Hành trình vượt qua nỗi đau của người thầy giáo Công an

Thứ Năm, 12/02/2015, 10:00
Đang học cấp 2 thì bố mất vì tai nạn lao động, một mình mẹ bươn chải nuôi hai chị em ăn học. Không phụ công chăm lo của mẹ, anh đã nỗ lực phấn đấu, trở thành thủ khoa tốt nghiệp của Trường Đại học Phòng cháy chữa cháy (PCCC). Với thành tích xuất sắc ấy, anh được giữ lại làm giảng viên của trường, trở thành tấm gương điển hình vượt khó của lực lượng Công an nhân dân. Anh là Thiếu uý Trần Văn Khả, Khoa Cứu hộ cứu nạn Đại học PCCC.
Nghị lực hơn người

Rất khó để có một lịch hẹn với Thiếu uý Trần Văn Khả, bởi thời gian này, anh đang bận rộn với lịch học nghiệp vụ sư phạm, lịch thỉnh giảng ở trường. Vừa mới tốt nghiệp Đại học PCCC chưa lâu, đây là khoảng thời gian để Khả rèn luyện về mọi mặt chuẩn bị bước lên bục giảng, bắt đầu sự nghiệp của một người thầy giáo Công an nhân dân.

Sinh ra tại vùng đất Thành Nam có truyền thống hiếu học, gia đình của Thiếu úy Trần Văn Khả lại có hoàn cảnh vô cùng khó khăn nên ngay từ nhỏ, thương cha mẹ vất vả, anh đã phấn đấu học giỏi. Cũng nhờ nghị lực hơn người ấy, trong nhiều năm liền, Khả là học sinh giỏi trường điểm của huyện Nghĩa Hưng, Nam Định. Thi Đại học PCCC với số điểm cao, trong suốt 5 năm theo học, Khả đã có một bảng thành tích khiến nhiều người phải khâm phục.

5 năm liền, Khả được Hiệu trưởng nhà trường tặng giấy khen "Học viên Giỏi"; Tổng cục trưởng Tổng cục Xây dựng lực  lượng CAND (nay là Tổng cục Chính trị CAND) tặng giấy khen "Học viên Giỏi toàn khóa học" và "Đạt thành tích xuất sắc trong 3 năm thực hiện cuộc vận động CAND chấp hành nghiêm điều lệnh, xây dựng nếp sống văn hóa vì nhân dân phục vụ"; Bộ Tư lệnh Cảnh sát cơ động tặng giấy khen "Có thành tích xuất sắc trong tập luyện diễu binh kỉ niệm 65 năm ngày truyền thống lực lượng CAND".

Thiếu úy Trần Văn Khả trong đời thường.

Bên cạnh thời gian học tập, Khả còn tích cực tham gia các hoạt động của trường và đoạt giải khuyến khích cuộc thi văn nghệ chào mừng ngày Thành lập Đoàn TNCS HCM 26-3 và giải khuyến khích hội thi "Sáng tạo trẻ" do Đoàn trường tổ chức… Tháng 8/2014, Khả được vinh danh trong Lễ tuyên dương Thủ khoa tốt nghiệp các trường đại học, học viện trên địa bàn Hà Nội, với kết quả 9,2 điểm rèn luyện và điểm trung bình học tập toàn khóa 8,2. Nói về những thành tích học tập xuất sắc của mình, Khả chỉ cười hiền và nhận mình là người chăm chỉ, may mắn. Nhưng tôi biết, đằng sau nụ cười hiền hậu, chân thành ấy là cả một ý chí quyết tâm và nghị lực phi thường.

Con đường chông gai

Gia đình Khả vốn nghèo, bố mẹ anh chỉ trông chờ vào mấy sào ruộng để nuôi hai chị em ăn học. Khi Khả đang học lớp 9, bố anh theo người họ hàng vào miền Nam làm thợ xây, với hi vọng cuộc sống gia đình khá giả hơn, và cũng để chuẩn bị điều kiện tốt nhất cho cậu con trai thi vào cấp 3 trường điểm của huyện. Làm việc ở nơi đất khách quê người chưa được bao lâu, vì một tai nạn lao động, bố Khả mất đột ngột, không kịp nhìn thấy cậu con trai mà ông luôn kì vọng thành tài. Từ đó, mọi gánh nặng gia đình dồn hết lên đôi vai gầy guộc của người vợ trẻ. Dù chỉ mới ngoài 30, bà đã phải chịu đựng nỗi đau mất chồng, một mình chèo chống mọi công việc trong nhà và nuôi các con tiếp tục ăn học thành tài. Thương mẹ vất vả, chị gái Khả chưa học hết cấp 3 đã bỏ học ở nhà phụ giúp mẹ nuôi em.

Thiếu úy Trần Văn Khả (ngoài cùng bên phải) trong lễ bế giảng khóa D25 - Đại học PCCC năm 2014.

