Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hòa Bình):

Hết mình để trả lại công bằng cho xã hội

Thứ Tư, 02/04/2014, 08:00

Những ngày đầu năm mới Giáp Ngọ 2014, chúng tôi có dịp tiếp xúc Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn, Phó trưởng Phòng Kỹ thuật hình sự (Công an Hòa Bình) khi anh cùng đồng đội vừa trở về sau khi khám nghiệm tử thi tại huyện Lương Sơn. Phải làm việc trong điều kiện thời tiết khắc nghiệt, trời giá rét làm cho cơ thể anh tê tái, mắt trũng sâu. Nhâm nhi chén trà nóng, anh say sưa kể về đời, về nghề. Cách anh kể chuyện hóm hỉnh, gần gũi, cuốn hút đã khắc họa bức tranh về nghề kỹ thuật hình sự, công việc đầy gian khổ, nguy hiểm đã gắn bó với anh gần 30 năm qua. 

Cơ duyên gắn bó với nghề...

Tháng 7/1987, tốt nghiệp chuyên ngành sinh – hóa thuộc Đại học Tổng hợp Hà Nội (trước đây), người thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Đôn quyết định rời mảnh đất quê lụa Hà Tây (nay là Hà Nội) ngược lên địa bàn miền núi Hòa Bình tìm thử thách mới. Vào thời điểm đó, Công an tỉnh Hòa Bình đăng tin tuyển dụng cán bộ công tác tại bộ phận kỹ thuật hình sự. Thông qua người thân, bạn bè, anh được biết đây là lĩnh vực đòi hỏi trình độ khoa học, kỹ thuật chuyên sâu, lần tìm dấu vết để làm rõ bản chất vụ án, anh vừa tò mò, vừa thích thú muốn được trải nghiệm ở lĩnh vực đầy mới mẻ. Được bạn bè, người thân ủng hộ, anh làm hồ sơ dự tuyển và may mắn trúng tuyển. Mảnh đất và con người Hòa Bình gần gũi, chân thành, bao dung đã che chở, đùm bọc chàng thanh niên trẻ ngay từ những ngày đầu anh đặt chân đến và gắn bó cho đến nay.

Ngay sau khi được tuyển dụng, anh được tổ chức phân công làm công tác khám nghiệm hiện trường tại Phòng Kỹ thuật hình sự Công an Hòa Bình. Đây là một công việc đầy khó khăn, vất vả, nguy hiểm bởi đối tượng tiếp xúc nhiều khi là những xác chết, những bộ phận cơ thể thối rữa, phân hủy, nguy cơ lây nhiễm bệnh cao. Nếu không có bản lĩnh, niềm đam mê với nghề, chắc hẳn không phải ai cũng dám nhận nhiệm vụ. Trong thực tế, nhiều cán bộ khám nghiệm do không chịu nổi áp lực công việc, ám ảnh về nghề, làm đơn chuyển đơn vị khác. Với Nguyễn Hữu Đôn, ngay từ khi vào nghề, anh xác định cho mình bản lĩnh vững vàng, dù nhiệm vụ đó khó khăn, vất vả, ảnh hưởng tới sức khỏe, tính mạng mình.

Cho đến tận bây giờ, kỷ niệm về lần đầu tiên tiếp xúc với xác chết vẫn để lại trong tâm trí Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn ấn tượng sâu sắc. Đó là buổi tối cuối tháng 9/1987, vừa nhận công tác được 10 ngày, đang trực ban tại đơn vị, Nguyễn Hữu Đôn và đồng đội nhận được tin tại xã Dân Hạ, huyện Kỳ Sơn (Hòa Bình) xảy ra vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng giữa xe ôtô và xe máy. Vụ va chạm mạnh khiến người đi xe máy tử vong ngay tại chỗ. Điều đáng nói, những tổ chức cơ thể bị vỡ nát, óc, tim, phổi bám vào thành xe, máu loang lổ khắp mặt đường. Lần đầu tiên được cử đi công tác, lại chứng kiến vụ tai nạn kinh hoàng, anh không tránh khỏi cảm giác hồi hộp, lo lắng. Nén sợ hãi trong lòng, chàng thanh niên trẻ Nguyễn Hữu Đôn cùng đồng đội bắt tay vào công việc. Nhìn thao tác thuần thục của anh, nhiều người nghĩ anh là một cán bộ lâu năm trong nghề chứ không phải “lính mới tò te”. Sau khi làm xong thủ tục khám nghiệm, anh cẩn thận lau sạch vết máu, bàn giao tử thi cho gia đình làm thủ tục mai táng.

