại thiếu thốn đủ thứ. Nếu ai chưa quen thì phải nôn nao cả tháng đầu khi sống cảnh lênh đênh như anh em của đội. Chưa kể đến các loại bệnh tật, côn trùng luôn bủa vây và nỗi nguy hiểm khi tuần tra công tác vào mùa lũ, bão. Đến mùa bão, đêm lạnh buốt bởi mưa gió nhưng anh em không được ngủ mà thức trông bè. Lúc nước đầy phải canh chừng rồi khi thủy điện xả nước xuống nhanh phải đẩy nhà nổi ra nếu không sẽ bị mắc cạn luôn". 

Để vượt qua những khó khăn, hoàn thành được nhiệm vụ, bên cạnh cố gắng của các chiến sĩ luôn có sự đồng hành của nhân dân. Và biết được điều đó nên các anh luôn tâm niệm rằng, sẽ cố gắng hết mình để duy trì an ninh trật tự trên tuyến đường thủy, bảo vệ an toàn cho người dân nơi đây cũng như trách nhiệm bảo vệ hai đầu thủy điện Hòa Bình.

Lê Phong
.
.
.