Khả tâm sự, thời gian đầu bố mất, anh vẫn chưa ý thức được những thiệt thòi, mất mát mình sẽ phải trải qua trong tương lai. Càng ngày anh càng thấm thía nỗi đau thiếu vắng bàn tay chăm sóc, dạy dỗ của người cha. Nhưng không vì lý do đó mà anh buông xuôi mọi thứ. Ngày qua ngày, thấy được sự vất vả của mẹ và chị, càng khiến anh thương gia đình nhỏ của mình hơn.

Có lẽ, đó chính là động lực để anh quyết tâm thi vào Đại học PCCC. Khả chia sẻ, anh vào lực lượng Công an lúc đầu chỉ là muốn giảm bớt gánh nặng cho gia đình, không muốn mẹ và chị phải vất vả kiếm tiền nuôi mình học đại học và cũng không nghĩ rằng sau này mình lại trở thành người thầy giáo Công an nhân dân, nhưng quả thật nghề đã chọn người. Càng ngày gắn bó với ngôi trường Đại học PCCC, trải qua những khoá thực tập cứu hộ, cứu nạn, phòng cháy chữa cháy, anh càng thêm yêu và say nghề.

Thời gian còn theo học tại trường, Khả đã trực tiếp tham gia 10 vụ chữa cháy tại địa bàn Hà Nội. Bắt đầu vào năm học thứ 4, anh tham gia đội chữa cháy và cứu nạn cứu hộ của trường. Đội chữa cháy tập hợp những sinh viên của năm thứ tư và năm thứ năm, chia thành từng nhóm 12 người, thay phiên nhau trực mỗi nhóm một tuần, vừa là nơi để các chiến sĩ Cảnh sát PCCC tương lai thực tập, vừa là một lực lượng cơ động sẵn sàng hỗ trợ cho Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội khi có yêu cầu.

Thiếu úy Trần Văn Khả trong lễ tuyên dương khen thưởng thủ khoa trong tuyển sinh đại học và học viên tốt nghiệp tiêu biểu năm 2014 của Bộ Công an.

Mùa đông năm 2012, khi nhận được sự điều động của Sở Cảnh sát PCCC Hà Nội tham gia vụ chữa cháy quán rượu cao 6 tầng ở Trần Duy Hưng (Hà Nội), đội cứu hộ của Đại học PCCC đã đến sớm nhất. Khi đến nơi, lửa và khói vẫn bốc lên khá cao, cháy từ tầng 2 đến tầng 6. Hai bên toà nhà không tiếp cận được và mặt trước có tấm biển quảng cáo lớn chắn nên việc vào bên trong hiện trường gặp khó khăn. Phun nước vào dập lửa được một lúc thì những chai rượu ngoại vì sức nóng lại bị vỡ ra, lửa bùng lên. Khi đang đỡ ống nước để chiến sĩ trên thang phun vào trong toà nhà, ống bị vỡ, Khả hứng trọn nhiều khối nước lạnh vào người. Suốt từ 23 giờ đêm đến 6 giờ sáng hôm sau, Khả cùng đồng đội mới hoàn thành nhiệm vụ và trở về khi toàn thân đã ướt sũng, lạnh run.

Lần chữa cháy bốt điện cao thế 110KV trên Đại lộ Thăng Long cũng là một kỷ niệm không thể nào quên với Thiếu uý Trần Văn Khả. Khi Đội chữa cháy của Đại học PCCC đến nơi, cả bốt điện đã bốc cháy ngùn ngụt. Vì điện chưa cắt, nên các anh không thể phun nước dập lửa, chỉ biết chờ đợi. Dù đã được học, được biết đến sự nguy hiểm của những vụ hoả hoạn, nhưng Khả vẫn không khỏi bất ngờ khi đối diện trực tiếp với đám cháy.

Phải mất 3 tiếng nỗ lực không ngừng nghỉ, các anh mới có thể dập được đám cháy nhưng vẫn không thể tiếp cận máy biến áp. Đứng cách xa 2m mà vẫn nghe thấy tiếng dầu sôi ùng ục trong máy biến áp, nếu không làm mát kịp thời sẽ khiến máy biến áp nổ tung, dầu bắn ra ngoài, lửa càng lan rộng. Nguy hiểm là thế, nhưng tất cả các sinh viên Cảnh sát trẻ tuổi vẫn lao vào với quyết tâm bằng mọi giá phải ngăn chặn đám cháy quay trở lại.

Chính những lần đối mặt với hiểm nguy ấy càng khiến Thiếu uý Trần Văn Khả thêm gắn bó với nghề. Ngay sau khi tốt nghiệp thủ khoa của Trường Đại học PCCC, được biết trường có nhu cầu tuyển giáo viên, Khả nộp đơn dự tuyển và thật may mắn anh được giữ lại công tác tại Khoa Cứu hộ cứu nạn. Dù biết con đường phía trước còn nhiều khó khăn, thử thách, nhưng anh quyết tâm theo đuổi sự nghiệp của một người thầy giáo Công an nhân dân đến cùng. Anh bảo, đó cũng là cách anh trả ơn công lao dưỡng dục của người mẹ một đời tần tảo và người cha đã khuất của mình.

Kim Thái
.
.
.