Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân, Trung tướng Châu Văn Mẫn:

Hành trình trở về đầy ân nghĩa

Chủ Nhật, 30/04/2017, 21:59
Năm nào cũng vậy, vào những ngày thiêng liêng của lịch sử, 30-4 hay 27-7, Trung tướng Châu Văn Mẫn đều dành thời gian trở lại Côn Đảo, thắp nén tâm nhang cho đồng đội. Người lính trở về từ địa ngục trần gian ấy, dù sau này đảm nhiệm những cương vị cao trong công tác và giờ đã thanh thản nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa bao giờ nguôi quên đồng đội mình, những người đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất thiêng.

Ông không phải là cái tên xa lạ đối với nhiều người, bởi tên ông gắn liền với một địa danh lịch sử, Côn Đảo. Tôi đã có nhiều dịp trò chuyện cùng ông, nhưng tôi thực sự xúc động khi đọc đến những trang cuối cùng của cuốn hồi ký "Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo" của ông do nhà văn Trần Hoàng Thiên Kim chấp bút.

Và tôi hiểu, hành trình trở về của Trung tướng Châu Văn Mẫn là một hành trình đầy ân nghĩa, để tri ân đồng đội, quê hương mình.

Trung tướng Châu Văn Mẫn làm từ thiện tại quê hương Quảng Nam.

1.Năm nào cũng vậy, vào những ngày thiêng liêng của lịch sử, 30-4 hay 27-7, Trung tướng Châu Văn Mẫn đều dành thời gian trở lại Côn Đảo, thắp nén tâm nhang cho đồng đội. Người lính trở về từ địa ngục trần gian ấy, dù sau này đảm nhiệm những cương vị cao trong công tác và giờ đã thanh thản nghỉ hưu nhưng ông vẫn chưa bao giờ nguôi quên đồng đội mình, những người đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất thiêng.

Ông vẫn luôn khát khao trở lại mảnh đất Côn Đảo để được thắp lên mộ họ một nén nhang thơm, một cành hoa trắng. Nhiều đồng đội ông đã không trở về và ông bảo, ông sẽ phải sống cho cả những người lính ấy. Tôi đã đi cùng ông chuyến đi đến Côn Đảo để chuẩn bị cho ngày lễ giỗ chung của những cựu tù Côn Đảo vào ngày 20-6 hàng năm.

Chuyến đi ấy, có cả những cựu tù còn sống, anh hùng lực lượng vũ trang Bùi Văn Toản. Tôi đứng lặng bên những người lính cựu tù Côn Đảo, giữa nghĩa trang Hàng Dương bạt ngàn những ngôi mộ, hàng ngàn người tù Côn Đảo đã nằm lại và rất ít người trong số họ có một cái tên, một ngày mất. Những nấm mồ vô danh.

Và ngay cả dưới mỗi tấc đất kia, có biết bao người đã hòa mình trong đất, không có nổi một nấm mồ. Tâm nguyện của trung tướng Châu Văn Mẫn và những cựu tù Côn Đảo là có một ngày giỗ chung cho tất cả những người đã khuất, để họ biết rằng, đồng đội, những người may mắn sống sót năm xưa, vẫn luôn nhớ đến họ, đau đáu một nỗi niềm, đi tìm lại tên tuổi, ngày mất cho họ.

Trung tướng Châu Văn Mẫn trong cuộc sống đời thường.

Ngẫm lại cuộc đời mình, Trung tướng Châu Văn Mẫn luôn cảm thấy may mắn khi mình được sống trở về. Ông không bao giờ quên quá khứ bi tráng đó và luôn tâm niệm phải làm gì để tri ân với đồng đội mình.

Cảm giác mắc nợ quá khứ luôn đeo đẳng trong trái tim vị tướng già. Vì thế, việc đầu tiên sau khi về Côn Đảo là ông tự thiết kế, xin kinh phí của Ủy ban nhân dân tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu xây bia tưởng niệm đặt tại trại 6, khu B (nơi ông từng bị địch bắt, giam giữ).

Nội dung bia do các đồng chí nguyên là lãnh đạo Đảng bộ Lưu Chí Hiếu biên soạn ghi lại vắn tắt cuộc đấu tranh lịch sử của các cựu từ Côn Đảo trong trại giam, tiến hành giải phóng các trại giam, kết thúc 113 năm địa ngục trần gian Côn Đảo.

Với ông, tấm bia này thực sự có ý nghĩa vì nó ghi lại cuộc chiến đấu kiên cường của các cựu tù Côn Đảo tinh thần ấy, ý chí ấy của họ sẽ trơ gan cùng tuế nguyệt, nhắn nhở các thế hệ con cháu khi đến với mảnh đất này.