Vừa kết thúc công việc, người mệt nhoài, anh và đồng đội tiếp tục nhận được tin tại phường Đồng Tiến, TP Hòa Bình, cách đó gần 20km xảy ra vụ tai nạn giao thông làm chết 1 người. Lần đầu làm nhiệm vụ, anh thực sự choáng ngợp trước nhiệm vụ khó khăn, nặng nề, bản thân anh trước đó không hề nghĩ tới. Được mọi người động viên, anh có thêm quyết tâm để hoàn thành nhiệm vụ. Ngay sau khi nhận thông tin, anh lại cùng đồng đội thu dọn hành lý, phương tiện di chuyển đến hiện trường. Lúc này đã là 12h đêm, trời tối đen, các anh phải sử dụng thiết bị chiếu sáng dự phòng khám nghiệm hiện trường. Nạn nhân bị tử vong sau vụ va chạm mạnh giữa 2 xe máy đi ngược chiều. Có được chút ít kinh nghiệm từ lần khám nghiệm trước đó, Nguyễn Hữu Đôn lao ngay vào công việc, vẽ hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng, xác định nguyên nhân chết...

Hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ ngay lần đầu tham gia tổ khám nghiệm, Nguyễn Hữu Đôn được lãnh đạo và anh em trong đơn vị chia vui, động viên khích lệ. Cái cảm giác lần đầu tiếp xúc với xác chết khiến anh rùng mình. “Nói thật, cái cảm giác lần đầu tiếp xúc với tử thi khiến tôi mất ăn, mất ngủ nhiều ngày liên tục. Mặc dù đã chuẩn bị tâm lý và tinh thần song quả thực vào công việc mới thấy hết sức vất vả, khó khăn của đồng đội. Đó chính là động lực để tôi nỗ lực, cố gắng vượt qua” – Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn chia sẻ.

Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn.

Khi chúng tôi muốn anh kể về những kỷ niệm sâu sắc trong quãng đời làm nghề khám nghiệm, anh cười bảo: Nhiều lắm, khó mà có thể nhớ ngay được. Bình quân mỗi năm, lực lượng KTHS phải khám nghiệm khoảng 200 tử thi. Như vậy, làm một phép tính đơn giản, với gần 30 năm gắn bó với nghề, anh cùng đồng đội tham gia khám nghiệm khoảng 5.000 tử thi các loại. Con số trên thực sự làm chúng tôi giật mình. Làm công việc này đòi hỏi tính thận trọng, tỷ mỷ và tâm huyết với nghề. Khi nhìn nhận, đánh giá vấn đề cần thực hiện một cách khách quan, toàn diện, chính xác bởi chỉ một nhận định chủ quan, duy ý chí, sẽ gây hậu quả khôn lường, làm sai lệch bản án, chệch hướng điều tra của cơ quan chức năng. Tính cách đó ăn sâu vào con người Nguyễn Hữu Đôn, anh ít nói về mình. Chỉ có công việc mới thực sự lôi cuốn anh vào câu chuyện.

Bắt tử thi tố cáo hung thủ...

Tiếp tục câu chuyện, Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn kể: Có lẽ hiếm có vụ án mạng nào lại khó khăn, phức tạp như vụ giết người, cướp tài sản tại tiểu khu 14, thị trấn Lương Sơn, huyện Lương Sơn. Chúng tôi nhận được tin vào khoảng 20h ngày 20/3/1999, tại nhà ông Nguyễn Hồng Tuấn ở tiểu khu 14 phát hiện một xác đàn ông khoảng 43 tuổi, cao khoảng 1m65, người đậm, chết do bị cắt cổ. Ngay sau khi nhận được tin báo, anh em trong đội KTHS đã có mặt tiến hành dựng lại hiện trường, thu thập dấu vết, vật chứng có liên quan và tiến hành mổ tử thi. Hiện trường có sự xáo trộn, dưới nền nhà có vết giằng co, cơ thể nạn nhân có nhiều vết máu ở cổ, thân và bàn chân. Tiến hành khám nghiệm tỷ mỷ, thận trọng, không bỏ sót bất kỳ dấu vết nào tại hiện trường, cuối cùng anh em chúng tôi phát hiện ra một chi tiết quan trọng. Phía trên chiếc công tắc đèn có dấu vân tay lạ, không giống vân tay của nạn nhân. Đây rất có thể là chứng cứ để buộc tội đối tượng. Lực lượng trinh sát một mặt tổ chức thông báo, tìm tung tích nạn nhân, một mặt gửi thông báo tới Cục Hồ sơ nghiệp vụ (Bộ Công an) và Công an các tỉnh, thành đề nghị phối hợp tra cứu dấu vân tay lạ trên.

Cùng thời điểm trên, Công an huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc phát đi thông báo, trên địa bàn có 2 người mất tích, một trong số đó có đặc điểm giống với đặc điểm tử thi. Tiếp tục điều tra, xác minh theo đề nghị của Công an Vĩnh Phúc, các trinh sát phát hiện cách đó không xa, có một xác nam giới bị giết chết. Tuy nhiên, do bị chết quá lâu, tử thi phân hủy, thối rữa, không thể lấy được vân tay. Khi ấy tôi đã chỉ đạo anh em bằng mọi cách phải lấy được vân tay, vì đây là thông tin duy nhất để xác định tung tích nạn nhân. Để thực hiện điều đó, anh rút phần da trên ngón tay nạn nhân, sau đó cho vào tay mình để lăn vân tay. Đúng như dự đoán, thông tin từ dấu vân tay trùng khớp với danh tính người mất tích tại huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc. Kết hợp những thông tin trên, cơ quan điều tra đủ căn cứ xác định, 2 vụ án mạng trên do 1 đối tượng gây ra. Sau đó không lâu, thông qua các  biện pháp nghiệp vụ, cơ quan điều tra đã bắt gọn đối tượng gây án.