 Đau đáu với quá khứ, với những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở Côn Đảo, Trung tướng Châu Văn Mẫn cùng các đồng chí trong Ban liên lạc trại I-6B Côn Đảo đã đề nghị với UBND tỉnh Bà Rịa- Vũng Tàu và chính quyền Côn Đảo tổ chức lễ kỷ niệm chiến thắng tại Côn Đảo với sự tham gia của hơn 300 cựu tù.

Lần đầu tiên sau 40 năm, các cựu tù Côn Đảo gặp lại nhau, trên chính mảnh đất khắc nghiệt mà họ không nghĩ rằng mình được sống sót trở về. Cuộc hội ngộ ấm áp, đầy ân nghĩa. Đến bây giờ nhớ lại khoảnh khắc xúc động đó, Trung tướng Châu Văn Mẫn vẫn không nén được xúc động.

Và ông thấy nhẹ lòng khi đã làm được một việc ân nghĩa với những đồng đội mình. Cũng chính trong cuộc gặp đó, Ban Liên lạc cựu tù Côn Đảo đã đề nghị Ủy ban nhân dân tỉnh truy tặng bằng khen cho 6 cá nhân đã có công giúp tù chính trị nổi dậy giải phóng Côn Đảo, trong đó có linh mục Phạm Gia Thụy, nguyên chánh xứ Côn Sơn, 2 công chức, 1 sĩ quan, 2 hạ sĩ quan của chế độ Sài Gòn ở Côn Đảo.

Dù muộn mằn, tận 40 năm sau, nhưng Trung tướng Châu Văn Mẫn và đồng đội ông đã làm được một việc ý nghĩa, vinh danh những con người có đóng góp cho cách mạng, dù bề ngoài, đôi khi ta nhầm tưởng rằng họ ở bên kia chiến tuyến.

Cũng dịp kỷ niệm 40 năm đó, một phòng trưng bày truyền thống đấu tranh của tù chính trị câu lưu được khai mạc trọng thể. Và bây giờ, đến với Côn Đảo, chúng ta không chỉ được nghe thuyết minh bằng lời về lịch sử đấu tranh của các chiến sĩ, mà còn tận mắt nhìn thấy những nhân chứng lịch sử trong chính phòng trưng bày này.

Chừng ấy công việc, chừng ấy tâm huyết và rất nhiều ân nghĩa mà Trung tướng dành cho những cựu tù Côn Đảo như giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn, trở thành đầu mối liên lạc với các cựu tù ở khắp mọi miền đất nước để quy tụ họ trong nhiều năm qua vẫn chưa đủ làm ông nguôi ngoai.

Cuộc chiến tranh đã đi qua hơn 40 năm, nhưng những di chứng về chiến tranh vẫn còn đó, nặng trĩu trong trái tim vị tướng già. Ông ám ảnh về những đồng đội đã vĩnh viễn nằm lại ở Côn Đảo. Có những người không có một cái tên, một ngày mất hay một dòng địa chỉ. Phần lớn trong nghĩa trang Hàng Dương ấy là những nấm mồ vô danh.

Trung tướng Châu Văn Mẫn mong muốn làm một lễ giỗ chung cho tất cả những người đã nằm lại. Sau nhiều khó khăn về công tác liên lạc, tìm nguồn hỗ trợ kinh phí, đến năm 2012, một lễ giỗ đầu tiên, linh thiêng và xúc động đã được tổ chức.

Cuốn hồi ký vừa xuất bản của Trung tướng Châu Văn Mẫn.

Lần đó, có mặt hàng trăm cựu tù ở khắp mọi miền đất nước, đứng kính cẩn nghiêng mình trước đồng đội năm xưa. Đến bây giờ đã được 5 năm.

Ông viết trong cuốn hồi ký của mình rằng: "Khi làm được những công việc này, trong lòng tôi cảm thấy vui và đầy ý nghĩa. Mọi việc suôn sẻ chứng tỏ là các anh vẫn đang ủng hộ và theo dõi chúng tôi từng bước trên con đường mấy chục năm qua. Chúng tôi cảm thấy ấm lòng vì giờ đây Côn Đảo đã trở thành một địa chỉ du lịch tâm linh của đồng bào cả nước. Tại nghĩa trang Hàng Dương, có hàng ngàn ngôi mộ của các chiến sĩ đã hy sinh bảo vệ Tổ quốc. Những ngọn đèn năng lượng, mặt trời trên ngôi mộ của các anh đêm đêm vẫn tỏa sáng cho cả một dân tộc vươn lên địa cầu".

2.Vị tướng già trầm ngâm khi hồi tưởng lại quá khứ, một quá khứ gắn liền với lịch sử bi tráng của dân tộc. Dù đã nghỉ hưu, nhưng trong ông vẫn đau đáu với quá khứ, ông thấy mình mắc nợ với đồng đội, những người đã ngã xuống. Ký ức đó vẫn sống mãi trong ông. Và ông tâm niệm, sẽ viết lại hồi ký về cuộc đời mình.

"Những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo" đã ra đời, như một cách ông trả món nợ cho đồng đội, để những thế hệ hôm nay, lớn lên trong hòa bình hiểu về một quá khứ hào hùng nhưng cũng đầy bi tráng của ông cha.

Gọi là hồi ký, nhưng những câu chuyện của Trung tướng Châu Văn Mẫn là những câu chuyện gắn liền với đồng đội, với tuổi trẻ của một thế hệ đi vào cuộc chiến tranh bằng nhiệt huyết và niềm tin.

"Cuốn sách như một lời tri ân đồng đội, tri ân gia đình, quê hương đã hun đúc lên người anh hùng cống hiến cả một thời tuổi trẻ cho những mùa xuân bất tử trong nhà tù Côn Đảo..." (Lời tựa của người châæp bút - nhà văn Trần Hoàng Thiên Kim).

Trung tướng Châu Văn Mẫn sinh ra và lớn lên trong một gia đình giàu truyền thống cách mạng. Bà nội ông là cụ Nguyễn Thị Bồn - mẹ Việt Nam anh hùng. Cha ông là Châu Văn Xinh, tham gia hoạt động cách mạng tại địa phương trong kháng chiến chống Mỹ. Vì thế, Châu Văn Mẫn sớm giác ngộ và tham gia cách mạng từ rất sớm.

Dưới vỏ bọc công nhân đồn điền cà phê, đồng chí Châu Văn Mẫn đã thu thập được nhiều tin tức tình hình địch trong các địa bàn đặc biệt quan trọng ở chiến trường Tây Nguyên, thực hiện tốt nhiệm vụ, tuyên truyền giáo dục cách mạng cho nhân dân, xây dựng lực lượng nòng cốt và cơ sở cách mạng trong vùng địch kiểm soát.

Tháng 1-1970, trong một lần gặp gỡ cơ sở bí mật tại vùng địch kiểm soát, đồng chí Châu Văn Mẫn bị địch bắt, bị giam giữ tại nhà tù Buôn Ma Thuột. Giặc đã dùng mọi thủ đoạn tra tấn dã man hòng lấy lời khai của ông, nhưng chúng không ngờ rằng, trong tâm hồn chàng trai 20 tuổi, vóc dáng bé nhỏ ấy là một tinh thần, một ý chí sắt đá.

Ba tháng lặng lẽ trôi qua trong nhà tù Buôn Ma Thuột, bất lực trước ý chí kiên cường của một cậu bé, giặc đã đày Châu Văn Mẫn ra Côn Đảo. Những câu chuyện xúc động về chốn địa ngục trần gian đã được ông kể lại trong cuốn hồi ký của mình, về một nơi ông gọi là "ghi dấu cả một thời tuổi trẻ xương máu của tôi".

 Và ông may mắn khi được trở về. Tuổi 70, di chứng của những trận đòn roi tra tấn làm ông đau đớn, nhưng ông vẫn lặng lẽ đi tiếp hành trình của mình, tri ân đồng đội, tri ân quê hương.

Ông nói: "Bình Sa trong trái tim tôi luôn có điều gì đó thật đặc biệt. Tôi nhớ tất cả những rặng tre, luống khoai, những cánh đồng lúa mênh mông đất trời. Thật tự hào khi tuổi thơ của tôi được nuôi dưỡng trên mảnh đất đầy khó khăn và gian lao ấy".

Ông trở lại Bình Sa với những nghĩa cử thiết thực như xây dựng bia tưởng niệm 8 liệt sĩ bị thám kích sát hại trong kháng chiến chống Mỹ, xây dựng Trường Tiểu học Trần Phú, trường mẫu giáo của xã, hằng năm tặng xe đạp, học bổng mang tên Châu Văn Mẫn cho học sinh ở đó.

Ông nói: "Có quá nhiều vùng đất, quá nhiều kỷ niệm trong cuộc đời nhiều biến động mà tôi đã trải qua. Ở vùng đất nào, con người nào cũng mang lại cho tôi những kỷ niệm đẹp, không dễ quên trong hành trình cuộc đời. Tôi chỉ muốn nói rằng, tôi cảm ơn tất cả, cảm ơn số phận, cảm ơn gia đình, dòng tộc, cha mẹ, các anh chị em, vợ con đã ở bên cạnh tôi trong những giây phút quý báu của cuộc đời". Và tôi hiểu, hành trình sống của vị tướng già ấy là hành trình của sự trở về đầy ân nghĩa...

Mỹ Trân
.
.
.