Ngoài ra, vụ giết người được hung thủ ngụy trang là hiện trường tai nạn giao thông xảy ra ngày 16/4/2013 để lại cho anh trải nghiệm thú vị. Nhân chứng đầu tiên tiếp cận hiện trường là anh Bùi Văn Thụ, 36 tuổi, người dân xã Phú Cường, huyện Tân Lạc cho biết: Thi thể ông ấy nằm sõng soài trên nền cỏ, mặc chiếc áo sơ mi màu trắng, quần tối màu, cách chiếc xe ôtô khoảng 50m.  Khi tôi phát hiện, xác ông ấy đang trong giai đoạn phân hủy, bốc mùi hôi hám. Còn chiếc xe ô tô, BKS 30S – 9139 bị méo mó, hư hỏng nặng. Quan sát ban đầu, chúng tôi đều cho rằng đây là vụ tai nạn giao thông nghiêm trọng, xe mất lái lao xuống vực. Khu vực này thường xảy ra những vụ tai nạn giao thông như vậy nên chúng tôi lập tức trình báo cơ quan chức năng.

Nạn nhân được xác định là ông Phạm Đức Hậu, Phó Giám đốc Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Mai Châu, tỉnh Hòa Bình. Tuy nhiên, dưới con mắt nghiệp vụ của các giám định viên thì đó là vụ án giết người đặc biệt nghiêm trọng. Mặc dù hiện trường vụ án nằm dưới vực sâu, việc tiếp cận gặp nhiều khó khăn, phức tạp do trơn trượt, chỉ một sơ sẩy có thể nguy hiểm đến bản thân. Sau đó không lâu tổ công tác tiếp cận được hiện trường. Do tử thi đang trong giai đoạn phân hủy nên có mùi hôi thối, khó chịu, các nhân chứng theo đoàn phải dừng lại khá xa, không dám lại gần. Thượng tá Đôn cùng đồng đội triển khai khám nghiệm hiện trường, tử thi làm rõ nguyên nhân chết. Các anh thu được trên người nạn nhân có 1 ví da, trong đó có hơn 3 triệu đồng, 1 nhẫn màu vàng, mặt đá và nhiều tài sản giá trị khác. Trên thi thể nạn nhân có nhiều vết bầm tím, nhiều vết máu lạ. Những dấu vết kia nói lên điều gì? Liệu có mối liên hệ giữa các vật chứng với thủ đoạn gây án của hung thủ. Trên cơ sở các dấu vết, vật chứng thu thập tại hiện trường, Ban Chuyên án tiến hành phân tích, đánh giá kỹ lưỡng các tài liệu thu được. Xác định cơ chế hình thành dấu vết, từ đó xác định ông Hậu bị giết trước khi xe lao xuống vực, tạo hiện trường giả vụ tai nạn giao thông. Những thông tin quan trọng từ hiện trường lập tức được trình báo tới Ban Chuyên án. Kết hợp với những tài liệu có được thông qua các biện pháp nghiệp vụ và quần chúng cung cấp, cơ quan điều tra xác định, ra lệnh bắt khẩn cấp Lê Văn Minh, Giám đốc Công ty TNHH một thành viên Văn Minh, có trụ sở tại tiểu khu 1, thị trấn Mai Châu, huyện Mai Châu (Hòa Bình) có quan hệ làm ăn, thân thiết với nạn nhân. Qua đấu tranh khai thác, đối tượng khai nhận hành vi phạm tội trùng khớp với đánh giá, nhận định ban đầu của Thượng tá Đôn và các giám định viên. 

Nhiều lúc thấy anh vất vả, người thân lo lắng, khuyên anh chuyển sang lĩnh vực khác, vừa an nhàn, lại tránh được rủi ro, nguy hiểm. Song thấu hiểu tâm huyết của anh với công việc, gia đình động viên, tạo điều kiện để anh theo đuổi đam mê với nghề. Đó chính là điểm tựa tinh thần để anh vững tin, cống hiến hết mình với nghề, góp phần làm sáng tỏ vụ án, trả lại sự công bằng cho xã hội. Thượng tá Nguyễn Hữu Đôn nhiều năm liên tục đạt danh hiệu “Chiến sỹ Thi đua cơ sở”, là tấm gương tiêu biểu trong phong trào “CAND học tập, thực hiện 6 điều Bác Hồ dạy” của Công an Hòa Bình

Thu Hà
.
.
.